Chuyện về những “nàng tiên cá” ở thủy cung

Để hóa thân thành những “nàng tiên cá” với xiêm y lộng lẫy, quyến rũ, các nữ diễn viên phải tập luyện vất vả và vượt qua nỗi sợ khi đối mặt những loài cá khác nhau.

Vì tình yêu với khán giả, đam mê của bản thân, họ đã kiên trì mỗi ngày để đem đến cho du khách màn biểu diễn hay nhất.

Miệt mài tập luyện, vượt qua nỗi sợ

Những năm trở lại đây, du khách đến VinWonders Nha Trang (Tp.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) khá thích thú khi được xem biểu diễn nàng tiên cá ở thủy cung. Sau nhiều lần biến động nhân sự, hiện nay, nhóm nàng tiên cá còn 3 diễn viên. Mỗi người một cơ duyên đến với nghề nhưng đều vì đam mê mà gắn bó đến ngày hôm nay.

Sinh ra ở làng biển Ba Làng, phường Vĩnh Hòa, Tp.Nha Trang, chị Đinh Thị Uyên Phương (sinh năm 1993) biết bơi từ khi còn là cô bé 6-7 tuổi. Nhớ lại cơ duyên đến với nghề, chị Phương chia sẻ: “Hồi đó, ở trong xóm có một chị làm nàng tiên cá, thấy chị tuyển người, tôi đăng ký theo học. Dù lúc đó không nghĩ mình sẽ trở thành “nàng tiên cá” nhưng có duyên đến với công việc này và yêu thích nên tôi đã gắn bó đến bây giờ, cũng đã 8 năm rồi”.

Dân sinh - Chuyện về những “nàng tiên cá” ở thủy cung

Ngồi bên thành bể, hai diễn viên xỏ đuôi cá vào đôi chân trần, làm quen với nước để chuẩn bị biểu diễn.

Còn chị Lê Thị Na (sinh năm 1995, trú phường Vĩnh Hải, Tp.Nha Trang), là một trong những “nàng tiên cá” đời đầu, sinh ra trong gia đình làm nghề biển tại Khánh Hòa. Năm 2013, khi vừa tròn 18 tuổi, được một chị trong xóm rủ đi làm công việc này, chị đã bắt đầu tập luyện và gắn bó đã 9 năm qua. Ngoài 2 chị Na và Phương, còn có chị Nguyễn Thị Ngọc Thúy (sinh năm 1994) cũng đã theo nghề được 5 năm nay.

Những giây phút háo hức, tò mò của ngày đầu khi mới biết đến công việc này dần thay thế bởi thực tế nhiều khó khăn. Để được sống với nghề, theo đuổi đam mê thì các chị phải miệt mài luyện tập.

Chị Phương chia sẻ: “Công việc này quan trọng là tập lặn sâu nên giai đoạn đầu tôi gặp khá nhiều khó khăn trong việc nhả hơi và không lặn sâu xuống được. Đôi lúc cũng cảm thấy nản muốn bỏ cuộc, nhưng nghĩ đến việc mình sẽ được biểu diễn cho mọi người xem nên đã cố gắng hết sức. Đi được đến ngày hôm nay, tôi vui vì mình đã vượt qua thử thách của thời gian đầu để tiếp tục theo đuổi đam mê”.

Dân sinh - Chuyện về những “nàng tiên cá” ở thủy cung (Hình 2).

Khán giả háo hức và thích thú khi được xem màn biểu diễn của 2 nàng tiên cá.

Nhìn nàng tiên cá xiêm y lộng lẫy, nhưng ít ai biết rằng nghề này rất vất vả. Những ngày đầu được bơi cùng những loài cá, loài rùa lớn nhỏ khác nhau tuy thích nhưng chị Phương vẫn rất sợ.

Trong lúc diễn cũng nhiều lần va chạm nhưng chị cố gắng vượt qua nỗi sợ để hoàn thành màn biểu diễn của mình. Sau khi quen dần chị cảm thấy chúng thật đáng yêu và hỗ trợ rất nhiều khi diễn. Còn với chị Na, lần đầu tiên được xuống bể chính biểu diễn, chị đã rất hồi hộp và nghĩ mình sẽ không bơi được. Nhưng với tình yêu nghề, chị đã trấn tĩnh lại và hoàn thành tiết mục biểu diễn của mình.

Những “nàng tiên cá” nơi thủy cung

Đúng 10h45, chị Na và Phương bước xuống bể cá ở Thủy cung VinWonders Nha Trang. Ngồi bên thành bể, hai diễn viên xỏ đuôi cá vào đôi chân trần. Sau đó, cả 2 giúp nhau chỉnh sửa trang phục cho vừa vặn người rồi từ từ bước xuống bể nước lạnh, bơi nhanh về phía bể kính của thủy cung, nơi có rất nhiều khán giả đang chờ xem show “Tiếng gọi của đại dương”.

Theo sau là một thợ lặn vào vai hoàng tử để hỗ trợ các nàng tiên cá khi có sự cố. Với những chiếc đuôi cá nhiều màu sắc, 2 nàng tiên cá xuất hiện cùng với mái tóc bồng bềnh trong nước, thân hình uyển chuyển uốn lượn mềm mại đã khiến khán giả không thể rời mắt.

Dân sinh - Chuyện về những “nàng tiên cá” ở thủy cung (Hình 3).

Nàng tiên cá Đinh Thị Uyên Phương bơi ngang chào khán giả, cùng với đó là những suối bong bóng khí trong suốt tràn ra đầy lãng mạn.

Tiếng kể chuyện vang lên trong thủy cung lúc trầm lúc bổng ăn khớp với từng động tác biểu diễn của nàng tiên cá. Tận mắt nhìn thấy những đàn cá bơi lội tung tăng cùng với 2 nàng tiên cá, người xem như nhìn thấy cả thế giới đại dương trước mặt.

Dường như nghe được tiếng cổ vũ của khán giả, các nàng tiên cá thi nhau trổ tài bơi lặn. Không chỉ bơi ngang mặt hồ vẫy chào khán giả, các nàng tiên cá còn đột nhiên xuất hiện từ trên xuống rồi lặn sát dưới đáy biển. Đôi khi lại lộn vòng tròn đẹp mắt và ghé sát mặt kính nở nụ cười tươi, vẫy tay chào du khách, hay làm các động tác bày tỏ tình yêu. hôn gió… Cùng với đó là những suối bong bóng khí trong suốt từ đôi môi xinh tràn ra đầy lãng mạn

Chị Nguyễn Đặng Cát Tường, du khách đến từ tỉnh Long An chia sẻ: “Tôi thấy tạo hình của các nàng tiên cá rất đẹp, váy áo lộng lẫy. Dù ở dưới nước rất khó biểu diễn nhưng các chị không chỉ lặn giỏi mà còn múa đẹp nữa. Nội dung câu chuyện kêu gọi mọi người cùng nhau bảo vệ môi trường, không vứt thải xuống biển làm ảnh hưởng đến nguồn nước và môi trường sống của các loài sinh vật biển nên tôi thấy rất có ý nghĩa”.

Dân sinh - Chuyện về những “nàng tiên cá” ở thủy cung (Hình 4).

Để thực hiện những động tác như hôn gió, chụm tay hình trái tim hay nhào lộn… nàng tiên cá Lê Thị Na phải học cách điều tiết hơi thở hợp lý.

Theo ông Lê Quí Lượng, Trưởng bộ phận Thủy cung VinWonders Nha Trang, show diễn nàng tiên cá ra đời vào năm 2010 từ ý tưởng của những người làm việc ở đây. Nàng tiên cá đầu tiên là Nguyễn Thị An, cựu vận động viên bơi lội của Khánh Hòa, khi ấy đang làm việc tại thủy cung. Do chưa có nơi nào biểu diễn nàng tiên cá nên chị phải tự mày mò, tìm xem các clip, phim, hình ảnh về nàng tiên cá để nghiên cứu cách biểu diễn phù hợp nhất. Sau đó, chị tự tuyển chọn, đào tạo để xây dựng nên nhóm nàng tiên cá ở thủy cung này.

“Hiện nay, chương trình biểu diễn có kịch bản cụ thể và qua câu chuyện, chúng tôi muốn lan tỏa thông điệp cùng nhau bảo vệ môi trường vì một cuộc sống xanh, môi trường xanh, hạn chế rác thải. Show diễn có bản sắc riêng, gợi trải nghiệm và tò mò nên thu hút rất nhiều du khách đến xem, nhất là trẻ em”, ông Lượng cho biết.

Dân sinh - Chuyện về những “nàng tiên cá” ở thủy cung (Hình 5).

Khán giả chụp ảnh và quay lại những màn biểu diễn không thể rời mắt do các nàng tiên cá biểu diễn.

Trải lòng của nàng tiên cá

Để biểu diễn trong 10 phút dưới nước ấy, mỗi lượt lặn các cô gái phải nín thở từ 45 giây đến 1 phút, sau đó trồi lên mặt nước lấy hơi rồi tiếp tục lặn. “Vừa lặn ở độ sâu 4-5m lại còn phải cười với khán giả, thổi bong bóng khi hôn gió hay làm các động tác nhào lộn nên rất mất sức. Vì vậy, bản thân mỗi người phải biết điều tiết hơi thở hợp lý cũng như cách xử lý khi bị đuối hơi”, chị Na cho biết.

Với chị Phương, kỷ niệm đẹp nhất là lúc bơi trong bể nghe được tiếng vỗ tay, reo hò của khán giả bên ngoài. Dù rất hồi hộp khi lần đầu tiên xuống nước biểu diễn nhưng nhờ sự cổ vũ của khán giả, chị đã lấy lại sự tự tin, bình tĩnh để hoàn thành tiết mục trọn vẹn cùng với bạn diễn. Trong 8 năm qua, chị Phương chỉ gián đoạn công việc khi mang bầu và sinh con.

Dân sinh - Chuyện về những “nàng tiên cá” ở thủy cung (Hình 6).

Khi các nàng tiên cá biểu diễn sẽ có một thợ lặn vào vai hoàng tử để hỗ trợ.

Trong suốt thời gian làm nghề, chị Na có rất nhiều kỷ niệm nhưng thích nhất là những lúc ôm các chú rùa bơi qua bơi lại cho khách xem. Có một lần, trong lúc biểu diễn chị gặp trục trặc chính với những chú rùa ấy.

 “Thấy chiếc đuôi cá sặc sỡ, có tua rua nữa nên một chú rùa tưởng là thức ăn nên cắn vào. Lúc này, đang bơi tự dưng cảm thấy nặng, tôi cứ tưởng đuôi bị mắc vào đá. Đến khi kéo lên mới thấy chú rùa đang ngậm đuôi cá và níu mình lại. Khách ở bên ngoài nhìn vào thì thấy rất hài hước và cười nhiều, nhưng lúc đó thật sự rất nguy hiểm vì nếu không giữ được bình tĩnh sẽ rất dễ bị mất hơi”, chị Na chia sẻ.

Khi hóa thân thành nàng tiên cá, những tai nạn nhỏ như bị chuột rút, xây xước khi vô tình chạm phải sinh vật biển trong thủy cung, hay làn da bị xấu đi do ngâm lâu dưới nước là điều khó tránh khỏi. May mắn cho cả chị Phương và Na là gia đình ủng hộ làm công việc này.

Dân sinh - Chuyện về những “nàng tiên cá” ở thủy cung (Hình 7).

Sự xuất hiện của các loài sinh vật biển làm cho show diễn thêm phần ấn tượng.

Thấy các chị phải dầm mình dưới nước kể cả ngày mưa cũng như nắng, nhiều người cũng khuyên các chị bỏ nghề. Bên cạnh đó, biểu diễn nàng tiên cá khá vất vả nhưng thu nhập không cao nên mỗi người đều tự tìm thêm việc khác để làm. Sau giờ diễn, chị Phương và chị Na làm thêm nghề nail (sơn vẽ móng tay, chân), đây cũng là công việc mà cả 2 dự định gắn bó sau này. Còn chị Thúy làm thêm ở tiệm bánh và buôn bán nhỏ để trang trải cuộc sống.

Tuy nhiên, vì đam mê bơi lội, yêu thích công việc này nên sau khi sinh con chị Phương vẫn tiếp tục với nghề. Còn chị Na thì nghĩ rằng “cứ làm đến lúc nào không làm được nữa hoặc không phù hợp với sức khỏe thì mới nghỉ”. Chính tình yêu và trách nhiệm với nghề nên dù trời nắng, mưa hay bị bệnh, dù gặp không ít khó khăn nhưng các “nàng tiên cá” đều cố gắng, giúp đỡ nhau cùng hoàn thành màn biểu diễn một cách trọn vẹn nhất.

Dân sinh - Chuyện về những “nàng tiên cá” ở thủy cung (Hình 8).

Để có được 10 phút biểu diễn dưới nước, các nàng tiên cá phải tập luyện rất nhiều.

Dân sinh - Chuyện về những “nàng tiên cá” ở thủy cung (Hình 9).

Dẫu công việc khá vất vả nhưng với tình yêu nghề, các nàng tiên cá luôn cố gắng hoàn thành tốt nhất buổi biểu diễn.

Dân sinh - Chuyện về những “nàng tiên cá” ở thủy cung (Hình 10).

Đến khi hoàng tử và 2 nàng tiên cá chào kết thúc show diễn, khán giả vẫn nhìn theo tiếc nuối.

Dân sinh - Chuyện về những “nàng tiên cá” ở thủy cung (Hình 11).

Clip: Các nàng tiên cá biểu diễn cho du khách xem.

Châu Tường

Link nội dung: https://vanhoathoidai.vn/chuyen-ve-nhung-nang-tien-ca-o-thuy-cung-a16899.html