Tp.HCM tìm giải pháp khi trạm y tế thiếu bác sĩ có chứng chỉ hành nghề

28/05/2022 00:17

Hơn 22% trạm y tế thiếu bác sĩ có chứng chỉ hành nghề, hoặc không còn người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật... là thực trạng đang diễn ra tại Tp.HCM.

Linh hoạt các giải pháp

Ngày 27/5, trao đổi với Người Đưa Tin về các giải pháp nhằm thu hút nguồn nhân lực cho y tế cơ sở, Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế Tp.HCM Lê Thiện Quỳnh Như cho biết, hiện tượng nhân viên y tế nghỉ việc không phải là vấn đề mới, đã xảy ra từ nhiều năm nay.

Vì vậy, Sở Y tế Tp.HCM đã trình và được kỳ họp thứ 5, HĐND Tp.HCM khóa X thông qua Nghị quyết về các chính sách đặc thù củng cố nâng cao năng lực các trạm y tế phường, xã, thị trấn trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 đến năm 2025 để Sở Y tế bắt đầu triển khai hàng loạt các giải pháp để đảm bảo hoạt động của trạm y tế.

Thứ nhất là các bác sĩ mới tốt nghiệp không chỉ thực hành tại bệnh viện theo chương trình đào tạo chuẩn trước đây của Bộ Y tế mà còn tăng cường về trạm y tế để thực hiện thêm một số hoạt động tại trạm.

“Những hoạt động này không đòi hỏi phải cần chứng chỉ hành nghề. Ví dụ, hỗ trợ quản lý F0 tại nhà; hỗ trợ quản lý các chương trình sức khỏe; hỗ trợ công tác phòng chống dịch tại trạm”, bà Lê Thiện Quỳnh Như cho biết.

Dân sinh - Tp.HCM tìm giải pháp khi trạm y tế thiếu bác sĩ có chứng chỉ hành nghề

Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế Tp.HCM Lê Thiện Quỳnh Như cho biết về các giải pháp đảm báo nguồn lực y tế cơ sở trên địa bàn.

Thứ hai, là tăng cường lực lượng khám chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế bằng cách ký hợp đồng với các bác sĩ đã nghỉ hưu phụ trách chuyên môn tại trạm. Hiện tại, Sở này đã triển khai các hướng dẫn cũng như cấp kinh phí việc ký hợp đồng với các bác sĩ đã nghỉ hưu.

Với những cơ chế chính sách mới đang được khởi động thực hiện thì trong thời gian tới sẽ giải quyết được tình trạng thiếu bác sĩ có chứng chỉ hành nghề thực hiện phương pháp khám chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế và thu hút giữ chân nhân viên y tế.

Ngoài ra vẫn có một số trạm y tế chưa ký hợp đồng được với các bác sĩ nghỉ hưu thì Sở Y tế sẽ tiếp tục thực hiện những hoạt động đã triển khai từ nhiều năm nay, đó là luân phiên các bác sĩ từ các bệnh viện quận, huyện, Tp.Thủ Đức đến công tác tại trạm.

Thiếu bác sĩ đa khoa cho y tế cơ sở

Bà Lê Thiện Quỳnh Như thông tin, hiện tại, Tp.HCM có 38 trạm y tế đã chuyển đổi hoạt động theo nguyên lý y học gia đình. Tức là có bác sĩ đầy đủ chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh ban đầu tại trạm, đã tuân thủ đầy đủ các quy định của Bộ Y tế.

Đồng thời, các trạm này cũng có sự hỗ trợ từ xa của các bác sĩ, chuyên gia đến từ các bệnh viện đa khoa tuyến cuối của Tp.HCM để kịp thời hỗ trợ cho công tác khám chữa bệnh của người dân; cũng như hội chẩn từ xa, qua đó, thu hút người dân khám chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế địa phương.

Bên cạnh đó, Sở Y tế Tp.HCM sẽ tiếp tục tham mưu, kiến nghị Quốc hội khi sửa đổi Luật Khám chữa bệnh sẽ điều chỉnh, bổ sung khoản 2, điều 4 với nội dung cụ thể là tăng cường phát triển nguồn nhân lực y tế cơ sở tại các tỉnh thành.

Dân sinh - Tp.HCM tìm giải pháp khi trạm y tế thiếu bác sĩ có chứng chỉ hành nghề (Hình 2).

Một số trạm y tế trên địa bàn Tp.HCM đã chuyển đổi hướng hoạt động theo mô hình y tế gia đình.

Cùng với những chính sách về ưu đãi về thu nhập đối với bác sĩ công tác tại trạm y tế, đại diện Sở Y tế Tp.HCM cũng đề nghị cần có những chính sách điều phối và phân bổ giữa bác sĩ chuyên khoa cũng như bác sĩ đa khoa.

Bởi lẽ, Tp.HCM đang có số lượng bác sĩ chuyên khoa 4.779  bác sĩ trong tổng số 8.830 bác sĩ đang công tác tại bệnh viện công lập. Như vậy, tỷ lệ bác sĩ chuyên khoa tại Tp.HCM là hơn 50%.

Trong khi đó, địa phương rất cần các bác sĩ đa khoa tổng quát để thực hiện công tác khám chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế để phục vụ người dân tốt hơn, gần người dân hơn và nắm bắt được các nguyện vọng khám chữa bệnh ban đầu của người dân.