Cuốn sách là hành trình sử thi vĩ đại của dân tộc Việt Nam qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, đặc biệt là hành trình từ thế kỷ XX đến thế kỷ XXI. Mở đầu là lược sử từ nhà nước Văn Lang, qua thời kỳ Bắc thuộc và các triều đại phong kiến, đến hành trình phi thường của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã dành trọn cuộc đời bôn ba tìm đường cứu nước, từ bóng đêm nô lệ, đến việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1930. Đây là sự kiện lịch sử chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về đường lối, mở ra kỷ nguyên mới cho cách mạng Việt Nam.
Sự trở về của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc năm 1941 đã trực tiếp lãnh đạo toàn Đảng, toàn Dân và toàn Quân ta vùng lên giành thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do thực sự.

Ngay sau khi giành được độc lập, dân tộc Việt Nam phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, thử thách qua cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ 9 năm (1945-1954). Hưởng ứng lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến vang dội của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Và đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Với chiến thắng vĩ đại này, đã buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Genève, lập lại hòa bình ở Đông Dương, nhưng đất nước tạm thời phải chia cắt thành hai miền Bắc - Nam.
Sau năm 1954, Việt Nam lại bước vào một cuộc trường chinh mới: kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975). Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tầm nhìn chiến lược và sự lãnh đạo tài tình, tiếp tục là linh hồn của cuộc kháng chiến. Miền Bắc xã hội chủ nghĩa được xây dựng vững mạnh làm hậu phương lớn cho tiền tuyến miền Nam. Quân và dân hai miền đã anh dũng lao động, chiến đấu, từng bước làm thất bại những chiến lược chiến tranh của Mỹ - ngụy.
Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang ở giai đoạn ác liệt nhất, ngày 2/9/1969, Người đã đi xa và để lại muôn vàn tình yêu thương cho toàn Đảng, toàn Dân và toàn Quân ta qua bản Di chúc thiêng liêng. Cùng với tư tưởng, đạo đức của Người, bản Di chúc đã trở thành ngọn hải đăng soi đường, tiếp thêm sức mạnh cho toàn dân, toàn quân ta kiên cường chiến đấu, làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Tuy nhiên, con đường đi tới phồn vinh, hạnh phúc không chỉ dừng lại ở độc lập và thống nhất. Giai đoạn 1976-1986 là một thập kỷ đầy thử thách, khi đất nước vừa phải hàn gắn vết thương chiến tranh, đối phó với cuộc đấu tranh bảo vệ biên giới, vừa phải vật lộn với mô hình kinh tế bao cấp còn nhiều bất cập, dẫn đến khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng. Chính trong bối cảnh khó khăn chồng chất ấy, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam lại một lần nữa tỏa sáng, tạo tiền đề cho một bước ngoặt lịch sử vĩ đại: công cuộc Đổi mới.
Từ Đại hội VI của Đảng (1986), Việt Nam chính thức bước vào kỷ nguyên Đổi mới, mở cửa và hội nhập quốc tế. Gần 40 năm qua, đất nước đã đạt được những thành tựu vượt bậc: từ một nền kinh tế khủng hoảng, Việt Nam đã vươn lên trở thành một nền kinh tế năng động, có tốc độ tăng trưởng cao, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, quan hệ đối ngoại không ngừng được mở rộng và nâng tầm. Việt Nam giờ đây không chỉ là thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế mà còn là đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện của nhiều cường quốc, khẳng định vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế.
Ngày nay, với tầm nhìn chiến lược và sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm, Việt Nam đang bước vào "Kỷ nguyên vươn mình", một giai đoạn phát triển đột phá toàn diện, hướng tới mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Cuốn sách "Việt Nam: Khát vọng vươn mình" là lời tri ân sâu sắc tới các vị tiền bối cách mạng, các thế hệ cha anh đã anh dũng hy sinh xương máu và trí tuệ vì độc lập, tự do của Tổ quốc, đồng thời cũng là lời nhắc nhở thế hệ hôm nay và mai sau không ngừng nỗ lực xây dựng và phát triển đất nước, vững bước trên hành trình vươn mình sánh vai cùng các cường quốc năm châu.
Trân trọng giới thiệu!
VIỆN KINH TẾ, VĂN HÓA VÀ NGHỆ THUẬT