Trong tư tưởng kinh tế của Hồ Chí Minh, nông nghiệp và nông dân giữ vai trò cốt lõi. Với một quốc gia chủ yếu là nông nghiệp, Người đề ra cơ cấu kinh tế nông - công nghiệp, trong đó nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, đảm bảo an ninh lương thực để thúc đẩy công nghiệp hóa và trở thành hậu phương vững chắc cho sự nghiệp cách mạng.
Hồ Chí Minh chỉ rõ: Nền kinh tế nước ta phải là một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, hiện đại về công nghiệp và nông nghiệp, dựa trên tiến bộ khoa học và kỹ thuật. Người khẳng định: "Trên cơ sở kinh tế xã hội chủ nghĩa ngày càng phát triển, cách bóc lột theo chủ nghĩa tư bản sẽ dần bị xóa bỏ, đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân ngày càng được cải thiện".
Nền kinh tế xã hội chủ nghĩa phải được xây dựng trên nền tảng sở hữu công cộng về tư liệu sản xuất. Trong giai đoạn quá độ, Hồ Chí Minh xác định bốn hình thức sở hữu chính: sở hữu nhà nước (của toàn dân), sở hữu hợp tác xã (tập thể nhân dân lao động), sở hữu cá nhân (người lao động riêng lẻ), và sở hữu tư bản (một ít tư liệu sản xuất thuộc sở hữu của nhà tư bản). Trong đó, kinh tế quốc doanh giữ vai trò lãnh đạo và cần được Nhà nước ưu tiên phát triển. Như vậy, Hồ Chí Minh là người đầu tiên đưa ra chủ trương phát triển kinh tế nhiều thành phần trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Người nhấn mạnh tầm quan trọng của công nghiệp hóa: "Muốn đời sống nhân dân mãi mãi sung sướng, phải công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa". Người cũng đặc biệt coi trọng vai trò của công nghiệp nặng, xem đây là yếu tố quyết định cho sự thành công của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh vai trò của khoa học và kỹ thuật trong phục vụ sản xuất. Người chỉ rõ: "Khoa học phải bắt nguồn từ sản xuất và trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống nhân dân". Theo Người, mọi ngành, mọi người đều phải tham gia vào công tác khoa học kỹ thuật.
Về quản lý kinh tế, Hồ Chí Minh coi việc quản lý và hạch toán là chìa khóa để phát triển kinh tế quốc dân. Người nhấn mạnh: "Quản lý một nước cũng như quản lý một doanh nghiệp: phải có lãi", "ở xí nghiệp phải có quản lý, biết thu vào tiêu ra, mới biết lỗ lãi, ai làm tốt, ai không".
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đề xuất chính sách mở cửa và hợp tác với các nước để thu hút ngoại lực, đồng thời phát huy nội lực.
Người cũng từng bước đề cập đến cơ chế khoán trong sản xuất, khuyến khích người lao động nâng cao năng suất và tiến bộ: "Chế độ làm khoán là điều kiện của chủ nghĩa xã hội, nó khuyến khích người công nhân luôn luôn tiến bộ, cho nhà máy tiến bộ. Làm khoán là ích chung và lợi riêng".
Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và phát triển văn hóa
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã định nghĩa văn hóa một cách toàn diện: "Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn". Định nghĩa này không chỉ phản ánh nguồn gốc, động lực mà còn cấu trúc của văn hóa, khẳng định văn hóa thuộc lĩnh vực đời sống tinh thần, là kiến trúc thượng tầng của xã hội.
Theo Hồ Chí Minh, văn hóa có những nhiệm vụ chủ yếu như:
- Bồi dưỡng con người có tư tưởng đúng đắn và tình cảm cao đẹp.
- Nâng cao dân trí, chủ trương quyết tâm xóa nạn mù chữ, giáo dục mọi người học để làm việc, làm người, và đóng góp cho xã hội.
- Bồi dưỡng phẩm chất tốt đẹp, hướng con người tới chân, thiện, mỹ để không ngừng hoàn thiện bản thân.
Hồ Chí Minh coi văn hóa là động lực, mục tiêu của cách mạng. Người nhấn mạnh: "Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy". Văn hóa phải phục vụ quần chúng nhân dân, phải phù hợp với trình độ và nhu cầu của họ. Khi cầm bút viết, Người nhắc nhở: "Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào?", khẳng định "nghệ thuật phải gắn bó với cuộc sống".
Người rất quan tâm đến việc xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống văn minh, và đề cao các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đồng thời kêu gọi thay đổi những thói quen không phù hợp, như: "Cái cũ mà xấu thì bỏ, cái cũ mà tốt thì phát triển, cái mới mà hay thì làm".
Tư tưởng Hồ Chí Minh về nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là phát triển sản xuất để nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân. Người chỉ thị rõ: "Phải làm cho dân có ăn, có mặc, có chỗ ở, và được học hành".
Người đặc biệt chú trọng đến việc cân bằng lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội, coi đây là động lực quan trọng trong quá trình phát triển. Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh: "Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng. Không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên", đồng thời khẳng định rằng công bằng xã hội không có nghĩa là cào bằng, mà phải khuyến khích sự nỗ lực và tiến bộ.
Cuối cùng, Người coi giáo dục là quốc sách, đòi hỏi mọi cán bộ, đảng viên phải nắm vững khoa học, kỹ thuật, và không ngừng học tập để nâng cao dân trí, phát triển đất nước.
Viện Kinh tế - Văn hóa và Nghệ thuật
Link nội dung: https://vanhoathoidai.vn/tu-tuong-ho-chi-minh-ve-phat-trien-kinh-te-va-van-hoa-a44004.html