Âm nhạc dân ca Việt Nam là di sản văn hóa phong phú, mang đậm bản sắc dân tộc và thể hiện tinh thần, tâm tư, tình cảm của người dân qua các thế hệ. Nó không chỉ là phương tiện giải trí mà còn là hình thức giao tiếp, phản ánh sâu sắc những khía cạnh văn hóa, lịch sử và xã hội của mỗi miền đất nước. Âm nhạc dân ca giúp duy trì và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức và tình yêu quê hương đất nước cho các thế hệ trẻ.
Sự cần thiết
Áp dụng các phương pháp giảng dạy hiệu quả sẽ thúc đẩy HV-SV tham gia tích cực vào các hoạt động nghệ thuật, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo là vấn đề ngày càng được các trường đào tạo nghệ thuật quan tâm. Việc nâng cao chất lượng phương pháp biểu diễn không chỉ giúp sinh viên nắm vững kỹ thuật mà còn hiểu sâu sắc hơn về ý nghĩa văn hóa và lịch sử của các ca khúc dân ca, từ đó phát huy tính sáng tạo và khả năng diễn xuất riêng của mình. Đề tài này đặt ra nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển những phương pháp biểu diễn hiệu quả, khuyến khích sinh viên thể hiện tài năng, đóng góp vào việc bảo tồn và phát triển âm nhạc dân ca Việt Nam trong bối cảnh hiện đại.
Một số nghệ sỹ trẻ hiện nay rất ngại làm mới các ca khúc đã đi cùng năm tháng và họ thường bắt chước lại các nghệ sỹ đã trình bày trên các nền tảng mạng xã hội. Việc bắt chước như vậy dẫn đến việc thiếu tính sáng tạo, không chủ động tư duy, thiếu sự tìm hiểu về không gian văn học và hoàn cảnh ra đời của tác phẩm. Cũng có một số nghệ sỹ chưa thực sự dám thay đổi vì có thể do nhận thức và trình độ chuyên môn còn chưa thật sự tốt hoặc không vượt qua được cái bóng lớn trước đó nên vấn đề làm mới một ca khúc cần rất nhiều yếu tố tích hợp lại mới có thể làm cho ca khúc có diện mạo mới nhưng lại không mất đi tính chất ban đầu của tác phẩm. Đề tài giúp chỉ ra cách thức kết hợp giữa âm nhạc truyền thống dân gian với âm nhạc hiện đại phù hợp cho ra một ý tưởng của một bản phối khí mới mamg tinh thần và xu hướng của thời đại, cũng có thể đưa một đoạn ngắn dân ca cổ có nội dung phù hợp với tác phẩm như câu ngâm hay một điệu hò hoặc một câu ví vào bài hát cho từng ca khúc và có nhiều cách trình bày khác nhau tạo điểm nhấn cho ca khúc mới.
Nghiên cứu về kỹ thuật rung láy, cảm thụ về mầu sắc dân ca trong ca khúc, cách thức trình bày thông qua âm điệu phương ngữ và ngữ điệu của từng vùng miền. Áp dụng kỹ thuật cho một số nguyên âm và phụ âm. Có không gian âm nhạc hấp dẫn dễ tiếp cận với công chúng và đưa âm nhạc dân ca đến gần với các bạn trẻ hơn.
Hoạt động biểu diễn các ca khúc mang âm hưởng dân ca dành cho học viên luôn được quan tâm tại khoa Thanh nhạc, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Tất cả nhằm đảm bảo tốt các yêu cầu đề ra trong kế hoạch giáo dục đào tạo, thực hành biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân. Trong những năm qua, Khoa Thanh nhạc, Trường Đại học VHNT Quân đội là chiếc nôi đào tạo nhiều thế hệ HS-SV trở thành những chiến sĩ - nghệ sĩ có giọng hát hay và khả năng biểu diễn chuyên nghiệp, với các phong cách âm nhạc khác nhau, trong đó nổi bật là phong cách dân gian. Bên cạnh việc chú trọng đến kĩ thuật thanh nhạc, HV-SV thanh nhạc còn được học tập, thực hành thực hành về các phong cách biểu diễn khác nhau. Trong đó, những ca khúc mang âm hưởng dân ca ba miền. Mặc dù, kiến thức về dân ca đã được đội ngũ giảng viên trang bị, truyền thụ cho các thế hệ học viên – HV-SV. Tuy vậy, việc tiếp thu, lĩnh hội và hình thành phong cách sáng tạo riêng đối với từng học viên là vấn đề cần được quan tâm; phương pháp biểu diễncác ca khúc dân ca cho học viên – HV-SV là vấn đề rất cần thiết, và cần được khảo sát, phân tích, làm rõ.
Việc GV tìm tòi, nghiên cứu những phương pháp hiệu quả trong giảng dạy và hướng dẫn HVSV biểu diễn một số ca khúc mang âm hưởng dân ca các vùng miền không chỉ lan tỏa và tôn vinh những giá trị của âm nhạc truyền thống Việt Nam, mà còn góp phần làm phong phú thêm kho tàng âm nhạc dân tộc. Việc nghiên cứu và giảng dạy âm nhạc dân ca cũng giúp HV-SV cũng như giảng viên có cái nhìn đa dạng hơn về âm nhạc thế giới, từ đó đi đến việc giao lưu văn hóa quốc tế một cách hiệu quả hơn.
Xuất phát từ những vấn đề nêu trên, nhóm nghiên cứu nhận thấy cần làm rõ cơ sở lý luận và một số yêu cầu về phương pháp biểu diễn một số ca khúc mang âm hưởng dân ca ba miền. Đây là vấn đề có giá trị thực tiệc và cần có hướng tiếp cận khoa học. Qua đó sẽ giúp học viên - HV-SV của Khoa thanh nhạc nắm bắt được phương pháp biểu diễn cần thiết phục vụ cho nhiệm vụ học tập và thực hành biểu diễn trong tương lai. Do đó, nhóm tác giả đã chọn đề tài “Nâng cao chất lượng phương pháp biểu diễn một số ca khúc mang âm hưởng dân ca 3 miền tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội” làm vấn đề nghiên cứu.
Tình hình nghiên cứu đề tài
Cuốn sách Phương pháp Sư phạm Thanh Nhạc của GS. NSND Nguyễn Trung Kiên do Viện Âm nhạc, Hà Nội xuất bản năm 2001. Đây là cuốn sách có giá trị rất lớn đối với lĩnh vực sư phạm thanh nhạc tại Việt Nam bao gồm: 14 chương gồm các quy trình, phương pháp dạy hát, các kỹ thuật về hơi thở, khẩu hình, khoảng vang, nhả chữ các bài tập luyện giọng, sửa chữa các lỗi kỹ thuật cho học sinh từ những năm Trung cấp. Tuy nhiên, cuốn sách chưa đi sâu vào khía cạnh khai thác các tác phẩm mang âm hưởng dân ca Việt Nam vào trong công tác giảng dạy và thực hành biểu diễn.
Trong cuốn Phương pháp giảng dạy Thanh Nhạc của NGƯT Hồ Mộ La do Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa xuất bản năm 2008 đã giới thiệu những yêu cầu căn bản trong đào tạo bậc trung cấp Thanh nhạc. Cuốn sách tập trung vào các vấn đề về giải phẫu bộ máy phát âm của con người làm minh chứng cho việc sử dụng kỹ thuật thanh nhạc sao cho khoa học. Tuy nhiên, tác giả chưa đi sâu nghiên cứu khía cạnh xử lý, vận dụng kỹ thuật vào các tác phẩm Việt Nam mang chất liệu dân ca trong hoạt động biểu diễn.
Cuốn Phương pháp hát tốt tiếng Việt trong nghệ thuật ca hát của PGS. TS NSƯT Trần Ngọc Lan do Nhà xất bản Giáo dục xuất bản năm 2011. Cuốn sách đề cập tới vấn đề đào tạo Thanh Nhạc dưới góc nhìn về loại hình ca khúc Việt Nam. Cuốn sách mới dừng lại ở việc đề cập tới những đặc điểm cơ bản của tiếng Việt và áp dụng xử lý ngôn ngữ của nghệ thuật ca hát truyền thống vào nghệ thuật thanh nhạc.
Cũng tương tự, trong cuốn Quá trình hình thành và phát triển ca hát chuyên nghiệp ở Việt Nam của tác giả Trương Ngọc Thắng, NXB Thuận Hóa, 2010, tác giả đề cập đến việc khai thác tác phẩm thanh nhạc Việt Nam mang chất liệu dân ca nhằm phát triển ca hát chuyên nghiệp, nhưng chưa đề cập đến lĩnh vực sự phạm và phương pháp giảng dạy thể loại này.
Đề tài khoa học cấp Bộ tổng tham mưu Đưa hát dân ca vào đào tạo thanh nhạc ở Trường Đại học VHNT Quân đội Năm 2014 của TS NSUT Nguyễn Thanh Nga, đề tài đã cho thấy tầm quan trọng của việc hát các ca khúc mamg âm hưởng dân ca của khoa Thanh nhạc, là tiền đề cho học viên khoa Thanh nhạc học tập và thực hành về một số phương pháp biểu diễn các ca khúc mang âm hưởng dân ca.
Đề tài Phương pháp biểu diễn một số ca khúc tiếng Nga tiêu biểu của Thiếu tá, ThS Đỗ Phương Mai. Đề tài đã đáp ứng được nhu cầu cấp thiết trong công tác giảng dạy, thực hành biểu diễn chuyên ngành Thanh nhạc, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo Thanh nhạc. Trên cơ sở lý luận, đề tài đã nêu ra các đề xuất, phương pháp hiệu quả đối với việc biểu diễn các ca khúc tiếng Nga, là nguồn tư liệu quý giá giúp học viên tham khảo và học tập về phương pháp biểu diễn.
Đề tài “Dạy học ca khúc mang âm hưởng dân ca cho HV-SV Khoa Thanh nhạc Trường đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội” được NSƯT Nguyễn Thị Hương Giang bảo vệ thành công Luận văn Thạc sỹ năm 2017 tại Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương đã khái quát tương đối toàn diện về cơ sở lý luận, thực trạng và đề xuất phương pháp giảng dạy các ca khúc mang âm hưởng dân ca cho HV-SV khoa Thanh nhạc trường Đại học VHNT Quân đội. Tuy nhiên, đề tài chưa tập trung đi sâu vào việc gắn kết giữa phương pháp giảng dạy với hoạt động thực hành biểu diễn các ca khúc mang âm hưởng dân ca. Gần đây, đúc kết từ thực tiễn công tác biểu diễn, NSƯT Nguyễn Thị Hương Giang đã công bố nhiều bài viết chia sẻ những sáng kiến có liên quan về đề tài Sử dụng kỹ thuật thanh nhạc vào biểu diễn các ca khúc mang âm hưởng dân ca.
Những công trình, luận văn, bài viết, các chương trình thực hành biểu diễn được đề cập ởtrên là tài liệu quý giá, là tiền đề lý luận quan trọng cho hướng tiếp cận của nhóm nghiên cứu. Tuy vậy, qua quá trình tìm hiểu, nhóm nghiên cứu nhận thấy có khá nhiều công trình nghiên cứu, luận văn nghiên cứu về phương pháp sư phạm thanh nhạc, nghiên cứu về dân ca, tuy nhiên chưa có công trình nào đi sâu nghiên cứu về “Phương pháp biểu diễnca khúc mang âm hưởng dân ca”. Như vậy vấn đề đưa ra của nhóm nghiên cứu là không trùng lặp.
Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu
Mục tiêu nghiên cứu : Đề tài nghiên cứu tập trung vào việc làm sáng tỏ khái niệm và đặc điểm của ca khúc dân ca Việt Nam, từ đó làm rõ vai trò và ý nghĩa của chúng trong văn hóa. Mục tiêu là giúp học viên và sinh viên nâng cao nhận thức về giá trị âm nhạc dân gian. Các nội dung chính của nghiên cứu bao gồm:
Phân tích các đặc điểm nổi bật của ca khúc dân ca Việt Nam, nhằm cung cấp cái nhìn tổng quát về giá trị văn hóa. Tổng hợp và phân tích các phương pháp truyền đạt kiến thức về âm nhạc dân ca tại Khoa Thanh nhạc, bao gồm lựa chọn bài hát, kỹ thuật biểu diễn và ứng dụng lý thuyết vào thực hành.
Nghiên cứu các kỹ năng cần thiết để thể hiện ca khúc dân ca, từ kỹ thuật thanh nhạc đến diễn đạt cảm xúc và phong cách, nhằm nâng cao chất lượng biểu diễn của sinh viên. Đánh giá hiệu quả của các phương pháp thực hành biểu diễn, rút ra bài học kinh nghiệm và đề xuất giải pháp cải thiện giảng dạy âm nhạc dân ca. Khuyến khích sinh viên sáng tạo và phát triển các tác phẩm âm nhạc mới dựa trên chất liệu dân ca truyền thống, làm phong phú thêm nền âm nhạc hiện đại. Đề tài không chỉ nâng cao trình độ chuyên môn và khả năng biểu diễn của sinh viên mà còn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị âm nhạc dân ca Việt Nam.
Đề tài có các nhiệm vụ chủ yếu sau đây:
- Nghiên cứu tài liệu: Tổng hợp và phân tích các tài liệu liên quan đến âm nhạc dân ca, phương pháp biểu diễn, bao gồm lý thuyết và thực tiễn giảng dạy nhằm làm rõ về nội dung và cấu trúc của những ca khúc dân ca, nâng cao chất lượng biểu diễn các ca khúc mang âm hưởng dân ca.
- Khảo sát thực trạng: Tiến hành khảo sát thực trạng biểu diễn âm nhạc dân ca tại khoa Thanh nhạc, nhận diện các phương pháp đang được sử dụng và đánh giá hiệu quả của chúng.
- Lựa chọn ca khúc mẫu: Lựa chọn một số ca khúc tiêu biểu mang âm hưởng dân ca để làm mẫu trong nghiên cứu, đảm bảo tính đa dạng về thể loại và vùng miền.
- Thiết kế phương pháp biểu diễn: Đề xuất và thiết kế các phương pháp biểu diễn phù hợp cho việc truyền đạt kiến thức và kỹ năng về biểu diễn ca khúc dân ca cho HV-SV.
- Thực hành biểu diễn: Triển khai thực nghiệm biểu diễn trên sân khấu với các phương pháp đã thiết kế trên một nhóm HV-SV để đánh giá tính khả thi và hiệu quả thực hành. Chủ nhiệm đề tài, các thành viên và học viên thực hành biểu diễn 09 ca khúc mang âm hương dân ca tiêu biểu cho các vùng miền.
- Đánh giá hiệu quả biểu diễn: Phân tích kết quả sau khi thực hành biểu diễn, thông qua việc thu thập ý kiến phản hồi từ HV-SV, giảng viên và chuyên gia, từ đó đánh giá hiệu quả của các phương pháp biểu diễn.
- Đề xuất giải pháp: Dựa trên kết quả nghiên cứu và thực nghiệm, đưa ra các giải pháp cải thiện chất lượng phương pháp biểu diễn âm nhạc dân ca cho khoa Thanh nhạc. Đưa ra những khuyến nghị về việc bảo tồn và phát huy giá trị âm nhạc dân ca trong giảng dạy, cũng như trong hoạt động văn hóa nghệ thuật tại trường và cộng đồng. Các nhiệm vụ này sẽ giúp đảm bảo việc thực hiện đề tài đạt hiệu quả cao và có tính ứng dụng trong thực tiễn giảng dạy và biểu diễn âm nhạc dân ca.
Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu: Phương pháp biểu diễn một số ca khúc mang âm hưởng dân ca 3 miềntại Trường đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, cụ thể:
- Ca khúc dân ca, tập trung vào một số ca khúc tiêu biểu từ ba miền Bắc, Trung, Nam, có giá trị văn hóa và nghệ thuật cao. Các ca khúc này có thể bao gồm thể loại dân ca truyền thống cũng như các phiên bản hiện đại, nhưng vẫn giữ được âm hưởng dân ca.
- HV-SV Trường Đại học VHNT Quân đội, bao gồm HV-SV đang theo học các ngành liên quan đến nghệ thuật biểu diễn, đặc biệt là thanh nhạc, biểu diễn âm nhạc dân gian, và các môn học có liên quan đến âm nhạc dân ca.
- Nghiên cứu hoạt động giảng dạy, hướng dẫn HV-SV thực hành biểu diễn một số ca khúc mang âm hưởng dân ca 3 miền tại Trường đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.
- Tập trung vào việc phân tích và đánh giá các phương pháp biểu diễn một số khúc dân ca, kỹ thuật trình diễn, và cách thức thể hiện cảm xúc qua âm nhạc. Đánh giá sự tương tác giữa sinh viên và khán giả trong các buổi biểu diễn và ảnh hưởng của không gian biểu diễn đến chất lượng nghệ thuật.
Phạm vi nghiên cứu: Phạm vi thời gian: Từ tháng 10/2022 đến tháng 10/2024; Phạm vi không gian: Hoạt động thực hành biểu diễn các ca khúc mang âm hưởng dân ca 3 miềndành cho học viên Hệ Đại học khoa Thanh Nhạc trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội; Phạm vi nội dung: Biểu diễn trên sân khấu 09tiết mục mang âm hưởng dân ca tiêu biểu các vùng miền đã được tuyển chọn và do giảng viên sáng tácthông qua hình thức hát beat, hát cùng ban nhạc và có các tiết mục kèm vũ đạo.
Đề tài sử dụng các phương pháp nghiên cứu chính như:
- Phương pháp nghiên cứu tài liệu: Tìm kiếm và phân tích các tài liệu liên quan đến âm nhạc dân ca, các nghiên cứu trước đó về giảng dạy âm nhạc, văn hóa dân tộc, từ đó hình thành cơ sở lý thuyết cho đề tài.
- Phương pháp phân tích – tổng hợp: Phân tích kết quả thu được từ thực nghiệm thực hành biểu diễn và khảo sát quá trình thực nghiệm, cùng với tổng hợp dữ liệu để đưa ra đánh giá, kết luận.
- Phương pháp quan sát: Quan sát trực tiếp quá trình biểu diễn tại khoa Thanh nhạc để ghi nhận thực tế, từ đó đưa ra đánh giá về chất lượng và hiệu quả của các phương pháp đang được áp dụng.
- Phương pháp thực hành: Trong khuôn khổ nghiên cứu này, nhóm tác giả sẽ thực hành biểu diễn 09 ca khúc lựa chọn tại sân khấu tầng 5 của Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, với các hình thức hát beat, hát cùng band nhạc và có các tiết mục kèm vũ đạo. Triển khai thử nghiệm các phương pháp giảng dạy đã được thiết kế trên nhóm HV-SV cụ thể, ghi nhận quá trình học tập và biểu diễn để đánh giá hiệu quả.
- Phương pháp phỏng vấn sâu: Thực hiện phỏng vấn sâu với một số giảng viên và chuyên gia trong lĩnh vực âm nhạc để thu thập ý kiến chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn. Trao đổi ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận của một số chuyên gia đầu ngành về các phương pháp biểu diễn hiệu quả.
Những phương pháp nghiên cứu này sẽ hỗ trợ trong việc thu thập dữ liệu, phân tích và đưa ra những kết luận có giá trị cho đề tài, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và thực hành âm nhạc dân ca tại khoa Thanh nhạc.
Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài:
- Ý nghĩa khoa học: Nghiên cứu và xây dựng các phương pháp giảng dạy hiệu quả sẽ làm phong phú thêm kho tàng lý thuyết về giảng dạy âm nhạc, đặc biệt là trong lĩnh vực âm nhạc dân ca. Điều này giúp tạo ra cơ sở khoa học cho việc vận dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại trong thực tiễn. Đề tài góp phần khẳng định và phân tích vai trò quan trọng của âm nhạc dân ca trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, từ đó khuyến khích việc nghiên cứu sâu hơn về giá trị văn hóa âm nhạc trong các lĩnh vực giáo dục và nghệ thuật.
Thông qua việc khảo sát và phân tích thực trạng giảng dạy âm nhạc dân ca tại khoa Thanh nhạc, đề tài sẽ cung cấp những thông tin giá trị về mức độ tiếp nhận của HV-SV, từ đó làm cơ sở cho việc điều chỉnh và cải tiến chương trình đào tạo. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu có thể là nền tảng cho các nghiên cứu tiếp theo về các phương pháp giảng dạy âm nhạc, sự phát triển của âm nhạc dân ca trong giáo dục và các lĩnh vực liên quan khác.
Ý nghĩa thực tiễn: Đề tài sẽ giúp xác định và áp dụng những phương pháp giảng dạy biểu diễn phù hợp và hiệu quả hơn trong việc truyền đạt kiến thức và kỹ năng thực hành cho HV-SV, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo tại khoa Thanh nhạc.
Các phương pháp thực hành biểu diễn được nghiên cứu và áp dụng sẽ hỗ trợ HV-SV trong việc phát triển kỹ năng biểu diễn, giúp các em tự tin hơn khi trình diễn các ca khúc dân ca trước công chúng. Đề tài cũng góp phần khuyến khích sự nghiên cứu và biểu diễn âm nhạc dân ca, từ đó góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tạo điều kiện cho HV-SV hiểu sâu hơn về văn hóa dân tộc của mình.
Nghiên cứu thực trạng giảng dạy và học tập sẽ giúp nhận diện rõ hơn về nhu cầu, khó khăn mà HV-SV gặp phải, từ đó đưa ra các giải pháp cụ thể để cải thiện quá trình giảng dạy và học tập. Thông qua việc biểu diễn một số ca khúc dân ca, HV-SVcó thể tham gia các sự kiện văn hóa trong và ngoài trường, từ đó tạo cơ hội giao lưu văn hóa, nâng cao nhận thức và tôn trọng giá trị văn hóa của các dân tộc khác.
Đề tài sẽ cung cấp một cái nhìn rõ ràng hơn về con đường sự nghiệp cho HV-SV khi họ ra trường, giúp họ định hướng đúng đắn trong việc lựa chọn các lĩnh vực liên quan đến âm nhạc dân ca và nghệ thuật biểu diễn. Bên cạnh đó, đề tài sẽ giúp HV-SVkết nối giữa kiến thức lý thuyết và thực hành, từ đó hình thành những kỹ năng cần thiết cho sự nghiệp nghệ thuật sau này.