Cơ duyên với nghệ thuật – Bước ngoặt từ niềm đam mê
Nghệ nhân Phạm Hồng Vinh - người có hơn 30 năm cuộc đời tạo dựng và phát triển nghề tranh kính nghệ thuật ở Việt Nam. Bước qua thất bại của doanh nghiệp gốm sứ, ông chuyển hướng sang sản xuất đá mài và chính tại đây, điều kỳ diệu đã xảy ra. Khi ông tạo ra những chiếc máy mài kính đầu tiên tại Việt Nam, ông không chỉ đang chế tạo một công cụ sản xuất, mà ông còn mở ra cho mình cánh cửa bước vào thế giới của tranh kính. Bắt đầu từ những đường nét trên kính, nghệ nhân khám phá ra vẻ đẹp độc đáo và tiềm năng vô hạn của nó trong nghệ thuật trang trí.
Tình yêu với tranh kính lớn dần qua từng lần thử nghiệm, từng nét mài tỉ mỉ. Niềm đam mê không chỉ dừng lại ở những bức tranh trên kính đơn thuần, mà còn ở sự thôi thúc không ngừng cải tiến công nghệ để hoàn thiện từng chi tiết. Và thành quả đã đến vào năm 2012, khi ông được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng sáng chế cho công nghệ tranh kính của mình – một sự ghi nhận cho những năm tháng miệt mài nghiên cứu và sáng tạo.
Mỗi tác phẩm của ông đều mang trong mình sự hòa quyện giữa nghệ thuật và kỹ thuật, giữa sáng tạo và tâm hồn, biến những khung kính vô tri trở thành những câu chuyện sống động, thấm đẫm văn hóa và truyền thống. Đỉnh cao của hành trình sáng tạo đó phải kể đến năm 2023, khi ông mang tranh kính Vinhcoba của mình tham dự cuộc thi sáng chế quốc tế tại Nga và xuất sắc giành được huy chương vàng danh giá. Nhưng có lẽ, niềm vinh dự lớn nhất với ông không phải là chiếc huy chương ấy, mà là sự công nhận từ UNESCO – tổ chức đã cấp bằng bảo trợ cho nghề tranh kính Vinhcoba, như một minh chứng cho giá trị nghệ thuật vĩnh cửu mà ông đã dày công gây dựng.
Một trong những tác phẩm đặc biệt nhất của Vinhcoba
Gian nan và tinh hoa từ những mảnh kính trong suốt
Nghệ nhân Phạm Hồng Vinh không chỉ kế thừa các kỹ thuật truyền thống, ông còn phát triển dòng tranh kính cường lực với độ bền vượt trội, gấp 10 lần kính thường. Trong khi nhiều dòng tranh châu Âu sử dụng chì gây ô nhiễm môi trường, Vinhcoba mang đến giải pháp bền vững, phù hợp xu hướng nghệ thuật xanh toàn cầu.
Tác phẩm của Vinhcoba không chỉ có giá trị nghệ thuật mà còn mang đậm bản sắc dân tộc. Ông chia sẻ: “Những họa tiết trên tranh thường lấy cảm hứng từ văn hóa, lịch sử Việt Nam, như hoa sen hay khung cảnh Hà Nội mùa thu. Dòng tranh của người Việt cần phản ánh được dấu ấn văn hóa Việt. Năm 2024 là năm Rồng, nên tranh về chủ đề Rồng sẽ được thể hiện rất nhiều.”
Các công đoạn để làm ra những tác phẩm ấy không hề đơn giản. Nghệ nhân Phạm Hồng Vinh chia sẻ, để làm ra được một tác phẩm nghệ thuật này phải trải qua 8 công đoạn, mỗi công đoạn đều đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mỉ của những nghệ nhân. Trong quá trình làm việc, ông và đội ngũ không ngừng ghi chép kinh nghiệm để khắc phục sự cố và hoàn thiện kỹ năng. Nhờ đó, tỷ lệ sản phẩm lỗi giảm từ 30-50% xuống còn 2-3%.
Tác phẩm khắc hình Nhà giáo nhân dân Lê Thanh
Một kỉ niệm đáng nhớ của nghệ nhân Vinh là khi ông lần đầu làm tấm kính lớn. Việc vận chuyển gặp nhiều khó khăn, và ông đã chế tạo ra cẩu chuyên dụng. Tuy nhiên, trong quá trình kéo ngang chiếc cẩu, ông bị đứt ngón tay. Từ đó, ông luôn nhắc nhở đội ngũ về tầm quan trọng của an toàn: “Làm bằng cả trí tuệ chứ không chỉ làm bằng sức lực.”
Hiện tại, dòng tranh kính Vinhcoba đã được nhiều người Việt đón nhận. Không dừng lại ở đó, Phạm Hồng Vinh còn ấp ủ ước mơ đưa nghệ thuật kính Việt Nam vươn tầm quốc tế, mang hình ảnh đất nước và văn hóa Việt Nam đến với bạn bè năm châu qua những tác phẩm nghệ thuật độc đáo của chính bản thân mình.
Khắc tên lên bản đồ nghệ thuật thế giới
Trong suốt hành trình làm nghề, nghệ nhân Phạm Hồng Vinh đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, đặc biệt là chiến thắng tại cuộc thi Quốc tế về Sáng chế và Sở hữu trí tuệ tại CHLB Nga vào năm 2023. Thành công này không chỉ là niềm tự hào cá nhân, mà còn là một bước tiến lớn cho thương hiệu tranh kính Vinhcoba - đại diện cho "made in Vietnam" trên đấu trường quốc tế.
Mục tiêu của Phạm Hồng Vinh là không ngừng phát triển chất lượng tranh kính Việt Nam, nâng tầm thương hiệu và mang sản phẩm đến với thế giới. Tầm nhìn của ông là xây dựng một thương hiệu tranh kính Việt, thể hiện bản sắc và giá trị văn hóa dân tộc, nhưng vẫn đáp ứng được xu hướng nghệ thuật quốc tế.
Tại triển lãm quốc tế Vietbuild lần thứ 3, diễn ra tại Hà Nội, Vinhcoba đã mang đến những tác phẩm mới nhất, nổi bật là những chiếc đèn làm từ tranh kính. Tác phẩm không chỉ là sản phẩm nghệ thuật, mà còn là minh chứng cho kỹ thuật tiên tiến và sự sáng tạo của người Việt trong ngành nghề truyền thống này. Tham gia các triển lãm quốc tế không chỉ là cơ hội để nghệ nhân Vinh giới thiệu sản phẩm, mà còn mở ra các mối quan hệ hợp tác với nghệ sĩ và nhà sưu tập từ nhiều quốc gia như Nhật Bản, Ấn Độ,... Điều này chứng minh rằng tranh kính Việt Nam đang dần khẳng định được vị thế trên bản đồ nghệ thuật thế giới.
Hình ảnh Nghệ nhân cùng doanh nhân Ấn Độ tại triển lãm
Nhìn về tương lai, Phạm Hồng Vinh mong muốn nghệ thuật tranh kính sẽ được gìn giữ và phát triển rộng rãi hơn nữa. Một trong những kế hoạch của ông là đưa nghệ thuật này vào giảng dạy trong các trường đại học, nhằm truyền tải kỹ thuật và đam mê đến thế hệ trẻ. Ông tin rằng việc giáo dục và phổ biến nghệ thuật tranh kính sẽ giúp nghệ thuật này không chỉ phát triển mạnh mẽ trong nước mà còn lan tỏa ra khắp thế giới. Do đó, tranh kính Vinhcoba không chỉ dành riêng cho người Việt, mà còn là cầu nối văn hóa giữa Việt Nam và thế giới.
Hà Anh - Vương Hà - Linh Ngân
Link nội dung: https://vanhoathoidai.vn/nghe-nhan-pham-hong-vinh-hanh-trinh-thoi-hon-vao-tranh-kinh-nghe-thuat-a44071.html