Nghệ nhân Phạm Hồng Vinh: Hành trình đưa kính nghệ thuật trở thành di sản

Với niềm đam mê sáng tạo và tư duy đổi mới, nghệ nhân Phạm Hồng Vinh đã đặt nền móng cho ngành kính nghệ thuật Việt Nam, phát triển những công nghệ tiên tiến, góp phần nâng tầm giá trị văn hóa và khẳng định vị thế của nghề trên trường quốc tế.

 

Sự khởi nguồn của một nghề mới

Nghệ nhân Phạm Hồng Vinh, người sáng lập Công ty Cổ phần Kính nghệ thuật COBA, là nhân vật tiên phong đặt nền móng cho ngành kính nghệ thuật tại Việt Nam. Sinh năm 1961 tại Hà Nội, ông không chỉ là một doanh nhân xuất sắc mà còn là người có niềm đam mê mãnh liệt với nghệ thuật. Từ những năm 1980, ông đã thử sức với nhiều lĩnh vực sản xuất khác nhau trước khi bén duyên với kính nghệ thuật.

z6346556574501-8bcdc8d086380e87e3c3218f0e19aad2-1740455603.jpg

Sự khởi nguồn của một nghề mới - Tranh kính

Sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân, ông Phạm Hồng Vinh công tác tại Thanh tra Trọng tài Kinh tế Nhà nước Hà Sơn Bình. Đến năm 1988, theo Nghị định 79, ông rời cơ quan nhà nước để thành lập Hợp tác xã gốm sứ Tây Mỗ và Công ty sứ Hoàng Hải, chuyên sản xuất gạch men, sứ điện và tranh kính sứ. Chính khoảng thời gian này đã tạo tiền đề để ông tiếp tục tìm tòi và sáng tạo trong lĩnh vực kính nghệ thuật.

Những dấu ấn quan trọng trong ngành kính nghệ thuật

Từ năm 1990, nhận thấy tiềm năng trong lĩnh vực kính, ông bắt đầu sản xuất và cung cấp đá mài kính cho các cơ sở gia công kính tại Hà Nội. Không dừng lại ở đó, ông nghiên cứu công nghệ mài kính của Tiệp Khắc và tự chế tạo máy mài kính hai đá, máy phun cát tạo hình, mở ra một bước ngoặt trong ngành tranh khắc kính. Thương hiệu COBA ra đời, cung cấp kính điêu khắc hoa văn, kính mờ cho ngành xây dựng.

z6346556814837-3a15634fe918a62e426b24ded26c7a0d-1740455603.jpg

Những dấu ấn quan trọng trong ngành kính nghệ thuật

Năm 1996, ông chuyển hướng sang chế tác gương và thiết bị vệ sinh, áp dụng công nghệ chống ẩm, giúp sản phẩm nội địa có thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Đồng thời, ông nghiên cứu thành công công nghệ hóa mờ và hóa trong các sản phẩm thủy tinh, phục vụ nhu cầu sản xuất của Nhà máy Thủy tinh Hà Nội và các hợp tác xã thủy tinh lớn tại miền Bắc. Công nghệ hóa mờ cũng giúp thay thế bảng gỗ trong giảng đường đại học bằng bảng kính ít bụi.

Những năm sau đó, ông không ngừng cải tiến và sáng tạo, đưa ra nhiều dòng sản phẩm kính mới như thớt sạch đa năng, tranh kính cường lực, trần kính nghệ thuật, gương chống mờ hơi nước và cầu kính.

z6346556842417-b77a9621879cd6113eb2e4bc9ef93b50-1740455604.jpg

Những dấu ấn quan trọng trong ngành kính nghệ thuật

Bước tiến ra thế giới với những phát minh mang tính đột phá

Năm 2003, cơ sở gương kính COBA chính thức nâng cấp thành Công ty TNHH Sản xuất COBA, tiếp tục nghiên cứu và phát triển dòng tranh kính siêu bền. Đến năm 2012, dòng tranh kính cường lực màu men Ceramic nung chảy ở 700 độ C ra đời, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng sáng chế. Đây là bước ngoặt quan trọng giúp công ty mở rộng quy mô, cung cấp hàng vạn mét vuông kính nghệ thuật cho các công trình lớn như đình, chùa, nhà thờ, biệt thự.

Năm 2023, ông tiếp tục ghi dấu ấn với công nghệ kính nghệ thuật "Gvico" – dòng tranh kính nghệ thuật có thể nhìn từ hai phía, ứng dụng men màu Ceramic siêu bền. Công nghệ này giúp ông đoạt Huy chương vàng tại Giải sáng chế quốc tế tại Liên bang Nga, đưa nghệ thuật tranh kính Việt Nam lên tầm cao mới.

z6346557220011-2b40b43dec44860576c266cdd6a497ee-1740455603.jpg

Những phát minh mang tính đột phá

Phát triển văn hóa nghề kính nghệ thuật

Không chỉ tạo ra một ngành nghề mới, nghệ nhân Phạm Hồng Vinh còn góp phần xây dựng một nền văn hóa nghề kính nghệ thuật tại Việt Nam. Ông đã đào tạo nhiều thế hệ nghệ nhân trẻ, giúp nghề kính nghệ thuật lan tỏa đến nhiều địa phương. Năm 2023, nghề làm tranh kính Vinhcoba được Liên hiệp các Hội UNESCO trao bằng bảo trợ, ghi nhận như một di sản văn hóa độc đáo của Việt Nam.

Dưới sự dẫn dắt của ông, nhiều nghệ nhân trẻ đã gặt hái thành công, trong đó có nghệ nhân Bùi Thị Hải Hà – người đang phát triển nghề sản xuất vật liệu kính nghệ thuật tại Trung Sơn Trầm, Sơn Tây. Công ty COBA cũng đã giành 26 giải thưởng OCOP cùng nhiều giải thưởng danh giá trong nước và quốc tế.

z6346557243094-b41e6c1e5ec3ad8c8a21d697e8b70b09-1740455604.jpg

Phát triển văn hóa nghề kính nghệ thuật

Vinhcoba – Thương hiệu kính nghệ thuật mang tầm di sản

Ngày nay, nhắc đến kính nghệ thuật Việt Nam, không thể không nhắc đến thương hiệu Vinhcoba. Với hàng loạt giải thưởng và sáng chế mang tầm quốc tế, Vinhcoba không chỉ là niềm tự hào của ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam mà còn là biểu tượng của sự sáng tạo không ngừng.

Từ một ngành nghề non trẻ, kính nghệ thuật đã trở thành một phần không thể thiếu trong kiến trúc, trang trí nội thất, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ và ứng dụng đa dạng. Sự cống hiến của nghệ nhân Phạm Hồng Vinh không chỉ giúp phát triển kinh tế mà còn góp phần gìn giữ và nâng tầm giá trị văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế.

 

Danh Dương

Link nội dung: https://vanhoathoidai.vn/nghe-nhan-pham-hong-vinh-hanh-trinh-dua-kinh-nghe-thuat-tro-thanh-di-san-a44347.html