"Tình bằng có cái trống cơm" - Sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại

Trong tập 4 chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai”, tiết mục “Trống Cơm” của bộ ba Nhà Sao Sáng: Anh tài Tự Long, Cường Seven và Soobin đã thành công kể lại một câu chuyện văn hóa đặc sắc, đi từ dân gian cho đến âm nhạc hiện đại.

Hành trình của "Trống Cơm"

Trong quá trình chuẩn bị, theo như nhận định của NSND Tự Long, “Trống Cơm” không phải là một bài hát trọn vẹn mà chỉ là một điệu hát, chương trình đã đưa ra yêu cầu chỉ cho phép sáng tạo không quá 50% để 3 anh tài hoàn thiện “Trống Cơm” thành một tác phẩm hoàn chỉnh. NSND Tự Long, Cường Seven và Soobin đã quyết định cải biên làn điệu này thành một tác phẩm giao thoa giữa truyền thống, hiện đại và đương đại.

NSND Tự Long chia sẻ rằng: “Thực ra trong câu chuyện này, nó còn một vấn đề nữa mà anh em mình phải lưu tâm, câu chuyện về cái trống cơm, một loại trống mà được đánh cả hai mặt, nhưng nó thay đổi âm sắc bằng việc dán cơm lên mặt trống. Thế còn sự tích của trống cơm, thì dân gian có rất nhiều sự tích. 

Tôi rất thích những cái gì thuộc về dân tộc thì ta giữ lấy nó, sau đó phát triển, cách điệu, khoa trương và cuối cùng là thăng hoa. Để cho ca khúc của chúng ta, người già - người cũ - người trung niên - người trẻ vẫn có thể lắng nghe trên những ca từ và trên những giai điệu đã quen thuộc rồi.”

img-5090-1722421388.jpeg

Thăng hoa trên sân khấu

Không phụ sự trông đợi của khán giả, Nhà Sao Sáng đã đem tác phẩm “Trống Cơm” độc nhất, chưa từng có trong làng nhạc Việt đến với sân khấu đêm công diễn đầu tiên.

Mở màn tiết mục, người xem thấy ngay sự kết hợp mới lạ giữa hai thế hệ nghệ sĩ, tưởng chừng như không hợp nhưng lại tạo ra một bức tranh đầy sắc màu trên sân khấu về cả phần nghe lẫn phần nhìn. Chúng ta được nghe những câu hát mới mẻ, hiện đại trên nền nhạc R&B của Soobin và Cường Seven, NSND Tự Long cùng những câu hát chèo đặc trưng, những điệu nhảy, lời rap trẻ trung trên nền nhạc kết hợp giữa nhạc cụ dân tộc với điện tử hiện đại. 

img-5094-1722421518.jpeg

Những hình ảnh như nón lá, áo tơi rơm, áo dài, trống cơm để diễn tả lại khung cảnh xưa cũ tại làng quê Việt Nam. Đặc biệt là phần chuyển qua vũ đạo mạnh mẽ của bài hát trên nền tiếng trống vang lên dồn dập của nghệ sĩ Tự Long, như tái hiện cảm giác hào khí sục sôi chiến đấu của dân tộc Việt Nam. Để rồi đột ngột dẫn qua phần kết gây “nổi da gà” với tiếng đàn bầu của Soobin cùng màn múa cờ hoa hào hùng, cũng như tượng trưng cho đoạn kết hào hùng của đất nước Việt Nam ta, giữ yên được bờ cõi khỏi giặc ngoại xâm với những trang sử oai phong, lẫm liệt.

img-5097-1722422136.jpeg

img-5095-1722421600.jpeg

img-5092-1722421601.jpeg

Kết thúc tiết mục, NSND Tự Long cũng đã nhấn mạnh rằng: “Ca khúc này của chúng tôi là một nét khá đặc biệt so với các ca khúc mà các bạn nghe. Bởi ca khúc này chúng tôi muốn làm về văn hóa. VĂN HOÁ LÀ BẢN CHẤT, VĂN HÓA LÀ CỘI NGUỒN, VĂN HÓA LÀ DÂN TỘC. Câu chuyện Văn hóa chúng tôi muốn kể đó chính là tiếp nối các giá trị truyền thống, chúng tôi muốn cho những người trẻ ngày hôm nay hiểu hơn và tiếp cận nhiều hơn nữa để thêm yêu “vốn Cổ” của Dân tộc.

Và những gì chúng tôi làm vẫn giữa lại nguyên sơ những cái nét Văn hóa ấy, bài “Trống Cơm” chúng tôi không sửa, nhưng có một điều đặc biệt là chương trình cho chúng tôi 49% được sáng tác mới. Bởi vậy Soobin và Cường Seven cùng với ekip đã sáng tác ra một đoạn, và cùng cái đoạn đó ngày hôm nay, chúng tôi muốn làm mới những giai điệu của “Trống Cơm” nhưng không mất đi Bản sắc Dân tộc của mình. Đối tượng của chúng tôi có thể là những người thể hệ 6x - 7x - 8x, nhưng cũng có thể là thế hệ 2000 vẫn thích nghe “Trống Cơm” và chúng tôi muốn làm giàu thêm kho tàng Văn hóa của Việt Nam.”

img-5091-1722421601.jpeg

Ngoài Tự Long, Soobin cũng chia sẻ bản thân nam ca sĩ đã từng học và chơi nhạc cụ đàn bầu, nhưng chính con đường âm nhạc của mình khiến anh ít khi có cơ hội thực hiện. “Anh trai vượt ngàn chông gai” là sân khấu duy nhất giúp anh thực hiện được ước mơ từ thời niên thiếu. "Có lẽ trong cuộc đời sự nghiệp của mình sẽ khó có một sân khấu nào mình được chơi lại đàn bầu với nhiều cảm xúc như sân khấu Trống Cơm này. Với sân khấu thứ 2 này, mình muốn tri ân tới người thầy đầu tiên trong cuộc đời, người đã đưa mình đến với âm nhạc, đưa mình biết tới đàn bầu, biết tới những âm hưởng của dân gian, dân tộc, người kết nối linh hồn của mình với nghệ thuật. Đó chính là bố mình - NSND Nguyễn Huỳnh Tú", nam ca sĩ chia sẻ.

img-5096-1722421893.jpeg

Qua màn trình diễn Trống Cơm, chúng ta thấy được cái tâm, cái tầm của những người nghệ sĩ chân chính đang ngày ngày cống hiến hết sức để bảo vệ những giá trị truyền thống của dân tộc, đồng thời giữ gìn và kể lại “câu chuyện văn hóa” mang theo hơi thở đương đại đến với mọi thế hệ đất nước. Bởi, “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn. Văn hóa mất thì dân tộc mất".

Hà My