Quảng cáo #38
VIỆN KINH TẾ - VĂN HÓA VÀ NGHỆ THUẬT
VIỆN KINH TẾ - VĂN HÓA VÀ NGHỆ THUẬT
  • Giới thiệu
  • TIÊU ĐIỂM
  • DIỄN ĐÀN
  • VĂN HÓA
  • PHÁT TRIỂN
  • THỜI ĐẠI
  • HỘI NHẬP
    • Video
    • Ảnh
    • Podcasts
    • Infographic
    • eMagazine
  • Cô Đồng Trang: Hóa Giải Khúc Mắc Tâm Linh Với Lòng Thành Và Nhân Văn
  • Elizabeth Vu: Người đứng sau thành công của SeaQueen Bar, Restaurant & Banquet Hall - điểm hẹn ẩm thực và sự kiện lý tưởng của cộng đồng Việt tại California
  • Chủ tịch Hồ Chí Minh linh hồn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975)
  • “Diễn viên nghìn tỷ” Tuấn Trần là viên ngọc của điện ảnh Việt Nam
  • Kỳ Liên hoan Thơ Ca Ba Miền lần II tại Huế: Gắn kết thi ca – Lan tỏa đam mê
  • Thư chúc mừng của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhân kỷ niệm 65 năm thành lập ngành Du lịch Việt Nam
Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều
img

DIỄN ĐÀN

Chủ tịch Hồ Chí Minh linh hồn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975)

  • Vương Xuân Nguyên
  • 11:16 11/07/2025

Hà Nội rực rỡ cờ hoa, hân hoan trong ngày giải phóng, nhưng lòng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn mang nặng trĩu những nỗi niềm. Hiệp định Genève vừa ký kết, đất nước chia đôi, dòng Bến Hải nghiệt ngã như vết cứa chia cắt máu thịt anh em. Từ căn nhà nhỏ ở Bắc Bộ Phủ, Người trầm ngâm nhìn ra khoảng sân, nếp nhăn trên trán hằn sâu nỗi lo toan. Người biết rõ, đây không phải là kết thúc, mà là sự khởi đầu cho một cuộc đấu tranh cam go hơn bội phần.

Nhiệm vụ chiến lược của cách mạng hai miền

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi với đỉnh cao là Điện Biên Phủ đã mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử cách mạng Việt Nam: Hòa bình độc lập ở Đông Dương, và đặc biệt, miền Bắc Việt Nam được giải phóng khỏi ách đế quốc. Tuy nhiên, ở miền Nam, đế quốc Mỹ đã nhanh chóng hất cẳng thực dân Pháp, âm mưu biến nơi đây thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự, chuẩn bị gây lại chiến tranh, tiến công nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và các nước xã hội chủ nghĩa.

Trước tình hình mới, Người cùng Trung ương Đảng đã vạch ra hai nhiệm vụ chiến lược phải đồng thời tiến hành: xây dựng miền Bắc tiến lên xã hội chủ nghĩa để trở thành hậu phương vững chắc và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, tiếp tục hoàn thành cách mạng dân tộc - dân chủ - nhân dân trong cả nước. Đây là một đường lối sáng suốt, thể hiện tầm nhìn chiến lược vĩ đại của Người, nhận định đúng bản chất thời cuộc và con đường duy nhất để giải phóng dân tộc. Trong không khí dạt dào niềm vui chiến thắng, miền Bắc được giải phóng, Người cùng Trung ương Đảng và Chính phủ vui mừng về lại thủ đô. Trên đường về Hà Nội, ngày 19/9/1954, Người ghé thăm Đền Hùng và gặp các cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn Quân Tiên phong chuẩn bị về tiếp quản Thủ đô. Tại đây, Người đã nói chuyện với các cán bộ và chiến sĩ những lời bất hủ, vang vọng ngàn năm: "... Ngày xưa các vua Hùng đã có công dựng nước, ngày nay bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước..." Lời căn dặn ấy không chỉ là sự nhắc nhở về truyền thống dựng nước và giữ nước mà còn là lời hiệu triệu thiêng liêng về trách nhiệm của thế hệ hiện tại trước vận mệnh dân tộc.

my-1-1752201209.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp các thiếu nhi dũng sĩ miền Nam tại Phủ Chủ tịch năm 1968. Ảnh: TTXVN.

Ngày 11/10/1954, Người về đến Hà Nội. Trong ngày này, Người đã ra lời kêu gọi đồng bào Hà Nội ra sức giữ gìn trật tự an ninh, nhanh chóng ổn định đời sống. Ngày 12/10/1954, Người chủ trì phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ tại Hà Nội, sau 8 năm xa cách thủ đô đi kháng chiến. Sáng 31/12/1954, Người cùng Đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước đến đặt vòng hoa tại nghĩa trang liệt sĩ. Mở đầu lễ viếng, Người nói: “Ngày mai là năm mới, là ngày đồng bào và bộ đội vui mừng chính phủ về thủ đô. Trong lúc cả nước vui mừng, mọi người đều thương tiếc và nhớ ơn các liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, vì dân tộc”.

Và rồi ngày 01/01/1955, trên quảng trường Ba Đình lịch sử, 25 vạn đồng bào Hà Nội thay mặt nhân dân cả nước vui mừng đón chào Người và Chính phủ về thủ đô, đánh dấu một kỷ nguyên mới cho miền Bắc. Sau khi được hoàn toàn giải phóng, miền Bắc tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội nhằm “xoá bỏ chế độ người bóc lột người ở nước ta, nhằm đưa lại đời sống no ấm cho toàn dân. Đó là một cuộc cách mạng vĩ đại và vẻ vang trong lịch sử loài người, nhưng đồng thời cũng là một cuộc cách mạng gay go, phức tạp và khó khăn nhất”. Người đã nhận định và chỉ ra những thuận lợi, khó khăn, và Người nói: “Những khó khăn tuy to và nhiều, nhưng đều thuộc tính chất tương đối tạm thời. Toàn Đảng, toàn dân ta quyết tâm thì nhất định khắc phục được”.

my-2-1752201714.webp
Chủ tịch Hồ Chí Minh (giữa), Đại tướng Võ Nguyên Giáp (thứ 2 từ trái sang) cùng các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước ra mắt quốc dân đồng bào trong buổi lễ tại quảng trường Ba Đình ngày 1/1/1955. (Ảnh: TTXVN)

Tháng 7/1955, Hội nghị bàn về sản xuất cứu đói được triệu tập. Tại Hội nghị này, Người đã phân tích sâu sắc nguyên nhân gây ra nạn đói là do chính sách bóc lột và thống trị của bọn đế quốc, phong kiến đối với nhân dân ta. Người nhấn mạnh chính sách của Đảng và Chính phủ lúc này là phải hết sức chăm lo đến đời sống của nhân dân. Người nói những lời thấu tận tâm can: “Nếu dân đói Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi... Nếu dân đói, rét, dốt, bệnh thì chính sách của ta dù có hay mấy cũng không thực hiện được”. Lời nói ấy không chỉ thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến đời sống nhân dân mà còn là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng và Nhà nước.

Cải cách ruộng đất sau năm 1954 ở miền Bắc với mục tiêu xóa bỏ tàn tích của chế độ phong kiến, thực hiện "người cày có ruộng". Tuy nhiên, quá trình thực hiện do thiếu kinh nghiệm thực tiễn dẫn đến một số sai lầm, như quy nhầm thành phần và đấu tố oan uổng. Trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng và Chính phủ đã nghiêm túc nhận trách nhiệm. Tháng 12 năm 1956, Người công khai nhận khuyết điểm và xin lỗi nhân dân tại Quốc hội, thể hiện sự dũng cảm và tinh thần vì dân. Một chiến dịch sửa sai sau đó được triển khai để khắc phục hậu quả, là một bài học lịch sử quý giá về trách nhiệm lãnh đạo.

Trải qua những cuộc vật lộn với bao thử thách, khó khăn nặng nề, miền Bắc dần dần đi vào ổn định, sinh hoạt của nhân dân trở lại bình thường. Trung ương Đảng, đứng đầu là Người, đã tập trung lãnh đạo nhân dân ta ra sức khôi phục kinh tế, nâng cao sản xuất, hàn gắn vết thương chiến tranh để ổn định kinh tế và bước đầu thực hiện nâng cao đời sống của nhân dân. Đồng thời Người còn coi việc chấn chỉnh công tác văn hóa xã hội là một trong những nhiệm vụ cấp bách cần phải tiến hành đồng thời với các nhiệm vụ khác. Việc củng cố, chấn chỉnh nền giáo dục phổ thông và đại học, đào tạo đội ngũ cán bộ giáo dục vừa có trình độ chính trị vững vàng, vừa có trình độ chuyên môn khá phải được tiến hành càng sớm càng tốt, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu Phát triển sự nghiệp đất nước.

my-4jpg-1752202343.crdownload
Nông dân xã Ái Quốc (Hải Hưng) báo cáo kết quả sản xuất với Bác Hồ (1958). Ảnh tư liệu

Đặc biệt, với tầm nhìn chiến lược sâu rộng, Người đã chỉ đạo việc đón hàng vạn con em cán bộ, chiến sĩ và nhân dân miền Nam ra miền Bắc học tập. Đây không chỉ là một hành động nhân đạo mà còn là một quyết định mang tính chiến lược về đào tạo nhân lực cho tương lai cách mạng. Người muốn chuẩn bị một thế hệ cán bộ tài năng, trung kiên, hiểu biết sâu sắc về chủ nghĩa xã hội và sẵn sàng trở về phục vụ quê hương miền Nam khi thời cơ đến. Những "hạt giống cách mạng" ấy sẽ là lực lượng nòng cốt cho sự nghiệp giải phóng và xây dựng đất nước sau này.

Để động viên nông dân thi đua lao động sản xuất và tiết kiệm, Người đã dành nhiều thời gian đi thăm nhiều cơ sở sản xuất. Dấu chân của Người đã in trên nhiều đồng ruộng miền Bắc. Đến với các nơi, Người thường nói: “Muốn thật thà yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu CNXH thì phải yêu lao động, vì không lao động thì chỉ là nói suông”. Người luôn nêu gương cần cù, giản dị, lo trước quần chúng, vui sau quần chúng. Trong những năm kháng chiến chống Pháp cũng như sau hòa bình lập lại, khi còn ở trong rừng cũng như lúc về Hà Nội, Người luôn luôn làm việc chăm chỉ, kế hoạch, đúng giờ giấc. Sinh hoạt của Người vẫn giản dị, đơn sơ. Đạo đức và tác phong của Người đã động viên nhân dân ta quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, anh dũng để phấn đấu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.

Ngày 14/7/1957, lần đầu tiên kể từ khi rời quê hương, Người về thăm lại quê nhà. Đồng bào trong tỉnh Nghệ An đã đón tiếp Người bằng những tình cảm vô cùng thân mật và đầm ấm. Nói chuyện với đồng bào Nghệ An, Người nói: "Tôi là một người con của tỉnh nhà đã hơn 50 năm xa cách quê hương. Hôm nay là lần đầu tiên trở về thăm quê hương tỉnh nhà. Có thể nói là: Quê hương nghĩa nặng tình sâu - Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình”. Gặp gỡ đồng bào, bà con, Người ân cần thăm hỏi sức khỏe, tình hình sản xuất đời sống, căn dặn bà con đoàn kết phấn đấu, không ngừng vươn lên trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà. Bốn năm sau, ngày 08/12/1961, Người lại một lần nữa về thăm quê hương. Làm việc với Tỉnh ủy Nghệ An, Người căn dặn các đồng chí trong Tỉnh ủy cần quan tâm hơn nữa đến việc phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh phong trào trồng cây gây rừng, trồng cây công nghiệp.

my-5-1752202459.webp
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các em thiếu nhi Làng Sen ngày 16/6/1957. Ảnh: Tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh
my-6-1752202510.webp
Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm ngôi nhà của gia đình tại Làng Sen, năm 1961. Ảnh: Tư liệu Khu Di tích Kim Liên

Công cuộc khôi phục kinh tế ở miền Bắc bắt đầu từ giai đoạn 1955 - 1957 đã cơ bản hoàn thành thắng lợi. Người đã nhận định: “Các cơ sở sản xuất cũ đã được khôi phục, nhiều nhà máy mới đã được dựng lên, mức sản xuất của nhiều ngành đã đạt mức trước chiến tranh. Lương thực đã vượt xa mức đó. Hoạt động kinh tế trong nước trở lại bình thường, hoạt động văn hoá bước đầu phát triển, đời sống nhân dân đã được cải thiện bước đầu”.

my-7-1752202694.jpeg
Bác Hồ trồng cầy đa tại Công viên Thống nhất mở đầu Tết trồng cây do Người phát động (11-1-1960). Ảnh: hochiminh.vn

Sau khi hoàn thành kế hoạch khôi phục kinh tế ở miền Bắc, Người lại tiếp tục lãnh đạo nhân dân thực hiện kế hoạch ba năm cải tạo xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế, văn hoá (1958 - 1960). Năm 1959, Người phát động “Tết trồng cây” làm cho đất nước càng ngày càng xuân. Người đặc biệt quan tâm giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, Đảng viên và nhân dân ta. Năm 1958, lấy bút danh là Trần Lực, Người viết tác phẩm “Đạo đức cách mạng”. Đồng thời, Người cũng rất chăm lo xây dựng đội ngũ thanh thiếu niên nước ta thành những con người mới xã hội chủ nghĩa, Người nói: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.

Đầu năm 1960, trong không khí toàn Đảng, toàn dân ta thi đua sôi nổi lập thành tích chào mừng Đảng ta tròn 30 tuổi và đón chào Đại hội Đảng lần thứ III, Người viết bài: “Ba mươi năm hoạt động của Đảng”. Đây là một văn kiện tổng kết lịch sử Đảng ta qua 30 năm đấu tranh oanh liệt và chiến thắng vẻ vang.

Tháng 9/1960, Đại hội đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ III họp tại Hà Nội. Trong lời khai mạc Đại hội, Người chỉ rõ: “Đại hội lần này là Đại hội xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh hoà bình thống nhất nước nhà”. Đại hội đã vạch ra đường lối chung của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và đường lối cách mạng Dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, thông qua phương hướng và nhiệm vụ của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất về phát triển kinh tế - văn hoá theo con đường xã hội chủ nghĩa. Người được bầu lại làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội lần III, nhân dân miền Bắc càng thêm phấn khởi, tin tưởng, cụ thể là ra sức tiến hành ba cuộc cách mạng: Cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học kỹ thuật, cách mạng tư tưởng văn hóa.

my-8-1752202959.jpg
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng họp tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 5 đến 10-9-1960. Ảnh tư liệu

Trong khi miền Bắc vững bước tiến lên xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, thì ở miền Nam cuộc đấu tranh của đồng bào ta chống đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai ngày càng phát triển. Nhờ có chủ trương, đường lối đúng đắn của Người đối với cách mạng miền Nam, quân và dân miền Nam đã từng bước vượt qua mọi khó khăn, thử thách, ra sức xây dựng lực lượng, củng cố phong trào, tiếp tục đưa cách mạng miền Nam tiến lên.

Ngày 06/7/1956, Người gửi thư kêu gọi đồng bào cả nước kiên quyết đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà. Bằng những lời lẽ thống thiết, mong muốn nước nhà sớm thống nhất, Người kêu gọi: “Hỡi đồng bào trong nước và kiều bào ở nước ngoài...nay chúng ta phải đoàn kết thì cuộc đấu tranh chính trị của chúng ta nhất định thắng lợi, nước nhà nhất định thống nhất”.

my-9-1752203194.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phòng làm việc của Người tại căn cứ địa Việt Bắc. Ảnh tư liệu

Ngay sau Hiệp định Genève, tình hình miền Nam trở nên cực kỳ phức tạp. Đế quốc Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm đã ngang nhiên phá hoại Hiệp định, từ chối tổng tuyển cử, đàn áp dã man những người yêu nước, đặc biệt là những người kháng chiến cũ và gia đình họ. Chúng thực hiện chính sách "tố cộng, diệt cộng", ban hành Đạo luật 10/59 lê máy chém đi khắp miền Nam, gây ra những tổn thất nặng nề cho lực lượng cách mạng và nhân dân.

Trước tình hình đó, Trung ương Đảng, đứng đầu là Người, đã nhận định rõ: con đường duy nhất để giải phóng miền Nam là đấu tranh vũ trang kết hợp đấu tranh chính trị. Đối với miền Nam trong giai đoạn 1954-1960, nhiệm vụ cách mạng được xác định là: tiếp tục hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, tức là đánh đổ đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của chủ nghĩa thực dân mới, xây dựng một chế độ dân chủ tiến bộ, sau đó tiến tới thống nhất đất nước. Đây là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, đòi hỏi sự kiên cường và hy sinh to lớn.

Nhờ có chủ trương, đường lối đúng đắn của Người đối với cách mạng miền Nam, quân và dân miền Nam đã từng bước vượt qua mọi khó khăn, thử thách, ra sức xây dựng lực lượng, củng cố phong trào, tiếp tục đưa cách mạng miền Nam tiến lên. Ban đầu, phong trào đấu tranh chủ yếu là đấu tranh chính trị, đòi hỏi thi hành Hiệp định Genève, đòi tự do dân chủ, chống lại các chính sách đàn áp của địch. Nhưng trước sự khủng bố ngày càng tàn bạo của địch, nhiều cuộc nổi dậy tự phát đã nổ ra, cho thấy một sự thay đổi tất yếu trong hình thức đấu tranh. Đỉnh cao của giai đoạn này chính là Phong trào Đồng Khởi ở miền Nam.

Sau những tổn thất nặng nề do chính sách "tố cộng, diệt cộng", trước yêu cầu bức thiết của cách mạng, tháng 1 năm 1959, Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã họp và ra nghị quyết quan trọng. Nghị quyết này khẳng định con đường cách mạng miền Nam là sử dụng bạo lực cách mạng, kết hợp đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang để đánh đổ chính quyền Mỹ - Diệm. Đây là một quyết định lịch sử, đáp ứng đúng nguyện vọng của nhân dân miền Nam.

Từ cuối năm 1959 đến đầu năm 1960, dưới ánh sáng của Nghị quyết 15, phong trào đấu tranh của quần chúng miền Nam đã chuyển từ đấu tranh chính trị sang đấu tranh vũ trang kết hợp đấu tranh chính trị, từ giữ vững lực lượng sang thế tiến công, mà tiêu biểu là phong trào Đồng Khởi. Tháng 1/1960, cuộc Đồng Khởi bùng nổ ở Mỏ Cày, Bến Tre, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy do đồng chí Nguyễn Thị Định chỉ huy. Từ Bến Tre, phong trào nhanh chóng lan rộng ra các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam Bộ và cả Tây Nguyên. Hàng triệu lượt người đã vùng lên khởi nghĩa, phá tan ách kìm kẹp của địch, giành quyền làm chủ ở nhiều vùng nông thôn. Nhiều "ấp chiến lược" của địch bị phá vỡ, các cơ quan chính quyền Ngô Đình Diệm ở cơ sở bị tê liệt, tan rã.

my-12-1752203612.jpg
Phong trào Đồng Khởi bùng nổ tại tỉnh Bến Tre, bắt đầu từ ngày 17/1/1960. Ảnh tư liệu

Phong trào Đồng Khởi đã làm phá sản một mảng lớn chính sách "bình định" của Mỹ - Ngụy, làm rung chuyển tận gốc rễ chính quyền Sài Gòn ở nông thôn, gây ra sự khủng hoảng sâu sắc cho chính quyền Diệm. Từ thế giữ gìn lực lượng, bị động chống đỡ, cách mạng miền Nam đã chuyển hẳn sang thế tiến công, làm thay đổi cục diện chiến trường.

Trong cao trào cách mạng đó, thực hiện chủ trương của Người, ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập. Mặt trận đã thông qua chương trình hành động gồm 10 điểm mà nội dung cơ bản là đánh đổ chế độ thuộc địa trá hình của đế quốc Mỹ và chế độ độc tài Ngô Đình Diệm nhằm mục đích giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Sự ra đời của Mặt trận đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của cách mạng miền Nam, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân yêu nước dưới ngọn cờ giải phóng dân tộc.

Đối đầu với "Chiến tranh đặc biệt" và "Chiến tranh cục bộ"

Trước tình hình leo thang chiến tranh ác liệt của đế quốc Mỹ, ngày 27/3/1964, Người triệu tập và chủ trì Hội nghị Chính trị đặc biệt tại Hà Nội. Hội nghị này được ví như "Hội nghị Diên Hồng thứ hai" trong lịch sử dân tộc. Tại đây, Người đã tổng kết 10 năm xây dựng miền Bắc, nhấn mạnh những thành tựu to lớn và những khó khăn, đồng thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ chống Mỹ trong tình hình mới, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy ý chí quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Người kêu gọi đồng bào miền Bắc “Mỗi người chúng ta phải làm việc bằng hai để đền đáp lại cho đồng bào miền Nam ruột thịt”. Nhờ đó phong trào cách mạng miền Nam đã phá tan cuộc “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ.

Bị thua đau ở miền Nam, Mỹ bắt đầu mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc. Ngày 05/8/1964, chúng liều lĩnh cho máy bay, tàu chiến bắn phá miền Bắc hòng ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc đối với miền Nam, phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Người kêu gọi “lúc này chống Mỹ, cứu nước là nhiệm vụ thiêng liêng nhất của mọi người Việt Nam yêu nước. Tất cả chúng ta hãy đoàn kết, nhất trí triệu người như một, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.

my13-1752204170.jpg
Các lực lượng hải quân, pháo phòng không, dân quân, tự vệ Cảng Hòn Gai, công an nhân dân vũ trang Quảng Ninh... trong trận chiến hào hùng ngày 5/8/1964 bên sông Cửa Lục. Ảnh tư liệu

Ngày 29/6/1966, đế quốc Mỹ huy động một lực lượng không quân lớn ném bom ở Hải Phòng và Hà Nội, tiến hành cuộc leo thang mới cực kỳ nghiêm trọng. Ngày 17/7/1966, Người ra lời kêu gọi đồng bào và chiến sỹ cả nước quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Lời kêu gọi "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" đã trở thành kim chỉ nam, là ngọn cờ tập hợp và truyền cảm hứng cho toàn dân tộc. Cùng với toàn quân, nhân dân miền Bắc, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Người, đã dấy lên phong trào thi đua chống Mỹ cứu nước, vừa sản xuất, vừa chiến đấu với khí thế vô cùng mạnh mẽ.

my-14-1752204261.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Người khẳng định: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Hà Nội, ngày 17/7/1966. Ảnh tư liệu

Hơn thế nữa, Người còn có những dự đoán thiên tài về cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ ra miền Bắc. Ngay từ năm 1965, khi Mỹ bắt đầu ném bom miền Bắc, Người đã sớm nhận định rằng: "Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B.52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua". Lời dự đoán này không chỉ thể hiện sự thấu hiểu sâu sắc bản chất hiếu chiến của đế quốc Mỹ mà còn là một tầm nhìn chiến lược vĩ đại. Cụ thể hơn, vào cuối năm 1967, đầu năm 1968, trong một cuộc họp Bộ Chính trị, Người đã chỉ thị: "Mỹ sẽ đưa B.52 ra đánh Hà Nội, có thua nó mới chịu thua. Các chú phải nghiên cứu cách đánh B.52". Và tháng 5/1968, Người nhắc lại: "Sớm muộn rồi Mỹ cũng sẽ đưa B.52 ra đánh phá Hà Nội, các chú nên nhớ, trước khi thua ở Việt Nam, Mỹ sẽ đánh Hà Nội, nhưng chúng sẽ thất bại ở đó". Nhờ những dự đoán sớm và chính xác này, quân và dân ta đã có sự chuẩn bị chu đáo về lực lượng, vũ khí, và phương án tác chiến, đặc biệt là xây dựng lưới lửa phòng không nhiều tầng, nhiều lớp để đón đánh máy bay B.52.

Tầm vóc của Người còn thể hiện rõ nét trong đường lối ngoại giao đối ngoại, tranh thủ tối đa sự ủng hộ và nguồn lực quốc tế. Trong bối cảnh thế giới có nhiều phức tạp, đặc biệt là sự mâu thuẫn giữa Liên Xô và Trung Quốc, Người đã khéo léo vận dụng đường lối độc lập, tự chủ, đa phương hóa quan hệ để tranh thủ sự giúp đỡ vật chất và tinh thần từ cả hai cường quốc xã hội chủ nghĩa này. Người đã có nhiều chuyến công du, gặp gỡ các nhà lãnh đạo quốc tế, giải thích rõ bản chất cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam, kêu gọi lương tri nhân loại ủng hộ. Những hoạt động này đã giúp Việt Nam nhận được một lượng lớn vũ khí, lương thực, thuốc men và sự hỗ trợ về kỹ thuật, góp phần quan trọng vào việc tăng cường sức mạnh chiến đấu.

Mậu Thân 1968: Cú đấm thép tạo bước ngoặt chiến lược

Toàn bộ quá trình phát triển của cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân ta qua các giai đoạn đã dẫn tới cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 long trời chuyển đất, mà trong lời chúc tết năm đó, Người đã khẳng định: “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua”. Đây là một dấu ấn lịch sử không thể phai mờ, mang đậm dấu ấn tư duy chiến lược của Người. Dựa trên Nghị quyết Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 1/1968), khẳng định quyết tâm "thực hiện tổng công kích và tổng khởi nghĩa, giành thắng lợi quyết định cho sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước", ta đã mở một đòn tấn công bất ngờ và đồng loạt trên khắp các đô thị miền Nam, đặc biệt là Sài Gòn, Huế.

my-17-1752204749.jpg
Ngày 28/121967, Bộ Chính trị họp phiên đặc biệt, thông qua Kế hoạch chiến lược năm 1968 "Chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam sang một thời kỳ mới, thời kỳ tiến công và nổi dậy giành thắng lợi quyết định", chủ trương mở đợt Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Ảnh: TTXVN.

Dù mục tiêu tổng khởi nghĩa chưa hoàn thành, nhưng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đã tạo ra những tác động vô cùng to lớn. Cuộc tiến công đánh thẳng vào các trung tâm đầu não của địch, kể cả Tòa Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn, đã làm chấn động nước Mỹ và thế giới. Nó chứng minh rằng không có nơi nào ở miền Nam là an toàn đối với quân Mỹ và chính quyền Sài Gòn, bác bỏ hoàn toàn những tuyên bố lạc quan về tình hình chiến tranh của giới chức Mỹ.

Mậu Thân 1968 đã phá sản chiến lược "Chiến tranh cục bộ" của Mỹ. Những hình ảnh khốc liệt và sự thật về cuộc Tổng tiến công đã gây sốc lớn cho công chúng Mỹ. Niềm tin của người dân Mỹ vào cuộc chiến bị lung lay nghiêm trọng, tạo nên một làn sóng biểu tình, phản đối chiến tranh mạnh mẽ chưa từng có. Đây là áp lực chính trị cực lớn buộc chính quyền Mỹ phải thay đổi chính sách.

my-19-1752205296.jpg
Trận đánh tại Huế bắt đầu lúc 2 giờ 30 ngày 31/1/1968 (rạng sáng mùng 2 Tết) và kéo dài 26 ngày, là mặt trận ác liệt nhất trong đợt 1 của trận Mậu Thân 1968. Trong ảnh: Pháo binh quân giải phóng bắn vào sân bay Tây Lộc, thành phố Huế, rạng sáng 31/1/1968. Ảnh: Tư liệu TTXVN.
my-18-1752205443.jpg
Bằng đòn đánh chủ yếu là vào các thành thị, trọng tâm là Sài Gòn-Gia Định, Đà Nẵng, Huế - nơi tập trung bộ máy quân sự và hành chính của Mỹ ngụy, ta đã phơi bày đầy đủ sự thất bại về quân sự và sự yếu kém trong tiến hành chiến tranh của địch. Trong ảnh: Máy bay vận tải C.119 của Mỹ bị quân Giải phóng phá hủy trong trận đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất, đêm 30/1 rạng ngày 31/1. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Trước những thất bại nặng nề trên chiến trường và áp lực từ dư luận trong nước, Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson đã phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra (31/3/1968) và chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Paris. Điều này đã mở ra cục diện "vừa đánh, vừa đàm", đánh dấu một bước ngoặt chiến lược trong cuộc kháng chiến. Mậu Thân đã giúp cách mạng Việt Nam tranh thủ được sự ủng hộ mạnh mẽ hơn từ các lực lượng tiến bộ trên thế giới. Nó phơi bày bản chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ, khiến nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế và nhân dân yêu chuộng hòa bình đứng về phía Việt Nam, tạo thêm nguồn lực và áp lực quốc tế lên Mỹ. Đây là sự kế thừa và phát huy tầm nhìn ngoại giao của Người.

Giữa cao trào Tổng tiến công và nổi dậy đều khắp của quân và dân ta, Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam ra đời. Người coi đó là “một thắng lợi to lớn của chính sách đoàn kết toàn dân chống Mỹ, cứu nước, làm cho bọn Mỹ Nguỵ càng lộ rõ bộ mặt cướp nước và bán nước của chúng”. Để đáp ứng yêu cầu to lớn của cuộc chiến đấu và nguyện vọng toàn dân, ngày 6/6/1969, các lực lượng yêu nước ở miền Nam đã họp Đại hội đại biểu quốc dân, nhất trí bầu ra Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Hội đồng cố vấn bên cạnh Chính phủ.

my-20-1752205747.png
Các đại biểu biểu quyết bầu ra Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Hội đồng cố vấn Chính phủ, tháng 6-1969. Ảnh tư liệu.

Trong bức điện ngày 11/6/1969, thay mặt Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người đã gửi lời chào mừng đến Chính phủ Cách mạng lâm thời và Hội đồng cố vấn. Bị thua đau ở cả hai miền Nam - Bắc, Chính phủ Mỹ buộc phải chấm dứt không điều kiện việc ném bom bắn phá trên toàn bộ lãnh thổ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và phải nói chuyện với đại diện Chính phủ ta và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại hội nghị 4 bên ở Paris. Sau 4 năm chiến đấu vô cùng anh dũng, quân và dân ta đã giành được thắng lợi vẻ vang, đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ trên miền Bắc nước ta. Người đánh giá: “Thắng lợi đó là thắng lợi của đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng ta, thắng lợi của lòng yêu nước nồng nàn và sức mạnh của toàn dân đoàn kết chiến đấu, quyết thắng, thắng lợi của chế độ XHCN tốt đẹp. Đó là thắng lợi chung của quân và dân ta ở cả hai miền Nam - Bắc. Đó cũng là thắng lợi của nhân dân các nước anh em và bè bạn ta khắp năm châu”.

Di chúc thiêng liêng soi đường cách mạng

Từ bao năm qua, Người luôn dành muôn vàn tình thương yêu cho nhân dân ta ở miền Nam, thể hiện từ việc chăm sóc các cháu thiếu niên nhi đồng tập kết ra Bắc, đến việc vun trồng cây vú sữa của đồng bào miền Nam tặng Người. Người từng rơi lệ những khi nghe tin đồng bào miền Nam bị giặc Mỹ và tay sai giết hại. Người rất xúc động khi ôm hôn những đại biểu đầu tiên của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ra thăm miền Bắc, tháng 10/1962, Người nói: "Hình ảnh miền Nam yêu quý ở trong trái tim tôi".

Chưa giải phóng được miền Nam, Người xem như chưa làm tròn nhiệm vụ. Bởi vậy, khi được tin Quốc hội tặng Người Huân chương Sao Vàng, Người đã tỏ lòng biết ơn và đề nghị Quốc hội: "Chờ cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hòa bình thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền Nam trao cho tôi Huân chương cao quý ấy. Như vậy thì toàn dân ta sẽ sung sướng, vui mừng".

Ngày 2 tháng 9 năm 1969, Người qua đời, để lại muôn vàn tiếc thương cho toàn dân tộc và bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, trước khi ra đi, Người đã để lại một bản Di chúc lịch sử, như một bản tổng kết tư tưởng, một lời căn dặn thiêng liêng cho thế hệ mai sau, chứa đựng những tư tưởng chỉ đạo, nội dung cốt lõi và định hướng lâu dài cho cách mạng Việt Nam đến năm 1975, cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc sau này.

my-21-1752207194.jpg
Bút tích Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu.

Di chúc khẳng định niềm tin sắt đá vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến, bất chấp những khó khăn, gian khổ: "Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn." Người cũng tiên liệu: "Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà." Đây không chỉ là lời tiên đoán mà còn là mệnh lệnh thiêng liêng, tiếp thêm sức mạnh tinh thần vô tận cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tiếp tục chiến đấu cho đến ngày toàn thắng. Mùa xuân năm 1969, trong lời thơ chúc tết, Người đã thúc giục toàn dân: “Vì độc lập, vì tự do/Đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào/Tiến lên chiến sỹ đồng bào/Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn”.

Di chúc chỉ rõ: "Đầu tiên là công việc đối với con người", phải chăm lo đời sống của nhân dân, giải quyết các vấn đề xã hội như thương binh, liệt sĩ, người già yếu, trẻ mồ côi. Người nhấn mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng đất nước "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn". Đây là định hướng chiến lược lâu dài cho công cuộc tái thiết và phát triển đất nước sau này.

Về xây dựng Đảng là nội dung quan trọng bậc nhất trong Di chúc. Người căn dặn: "Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân." Lời dặn này là lời răn dạy sâu sắc, là kim chỉ nam cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng trong mọi thời kỳ.

Về đoàn kết quốc tế, Người luôn coi trọng đoàn kết quốc tế, coi đó là một nhân tố quan trọng làm nên thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Di chúc tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của việc củng cố và phát triển mối quan hệ đoàn kết với các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Những lời căn dặn đó của Người đã trở thành nguồn động lực tinh thần vô tận, là kim chỉ nam cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Việt Nam tiếp tục chiến đấu. Dù không còn được thấy Bác trực tiếp, nhưng tinh thần, tư tưởng, và ý chí độc lập tự chủ của Người đã thấm sâu vào mọi quyết sách, mọi hành động.

Giải phóng miền Nam, thống nhất Đất nước

Sau khi Người mất, Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng, theo con đường mà Người đã vạch ra, tiếp tục lãnh đạo cuộc kháng chiến chống lại chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" của Mỹ. Những thắng lợi quân sự vang dội tiếp nối, đỉnh cao là Chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" cuối năm 1972 ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc. Chính nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ những dự đoán thiên tài của Người mà quân và dân Hà Nội đã làm nên một "Điện Biên Phủ trên không" vĩ đại, đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng B.52 của Mỹ trong 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972. Trận thắng này đã chứng minh tính đúng đắn trong tầm nhìn của Bác, và đã buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris vào tháng 1 năm 1973, chấm dứt chiến tranh xâm lược, và rút hết quân về nước.

my-22-1752206399.jpg
Một số hình ảnh trận địa phòng không trong Chiến thắng "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không", năm 1972. Ảnh tư liệu.

Hai năm sau Hiệp định Paris, với tư tưởng độc lập, tự chủ và tinh thần "đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào" mà Người đã định hướng, quân và dân ta đã nắm bắt thời cơ chiến lược. Vào đầu năm 1975, Bộ Chính trị đã nhận định "thời cơ chiến lược đã đến, ta có điều kiện hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam trong hai năm 1975-1976", đồng thời nhấn mạnh "nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975, phải lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975".

Các chiến dịch lớn đã được triển khai thần tốc: Chiến dịch Tây Nguyên mở màn vào tháng 3 với thắng lợi Buôn Ma Thuột, tạo ra sự sụp đổ dây chuyền của địch; tiếp đó là Chiến dịch Huế - Đà Nẵng giải phóng các thành phố lớn này. Đến ngày 9/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử chính thức bắt đầu. Đây là đỉnh cao của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, thể hiện sự vận dụng thiên tài tư tưởng "thần tốc, táo bạo, bất ngờ" của Người. Năm cánh quân lớn của ta với khí thế "tiến như vũ bão" đã đồng loạt mở các mũi tấn công vào Sài Gòn. Từ các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, các binh đoàn chủ lực của ta đã phá vỡ tuyến phòng thủ của địch, tiến vào trung tâm thành phố. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cánh quân và tinh thần chiến đấu dũng cảm, quyết liệt của quân và dân đã làm cho chính quyền Sài Gòn nhanh chóng tan rã.

Đúng 10 giờ 45 phút ngày 30/4/1975, xe tăng của Quân giải phóng húc đổ cổng Dinh Độc Lập. 11 giờ 30 phút cùng ngày, lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam kiêu hãnh tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Chính quyền Sài Gòn tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử không chỉ là một chiến dịch quân sự đơn thuần mà còn mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc, chấm dứt hoàn toàn cuộc chiến tranh và thực hiện trọn vẹn mong ước thống nhất đất nước của Người.

my-23-1752206705.jpg
11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, xe tăng quân Giải phóng băng qua cánh cổng sắt, đánh chiếm Phủ Tổng thống ngụy Sài Gòn, sào huyệt cuối cùng của quân địch, kết thúc oanh liệt cuộc trường chinh 30 năm chống ngoại xâm của dân tộc. Ảnh: TTXVN.
my-24-1752206799.webp
Nhân dân Sài Gòn diễu hành mừng thành phố được giải phóng. Ảnh tư liệu TTXVN.

Chiến dịch Hồ Chí Minh là đòn quyết định cuối cùng, kết thúc cuộc chiến tranh lâu dài và gian khổ nhất trong lịch sử Việt Nam, buộc Mỹ phải từ bỏ hoàn toàn âm mưu thống trị miền Nam. Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước là thắng lợi trọn vẹn, vĩ đại nhất của cách mạng Việt Nam, hiện thực hóa khát vọng cháy bỏng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và toàn dân tộc về một nước Việt Nam độc lập, thống nhất từ Bắc chí Nam. Hình ảnh xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập đã trở thành biểu tượng sống mãi của độc lập và tự do. Nó đã mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam: kỷ nguyên độc lập, thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội: Với thắng lợi này, dân tộc Việt Nam bước vào một thời kỳ mới, xây dựng và phát triển đất nước trong hòa bình, thống nhất.

Chiến dịch là sự vận dụng sáng tạo và thành công đường lối chiến tranh nhân dân, tư tưởng tiến công thần tốc, táo bạo, bất ngờ, và khả năng nắm bắt thời cơ chiến lược tuyệt vời mà Người đã vun đắp và truyền lại. Mặc dù Người không còn chứng kiến, nhưng tinh thần và tư tưởng của Người đã dẫn lối cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đi đến thắng lợi cuối cùng. Góp phần to lớn vào phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới: Thắng lợi của Việt Nam đã cổ vũ mạnh mẽ các dân tộc bị áp bức đứng lên đấu tranh giành độc lập, đóng góp vào phong trào cách mạng thế giới, làm cho chủ nghĩa thực dân kiểu mới của Mỹ bị lung lay.

Ngày 30 tháng 4 năm 1975 là một dấu son chói lọi, một trong những mùa xuân Đại thắng rực rỡ nhất trong lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Với kỳ tích này, đã kết thúc trọn vẹn 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Đúng như lời Người đã nói, Tổ quốc Việt Nam đã thống nhất, đồng bào Nam Bắc đã sum họp một nhà.

Thực tế lịch sử đã chứng minh, Chủ tịch Hồ Chí Minh là linh hồn, là người Cha già vĩ đại đã dẫn dắt cả dân tộc vượt qua mọi gian khó, hy sinh để viết nên trang sử hào hùng nhất của thế kỷ 20, góp phần xây dựng nền hòa bình và tiến bộ của nhân loại. Tầm vóc của Người không chỉ nằm ở những quyết sách chiến lược, mà còn ở khả năng truyền cảm hứng, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí quật cường của hàng triệu con người Việt Nam, được cụ thể hóa trong những Nghị quyết mang tính lịch sử của Đảng, cùng với đường lối ngoại giao kiên cường, mềm dẻo và những dự đoán thiên tài về cục diện chiến tranh, cũng như con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc sau này. Tư tưởng, đạo đức và di sản cách mạng vĩ đại mà Người đã để lại cho nhân dân ta, non sông Đất nước ta mãi mãi là ngọn hải đăng soi đường dẫn lối để dân tộc ta vững bước tiến cùng nhân loại tiến vào những kỷ nguyên hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững./.  

chu-tich-hcm-1752207020.jpg
 

 

Vương Xuân Nguyên
Chủ tịch Hồ Chí Minh, kháng chiến, chống Mỹ, cứu nước, thống nhất
  • Chia sẻ Facebook
  • Chia sẻ Twitter
  • Chia sẻ Pinterest
In
Cùng chủ đề
Hành trình đi tìm đường cứu nước và lãnh đạo cách mạng: Từ bóng đêm nô lệ đến bình minh độc lập! TIÊU ĐIỂM
Hành trình đi tìm đường cứu nước và lãnh đạo cách mạng: Từ bóng đêm nô lệ đến bình minh độc lập!

Hướng đến Kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa...

Mới cập nhật
Cô Đồng Trang: Hóa Giải Khúc Mắc Tâm Linh Với Lòng Thành Và Nhân Văn

Cô Đồng Trang: Hóa Giải Khúc Mắc Tâm Linh Với Lòng Thành Và Nhân Văn

Trong bối cảnh thời đại công nghệ 5.0, khi trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn định hình cuộc sống, tâm linh vẫn là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Việt.

1 giờ trước PHÁT TRIỂN

Elizabeth Vu: Người đứng sau thành công của SeaQueen Bar, Restaurant & Banquet Hall - điểm hẹn ẩm thực và sự kiện lý tưởng của cộng đồng Việt tại California

Elizabeth Vu: Người đứng sau thành công của SeaQueen Bar, Restaurant & Banquet Hall - điểm hẹn ẩm thực và sự kiện lý tưởng của cộng đồng Việt tại California

Giữa đất Mỹ rộng lớn và hối hả, có một không gian ấm áp như nhà, nơi thực khách không chỉ tìm thấy món ngon mà còn chạm đến sự kết nối. SeaQueen Bar, Restaurant & Banquet Hall là nơi chị Elizabeth Vu đặt trọn trái tim để tạo nên một điểm hẹn không chỉ của ẩm thực, mà của tình thân, của những cột mốc đáng nhớ và của sự hiện diện Việt Nam đầy kiêu hãnh tại xứ người.

1 giờ trước PHÁT TRIỂN

“Diễn viên nghìn tỷ” Tuấn Trần là viên ngọc của điện ảnh Việt Nam

“Diễn viên nghìn tỷ” Tuấn Trần là viên ngọc của điện ảnh Việt Nam

Trong dự án hợp tác Việt - Hàn Mang mẹ đi bỏ, Tuấn Trần không chỉ chứng minh khả năng diễn xuất ấn tượng mà còn ghi điểm với tinh thần cầu thị và chuyên nghiệp, khiến đạo diễn Hàn Quốc Mo Hong Jin ví anh như một “viên ngọc” của điện ảnh Việt.

19 giờ trước TIÊU ĐIỂM

Kỳ Liên hoan Thơ Ca Ba Miền lần II tại Huế: Gắn kết thi ca – Lan tỏa đam mê

Kỳ Liên hoan Thơ Ca Ba Miền lần II tại Huế: Gắn kết thi ca – Lan tỏa đam mê

Diễn ra tại thành phố Huế vào tháng 7/2025, Liên hoan Thơ ca Ba miền lần thứ II không chỉ là ngày hội của thi ca mà còn là minh chứng cho tinh thần đoàn kết, sự chuẩn bị công phu và lòng yêu thơ sâu sắc từ hàng trăm đại biểu trên khắp cả nước. Một sự kiện không chỉ lấp lánh những vần thơ mà còn ấm áp nghĩa tình.

21 giờ trước TIÊU ĐIỂM

Thư chúc mừng của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhân kỷ niệm 65 năm thành lập ngành Du lịch Việt Nam

Thư chúc mừng của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhân kỷ niệm 65 năm thành lập ngành Du lịch Việt Nam

Nhân kỷ niệm 65 năm thành lập ngành Du lịch Việt Nam (9/7/1960 - 9/7/2025), Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã có thư chúc mừng gửi đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động công tác trong ngành Du lịch. Viện Kinh tế, Văn hóa, Nghệ thuật xin trân trọng giới thiệu toàn văn bức thư.

21 giờ trước DIỄN ĐÀN

Tony Thanh Nguyễn – Người đàn ông chọn xây tương lai thay vì sống ngắn hạn

Tony Thanh Nguyễn – Người đàn ông chọn xây tương lai thay vì sống ngắn hạn

Từng sống trong làng giải trí showbiz mang ca sĩ từ Mỹ và Việt Nam đi trình diễn, từng gắn bó với ánh đèn sân khấu, từng “có mặt trên từng cây số” thời tuổi trẻ, từng làm chủ một nhà hàng karaoke tại trung tâm Melbourne và buộc phải đóng cửa vì đại dịch COVID-19… nhưng sau tất cả, Tony Thanh Nguyễn – hay còn gọi là Thành Welcome – vẫn kiên định với một lựa chọn duy nhất: bất động sản.

1 ngày trước PHÁT TRIỂN

Bản anh hùng ca Dân tộc: Chủ tịch Hồ Chí Minh với 9 năm kháng chiến chống Pháp (1945-1954)

Bản anh hùng ca Dân tộc: Chủ tịch Hồ Chí Minh với 9 năm kháng chiến chống Pháp (1945-1954)

Hướng đến Kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (02/09/1945 - 02/09/2025), Viện Kinh tế, Văn hóa, Nghệ thuật xin giới thiệu bài viết "Bản anh hùng ca Dân tộc: Chủ tịch Hồ Chí Minh với 9 năm kháng chiến chống Pháp (1945-1954)" của Nhà báo Vương Xuân Nguyên đăng trên Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam.

1 ngày trước THỜI ĐẠI

Hành trình đi tìm đường cứu nước và lãnh đạo cách mạng: Từ bóng đêm nô lệ đến bình minh độc lập!

Hành trình đi tìm đường cứu nước và lãnh đạo cách mạng: Từ bóng đêm nô lệ đến bình minh độc lập!

Hướng đến Kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (02/09/1945 - 02/09/2025), chúng ta cùng tự hào nhìn lại hành trình đi tìm đường cứu nước và lãnh đạo cách mạng “Từ bóng đêm nô lệ đến bình minh độc lập” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

1 ngày trước TIÊU ĐIỂM

VPS GOLF – Kiến tạo sân chơi đẳng cấp, lan tỏa giá trị bền vững

VPS GOLF – Kiến tạo sân chơi đẳng cấp, lan tỏa giá trị bền vững

Luôn hướng đến cộng đồng golfer, Công ty Cổ phần VPS Golf tổ chức Giải Golf Sài Gòn Xanh với mục tiêu lan tỏa tinh thần sống xanh, khuyến khích lối sống lành mạnh thông qua thể thao và góp phần xây dựng môi trường đô thị bền vững. TaylorMade đồng hành với vai trò đối tác chiến lược, cùng góp phần nâng tầm giải đấu và lan tỏa những giá trị tích cực đến cộng đồng golfer.

2 ngày trước TIÊU ĐIỂM

Gặp gỡ Phú Quốc Nam - Chuyên gia AI thực chiến và hành trình khuấy đảo mạng xã hội cùng SaDoMa

Gặp gỡ Phú Quốc Nam - Chuyên gia AI thực chiến và hành trình khuấy đảo mạng xã hội cùng SaDoMa

Trong thời đại AI và công nghệ đang bùng nổ từng ngày, việc nắm bắt và ứng dụng những công cụ thông minh vào cuộc sống cá nhân và công việc không còn là lựa chọn, mà là nhu cầu sống còn. Nổi bật giữa làn sóng chuyển mình số ấy chính là anh Phú Quốc Nam – hay còn gọi là Nam SaDoMa, người sáng lập và điều hành kênh YouTube “SaDoMa - Ứng Dụng Chat GPT và AI Thực Chiến”. Với khát vọng truyền cảm hứng và mang kiến thức giá trị đến cộng đồng, anh đã mở lối cho hàng nghìn người tự tin bước vào kỷ nguyên số

2 ngày trước PHÁT TRIỂN

BÀI ĐỌC NHIỀU
Chủ tịch Hồ Chí Minh linh hồn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975)
Chủ tịch Hồ Chí Minh linh hồn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975)
Cô Đồng Trang: Hóa Giải Khúc Mắc Tâm Linh Với Lòng Thành Và Nhân Văn
Cô Đồng Trang: Hóa Giải Khúc Mắc Tâm Linh Với Lòng Thành Và Nhân Văn
Elizabeth Vu: Người đứng sau thành công của SeaQueen Bar, Restaurant & Banquet Hall - điểm hẹn ẩm thực và sự kiện lý tưởng của cộng đồng Việt tại California
Elizabeth Vu: Người đứng sau thành công của SeaQueen Bar, Restaurant & Banquet Hall - điểm hẹn ẩm thực và sự kiện lý tưởng của cộng đồng Việt tại California
Kỳ Liên hoan Thơ Ca Ba Miền lần II tại Huế: Gắn kết thi ca – Lan tỏa đam mê
Kỳ Liên hoan Thơ Ca Ba Miền lần II tại Huế: Gắn kết thi ca – Lan tỏa đam mê
“Diễn viên nghìn tỷ” Tuấn Trần là viên ngọc của điện ảnh Việt Nam
“Diễn viên nghìn tỷ” Tuấn Trần là viên ngọc của điện ảnh Việt Nam
Ban đang đọc những thông tin tham khảo về Kinh tế, Văn hóa, Nghệ thuật và hoạt động của Viện Kinh tế, Văn hóa và Nghệ thuật theo Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.
  • Giới thiệu
  • Booking quảng cáo
  • Liên hệ
VIỆN KINH TẾ - VĂN HÓA VÀ NGHỆ THUẬT

VIỆN KINH TẾ - VĂN HÓA VÀ NGHỆ THUẬT

Viện trưởng: Nhà báo Vương Xuân Nguyên

Phó Viện trưởng: NNƯT Phạm Hồng Vinh

Hội đồng Cố vấn: GS.TSKH Trần Duy Quý, Viện sĩ Đào Thế Anh, TS.NSND Thanh Ngoan, TS. Trần Thị Phương, NSƯT Hương Giang, Nhà báo Vũ Xuân Bân, NSNA. Trường Giang, NSNA. Trần Mạnh Thường, Nhà thư pháp Lê Thiên Lý, Chuyên gia Nguyễn Thế Quang, Dịch giả Đỗ Đức Thọ, Luật sư Nguyễn Văn Hoàng.

Trụ sở chính tại: 173 C Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội

VPGD: Tầng 2, HH02C, KĐT Thanh Hà, Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội

Điện thoại: 0965.855.316 || Email: vnhuongsac@gmail.com || Website: https://vanhoathoidai.vn/

VẬN HÀNH BỞI

@ Copyright 2022 – Văn hóa thời đại