Vai trò bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội

Bảo tồn và phát triển làng nghề không chỉ đơn thuần là duy trì các nghề truyền thống mà còn là chìa khóa để khai thác tiềm năng kinh tế, văn hóa và xã hội của Hà Nội trong giai đoạn hiện nay.

Thành phố có quy mô số làng nghề lớn nhất cả nước, với khoảng 1.350 làng nghề và làng có nghề (tính đến hết năm 2023), trong đó có 327 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận, được phân bố trên 24 quận, huyện. Từ thực tế những năm qua cho thấy, bảo tồn và phát triển làng nghề có đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế -xã hội của Thành phố, chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, là nơi gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, kết nối thúc đẩy phát triển du lịch của Thủ đô với khu vực và thế giới. 

img-4386-1730360712.jpeg

Ông Lê Bá Ngọc, PCT Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam và đại diện Hội đồng thủ công thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương thăm làng nghề mây tre đan Phú Vinh 

Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, trong những năm qua, doanh thu của 327 làng nghề, làng nghề truyền thống toàn Thành phố Hà Nội tính hết năm 2023 đạt trên 24.000 tỷ đồng/năm, trong đó có khoảng 20 làng nghề có doanh thu trên 50 tỷ đồng, khoảng 70 làng nghề có doanh thu từ 20-50 tỷ đồng và khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu từ 10-20 tỷ đồng/năm. Cơ cấu các nhóm ngành kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng mạnh nhóm ngành phi nông nghiệp, giảm mạnh đối với khu vực nông nghiệp.

"Các làng nghề hiện thu hút khoảng 800 nghìn lao động tham gia làm việc. Thu nhập GRDP bình quân đầu người của Thành phố đạt 151,1 triệu đồng năm 2023, tăng gấp 2,82 lần so với năm 2010. Thu nhập của lao động phổ thông làm việc tại các làng nghề hiện đạt dao động từ 5-8 triệu đồng/lao động/tháng. Hiện nay, nhiều làng nghề sản xuất hàng xuất khẩu của Hà Nội đã thu hút trên 70% lao động phi nông nghiệp, hạn chế lao động di dời từ nông thôn ra thành thị tìm việc, đem lại giá trị sản xuất vượt trội so với nông nghiệp, tổng thu nhập từ làm nghề chiếm tới 70-80%...", ông Nguyễn Văn Chí.

img-4290-1730418880.jpeg

Ông Nguyễn Văn Chí và đại diện Hội đồng thủ công thế giới khi vực Châu Phi trong chuyển khảo sát làng nghề Hà Nội cuối tháng 10 năm 2024

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội khẳng định, thanh tựu của phát triển làng nghề của Thành phố thời gian qua có đóng góp quan trọng vào bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống, thúc đẩy kết nối phát triển du lịch và quảng bá, kết nối các giá trị văn hóa truyền thống với các nước trong khu vực và trên thế giới. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống của Thủ đô được thể hiện qua các sản phẩm làng nghề, quy trình kỹ thuật, thao tác làm nghề, những phong tục, tập quán, các lễ hội truyền thống và không gian cảnh quan…được khôi phục, gìn giữ và phát triển. 

Bảo tồn và phát triển làng nghề đã tác động tích cực đến phát triển du lịch của Thành phố những năm qua. Nhiều làng nghề truyền thống có lịch sử hình thành và phát triển trên hàng trăm năm được du khách trong nước và quốc tế biết đến như: Gốm sứ Bát tràng, lụa Vạn Phúc, sơn mài Hạ Thái, mây tre đan Phú Vinh, may áo dài Trạch Xá, dát vàng, bạc, quỳ Kiêu Kỵ, Khảm trai Chuyên Mỹ, Tò he Xuân La... Bên cạnh đó, nhiều mô hình làng nghề truyền thống gắn với du lịch thu hút nhiều lượt khách thăm quan trong nước và quốc tế, đóng góp cho phát triển kinh tế địa phương, điển hình là mô hình du lịch làng nghề gốm sứ Bát Tràng và làng nghề dệt lụa Vạn Phúc. Hà Nội, với danh xưng là đất trăm nghề, phát triển du lịch làng nghề có tiềm năng, lợi thế rất lớn, có đóng góp quan trọng vào phát triển du lịch Thủ đô trong giai đoạn tới.

img-4242-1730419060.jpeg

Đoàn Hội đồng thủ công thế giới thăm quan cơ sở dệt của nghệ nhân Phan Thị Thuận

Theo ông Vương Xuân Nguyên, Viện trưởng Viện Kinh tế - Văn hóa và Nghệ thuật, bảo tồn và phát triển làng nghề trong bối cảnh thủ đô Hà Nội hiện nay đóng vai trò vô cùng quan trọng, không chỉ góp phần tạo ra giá trị kinh tế mà còn bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Bởi làng nghề là nguồn cung cấp sản phẩm đặc sản, thủ công mỹ nghệ cho thị trường trong và ngoài nước. Chúng không chỉ tạo ra việc làm cho hàng triệu lao động mà còn nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Việc phát triển làng nghề cũng khuyến khích đầu tư, du lịch và tạo ra giá trị xuất khẩu. Làng nghề là nơi lưu giữ các nghề truyền thống, các phong tục tập quán và giá trị văn hóa dân gian. Việc bảo tồn những nghề này không chỉ ngăn chặn sự mai một văn hóa, mà còn tạo ra cơ hội cho các thế hệ trẻ tìm hiểu và tiếp nối.

"Trong bối cảnh Hà Nội đang chuyển dịch sang nền kinh tế dịch vụ và công nghiệp, phát triển làng nghề có thể tạo ra sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Làng nghề thường có quy mô nhỏ, tính chất sản xuất ít gây ô nhiễm, do đó, chúng phù hợp với xu hướng phát triển bền vững. Các làng nghề có thể khuyến khích sự hợp tác giữa các doanh nghiệp lớn và nhỏ, giữa thành phố và nông thôn, từ đó thúc đẩy sự phát triển đồng bộ giữa các vùng miền...", ông Vương Xuân Nguyên phân tích.

Bảo tồn và phát triển làng nghề không chỉ đơn thuần là duy trì các nghề truyền thống mà còn là chìa khóa để khai thác tiềm năng kinh tế, văn hóa và xã hội của Hà Nội trong giai đoạn hiện nay. Điều này đòi hỏi sự quan tâm, hỗ trợ từ cả chính quyền và cộng đồng nhằm tạo ra một môi trường thuận lợi cho sự phát triển bền vững của làng nghề trong thời đại mới.

Được biết, Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội đang trình UBND thành phố Hà Nội thông qua Đề án bảo tồn và phát triển làng nghề Hà Nội giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn 2050./.

Viện IACE

Link nội dung: https://vanhoathoidai.vn/vai-tro-bao-ton-va-phat-trien-lang-nghe-tren-dia-ban-thanh-pho-ha-noi-a44124.html