Quảng cáo #38

50 năm tái sinh từ đất và khát vọng nông nghiệp sinh thái

Từ một nền nông nghiệp lạc hậu, phụ thuộc và đói nghèo sau năm 1975, Việt Nam đã vươn mình trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới. Hành trình nửa thế kỷ ấy không chỉ được xây dựng bằng cải cách thể chế và khoa học công nghệ, mà còn đang hướng đến một tương lai nông nghiệp sinh thái, bền vững hơn.

Năm 1975, khi đất nước vừa thống nhất, nông nghiệp Việt Nam gần như chạm đáy khủng hoảng. Sản xuất manh mún, thiếu đói kéo dài, rừng bị tàn phá nặng nề, và mỗi năm phải nhập tới 2 triệu tấn lương thực để cứu đói cho dân. Thế nhưng, như một cuộc “lột xác” từ tro tàn, nền nông nghiệp đã dần định hình lại sau cột mốc của công cuộc Đổi Mới năm 1986 - một bước ngoặt chiến lược mang tính sống còn.

Theo bài viết “Raising the bar on Vietnam’s Agriculture, 1975-2025 and beyond” trên Báo Nông nghiệp và Môi trường, sự chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã tạo “đòn bẩy” cho sản xuất nông nghiệp. Trong đó, tám yếu tố được xem là động lực chính gồm: cải cách ruộng đất, tự do hóa thị trường và hội nhập quốc tế, cải cách doanh nghiệp Nhà nước, thúc đẩy khuyến nông cộng đồng lấy nông dân làm trung tâm, hỗ trợ tín dụng, đầu tư hạ tầng, tăng cường kết nối chuỗi giá trị nông sản, và chính sách hỗ trợ tích hợp. Có thể thấy rằng, công cuộc Đổi Mới đã tạo ra động lực to lớn cho nông dân và các doanh nghiệp nông nghiệp liên tục tăng sản lượng lương thực, giúp nông nghiệp thoát khỏi cái bóng cũ kỹ và bước vào quỹ đạo thị trường hiện đại.

Nhờ đó, ngành nông nghiệp tăng trưởng trung bình 3,5%/năm suốt gần 40 năm (1986-2023). Việt Nam từ nước nhập khẩu lương thực ròng đã trở thành quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới. Tính riêng năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt con số ấn tượng 62,5 tỷ USD, khẳng định vai trò trụ cột của nông nghiệp trong nền kinh tế quốc gia.

nong-1-1751716489.jpeg
Biểu đồ 1: Tăng trưởng GDP và nông nghiệp (%) của Việt Nam. Nguồn: Tổng cục Thống kê (GSO).

Đặc biệt, không thể không nhắc đến vai trò của khoa học - công nghệ trong những thập kỷ vươn mình này. Hơn 90% cơ sở sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam trồng các giống lương thực cải tiến; năng suất các loại cây trồng chủ lực như lúa, cà phê hoặc cao su của Việt Nam hiện cao hơn mức trung bình toàn cầu lần lượt là 29%, 316% và 61%. Không chỉ vậy, Việt Nam còn được đánh giá cao trong việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật như cơ giới hóa, nhà kính, trang trại công nghệ cao và sản xuất hữu cơ,... vào hệ sinh thái nông nghiệp.

nong-2-1751716898.jpeg
Biểu đồ 2: Sản lượng lúa của Việt Nam qua các năm (đơn vị: triệu tấn). Nguồn: Tổng cục Thống kê (GSO).

Dù đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, nông nghiệp Việt Nam hiện vẫn đối mặt với bốn thách thức lớn. Trước hết, không phải tất cả các lĩnh vực đều được hưởng lợi đồng đều từ tiến bộ khoa học - công nghệ sau Đổi mới; một số ngành như trồng ngô, đậu, bông và chăn nuôi gia súc vẫn có năng suất thấp và tụt hậu. Thứ hai, thu nhập của nông dân còn thấp làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị và đẩy nhiều lao động trẻ rời bỏ đồng ruộng. Thứ ba, sự lệ thuộc ngày càng lớn vào vật tư nông nghiệp như thuốc trừ sâu, phân bón hóa học, nhiên liệu và kháng sinh không chỉ làm tăng chi phí, giảm thu nhập mà còn ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm và môi trường. Cuối cùng, việc canh tác thâm canh thiếu bền vững đang làm suy thoái hệ sinh thái đất canh tác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính bền vững lâu dài của ngành.

Trước những thách thức về môi trường và an ninh lương thực, Việt Nam đã chọn con đường tăng trưởng xanh, lấy nông nghiệp sinh thái (agroecology) làm định hướng cốt lõi để tái cấu trúc hệ thống lương thực. Năm 2022, Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược này xác định 8 trọng tâm chuyển đổi, bao gồm tái cơ cấu ngành theo lợi thế và thị trường; khép kín vòng tuần hoàn dinh dưỡng; thúc đẩy hợp tác chuỗi giá trị; phát triển ngành nghề phi nông nghiệp; hiện đại hóa nông thôn gắn với bảo tồn văn hóa - di sản; phát triển toàn diện, công bằng; chuyển trọng tâm từ năng suất sang thu nhập bền vững; và sản xuất có trách nhiệm, bảo vệ môi trường, đảm bảo dinh dưỡng, an toàn thực phẩm.

nong-3-1751717105.jpg
Nông nghiệp sinh thái được xem là giải pháp để hồi sinh ngành nông nghiệp. Ảnh: Báo Nông nghiệp và Môi trường.

Nông nghiệp sinh thái được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam duy trì năng suất trong điều kiện biến đổi khí hậu, đồng thời bảo vệ đa dạng sinh học và sức khỏe đất. Từng thành công trong những chương trình đào tạo do FAO phối hợp, giúp giảm tới 92% lượng thuốc trừ sâu đối với các loại cây bắp cải, chè hoặc lúa trồng tại địa phương trong thập niên 1980-1990, nông nghiệp sinh thái đang được tiếp sức bởi làn sóng công nghệ mới: trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu số, công nghệ sinh học và di truyền học. Kết hợp tri thức bản địa với khoa học hiện đại, đây được xem là chìa khóa đưa Việt Nam trở thành cường quốc nông nghiệp thế kỷ 21, nơi con người, thiên nhiên và lương thực cùng phát triển hài hòa.

Nửa thế kỷ nhìn lại, những thửa ruộng từng đói nghèo giờ đã là cánh đồng công nghệ cao. Những bàn tay nông dân từng vật lộn với thiếu thốn nay góp phần đưa thương hiệu nông sản Việt ra thế giới. Nhưng để giữ được vị thế đó trong tương lai, điều quan trọng không còn là sản lượng, mà là chất lượng sống của cả hệ sinh thái nông nghiệp.

Trong bài viết “Raising the bar on Vietnam’s Agriculture, 1975-2025 and beyond” đăng trên Báo Nông nghiệp và Môi trường, các chuyên gia đã nhìn nhận chặng đường phát triển của nông nghiệp Việt Nam với nhiều dấu mốc ấn tượng:

  • Từ thiếu đói đến xuất khẩu: Sau năm 1975, Việt Nam đã thoát khỏi tình trạng nhập khẩu lương thực, vươn lên thành quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới.
  • Đòn bẩy cải cách: Thành công đến từ cải cách thể chế, trao quyền sử dụng đất, tự do hóa thị trường, áp dụng khoa học - công nghệ và sự năng động của nông dân.
  • Tăng trưởng ổn định: Ngành nông nghiệp duy trì mức tăng trưởng 3,5%/năm trong gần 40 năm.
  • Những thách thức mới: Khoảng cách thu nhập, ô nhiễm môi trường, lệ thuộc vật tư nông nghiệp và sự suy thoái tài nguyên đang đặt ra yêu cầu chuyển hướng.
  • Định hướng tương lai: Việt Nam đang chuyển sang nông nghiệp sinh thái (agroecology) với chiến lược phát triển bền vững đến năm 2050, nhấn mạnh 8 trọng tâm chuyển đổi.
  • Kết hợp công nghệ và tri thức bản địa: AI, công nghệ sinh học, dữ liệu số và kinh nghiệm nông dân sẽ cùng định hình một hệ thống lương thực xanh - công bằng - bền vững cho thế kỷ 21.

Để tìm hiểu thêm thông tin chi tiết, độc giả có thể truy cập bài viết gốc trên Báo Nông nghiệp và Môi trường TẠI ĐÂY!