Ngày 27/11/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)" theo Quyết định số 1490/QĐ-TTg. Đề án đặt mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, giảm tác động môi trường và tăng thu nhập cho nông dân.
Dự án 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại ĐBSCL
Lộ trình thực hiện
Đề án được triển khai theo hai giai đoạn. Giai đoạn 1 (2024-2025) tập trung vào 200.000 ha có điều kiện thuận lợi về hạ tầng sản xuất và năng lực của hợp tác xã nhằm đạt tiêu chuẩn lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Giai đoạn 2 (2026-2030) tiếp tục mở rộng diện tích lên 800.000 ha, đồng thời đầu tư nâng cấp hạ tầng và nâng cao năng lực sản xuất.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong năm 2024, Bộ phối hợp với các địa phương và Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế triển khai bảy mô hình thí điểm tại năm tỉnh, gồm: Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh và Sóc Trăng.
Lộ trình thực hiện dự án
Kết quả ban đầu cho thấy mô hình giúp giảm 20-30% chi phí sản xuất, tăng năng suất lúa lên 10%, tăng thu nhập cho nông dân 20-25% và giảm phát thải trung bình 5-6 tấn CO2/ha. Đáng chú ý, toàn bộ sản lượng lúa thu hoạch từ các mô hình này đều được doanh nghiệp bao tiêu với giá cao hơn thị trường từ 200-300 đồng/kg.
Nhân rộng mô hình canh tác bền vững
Trước những tín hiệu tích cực từ giai đoạn thí điểm, Bộ NN&PTNT đã thống nhất với các địa phương về việc nhân rộng mô hình trên toàn bộ 12 tỉnh ĐBSCL, bắt đầu từ vụ Thu - Đông 2024 và Đông - Xuân 2024-2025. Đồng Tháp là một trong năm địa phương được chọn thí điểm, với mục tiêu đạt 161.000 ha lúa chất lượng cao vào năm 2030, trải rộng tại tám huyện, thành phố.
Nhân rộng mô hình canh tác bền vững
Hỗ trợ tín dụng thúc đẩy phát triển
Bên cạnh các biện pháp kỹ thuật, chính sách tín dụng ưu đãi cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy Đề án. Ngày 7/11/2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội nghị triển khai Chương trình tín dụng ưu đãi phục vụ Đề án. Theo đó, hộ nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp tham gia Đề án sẽ được hưởng mức lãi suất thấp hơn ít nhất 1%/năm so với lãi suất cho vay thông thường.
Hỗ trợ tín dụng thúc đẩy phát triển dự án
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh, chương trình tín dụng này là động lực quan trọng giúp Đề án đạt hiệu quả cao trong thời gian tới. Ông cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các chi nhánh địa phương phối hợp với Sở NN&PTNT để hướng dẫn triển khai gói tín dụng, đảm bảo tiếp cận đồng bộ và hiệu quả.
Việc triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp không chỉ giúp nâng cao thu nhập cho nông dân mà còn góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tại ĐBSCL.
Quy trình triển khai tốt đề án lúa chất lượng cao
Danh Dương
Link nội dung: https://vanhoathoidai.vn/trien-khai-de-an-1-trieu-ha-lua-chat-luong-cao-phat-thai-thap-tai-dbscl-a44348.html