Sự nghiệp và đam mê của nhà thư pháp Lê Thiên Lý
Nhắc đến thư pháp Việt Nam, không thể không nhắc đến nhà thư pháp Lê Thiên Lý – người đã sáng tạo ra hai lối viết độc đáo: "Nhân diện thư" và "Vật điểu thư". Ông hiện là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Làng nghề TP Hải Phòng, Giám đốc Trung tâm Thư pháp Câu đối và Hán - Nôm học Hải Phòng. Với những đóng góp xuất sắc, ông đã nhiều lần lập kỷ lục Việt Nam và Guinness thế giới, góp phần đưa thư pháp Việt Nam lên một tầm cao mới.
Nghệ nhân, nhà thư pháp Lê Thiên Lý
Sinh năm 1946 tại Kiến Thụy (Hải Phòng), Lê Thiên Lý có niềm đam mê đặc biệt với chữ nghĩa từ thuở nhỏ. Dù xuất thân trong một gia đình làm nông, ông sớm tiếp xúc với văn hóa Hán - Nôm qua những bài thơ, sách cổ như "Tam tự kinh", "Sấm Trạng Trình", "Chinh phụ ngâm", thơ Đường... Sau khi tốt nghiệp Trung văn, ông nhập ngũ, rồi công tác tại Phòng Văn hóa Thông tin huyện Kiến Thụy.
Bước ngoặt đến vào năm 1996, khi ông được nhà thư pháp Trung Quốc Lỗ Nguyên tặng sách hướng dẫn viết thư pháp. Hai năm sau, ông tiếp tục được truyền cảm hứng từ triển lãm thư pháp của cụ Lê Xuân Hòa tại Văn Miếu Quốc Tử Giám. Từ đó, ông quyết tâm theo đuổi thư pháp, tự mày mò, luyện tập không ngừng để tinh thông các lối viết truyền thống như Triện, Lễ, Khải, Thảo, Hành. Nhưng không dừng lại ở đó, ông còn tìm ra hướng đi riêng, tạo nên dấu ấn cá nhân qua hai lối viết đặc biệt: "Nhân diện thư" và "Vật điểu thư".
Nhân diện thư và Vật điểu thư – Sự sáng tạo đột phá trong thư pháp
Với "Nhân diện thư", ông đã đưa nghệ thuật thư pháp lên một tầm cao mới khi biến những con chữ thành chân dung con người. Trong đó, "Nhân" là người, "Diện" là gương mặt, và "Thư" là bút pháp thể hiện. Những tác phẩm này không chỉ đơn thuần là chữ viết mà còn tái hiện hình thái, thần thái của con người qua từng nét bút. Để thực hiện được, người viết cần hiểu rõ về cấu trúc khuôn mặt, ánh sáng, bóng tối, nét thanh, nét đậm, tạo nên sự giao thoa giữa thư pháp và nghệ thuật phác thảo chân dung. Ông đã sáng tác nhiều bức thư pháp chân dung các danh nhân lịch sử Việt Nam, thậm chí viết thư pháp bằng chính tên của người được nhận.
Bên cạnh đó, "Vật điểu thư" cũng là một sáng tạo đầy nghệ thuật. "Vật" là những đồ vật quen thuộc, "Điểu" là chim muông, và "Thư" là bút pháp thể hiện. Ông đã thành công trong việc khắc họa hình ảnh rồng, phượng, chim, cá, bình hoa, ấm trà… bằng nét chữ, tạo nên sự hòa quyện giữa thư pháp và hội họa. Những tác phẩm này không chỉ đòi hỏi kỹ thuật thư pháp điêu luyện mà còn cần óc quan sát tinh tế và tư duy sáng tạo.
Mỗi dịp Tết, ông Lý sáng tác các bức thư pháp hình linh vật của năm theo lối "Vật điểu thư", gửi gắm những ước vọng bình an, hạnh phúc, thành công. Đặc biệt, vào dịp Tết Ất Tỵ 2025, ông hoàn thành bộ sưu tập thư pháp về 12 con giáp, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong sự nghiệp.
Hành trình lan tỏa nghệ thuật thư pháp
Không chỉ sáng tạo nghệ thuật, Lê Thiên Lý còn có đóng góp lớn trong việc bảo tồn và phát triển thư pháp Việt Nam. Năm 2003, ông cùng nhà thư pháp Lê Đức Đôn thành lập CLB Hán - Nôm Hải Phòng, thu hút nhiều người đam mê chữ Hán - Nôm. Năm 2007, ông tiếp tục sáng lập CLB Thư pháp Hải Phòng, tạo sân chơi cho những người yêu thích bộ môn này.
Nhằm đưa thư pháp đến gần hơn với công chúng, ông mở các lớp dạy miễn phí, duy trì suốt 15 năm qua với 23 khóa học và hàng trăm học viên thuộc nhiều độ tuổi, ngành nghề. Nhiều học trò của ông nay đã trở thành nghệ nhân, đạt danh hiệu và giải thưởng về thư pháp của Hiệp hội Làng nghề Hải Phòng.
Nhà thư pháp Lê Thiên Lý dạy học tại Lớp cao cấp
Chữ "Ân sư" theo lối viết thư pháp "Nhân diện thư" và "Vật điểu thư"
Bên cạnh đó, ông còn tiên phong tổ chức lễ hội Khai bút đầu Xuân tại đền nhà Mạc (Kiến Thụy), sau đó lan rộng ra nhiều địa phương khác. Hoạt động này không chỉ tôn vinh tinh thần hiếu học mà còn góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt.
Với những đóng góp to lớn, hai lối viết thư pháp do Lê Thiên Lý sáng tạo đã trở thành chủ đề nghiên cứu và thảo luận trong hội thảo “Nhân diện thư và Vật điểu thư trong dòng chảy thư pháp Việt Nam đương đại” diễn ra vào ngày 23/3/2025 tại Hải Phòng. Hội thảo ghi nhận những giá trị nghệ thuật mà hai lối viết này mang lại, đồng thời đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát huy và đưa thư pháp Việt Nam đến với công chúng trong và ngoài nước.



Một số hình ảnh tại hội thảo “Nhân diện thư và Vật điểu thư trong dòng chảy thư pháp Việt Nam đương đại”
Các nghệ nhân và chuyên gia trong lĩnh vực thư pháp như Trần Quốc Huy, Trần Văn Đa đã đề xuất tiếp tục tổ chức những hội thảo chuyên sâu về "Nhân diện thư" và "Vật điểu thư", không chỉ để làm sáng tỏ về lý luận và thực tiễn mà còn để tìm hướng phát triển phù hợp với xu thế hiện đại.
Bằng những đóng góp không ngừng nghỉ, nhà thư pháp Lê Thiên Lý không chỉ là một nhà thư pháp tài hoa mà còn là người đặt nền móng cho một hướng đi mới trong thư pháp đương đại. Hai lối viết thư pháp mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam của ông không chỉ giúp thư pháp gần gũi hơn với công chúng mà còn truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ tiếp tục khám phá và sáng tạo, đưa thư pháp Việt Nam vươn xa hơn trong tương lai