Âm sắc tự nhiên, mềm mại, gần gũi và thể hiện được sự mộc mạc, chân thật. Nhấn nhá đúng chỗ giúp làm nổi bật cảm xúc và nội dung bài hát, tránh phô trương hoặc hát đều đều. Cần biết cách ngắt nhịp phù hợp trong lý, hò để giữ tiết tấu truyền thống. Luyến láy giúp câu hát mềm mại, giàu cảm xúc và gần gũi với cách nói chuyện, ru con, hò hát của người Việt. Hát dân ca không chỉ là kỹ thuật, mà còn là sự thẩm thấu văn hóa, tình cảm, và tinh thần vùng miền. Ca sĩ cần giọng hát mộc mạc, cảm xúc và hiểu rõ bản chất từng làn điệu để truyền tải hồn dân ca một cách tự nhiên và sâu sắc.
1. Giới thiệu
Các ca khúc mang âm hưởng dân ca chiếm một vị trí đặc biệt trong kho tàng âm nhạc Việt Nam. Không chỉ là những giai điệu dễ nhớ, dễ ngân nga, dân ca còn là tiếng nói của tâm hồn, là nơi kết tinh những giá trị văn hóa, lịch sử và tinh thần của cộng đồng các dân tộc trên khắp ba miền Bắc – Trung – Nam. Mỗi làn điệu dân ca đều gắn với một vùng đất, một tập quán, một lối sống và mang trong mình chiều sâu bản sắc dân tộc.
Chính vì vậy, việc thể hiện thành công các ca khúc mang âm hưởng dân ca không thể chỉ dựa vào năng lực thanh nhạc thông thường. Người ca sĩ cần có nền tảng kỹ thuật thanh nhạc vững chắc để kiểm soát giọng hát, hơi thở và sự biểu cảm. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là họ phải có kiến thức chuyên sâu về âm sắc đặc trưng của từng vùng miền, kỹ thuật dân gian như luyến, láy, nhấn nhá, phát âm theo khẩu ngữ địa phương, cũng như sự thấu hiểu về văn hóa và tinh thần dân gian để truyền tải đúng "hồn cốt" của bài hát.
Bài viết này tập trung nghiên cứu và phân tích các yêu cầu kỹ thuật đặc thù trong quá trình biểu diễn những ca khúc mang âm hưởng dân ca, từ đó đề xuất những định hướng và phương pháp giảng dạy hiệu quả cho các cơ sở đào tạo thanh nhạc. Những nội dung được trình bày trong bài viết sẽ không chỉ giúp nâng cao chất lượng biểu diễn dân ca, mà còn góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị âm nhạc truyền thống của dân tộc trong đời sống nghệ thuật đương đại.
2. Tổng quan nghiên cứu vấn đề
Trong âm nhạc hiện đại, việc sử dụng kỹ thuật thanh nhạc chuẩn mực được xem là nền tảng. Khi tiếp cận dòng nhạc dân gian và các ca khúc mang âm hưởng dân ca, chỉ kỹ thuật thanh nhạc hiện đại là chưa đủ. Các nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc học từ lâu đã nhấn mạnh vai trò của yếu tố "văn hóa vùng miền" và kỹ thuật truyền thống trong việc gìn giữ hồn dân ca.
Các tài liệu nghiên cứu có liên quan như Phương pháp Sư phạm Thanh nhạc của GS.NSND Nguyễn Trung Kiên, Phương pháp giảng dạy Thanh nhạc của NGƯT Hồ Mộ La, hay Phương pháp hát tốt tiếng Việt của PGS.TS.NSƯT Trần Ngọc Lan đều có giá trị lý luận lớn nhưng chưa khai thác sâu biểu diễn ca khúc dân ca vùng miền. Tác phẩm của Trương Ngọc Thắng và đề tài của TS.NSƯT Nguyễn Thanh Nga đã bước đầu ghi nhận vai trò của dân ca trong đào tạo, song chưa hình thành được một hệ thống phương pháp biểu diễn, cũng như kỹ thuật thể hiện ca khúc mang âm hưởng dân ca cụ thể. Luận án Tiến sĩ “Giảng dạy các ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung trong đào tạo thanh nhạc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam” của NCS Lê Thị Thơ mới bước đầu chỉ ra một số kỹ thuật thể hiện ca khúc mang âm hưởng dân ca miền miền Trung...Nhìn chung, các công trình hiện có chủ yếu tập trung vào kỹ thuật giảng dạy hoặc đặc điểm âm nhạc dân gian, mà chưa có nghiên cứu tổng hợp và thực tiễn chuyên sâu về kỹ thuật thể hiện ca khúc mang âm hưởng dân ca Việt Nam. Đây chính là khoảng trống mà các nghiên cứu chuyên sâu cần tiếp tục khai thác.
3. Cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu
Bài viết được xây dựng dựa trên phương pháp phân tích tổng hợp tài liệu, kết hợp với quan sát thực tiễn các buổi biểu diễn và quá trình huấn luyện thanh nhạc. Các nguồn dữ liệu bao gồm: Tài liệu chuyên khảo về âm nhạc dân gian Việt Nam; Các nghiên cứu âm học về đặc trưng âm sắc vùng miền; Phân tích giọng hát và kỹ thuật của các nghệ sĩ biểu diễn dân ca tiêu biểu; Phỏng vấn các giảng viên thanh nhạc và nghệ sĩ dân gian.
4. Kết quả nghiên cứu
Ca khúc mang âm hưởng dân ca là những sáng tác âm nhạc hiện đại nhưng mang đặc trưng, chất liệu và cảm hứng từ dân ca truyền thống. Âm hưởng dân ca trong ca khúc có thể thể hiện qua: Melody (giai điệu) sử dụng thang âm ngũ cung, tuyến giai điệu gần với làn điệu dân ca; Rhythm (tiết tấu) linh hoạt, mô phỏng tiết tấu dân gian hoặc ứng dụng tiết tấu hò, lý; Ngôn ngữ và nội dung ca từ gần gũi với đời sống nông thôn, thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, con người Việt Nam; Phong cách trình bày: đề cao kỹ thuật thanh nhạc mang yếu tố dân gian như luyến láy, rung, ngân, thể hiện giọng địa phương.
Đặc trưng của ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Bắc: Giai điệu thường trữ tình, có cấu trúc rõ, sử dụng thang âm ngũ cung. Ca từ giàu hình ảnh, mang tính biểu cảm cao. Thể hiện kỹ thuật hát rõ lời, nhấn nhá từng chữ, sử dụng luyến láy và ngân rung mềm mại. Đặc trưng của ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung: Giai điệu thường da diết, dàn trải, dễ chuyển sang ngữ điệu buồn, âm sắc khắc khoải. Ca từ thường gắn với hình ảnh núi sông, mưa nắng, đặc trưng khí hậu miền Trung. Thể hiện cần xử lý kỹ thuật legato, thở sâu, ngân rung đều và giữ trường độ dài. Đặc trưng của ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Nam: Giai điệu tự do, nhiều biến hóa, gần với cải lương, lý Nam Bộ. Ca từ dân dã, gần gũi, giàu tính khẩu ngữ. Thể hiện nhấn mạnh chất đời sống, sử dụng rung láy tự nhiên, có phần phóng khoáng, dí dỏm. Xuất phát từ những đặc điểm trên, việc thể hiện ca khúc mang âm hưởng dân ca Việt Nam đòi hỏi những yêu cầu kỹ thuật về: Âm sắc; Nhấn nhá và phát âm, Luyến láy (ornamentation), Kiểm soát hơi thở...
4.1. Âm sắc (Chất giọng)
Âm sắc tự nhiên, gần gũi, mềm mại là tiêu chí hàng đầu khi thể hiện ca khúc mang âm hưởng dân ca. Không cần quá “biểu diễn” như nhạc kịch hay nhạc cổ điển, mà cần chất giọng mộc mạc, truyền cảm, giàu tính tự sự. Tùy từng vùng, âm sắc có thể khác nhau: Bắc Bộ: Âm sắc trong sáng, vang vừa phải, nhẹ nhàng; Trung Bộ: Âm sắc mềm, buồn, đôi khi hơi mờ, giàu tình cảm; Nam Bộ: Âm sắc thoáng đãng, tự nhiên, mang nét tươi vui. Không nên dùng giọng quá rung, quá "kịch", mà phải giữ được nét giản dị đặc trưng của dân ca.
Âm sắc (tức chất giọng, màu âm của người hát) là yếu tố quyết định cảm xúc người nghe khi thưởng thức một bài hát dân ca. Trong các ca khúc mang âm hưởng dân ca, âm sắc tự nhiên, gần gũi, mềm mại là tiêu chí hàng đầu. Điều này phản ánh bản chất của dân ca là gần gũi với đời sống, phát sinh từ lao động, sinh hoạt và tâm tư của người dân, không phải là một hình thức sân khấu hóa cầu kỳ.
Trong các thể loại như nhạc kịch hoặc nhạc cổ điển, người hát thường sử dụng âm sắc vang rộng, giọng pha (mixed voice), kỹ thuật rung (vibrato) mạnh, đòi hỏi sự kiểm soát âm lượng và cộng hưởng cao. Ngược lại, với ca khúc mang âm hưởng dân ca, điều cần thiết không phải là phô diễn kỹ thuật, mà là tái hiện được sự mộc mạc, truyền cảm và chân thật trong từng câu hát. Giọng hát dân ca không "lên gân", không cường điệu, mà như lời thủ thỉ, kể chuyện, giống một lời tâm tình hơn là một màn trình diễn.
Mỗi vùng miền có đặc trưng riêng về chất giọng, phản ánh điều kiện tự nhiên, phong cách sống và tâm hồn con người vùng đó. Vì vậy, người hát cần hiểu rõ âm sắc vùng miền để thể hiện đúng “chất” của bài hát. Đặc điểm âm sắc Bắc Bộ là trong sáng, vang nhẹ, tiết chế rung và thường gắn với các làn điệu quan họ, chèo, hát ru. Âm sắc trong trẻo, mạch lạc giúp diễn tả nét duyên dáng, ý nhị của lời ca. Trong khi âm sắc Trung Bộ là mềm mại, nhẹ nhàng, diễn đạt nội tâm phù hợp với các làn điệu ví giặm, hò Huế. Âm sắc này mang màu sắc tự sự sâu lắng, thể hiện chất “chịu thương chịu khó” của con người miền Trung. Còn âm sắc Nam Bộ là thoáng đãng, tự nhiên, mộc mạc gắn với điệu lý, hò Nam Bộ. Giọng hát mang sự giản dị, thẳng thắn và sinh động của miền sông nước. Giọng hát như tiếng nói đời thường, tạo cảm giác gần gũi, thoải mái. Người hát cần “thấm” được văn hóa vùng miền đó để chọn cách phát âm và đặt âm sắc phù hợp, tránh việc đồng nhất giọng một cách máy móc.
Trong sử dụng âm sắc khi hát ca khúc mang âm hưởng dân ca, người hát nên giữ giọng mộc, giọng thật của mình, không pha trộn hoặc bắt chước giọng cổ điển; Dùng âm sắc mềm, vừa phải, không quá căng thẳng. Đồng thời, truyền cảm bằng nội tâm để lời hát “chạm” đến trái tim người nghe một cách tự nhiên, không nên lạm dụng kỹ thuật thanh nhạc quá nhiều hay sử dụng âm sắc quá “sân khấu”, quá kịch tính như đang biểu diễn nhạc kịch. Vì điều này có thể làm mất đi tính giản dị của chất liệu dân gian vốn có.
Âm sắc trong hát ca khúc mang âm hưởng dân ca không chỉ là “tiếng hát”, mà là phản chiếu tâm hồn và văn hóa. Người hát không cần giọng to, vang hay quá kỹ thuật, mà cần một chất giọng chân thật, mềm mại, đúng phong cách vùng miền và giàu cảm xúc. Người hát cần tiết chế hơi thở sao cho âm thanh bay ra một cách nhẹ nhàng, không sử dụng cộng minh và cách rung của hát cổ điển. Đó là cách tốt nhất để “giữ hồn” dân ca và làm cho người nghe thấy được mình trong từng câu hát.
4.2. Kỹ thuật nhấn nhá và phát âm
Phát âm rõ ràng, chuẩn tiếng Việt, chú ý các âm cuối (n, ng, t) để đảm bảo ngữ nghĩa.Nhấn nhá theo lời và cảm xúc, giúp người nghe hiểu nội dung và cảm được cái “tình” trong câu hát.Một số cách nhấn đặc trưng:Nhấn vào các từ mang nghĩa chính (danh từ, động từ); Nhẹ giọng ở từ nối, từ phụ để giữ giai điệu mượt mà; Trong hát lý hoặc hò, cần bắt đúng nhịp ngắt để giữ tiết tấu truyền thống.
Dân ca và các ca khúc mang âm hưởng dân ca thường sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt thuần túy, đậm chất đời thường, nên đòi hỏi người hát phải phát âm thật rõ ràng, tròn vành, rõ chữ để giữ được tính truyền cảm và đảm bảo ý nghĩa câu hát.
Phát âm rõ ràng, chuẩn tiếng Việt là yếu tố cơ bản nhất để người nghe hiểu được nội dung bài hát. Tránh nói “trẹo âm” hoặc nuốt âm, đặc biệt ở các vùng có phương ngữ mạnh, càng không nên “nuốt chữ” hay phát âm lướt quá nhanh, điều này khiến người nghe mất cảm xúc và khó hiểu lời hát.
Người hát cần chú ý các âm cuối như n, ng, t, c nếu không phát âm rõ sẽ làm mất nghĩa của từ, nhất là trong các ca khúc tự sự hoặc trữ tình. Âm cuối rõ ràng giúp khép câu hát gọn gàng, tăng độ ngân rung đúng vị trí, tạo độ vang mộc tự nhiên.
Kỹ thuật nhấn nhá khi thể hiện các ca khúc mang âm hưởng dân ca làm bật lên cảm xúc và cái “tình” của câu hát. Kỹ thuật nhấn (accentuation) không chỉ để làm rõ nghĩa, mà còn tạo điểm nhấn về cảm xúc. Điều này, giống như cách nói chuyện, khi muốn nhấn mạnh điều gì, ta thường lên giọng, ngắt nhịp, thậm chí thay đổi sắc thái.
Trong hát dân ca, nhấn nhá đúng lúc giúp người nghe "cảm" được nỗi buồn, niềm vui, sự tha thiết hay hài hước trong câu hát. Cần lưu ý, khi nhấn vào các từ mang ý nghĩa chính, thường là danh từ, động từ hoặc tính từ hay những từ thể hiện nội dung cốt lõi. Các từ như “là”, “của”, “thì”, “mà” nên hát nhẹ, lướt qua một cách tự nhiên để không làm đứt mạch cảm xúc và giữ dòng chảy giai điệu mượt mà.
Đồng thời cũng lưu ý bắt đúng nhịp ngắt trong lý, hò. Đây là kỹ thuật rất quan trọng trong các làn điệu mang âm hưởng dân ca truyền thống như: Hò: có sự đối đáp và nhịp lơi – nếu không bắt đúng nhịp ngắt sẽ khiến câu hò rơi vào tình trạng “rối rắm”, mất chất dân gian; Lý: thường có cấu trúc lặp và giai điệu lên xuống – cần ngắt nhịp đúng để giữ tiết tấu và tạo sự uyển chuyển.
Người hát ca khúc mang âm hưởng dân ca không chỉ “đọc đúng”, mà còn phải “hát có hồn”. Điều này chỉ đạt được khi phát âm chuẩn xác kết hợp với nhấn nhá hợp lý để tạo nên dòng chảy cảm xúc tự nhiên. Từ đó, giúp người nghe “nghe thấy lời” nhưng cảm nhận được linh hồn của tác phẩm.
Kỹ thuật phát âm và nhấn nhá là nghệ thuật trong biểu diễn dân ca và ca khúc mang âm hưởng dân ca. Người hát cần rèn luyện khả năng phát âm rõ, giữ nguyên nghĩa tiếng Việt, đồng thời học cách nhấn nhá mềm mại, có điểm nhấn và mang màu sắc riêng của từng vùng miền. Nhờ đó, ca khúc không chỉ vang lên bằng âm thanh mà còn ngân vang trong lòng người nghe bằng cảm xúc.
4.3. Luyến láy (ornamentation)
Đây là kỹ thuật đặc trưng nhất trong hát dân ca và các ca khúc mang âm hưởng dân ca.Luyến láy tạo ra sự mềm mại, uyển chuyển, làm tăng tính biểu cảm và truyền cảm.Mỗi vùng có kỹ thuật luyến khác nhau:Quan họ: Luyến dài, ngân rung nhẹ; Ví giặm: Luyến mềm, mờ, có lúc rơi âm; Điệu lý Nam Bộ: Luyến nhanh, linh hoạt, vui tươi.Người hát cần học cách luyến đúng chỗ, tiết chế vừa phải để tránh rườm rà, làm mất nét tinh tế.
Luyến láy là kỹ thuật di chuyển mượt mà giữa các nốt nhạc liền kề, thường được dùng để tạo cảm giác mềm mại, uyển chuyển cho câu hát, làm tăng tính biểu cảm, sự truyền cảm và "cái tình" trong giai điệu và gợi nhớ đến cách nói, cách ru, cách hò rất đặc trưng của người Việt – nhẹ nhàng, chậm rãi, tình cảm. Không có kỹ thuật luyến láy, câu hát dân ca sẽ trở nên khô cứng, giống như đọc chứ không phải hát.
Mỗi thể loại dân ca vùng miền mang phong cách riêng, vì thế cách luyến láy cũng khác biệt, phản ánh văn hóa, khí hậu, tâm lý con người từng nơi. Quan họ (Bắc Bộ) thường luyến dài, đều, ngân rung nhẹ nhàng, mang chất trang trọng, tha thiết. Ví dụ: trong các câu như “Người ơi người ở đừng về”, chữ “ơi”, “ở” thường được luyến kéo dài với biên độ vừa phải, ngân nhẹ, tạo cảm giác bịn rịn, lưu luyến.
Ví giặm (Nghệ Tĩnh – Trung Bộ) thì thường tuyến mềm mại khi có âm rơi, tạo cảm giác buồn thương, sâu lắng. Người hát thường nhấn mạnh vào chữ đầu, luyến nhẹ ở giữa, kết âm rơi hoặc ngắt âm cuối đột ngột – một nét đặc trưng gợi sự lam lũ, thầm lặng.
Điệu lý (Nam Bộ) thì thường luyến nhanh, linh hoạt, tươi vui, phù hợp với không khí sinh hoạt cộng đồng vui vẻ. Thường có sự lên nhanh – rơi nhẹ, như cách người miền Nam nói chuyện hài hước, tự nhiên.
Khi sử dụng kỹ thuật luyến láy trong ca khúc mang âm hưởng dân ca cần luyến vào nguyên âm chính của từ, tránh luyến vào phụ âm hoặc sai dấu dễ làm mất rõ lời. Thường luyến ở cuối câu, đoạn ngân hoặc nơi chuyển hợp âm. Đồng thời, tránh lạm dụng luyến láy quá mức khiến câu hát trở nên “sến”, rối, mất đi sự trong trẻo vốn có của dân ca. Luyến phải tự nhiên, như một phản xạ cảm xúc, chứ không nên gượng ép.
Mặt khác, cần tôn trọng phong cách của bài hát, nên giữ đúng kiểu luyến của vùng miền. Và cũng có thể biến tấu một chút, nhưng vẫn giữ hồn cốt của âm điệu dân ca vùng miền đó.
Để làm được đó, người hát cần rèn luyện một số kỹ thuật hỗ trợ để luyến láy tốt hơn như: Luyện thanh với các âm a – i – u theo đường luyến dẻo. Nghe và nhái lại các bản thu gốc (quan họ cổ, ví giặm nguyên bản, điệu lý dân gian). Ghi âm và nghe lại để kiểm tra độ mượt – sự thừa – thiếu của các đoạn luyến. Học hỏi từ các nghệ nhân, ca sĩ có kinh nghiệm để hiểu rõ tinh thần từng điệu dân ca.
Luyến láy không chỉ là kỹ thuật, mà còn là cách truyền cảm – là linh hồn của dân ca. Người hát giỏi là người biết luyến một cách tinh tế, cảm xúc, vừa đủ, không phô diễn mà vẫn khiến người nghe “rung động”. Kỹ thuật này cần rèn luyện qua cảm nhận và trải nghiệm, vì chỉ khi thật sự cảm được nỗi niềm trong câu hát, người ca sĩ mới luyến đúng và luyến đẹp.
4.4. Kiểm soát hơi thở
Hơi thở ổn định là điều kiện quan trọng để kiểm soát luyến láy, ngân dài hoặc hát liền mạch.Kỹ thuật hơi thở cần tập trung vào:Hít sâu bằng cơ hoành (bụng), không dùng vai để tránh mất sức; Giữ hơi đều và lâu, đặc biệt khi hát những câu dài hoặc ngân rung; Nghệ thuật lấy hơi kín đáo, lấy hơi nhanh giữa các câu hát mà không làm mất dòng giai điệu.Trong bài hát Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, nhiều câu hát dài yêu cầu ca sĩ vừa luyến mềm mại vừa giữ hơi tốt để không đứt mạch cảm xúc.
Trong khi thể hiện các ca khúc mang âm hưởng dân ca, người hát thường phải ngân dài, luyến mềm mượt trên một dòng giai điệu trôi chảy. Đồng thời, thể hiện cảm xúc một cách chân thực, tự nhiên, không gượng gạo và hát các câu không ngắt nhịp rõ ràng, mang tính kể chuyện, tự sự. Vì thế, kiểm soát hơi thở tốt là yếu tố sống còn để giữ sự liền mạch trong cảm xúc, đảm bảo câu hát không bị hụt hơi, mất nhịp hoặc vỡ tiếng và hòa quyện kỹ thuật và cảm xúc, làm bật lên vẻ đẹp mộc mạc mà đầy tinh tế của dân ca.
Kỹ thuật hít thở bằng cơ hoành (thở bụng) là hít sâu từ mũi, cảm nhận bụng phình ra (không nâng vai hay ưỡn ngực). Giúp lấy được lượng hơi lớn hơn, ít tốn sức, hơi ra ổn định hơn. Tránh thở vai dễ khiến âm thanh căng, gò bó, mất cảm xúc dân gian.
Tập giữ hơi bằng cách hát liên tục một dòng giai điệu dài, không ngắt hơi giữa chừng. Kỹ thuật này, cần thiết cho những đoạn luyến láy kéo dài hoặc ngân rung cuối câu. Có thể luyện bằng cách thổi một làn hơi dài ra trên một âm đơn (ví dụ: “a…” trong 10–15 giây), giữ đều tốc độ.
Cần lưu ý, việc lấy hơi kín đáo và đúng thời điểm. Trong dân ca, cảm xúc liền mạch, nên việc lấy hơi phải tự nhiên, không “lộ”. Người hát cần biết “đánh dấu” điểm lấy hơi hợp lý – thường ở cuối nhịp, trước một từ khóa quan trọng, hoặc giữa hai ý nhỏ. Lấy hơi nhanh – gọn – kín, không ảnh hưởng đến dòng giai điệu.
Trong các ca khúc dân ca – nơi kỹ thuật và cảm xúc hòa quyện – hơi thở là "nền móng" cho mọi yếu tố khác, từ luyến láy, ngân rung đến cách truyền tải cái “tình” trong từng câu hát. Ca sĩ có hơi thở tốt không chỉ giữ được kỹ thuật, mà còn chạm được vào trái tim người nghe, vì cảm xúc không bị ngắt quãng.
5. Thảo luận
Việc thể hiện ca khúc mang âm hưởng dân ca không đơn thuần là việc sử dụng kỹ thuật thanh nhạc hiện đại, mà còn là sự kết hợp hài hòa giữa kỹ thuật ấy với cảm quan văn hóa sâu sắc. Khác với dòng nhạc thính phòng hay nhạc kịch, giọng hát dân ca không đòi hỏi phải thật vang, thật rộng hay đạt tới những nốt cao chói lọi. Điều cần thiết hơn cả là sự chân thực trong cách hát, khả năng truyền cảm và đặc biệt là sự thấu hiểu bản sắc vùng miền – nơi đã sản sinh ra làn điệu ấy.
Do đó, trong giáo dục âm nhạc hiện nay, cần có sự nhấn mạnh đến việc giảng dạy những yếu tố đặc thù của dân ca, chẳng hạn như: âm sắc mang màu sắc vùng miền, kỹ thuật nhấn nhá trong từng câu hát, cách phát âm theo khẩu ngữ địa phương và nghệ thuật luyến láy đặc trưng. Những yếu tố này không chỉ là kỹ thuật, mà còn là "linh hồn" của từng làn điệu dân ca.
Bên cạnh đó, việc khuyến khích người học tìm hiểu văn hóa dân gian – từ phong tục tập quán, ngôn ngữ, đến đời sống tinh thần của từng vùng miền – là vô cùng quan trọng. Chỉ khi người hát thật sự “thấm” được tinh thần và không gian văn hóa của bài hát, họ mới có thể truyền tải đúng tinh thần của dân ca, chạm tới trái tim người nghe thay vì chỉ dừng lại ở việc biểu diễn kỹ thuật hình thức.
6. Kết luận
Việc thể hiện thành công một ca khúc mang âm hưởng dân ca không thể chỉ dừng lại ở mức độ “hát đúng” hay “hát hay”. Đó không chỉ là sự trình diễn âm thanh theo nốt nhạc, mà là hành trình biểu đạt tâm hồn và văn hóa – nơi giọng hát trở thành cầu nối giữa người nghe với cội nguồn dân tộc. Mỗi làn điệu dân ca đều mang trong mình hơi thở của một vùng đất, phản ánh cuộc sống, tâm tư và tình cảm của con người nơi ấy. Vì vậy, người ca sĩ không thể hát dân ca một cách hời hợt hay khuôn mẫu, mà cần có sự nhập tâm, tinh tế và hiểu biết sâu sắc.
Để làm được điều đó, người nghệ sĩ cần có kỹ thuật thanh nhạc vững vàng là nền tảng cơ bản giúp người hát kiểm soát hơi thở, âm lượng, cao độ và cách phát âm. Tuy nhiên, với dân ca, kỹ thuật không phải là mục tiêu cuối cùng, mà là phương tiện để thể hiện cảm xúc một cách chính xác và tinh tế nhất. Mỗi vùng quê Việt Nam đều có màu sắc âm nhạc riêng – từ dân ca quan họ Bắc Ninh, điệu hò Huế trữ tình đến dân ca Nam Bộ mộc mạc. Người hát cần thấu hiểu cách phát âm, ngữ điệu, tiết tấu và chất giọng đặc trưng của từng vùng miền để không làm sai lệch bản chất của làn điệu. Dân ca vốn là lời ru, câu hò, tiếng hát của người dân lao động – mộc mạc nhưng da diết. Khi thể hiện dân ca, ca sĩ cần truyền tải được sự chân thực, sâu lắng và đầy cảm xúc để chạm đến trái tim người nghe.
Sự kết hợp hài hòa của ba yếu tố này không chỉ giúp bảo tồn và lan tỏa bản sắc âm nhạc dân tộc, mà còn tạo nên những trải nghiệm nghệ thuật sâu sắc. Mỗi câu hát dân ca – dù giản dị – đều có thể trở thành sợi dây kết nối cảm xúc giữa con người hôm nay với hồn cốt dân tộc, gợi nhớ về cội nguồn trong từng lời ca mộc mạc, tha thiết.
7. Tài liệu tham khảo
- Nguyễn Thị Hương Giang (2025), Dạy học ca khúc mang âm hưởng dân ca cho sinh viên khoa Thanh nhạc – Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Nxb dân trí;
- Lê Thị Thơ (2022), Giảng dạy các ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung trong đào tạo thanh nhạc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam”, Luận án Tiến sĩ Âm nhạc học;
- Lê Hàm (2000), Âm nhạc dân gian Xứ Nghệ, Văn nghệ dân gian Nghệ An;
- Trần Ngọc Lan (2011), Phương pháp hát tiếng Việt trong nghệ thuật ca hát, Nxb Giáo dục;
- Phạm Phúc Minh (1960), Tìm hiểu dân ca Việt Nam, Nxb Âm nhạc;
- Phan Minh (2012), Bàn về chất liệu dân ca trong ca khúc, Tạp chí Hồn Việt (số 12, Tr.17);
- Tú Ngọc (1979), Tìm hiểu giai điệu dân ca Việt Nam, Tạp chí Âm nhạc (sô 3, tr.31);
- Tú Ngọc (1979), Dân ca Người Việt, Nxb Âm Nhạc;
- Trần Việt Ngữ, Trương Đình Quang, Hoàng Chương (1963), Dân ca miền Nam Trung Bộ tập 1 và 2, Nxb Văn hóa.