Đoàn công tác, dẫn đầu bởi ông Murtazaev Azizbek - Chủ tịch Hội đồng Thủ công khu vực châu Á - Thái Bình Dương và bà Nadia Meer - Phó Chủ tịch Hội đồng Thủ công Thế giới khu vực Châu Phi, không khỏi ngỡ ngàng trước tài năng của bà Phan Thị Thuận. Dù đã cao tuổi, bà vẫn liên tục đưa ra những sáng kiến độc đáo trong lĩnh vực dệt lụa tơ tằm, trong đó nổi bật nhất là việc huấn luyện tằm trở thành những “thợ dệt” tạo nên những tấm chăn tơ mềm mại và đặc sắc mà bất kỳ kỹ thuật dệt tay nào cũng khó lòng sánh kịp.
Ông Murtazaev Azizbek chia sẻ rằng để huấn luyện tằm, bà Thuận đã cần hiểu rõ suy nghĩ của chúng, quy luật vận động và cách thức nhả tơ vào các mùa. Bà luôn tính toán thời điểm thích hợp để xếp từng con tằm vào vị trí mong muốn, tạo điều kiện tối ưu để chúng thả tơ. Quá trình này gồm 12 công đoạn nghiêm ngặt, mà cuối cùng cho ra đời những sản phẩm đặc biệt, thu hút sự chú ý không chỉ trong nước mà còn trên trường quốc tế.
Đáng chú ý, những nỗ lực của bà đã mang lại thành quả khi bà giành Giải Nhất “Đề tài sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc lần thứ 6”. Sản phẩm “Mền bông tơ tằm do con tằm tự dệt” của bà đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp bằng độc quyền sáng chế và được công nhận là sản phẩm OCOP 5 sao của thành phố Hà Nội vào năm 2020.
Không dừng lại ở đó, từ năm 2016, bà Phan Thị Thuận còn mở rộng nghiên cứu sang lĩnh vực trồng sen và phát triển sản phẩm lụa tơ sen. Sau nhiều năm thử nghiệm, bà đã cho ra mắt khăn lụa tơ sen vào năm 2019, một sản phẩm được Chính phủ Việt Nam lựa chọn mang đi làm quà tặng tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản.
Sản phẩm lụa từ tằm tự dệt và lụa tơ sen của bà Thuận không chỉ được người tiêu dùng yêu thích mà còn thu hút sự quan tâm của nhiều nghệ nhân và hãng thời trang quốc tế. Những sản phẩm này đã trở thành nguồn cảm hứng cho các thế hệ nghệ nhân dệt may trong và ngoài nước.
Đoàn công tác của Hội đồng Thủ công Thế giới đã ghi nhận và đánh giá cao vai trò của Nghệ nhân Phan Thị Thuận trong việc hồi sinh nghề dệt truyền thống tại Phùng Xá. Nhờ sự cống hiến không biết mệt mỏi của bà, làng nghề này đã từ chỗ đứng trước nguy cơ mai một trở thành điểm đến hấp dẫn cho những người yêu thích dệt may. Hiện nay, xã Phùng Xá đã có khoảng 1.700/2.230 hộ gia đình chuyên sản xuất các sản phẩm khăn mặt, khăn tắm, tạo việc làm cho khoảng 4.500 lao động địa phương.
“Bà Phan Thị Thuận thực sự là một biểu tượng của sự kiên trì, sáng tạo và tâm huyết trong việc gìn giữ và phát triển nghề dệt truyền thống Việt Nam. Câu chuyện thành công của người phụ nữ mảnh rẻ nơi miền quê ngoại thành Hà Nội đáng được lan tỏa tới các nghệ nhân thuộc Mạng lưới thành phố thủ công sáng tạo toàn cầu”, Ông Murtazaev Azizbek chia sẻ.
Một số hình ảnh tại cơ sở của Nghệ nhân Phan Thị Thuận
Xuân Nguyên - Trường Giang
Link nội dung: https://vanhoathoidai.vn/tam-guong-nghe-nhan-phan-thi-thuan-can-duoc-lam-toa-trong-cong-dong-a44105.html