Với niềm đam mê truyền thông và khát khao kết nối cộng đồng người Việt tại Nhật, chị đã kiên trì xây dựng hành trình riêng - nơi công việc không chỉ là nghề nghiệp mà là sứ mệnh. Và hành trình ấy, Honto TV là một trong những điểm tựa để chị lan tỏa nhiều hơn những câu chuyện đẹp đẽ giữa người với người, giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Hành trình tìm lại chính mình nơi đất khách
Đến Nhật không phải để “đổi đời” như nhiều người Việt xa xứ khác, Đỗ Thị Minh Phương mang theo khát khao tiếp tục hành trình làm báo tại vùng đất đã gắn bó. Trước đó, chị là gương mặt quen thuộc trên sóng VTV, đặc biệt trong các bản tin tiếng Nhật Japan Link do VTV4 thực hiện. Chị sang Nhật vào năm 2017 với mong muốn mở rộng trải nghiệm nghề nghiệp, tiếp tục mang tiếng nói và hình ảnh Việt Nam đến khán giả quốc tế.
Nhưng thực tế không giống như hình dung. Rời xa đài truyền hình, tạm gác lại nghiệp đưa tin, chị rơi vào một giai đoạn trống rỗng và hụt hẫng. “Thời gian đầu sống ở Nhật, tôi cảm thấy mình như biến mất.” - chị hồi tưởng. Một người từng đứng trước ống kính, đưa tin bằng cả trái tim, nay trở nên lặng lẽ giữa dòng người xa lạ ở các ga tàu và siêu thị. Những va chạm văn hóa, rào cản ngôn ngữ và cảm giác “mình không còn là ai cả” đã khiến chị đau đáu một câu hỏi: Liệu nghề báo với mình đã khép lại, hay đây là lúc để mở ra một hành trình mới - lắng nghe và kể chuyện của chính cộng đồng người Việt xa xứ?
Chính từ những trăn trở ấy, niềm tin cũ dần được thắp lại theo một cách khác. Không còn phòng thu, không còn micro chuyên dụng hay ekip sản xuất chuyên nghiệp, chị bắt đầu lại bằng chính chiếc điện thoại cá nhân, ánh sáng tự nhiên, và những câu chuyện đời thường.“Càng làm, tôi càng nhận ra: kể chuyện không cần phải lớn lao. Chỉ cần chân thành và đủ lắng nghe, thì câu chuyện nào cũng có thể chạm đến người khác.” - chị chia sẻ.

Khi nghề trở thành sứ mệnh
Làm truyền thông tại Nhật không phải điều dễ dàng, đặc biệt khi môi trường và đối tượng khán giả hoàn toàn khác biệt. Tuy nhiên, chị Phương đã biết vận dụng những kinh nghiệm quý báu có được sau 4 năm làm việc tại Đài Truyền hình Quốc gia Việt Nam, kết hợp với tinh thần cầu thị, học hỏi không ngừng để thích ứng với thị trường mới. Từ việc quay phim, chỉnh màu, dựng hậu kỳ, đến viết kịch bản và phát triển nội dung, chị luôn chủ động tiếp cận, sáng tạo và điều chỉnh để phù hợp với nhu cầu của cộng đồng người Việt tại Nhật, từng bước đưa kênh phát triển mạnh mẽ hơn.
Không đầu tư rình rang, không theo đuổi sự hào nhoáng, nhưng mỗi sản phẩm truyền thông chị thực hiện đều chứa đựng một tinh thần: trân trọng con người và lan tỏa những giá trị tích cực. Đó có thể là câu chuyện của một người mẹ Việt nuôi con học đại học tại Nhật, hành trình khởi nghiệp của một thanh niên tay trắng, hay đơn giản là cách một quán ăn nhỏ giữ hương vị quê nhà giữa lòng Tokyo.

Từ một căn phòng nhỏ đến một kênh truyền thông vì cộng đồng
Từ những đêm mất ngủ, từ nỗi nhớ nghề và niềm đau đáu vì cộng đồng, Honto TV ra đời vào tháng 9/2021, đúng giữa cao điểm đại dịch COVID-19. Ban đầu, chỉ có một căn phòng nhỏ, một chiếc máy quay mượn, mic thu âm từ điện thoại cũ. Nhưng ẩn sau sự khiêm tốn ấy là khát vọng lớn: tạo ra một kênh thông tin trung thực, gần gũi và thiết thực nhất cho hơn 600.000 người Việt đang sống, học tập và làm việc tại Nhật.
Tên gọi “HONTO” mang nhiều tầng ý nghĩa: vừa là cách chơi chữ giữa “Nihon” (Nhật Bản) và “Betonamu” (Việt Nam), vừa có nghĩa là “sự thật” trong tiếng Nhật. Với chị Phương, đó cũng là kim chỉ nam cho mọi chương trình: truyền tải đúng sự thật, dễ hiểu, đặt lợi ích cộng đồng lên hàng đầu.
Honto TV - cầu nối giữa người Việt và nước Nhật
Là người sáng lập và vận hành kênh Honto TV - nơi chia sẻ những thước phim về đời sống người Việt tại Nhật, chị Phương không chỉ dừng lại ở việc sản xuất video, mà còn xây dựng một cộng đồng kết nối bằng sự chân thành.
Honto trong tiếng Nhật có nghĩa là “thật sự” và đó cũng là tinh thần xuyên suốt trong những video của chị: thật sự cảm xúc, thật sự đời thường, thật sự đáng trân quý. Dù là vlog, phóng sự hay talkshow, người xem đều dễ dàng cảm nhận sự ấm áp, tử tế trong cách chị kể chuyện.

HONTO TV không chỉ là một kênh YouTube đó là một nền tảng truyền thông số đa phương tiện, với các chuyên mục phong phú như:
“Người Việt ở Nhật đang làm gì?” - phóng sự kể lại một ngày làm việc cụ thể của người Việt tại Nhật, từ công việc nhà máy, chăm sóc y tế đến nhà hàng, logistics... Qua đó, khán giả được thấy rõ những khó khăn, nỗ lực và cả ước mơ phía sau mỗi hành trình mưu sinh. Chuỗi nội dung này giúp chị Phương đoạt giải Nhì Giải Báo chí Toàn quốc về Thông tin Đối ngoại năm 2023.
“Pháp luật Nhật không khó” - chương trình được xây dựng cùng sự cố vấn của Sở Cảnh sát Tokyo và Hội Luật sư Hành chính Tokyo. Với hình thức tranh luận trường quay, chương trình chọn ra 10 chủ đề pháp luật gần gũi nhất như cư trú, lao động, cư xử với cảnh sát… giúp người Việt hiểu luật theo cách gần gũi, dễ tiếp nhận hơn.
Hiện tại, kênh đang thu hút hàng chục nghìn lượt theo dõi với tệp khán giả chủ yếu là người Việt sinh sống tại Nhật, và cả những ai đang quan tâm đến cuộc sống tại xứ sở hoa anh đào. Honto TV cũng trở thành cầu nối cho nhiều người trẻ có ước mơ du học, lao động và lập nghiệp tại Nhật Bản, với thông tin thiết thực và góc nhìn nhân văn.
Phía sau ống kính - người phụ nữ sống bằng trái tim
Ít ai biết rằng, để có được những thước phim cảm động ấy, chị Phương đã phải đánh đổi rất nhiều thời gian, công sức và cả những khoảnh khắc riêng tư của cuộc sống. Vừa làm mẹ, vừa làm việc, vừa sản xuất nội dung, chị gần như không có khái niệm “nghỉ”. Nhưng chính vì yêu thích công việc, chị không thấy mệt chỉ thấy biết ơn vì mình được làm điều có ý nghĩa.

“Truyền thông với mình không phải là nghề để nổi tiếng, mà là cách để mình kết nối, chữa lành và lan tỏa những điều tích cực. Mỗi người mình gặp, mỗi câu chuyện mình quay đều để lại dấu ấn rất riêng.” - chị tâm sự.
Không chỉ đưa tin - mà còn kết nối con người
Ở tầm cao hơn, HONTO TV không chỉ là kênh thông tin mà còn là chiếc cầu nối giữa người Việt với nhau, giữa cộng đồng và chính quyền, giữa Việt Nam với Nhật Bản. Chị Phương gọi đó là “kết nối nhân dân” nơi mà những câu chuyện đời thường có thể chạm đến trái tim người xem, và từ đó xây dựng niềm tin giữa hai dân tộc.
Một trong những điều chị tự hào nhất là HONTO TV bền bỉ đồng hành với hoạt động của các hội nhóm người Việt tại Nhật. Tính đến năm 2024, có hơn 30 hội đoàn người Việt hoạt động tại Nhật, và hơn 400 sự kiện giao lưu Việt - Nhật diễn ra trong năm 2023. Nhưng do thiếu truyền thông, ít người biết đến. HONTO chính là nơi phản ánh đời sống cộng đồng sôi động ấy, giúp hình ảnh người Việt được tái hiện một cách chân thật và tích cực hơn.

Truyền thông kiều bào: giữ bản sắc, nuôi niềm tin
Không có doanh thu từ quảng cáo, không được tài trợ lớn, chị Phương vẫn kiên trì giữ Honto vận hành bằng chính sự tin tưởng từ cộng đồng. Những tin nhắn cảm ơn, những lời nhắn gửi “nhờ video của chị mà em hiểu luật hơn”, hay những cái vẫy tay “Chị Mei Honto TV!” giữa đường phố Tokyo… là nguồn động lực lớn nhất.
Chị Phương cũng đặc biệt trân trọng sự hỗ trợ từ các cơ quan ngoại giao Việt Nam tại Nhật, như Đại sứ quán, Ban Tuyên giáo Trung ương, Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài… Những cơ quan này không chỉ ghi nhận mà còn đồng hành cùng chị trong nhiều dự án truyền thông trọng điểm, như chương trình pháp luật, chương trình song ngữ giới thiệu ẩm thực - văn hóa Việt cho người Nhật.

Trên hành trình lặng lẽ kết nối cộng đồng người Việt tại Nhật qua từng thước phim, chị Đỗ Thị Minh Phương không đơn thuần làm truyền thông, chị đang kể những câu chuyện rất đời, rất thật, từ góc nhìn của một người sống xa quê nhưng luôn hướng về cộng đồng. Honto TV, với chị, không phải là nơi để phô bày kỹ thuật hay chạy theo thị hiếu nhất thời. Đó là nơi để giữ lại ký ức, lan tỏa sự tử tế và tạo ra một không gian nhỏ bé nhưng đủ ấm để những người Việt nơi đất khách tìm thấy mình.
Liên hệ:
Link channel: https://www.youtube.com/@HONTOTV
Link Facebook: https://www.facebook.com/hontotv/