Quảng cáo #38

Hoàng Hải Anh – Nữ sinh Học viện Ngoại giao với lựa chọn song ngành và khát vọng trở thành cầu nối văn hóa

“Tôi tin rằng khi bạn dám đặt mình vào những ‘vùng không an toàn’, bạn mới thực sự khám phá được tiềm năng vô hạn của bản thân.” Đó không chỉ là một câu nói đầy quyết tâm, mà còn là kim chỉ nam trong hành trình trưởng thành của Hoàng Hải Anh - nữ sinh Học viện Ngoại giao Việt Nam, người lựa chọn theo đuổi đồng thời hai lĩnh vực đầy thử thách: Quan hệ quốc tế và Truyền thông quốc tế.

Sinh năm 2005, hiện là sinh viên năm hai ngành Quan hệ quốc tế K50 - năm nhất ngành Truyền thông quốc tế K51 tại Học viện Ngoại giao, Hải Anh đã sớm bộc lộ tinh thần cầu tiến và tư duy chiến lược khi đăng ký học song ngành Truyền thông quốc tế - một quyết định mà cô tự nhận thấy là "đặt mình ra khỏi vùng an toàn". Đối với nhiều người, Quan hệ quốc tế vốn đã là một lĩnh vực đòi hỏi nền tảng học thuật và tư duy phân tích sâu sắc. Nhưng với Hải Anh, học một ngành dường như chưa đủ để khai phá hết tiềm năng của bản thân.

“Việc chỉ học một ngành khiến tôi cảm thấy giới hạn trong khả năng phát triển. Khi lựa chọn Truyền thông như một hướng đi song song với Quan hệ quốc tế, tôi tin rằng mình sẽ có nhiều cơ hội hơn để đóng góp cho xã hội, đất nước và gia đình ở những vai trò cụ thể trong tương lai.”

Chính lựa chọn ấy đã mở ra cho cô cơ hội được nhìn thế giới không chỉ qua lăng kính chính trị - ngoại giao mà còn bằng góc nhìn của người làm nội dung, làm kết nối và kể chuyện cho công chúng trong kỷ nguyên số.

z6761798030588-2644003a3687c25d711f5d95210a282b-1751379285.jpg

Hoàng Hải Anh - sinh viên song bằng năm hai ngành Quan hệ quốc tế, năm nhất ngành Truyền thông quốc tế tại Học viện Ngoại giao.

Khi ngôn ngữ là cầu nối đến những nền văn hóa xa xôi

Không phải ngẫu nhiên mà Hải Anh theo đuổi ngành học liên quan đến quốc tế và truyền thông. Ngay từ cấp hai, cô đã dành sự quan tâm đặc biệt cho ngôn ngữ và văn hóa các quốc gia trên thế giới. Bắt đầu với tiếng Anh - ngôn ngữ toàn cầu và tiếng Nhật - một ngôn ngữ đầy thách thức, Hải Anh hiện sở hữu IELTS 7.5 và JLPT N4, đồng thời cũng đặt mục tiêu chinh phục thêm ngôn ngữ khác trong tương lai. Với cô, ngôn ngữ không đơn thuần là công cụ giao tiếp mà còn là chiếc chìa khóa mở ra thế giới, giúp cô hiểu sâu hơn về cách con người khác nhau nhìn nhận và sống trong cùng một hành tinh.

“Tôi mong muốn trở thành cầu nối giữa các nền văn hóa thông qua truyền thông, đồng thời không ngừng học hỏi để tiến xa hơn trên con đường hội nhập toàn cầu. Mỗi thử thách tôi đối mặt đều là một chương mới trong hành trình viết nên định nghĩa của chính mình về ‘đủ’ ”.

z6761798084350-c621f7222ae6b86d9960b1303209d3f9-1751379312.jpg

Hải Anh cùng giảng viên và nhóm sinh viên Khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại tại Học viện Ngoại giao.

Không chỉ học để biết, mà học để dẫn dắt

Bên cạnh kết quả học tập nổi bật (điểm thi THPT Quốc gia môn Văn đạt 9.25 và tiếng Anh 9.4), Hải Anh còn là người không ngại thử sức với các hoạt động ngoại khóa có tính ứng dụng cao. Tại trung tâm tiếng Anh NP Education, cô từng giữ vai trò trợ giảng, nơi cô không chỉ hỗ trợ học viên mà còn học cách tổ chức lớp học, theo dõi tiến độ từng người và viết báo cáo học tập. Những trải nghiệm tưởng chừng nhỏ ấy lại chính là tiền đề giúp cô rèn luyện tư duy hệ thống và khả năng giao tiếp với nhiều lứa tuổi.

Đặc biệt, việc dẫn dắt nhóm tự học tiếng Nhật tại Trung tâm Dungmori đã mang đến cho Hải Anh một bước ngoặt trong nhận thức về làm việc nhóm. Lần đầu tiên, cô không chỉ là thành viên tham gia, mà trở thành người tổ chức, điều phối, đồng thời truyền động lực học tập cho các thành viên khác. “Mình học được cách điều chỉnh phương pháp cho từng cá nhân, xây dựng lịch học linh hoạt và quan trọng nhất là giữ được năng lượng tích cực của cả nhóm trong thời gian dài”, cô chia sẻ.

Không dừng lại ở đó, quá trình thực tập tại Tạp chí Khoa học phát triển Nông thôn Việt Nam cho Hải Anh cái nhìn thực tế hơn về môi trường truyền thông chuyên nghiệp. Đồng hành cùng nhóm sinh viên thực tập, học hỏi từ nhà báo nhiều kinh nghiệm dẫn dắt Vương Xuân Nguyên và được tiếp xúc với các anh chị đi trước trong ngành, cô hiểu rằng: “Một ý tưởng dù xuất sắc đến đâu cũng cần đồng đội để tỏa sáng”.

z6761936832740-5069d7940aa0a2842087f4555ece571d-1751379312.jpg

Buổi gặp mặt đầu tiên tại Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam.

Truyền thông trong Quan hệ quốc tế: Không chỉ là công cụ

Là người học song ngành giữa Quan hệ quốc tế và Truyền thông, Hải Anh nhận thức rõ mối quan hệ gắn bó giữa hai lĩnh vực tưởng chừng độc lập này. Cô quan niệm rằng Truyền thông không đơn thuần là công cụ lan tỏa thông tin, mà là phương tiện để xây dựng hiểu biết đa chiều giữa các quốc gia - yếu tố sống còn trong bối cảnh toàn cầu hóa.

“Một nhà ngoại giao giỏi cần truyền thông để thương thuyết hiệu quả; một chiến dịch quốc tế thành công cần truyền thông để chạm đến trái tim công chúng”.

Theo cô, trong một thế giới nơi hình ảnh quốc gia có thể bị định hình chỉ sau vài dòng tweet, truyền thông không chỉ hỗ trợ hoạt động đối ngoại mà còn có thể tác động trực tiếp đến uy tín, vị thế và an ninh quốc gia. Chính vì vậy, cô lựa chọn theo đuổi cả hai con đường để không chỉ hiểu đúng mà còn truyền đạt đúng.

z6761936790710-d5e001f436ececc3da8cd373b46e02fd-1751379534.jpg

Nữ sinh luôn khát khao trở thành một phiên bản tốt nhất để cống hiến cho đất nước.

Không chọn con đường dễ đi, cũng không tìm kiếm sự tỏa sáng nhất thời, Hải Anh kiên trì với triết lý “tiến chậm mà chắc”. Cô không ngại thử, không ngại sai, miễn là mỗi trải nghiệm đều để lại một bài học cụ thể. Với cô, thời sinh viên là giai đoạn không chỉ để học mà còn để định hình bản sắc, thử nghiệm giới hạn và chuẩn bị cho những vai trò lớn hơn sau này.

“Tôi tin rằng, khi bạn dám đặt mình vào những vùng không an toàn, bạn mới thực sự khám phá được giới hạn của bản thân. Và tôi, đang từng ngày bước trên hành trình ấy”.

Với Hải Anh, hành trình học tập không đơn thuần là hướng đến thành tích cá nhân, mà còn là cách để chuẩn bị tốt nhất cho vai trò một công dân có trách nhiệm trong thời đại toàn cầu. Cô mong muốn đóng góp cho xã hội, cho gia đình, và cho đất nước – không chỉ bằng kiến thức chuyên môn, mà bằng sự tử tế, cầu tiến và tinh thần sẵn sàng phục vụ.

Hành trình phía trước còn dài, nhưng với định hướng rõ ràng, tư duy phản biện độc lập và tinh thần cầu thị, Hoàng Hải Anh đang từng bước viết nên câu chuyện của riêng mình: một người trẻ dấn thân, học hỏi và khát khao trở thành phiên bản tốt nhất để cống hiến cho cộng đồng.

Hải Lam