Trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị, ông Vương Xuân Nguyên, Viện trưởng Viện Kinh tế, Văn hóa và Nghệ thuật cho rằng phát huy những giá trị văn hóa truyền thống trong phát triển làng nghề là một trong những yếu tố quan trọng giúp duy trì bản sắc dân tộc và thúc đẩy kinh tế địa phương.
Theo Viện trưởng Viện Kinh tế, Văn hóa và Nghệ thuật, TP Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 331 làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống được công nhận, hội tụ bởi 47/52 nghề trong tổng số nghề truyền thống của cả nước, thuộc địa bàn 25 quận, huyện, thị xã. Doanh thu của các làng nghề ước đạt trên 24.000 tỷ đồng/năm.
“Mặc dù tổng giá trị đóng góp của kinh tế làng nghề trong những năm qua liên tục tăng trưởng và đã đạt được những thành tựu rất đáng ghi nhận, nhất là việc giải quyết công ăn việc làm, đóng góp thiết thực vào đảm bảo công tác an sinh xã hội. Tuy nhiên, sự phát triển đó chưa thể tương xứng với tiềm năng thế mạnh vốn có của làng nghề Hà Nội. Luật Thủ đô vừa được Quốc hội sửa đổi bổ sung sẽ tạo ra nhiều chính sách khuyến khích đủ mạnh để kinh tế nông thôn của Hà Nội nơi chung và lĩnh vực làng nghề nói riêng có thêm động lực mới để có thể phát triển nhanh mạnh và bền vững…”, ông Vương Xuân Nguyên chia sẻ.
Cũng theo Viện trưởng Viện Kinh tế, Văn hóa và Nghệ thuật, trong thời gian tới Hà Nội cần tập trung vào nhóm giải pháp phát huy những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của từng địa phương trong Chương trình OCOP, xây dựng nông thôn mới để nâng cao giá trị gia tăng, tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo mang dấu ấn văn hóa của từng địa phương để tạo lợi thế cạnh tranh, đẩy mạnh việc xuất khẩu văn hóa và thu hút du lịch.
Theo đó, Viện trưởng Viện Kinh Tế, Văn hóa và Nghệ thuật khuyến nghị 07 giải pháp để phát huy những giá trị văn hóa trong bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội:
Một là, Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống: Hỗ trợ đào tạo và truyền nghề cho thế hệ trẻ, khuyến khích họ tiếp tục phát triển các kỹ thuật truyền thống và sáng tạo thêm những sản phẩm mới dựa trên nền tảng sẵn có.
Hai là, Kết hợp du lịch văn hóa: Tận dụng các làng nghề để phát triển du lịch, tạo ra các tour tham quan, trải nghiệm thực tế tại làng nghề, từ đó giới thiệu văn hóa truyền thống đến du khách trong và ngoài nước.
Ba là, Xây dựng thương hiệu sản phẩm: Đăng ký bảo hộ thương hiệu, xây dựng các câu chuyện thương hiệu hấp dẫn dựa trên lịch sử và giá trị văn hóa của làng nghề, từ đó nâng cao giá trị và uy tín sản phẩm trên thị trường.
Bốn là, Ứng dụng công nghệ và marketing hiện đại: Sử dụng công nghệ thông tin và mạng xã hội để quảng bá sản phẩm, tiếp cận khách hàng một cách hiệu quả hơn, đồng thời tăng cường kênh bán hàng trực tuyến.
Năm là, Hỗ trợ chính sách từ nhà nước: Đề xuất và triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề từ nhà nước như vay vốn ưu đãi, miễn giảm thuế, đầu tư cơ sở hạ tầng.
Sáu là, Tạo môi trường học tập và giao lưu văn hóa: Tổ chức các hội thảo, triển lãm, ngày hội văn hóa để các nghệ nhân làng nghề có cơ hội giao lưu, học hỏi lẫn nhau và giới thiệu sản phẩm của mình đến đông đảo công chúng.
Bảy là, Phát triển sản phẩm chất lượng cao: Đảm bảo chất lượng sản phẩm, duy trì và nâng cao tiêu chuẩn sản xuất để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Việc phát huy những giá trị văn hóa truyền thống không chỉ giúp bảo tồn di sản dân tộc mà còn đóng góp vào sự phát triển bền vững của các làng nghề, tạo ra nhiều cơ hội việc làm và cải thiện đời sống cho người dân địa phương.
QT