Năm 2017, sự kiện Khaisilk, một thương hiệu lụa tơ tằm có tiếng trong và ngoài nước, từng là niềm tự hào của một ngành nghề truyền thống có lịch sử phát triển hàng ngàn năm ở Việt Nam bỗng trở nên sụp đổ và mất "thương hiệu" bởi một hành vi gian lận "treo đầu dê bán thịt chó" khi người tiêu dùng phát hiện lụa có nguồn gốc Trung Quốc được gắn mác Khaisilk Việt Nam.
Hành vi trục lợi trước mắt của Khaisilk đã làm mất đi bao lợi ích lâu dài và những giá trị văn hóa của một ngành nghề truyền thống có từ lâu đời của người Việt. Chúng ta có thể kể ra vô số những cái mất mát đau lòng từ việc làm gian dối của Khaisilk như: Mất công ăn việc làm của bao người thợ thủ công mỹ nghệ truyền thống ở các làng nghề dệt lụa; Chảy máu ngoại tệ do mua sản phẩm lụa nước ngoài; Mất đi lòng tự tôn niềm tự hào dân tộc qua một sản phẩm mang "made in Viet Nam", không tôn trọng chính những giá trị nghề nghiệp cũng như giá trị văn hoá truyền thống của ông cha đã trao truyền bao thế hệ; Cổ súy cho lối tiêu dùng sính ngoại bài nội; Mất hình ảnh và thương hiệu của ngành lụa tơ tằm, hoà tan những giá trị bản sắc văn hoá truyền thống gần gũi thân thuộc với đời sống của chúng ta; Nghiêm trọng hơn cả là từ chỗ mất lòng tin cho đến sự xúc phạm người tiêu dùng bao năm tin tưởng vào một thương hiệu có bề dày trên 30 năm rất có thể trở thành tiền lệ xấu khi tạo ra hiệu ứng Đô mi nô, lây truyền sự kém thiện cảm của người tiêu dùng trong và ngoài nước về các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm làng nghề truyền thống Việt Nam...
Từ câu chuyện của Khaisilk nhiều người đã nghĩ về thương hiệu cây cảnh nghệ thuật Việt Nam. Cũng giống như lụa Vạn Phúc, cây cảnh nghệ thuật Việt Nam cũng có truyền thống hình thành và phát triển lâu đời! Nó kết tinh bản sắc văn hoá, phong tục tập quan, lối sống và thể hiện nhân sinh quan của người Việt rất rõ ràng...được đúc rút qua bao đời. Nó là sản phẩm truyền thống mang thông điệp giá trị văn hóa dân tộc và thời đại mà nhiều người ví như "thành trì" bất khả xâm phạm của cây cảnh ngoại mang giá trị văn hóa ngoại lai khi thâm nhập thị trường Việt Nam.
Bởi từ cơ sở văn hoá cộng đồng đến sự phù hợp về thổ nhưỡng khí hậu và yêu cầu ngoại cảnh mà người xưa đã chọn ra những loại cây cảnh phổ biến có tuổi thọ lâu đời gắn với đặc trưng từng vùng miền để yêu thích thưởng ngoạn và định hướng cho con cháu đời sau. Miền Bắc thích trồng và chơi cây Sanh, Si, Đa, Đề còn miền Nam lại thích Nguyệt quế, Cần thăng, Mai chiếu thủy...Hình ảnh cây Sanh, Si, Đa, Đề gắn với hình ảnh những chiếc cổng làng rêu phong cổ kính hay những công trình kiến trúc linh thiêng đã ăn vào tiềm thức của bao thế hệ người Việt. Nó đi vào thơ ca hò vè, vào lời ru của mẹ, lời giảng của thầy cô ngay từ tuổi ấu thơ. Lớn lên chính dưới bóng cổ thụ đầu làng này đã gắn với bao hoạt động của cộng đồng, diễn xướng các trò chơi dân gian. Nó là nơi ta hò hẹn, là nơi tiễn biệt những người con thân yêu ra chiến trường làm nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc, nó còn là thành lũy bất khả xâm phạm của kẻ thù. Để rồi nhắc đến "cây đa, giếng nước sân đình", "quê hương là chùm khế ngọt" là nhắc đến hồn quê đất Việt dù ở nơi đâu cũng khắc khoải nhớ mong.
Ngày nay, không gian văn hóa làng ngày càng bị thu hẹp nhường chỗ cho Nông thôn mới và Đô thị văn minh. Những tàng cây cổ thụ mang nét đẹp hồn quê đất Việt càng ngày càng thưa vắng, xa dần vào đi vào kí ức tuổi thơ. Sớm ý thực được cuộc vận động mang tính tất yếu này, vào đầu của thập niên 60 của thế kỷ trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hướng đồng bào mình hình thành một mỹ tục mới: "Tết Trồng cây". Tiếp nối những giá trị đó, 30 năm sau hơn 20 nhà cách mạng tiền bối đã thành lập Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam nhằm tập hợp những nhà khoa học, mỹ học, nghệ nhân và những người yêu thiên nhiên và Sinh Vật Cảnh hướng đến mục tiêu bảo tồn và phát huy những bản sắc văn hóa của ông cha trong lĩnh vực Sinh Vật Cảnh, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa của nhân loại góp phần bảo vệ môi trường, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Có thể nói đây là một trong những tổ chức xã hội nghề nghiệp về hoa, cây cảnh, đá cảnh, chim cảnh, gỗ lũa nghệ thuật...sớm nhất trên thế giới.
Gần 30 năm hình thành và phát triển của Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam, từ chỗ chỉ là một thú chơi văn hóa thuần túy với sự tham gia của một số ít người có điều kiện trong xã hội đã phát triển thành một ngành kinh tế sinh thái có giá trị cao với hơn 4 triệu người tham gia. Chính ngành kinh tế giàu tiềm năng này đã tạo ra sự thay da đổi thịt cho nhiều làng quê Việt Nam, là một ngành hàng quan trọng trong quá trình tái cấu trúc ngành nông nghiệp nước ta phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Những chuyến hàng xuất khẩu hoa cây cảnh từ các làng nghề truyền thống của Việt Nam như làng Vị Khê (Nam Định), Chợ Lách (bến Tre), Sa Đéc (Đồng Tháp), Gò Công (Tiền Giang), Đà Lạt (Lâm Đồng), Quảng Bá, Tây Tựu, Mê Linh (Hà Nội)...dẫu chưa phải là nhiều sang các nước láng giềng mang theo cả hình ảnh và giá trị văn hóa, thương hiệu Việt thật tự hào biết bao.
Hội nhập toàn cầu mang lại những cơ hội và thách thức đan xen đã được chúng ta nhận thức và sẵn sàng với tâm thế "hòa nhập nhưng không hòa tan", nhất là ở những lĩnh vực kết tinh nhiều giá trị văn hóa truyền thống. Cơ hội là sự mở rộng giao lưu và trải nghiệm các giá trị văn hoá khác biệt toàn cầu trên tất cả các lĩnh vực, bổ sung những tri thức mới để hoàn thiện đến cơ hội mở rộng thị trường phân phối. Từ đó nó cũng thúc đẩy sáng tạo mở rộng những giá trị gia tăng, kích thích phát triển những giá trị khác biệt. Thách thức là đánh mất mình, sự lu mờ các giá trị văn hóa, bị những giá trị ngoại lai bào mòn, tri phối "xâm lấn" ngay trên sân nhà. Từ sự lệ thuộc hàng hóa đến sự phai nhạt những bản sắc văn hóa truyền thống bao đời là điều khó tránh khỏi.
Ngay từ những năm đầu thành lập Hội, những nhà sáng lập đã cử ra Ban Đối ngoại do Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Duy Quý làm trưởng ban, Tiến sĩ Ngô Kiều Oanh làm phó ban cùng một số nhà khoa học đã tham gia sáng lập Liên đoàn hữu nghị Bonsai châu Á Thái Bình Dương và Liên đoàn hữu nghị Bonsai Quốc tế để thúc đẩy giao lưu hợp tác quốc tế về chuyên ngành Sinh Vật Cảnh và thực hiện đường lối đối ngoại nhân dân của Đảng và Nhà nước. Tiếp sau đó là sự tiếp nối của doanh nhân Nguyễn Thị Hoàng (Hoàng Ny), nghệ nhân Lâm Ngọc Vinh cùng với những nghệ nhân trẻ tuổi tài năng đã có nhiều cố gắng trong việc thúc đẩy giao lưu hợp tác và trao đổi chuyên môn cây cảnh nghệ thuật, bonsai, tiểu cảnh non bộ...
Sau mấy chục năm thúc đẩy giao lưu hợp tác quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nước ngoài trong lĩnh vực Bonsai, tiếp biến từ những tri thức có chọn lọc của nhân loại về làm phong phú cây cảnh nghệ thuật Việt Nam. Để giờ đây, chính người Nhật, người Hàn, người Đài loan đến thăm cây cảnh lá kim ở Đà Lạt (Lâm Đồng) hay những loại cây lá nhỏ thân gỗ ở Bình Định phải trầm trồ thán phục. Tại Lễ hội Bonsai châu á Thái Bình Dương năm 2015 tại Thành phố Hồ Chí Minh (ABFF 2015), chính những nghệ nhân Bonsai khắp các châu lục đã chứng kiến những tác phẩm bonsai do người Việt trực tiếp tạo tác trên những loại cây bản địa. Họ đã bày tỏ sự ngưỡng mộ về những bước tiến của Việt Nam trong tạo hình cây cảnh nghệ thuật đương đại. Riêng nghệ nhân Lâm Ngọc Vinh hàng năm được nhiều quốc gia mời giảng dạy về Bonsai, Tiểu cảnh non bộ. Trung tâm Bonsai Thanh tâm của doanh nhân Hoàng Ny, Đại sứ Bonsai Quốc tế (2013) đã trực tiếp đào tạo nhiều khóa về nghệ thuật tạo hình Bonsai Việt Nam cho học viên đến từ nhiều quốc gia. Phong trào cây cảnh cây thế cổ mấy năm trở lại đây cũng có được bước phát triển đáng khích lệ.
Ngay ở Hà Nội, Hội Cây cảnh nghệ thuật đã tích cực nghiên cứu, tìm tòi, kế thừa và sáng tạo hình thành một trường phái cây cảnh nghệ thuật với những nét độc đáo riêng được giới chơi gọi là "Trường phái Bonsai Hà Nội". Từ thú chơi đến cách chơi cây cảnh của người Hà Nội khác hẳn các vùng miền khác bởi sự cầu kỳ về thẩm mỹ, nghệ thuật và thế cây. Ấy chính là cái tinh thần, cốt cách rất riêng của người đất này. Trường phái đó, cách chơi đó đã hội tụ được tinh hoa của Cây cảnh nghệ thuật Việt Nam đã được hun đúc từ hàng ngàn năm lịch sử, coi trọng sự "Phô thân, khoe lá, lộ căn. Nhất bệ, nhì thân, tam cành, tứ lá". Đó là những minh chứng sinh động cho cây cảnh nghệ thuật Việt Nam trong quá trình hội nhập cùng bonsai Quốc tế cũng như sự đúng đắn của phương hướng hội nhập văn hóa Sinh Vật Cảnh là "Đi tìm sự thống nhất trong đa dạng khác biệt văn hóa. Hòa nhập nhưng không hòa tan. Bảo vệ những bản sắc văn hóa của ông cha đi đôi với tiếp thu một cách có chọn lọc tinh hoa văn hóa Sinh Vật Cảnh nhân loại".
Những tưởng với truyền thống hàng ngàn năm lịch sử, bề dày hình thành phát triển nghề trồng hoa cây cảnh cũng ngót nghìn năm, sự nhanh nhạy và chủ động trong tiếp thu những cái mới, tinh hoa Bonsai thế giới chúng ta sẽ tạo ra những giá trị khác biệt và lợi thế so sánh có thể cạnh tranh được với hoa cây cảnh ngoại ở cả thị trường trong và ngoài nước. Nhưng những kỳ vọng tốt đẹp đó đã và đang vấp phải một số rào cản do chính tâm lý và thói quen tiêu dùng của chúng ta gây ra. Đó chính là khả năng liên kết để tạo ra một chuỗi giá trị hàng hóa hoàn hảo của chúng ta còn nhiều hạn chế theo kiểu "Một người làm thì tốt, ba người làm thì kém, bảy người làm thì hỏng"; không đoàn kết nội bộ và cạnh tranh thiếu lành mạnh; Tư duy kinh nghiệm manh mún; Hành động theo "tâm lý đám đông"...Nhưng lại sính ngoại, dễ dãi trong du nhập văn hóa ngoại lai, nghèo nhưng lại thích chơi ngông, thích hưởng thụ, thích của lạ, của khác người; tâm lý ganh thua phân biệt đẳng cấp không xuất phát từ nền tảng văn hóa, tri thức đến hiện thực cuộc sống. Đã thế lại hay "dìm hàng", dèm pha và không dễ gì chấp nhận người khác hơn mình. Cùng một tác phẩm đẹp nếu không để tên chủ sở hữu hoặc để tên chủ sở hữu xa lạ không quen biết, người ta có thể khen hết lời nhưng là sở hữu của đồng nghiệp, hàng xóm, người thân lại là vấn đề hoàn toàn khác. Thập chí tác phẩm này trước kia thuộc sở hữu của mình là đứa con tinh thần do chính mình trực tiếp tạo tác rất đỗi trân trọng, nay thuộc sở hữu của chủ nhân mới cũng tìm cách đánh "tụt điểm" bằng mọi cách...
Thế là có Hội đông nhưng không mạnh, có lãnh đạo nhưng không có thủ lĩnh, có phong trào Sinh Vật Cảnh sâu rộng nhưng thiếu định hướng rõ ràng; có nhiều cuộc trưng bày hội thi triển lãm nhưng không định ra bộ tiêu chí để phân loại và tôn vinh khích lệ những sáng tạo mới mang tính đột phá và dẫn dắt thị trường. Thậm tệ hơn là có biểu hiện "bài xích, ghen tỵ lẫn nhau", người chơi cây cổ truyền thống không thích người chơi theo phong cách hiện đại và ngược lại. Cộng với mẫu mã chưa phong phú đa dạng, thông tin thị trường cây cảnh chưa minh bạch, hình thành thị trường giao dịch ngầm đã tạo ra sự nhốn nháo, trong không ít trường hợp là thiếu lành mạnh, "thông tin bất cân xứng giữa người mua và người bán"...đã cho không ít người có tâm lý dè dặt, hoài nghi về cây cảnh nội địa, vô hình chung đã kích thích sự dịch chuyển sang cây ngoại lai. Dẫu họ biết chắc chắn rằng cây ngoại phải mất thời gian thích nghi với điều kiện và môi trường của Việt Nam, sự rủi ro từ hàng ngoại cao hơn rất nhiều so với cây nội địa.
Trong khi, các nước có nền kinh tế phát triển hơn quanh ta, họ rất coi trọng đến phát triển "kinh tế hình ảnh", tiếp thị sản phẩm và cải biến những "nhược điểm" của đối phương để chiếm lĩnh thị trường. Kết quả là những năm gân đây, Việt Nam trở thành “thiên đường” tiêu thụ các loại hoa cây cảnh quốc tế, nhất là của Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan...Theo số lượng khảo sát của Viện Nghiên cứu Rau quả thì hàng năm chúng ta xuất khẩu hoa cây cảnh đạt khoảng 50 triệu USD, chủ yếu là xuất khẩu hoa trong khi con số nhập khẩu thì lớn hơn rất nhiều lần. Theo Công ty TNHH Gia Viễn, một công ty hoa tiêu xuất khẩu hoa cây cảnh của Nhật Bản tại Việt Nam thì hàng năm Việt Nam nhập khẩu hoa cây cảnh của Nhật Bản từ 30 - 45 triệu USD qua đường chính ngạch, chưa có thống kê về hàng nhập qua tiểu ngạch, tạm nhập tái xuất. Theo những đầu mối chuyên nhập khẩu cây cảnh thì con số giá trị nhập khẩu cây cảnh từ thị trường bonsai cây cảnh của Đài Loan còn lớn hơn rất nhiều.
Nhớ lại hình ảnh những người Việt xa lạ từ nhiều địa phương xúc động khóc trong niềm tự hào dân tộc khi gặp nhau tại một khu vườn cảnh nhỏ xinh mang đậm chất văn hóa Việt Nam rộng khoảng 500m2 được trưng bày toàn cây cảnh truyền thống Việt Nam trên đất Chiềng Mai (Thái Lan), món quà do Chính phủ và Nhân dân Việt Nam tặng nhà vua Thái Lan năm 2006 mà thấy chạnh lòng khi thấy ngay trên quê nhà giờ đây lại có những vườn cảnh Nhật Bản, Đài Loan hoàn toàn mang văn hóa ngoại lai lại được nhiều người tán dương yêu thích như một xu hướng, như một hình mẫu cần phổ biến trong cộng đồng. Có những đại gia người Việt đã đầu tư cả một vườn cây rộng hàng ngàn mét vuông với hàng trăm cây cảnh, bonsai được nhập khẩu từ Đài Loan, Nhật Bản. Họ còn nhập khẩu luôn cả dụng cụ, thiết bị chăm sóc, phân bón thuốc trừ sâu đến thuê cả chuyên gia tư vấn là người nước ngoài. Có người luôn miệng ca ngợi những cái hay cái đẹp của cây cảnh, bonsai ngoại, chê những cái dở cái lỗi thời của cây cảnh truyền thống. Thậm chí có người còn không ngần ngại cúi đầu khúm lúm (họ cho là sự khiêm tốn) ngay trong một sân chơi quốc tế để nhờ họ chỉ dạy giúp đỡ phong trào "cách tân bonsai Việt Nam" mà chỉ mới ngày hôm qua, chính những vị khách quốc tế này còn ngỡ ngàng về một thú chơi cây cảnh nghệ thuật giàu bản sắc thật đáng để họ trải nghiệm và tham khảo bổ sung cho cái hay cái đẹp ở bonsai sứ họ.
Cây cảnh nghệ thuật Việt Nam sẽ đi đến đâu nếu ngay từ hôm nay chúng ta không tự tìm ra cho mình những giá trị đặc trưng riêng biệt mang bản sắc văn hóa Việt Nam, hình thành những phong cách và lối đi riêng nhưng phải hài hòa với phong cách, kỹ nghệ và chuẩn mực Bonsai Quốc tế?! Dẫu ai cũng biết rằng phân biệt đối xử và kì thị văn hóa nói chung, văn hóa Sinh Vật Cảnh, bonsai, cây cảnh nghệ thuật nói riêng là một điều tối kị trong một xã hội văn minh như hiện nay nhưng "sùng sính" văn hóa, cây cảnh ngoại một cách thái quá đến mức lu mờ hết những giá trị truyền thống cũng là một điều không bình thường! Cây cảnh nghệ thuật truyền thống và cây cảnh nghệ thuật đương đại đã và đang có một vị trí xứng đáng trong lòng công chúng, chúng ta không kiêu ngạo nhưng chúng ta hoàn toàn có thể ngẩng cao đầu tự hào về những giá trị ông cha đã trao truyền bao thế hệ!
Nhưng sẽ thật đáng quan ngoại nếu xuất hiện một trào lưu chơi cây cảnh, bonsai "sính ngoại bài nội" hay "phong trào cách tân Bonsai Việt Nam" được dẫn dắt bởi chính những nhà nhập khẩu cây cảnh, bonsai từ nước ngoài. Chúng ta cũng không nên quá bảo thủ đến mức tự đóng khung để nhốt mình trong "ao làng" truyền thống, phong cách cây cảnh cổ Việt Nam xưa cũ không hội nhập nhưng chúng ta cũng không nên quá dễ dãi buông bỏ tất cả những giá trị truyền thống đã được chọn lọc từ ngàn đời để vội vàng chạy theo tiếp nhận những giá trị văn hóa Bonsai ngoại lai không được chọn lọc trên tinh thần chủ quan của một nhóm người vì cái lợi trước mắt mà không phải lúc nào những giá trị đó cũng thích nghi và phù hợp với phong tục, tập quán, lối sống và điều kiện khí hậu, môi trường Việt Nam.
Từ bài học của lụa Khaisilk năm 2017, ai sẽ là người trăn trở về thương hiệu cây cảnh truyền thống Việt Nam?! Tại sao nhiều người lại quan tâm đến Khaisilk đến vậy? Phải chăng trong sâu thẳm tâm hồn những người con đất Việt mang trong mình dòng máu của con Lạc cháu Hồng luôn có lòng tự tôn dân tộc đã mách bảo chúng ta rằng, thất bại trên một sân chơi văn hóa sẽ là một thật bại đau đớn nhất, đáng tủi hổ nhất của một nền văn hiến mấy nghìn năm!
(Bài viết đăng trên vanhien.vn ngày 08/11/2017)
Vương Xuân Nguyên
Link nội dung: https://vanhoathoidai.vn/bao-gio-cay-canh-viet-co-thuong-hieu-tren-thi-truong-quoc-te-a44032.html