Chương trình do TS. Đỗ Trường Giang, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Kinh thành, Viện Khảo cổ học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam trình bày, với sự tham gia của nhiều học giả, chuyên gia và đại diện ngoại giao.
Chương trình thông tin chuyên đề “Giao lưu văn hóa Việt Nam - Ấn Độ: Dấu ấn Ấn Độ trong văn bản lịch sử và tư liệu Việt Nam” có sự góp mặt của Phó đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam, bà T.Ajungla Jamir. Về phía Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, TS Nguyễn Mạnh Hải - Viện trưởng Viện Thông tin khoa học, TS Bùi Việt Hương - Phó Viện trưởng Viện Chính trị và Quan hệ quốc tế, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, cùng các lãnh đạo, cán bộ, nhân viên và học viên Viện Chính trị và Quan hệ quốc tế, Viện Văn hóa và Phát triển cùng đến tham dự.
TS Đỗ Trường Giang tại buổ thông tin chuyên đề Giao lưu văn hóa Việt Nam - Ấn Độ
Trong phát biểu của mình, TS. Đỗ Trường Giang nhấn mạnh rằng quan hệ Việt Nam - Ấn Độ không chỉ được thể hiện trong các hoạt động đương đại mà còn có gốc rễ sâu xa trong lịch sử. Mối liên kết giữa hai nền văn minh đã tồn tại gần hai nghìn năm, trước cả khi các quốc gia dân tộc hiện đại hình thành.
Các tài liệu lịch sử và bằng chứng khảo cổ chỉ rõ, Việt Nam từ lâu đã là một điểm giao thoa giữa văn minh Ấn Độ và Đông Á. Việc giao thương giữa hai nước được thể hiện rõ trên "Con đường tơ lụa trên biển", với những vật phẩm chứng minh sự giao lưu nghệ thuật, tôn giáo và ngôn ngữ. Tiếng Phạn đã để lại những ảnh hưởng đáng kể trong văn hóa và từ vựng Việt Nam.
Phó Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam T.Ajungla Jamir và TS Bùi Việt Hương, Phó Viện trưởng Viện Chính trị và Quan hệ quốc tế
TS. Đỗ Trường Giang cũng đề cập đến vai trò của Phật giáo trong quá trình giao thoa văn hóa. Các vương quốc Chăm Pa ở miền Trung Việt Nam từng tiếp nhận và phát triển Phật giáo chịu ảnh hưởng trực tiếp từ Ấn Độ, với những dấu ấn rõ nét trên các di tích như Mỹ Sơn, Đồng Dương và Pô Nagar.
Phát biểu tại chương trình, bà T.Ajungla Jamir đánh giá cao những nghiên cứu được trình bày, cho rằng chúng góp phần giúp hai nước hiểu rõ hơn về lịch sử gắn kết. Hai bên đã hợp tác trong nhiều lĩnh vực như khảo cổ, bảo tồn di sản và giáo dục, đặc biệt là trên các dự án trùng tu di tích như Đồng Dương và Mỹ Sơn. Bà bày tỏ hy vọng quan hệ đôi bên sẽ càng được thắt chặt và phát triển trong tương lai.
Các đại biểu tham dự chương trình thông tin chuyên đề
Kết thúc chương trình, các chuyên gia thống nhất rằng, việc tiếp tục nghiên cứu và quảng bá những dấu ấn của Ấn Độ trong văn bản lịch sử và tư liệu Việt Nam không chỉ giúp hiểu rõ hơn về quá khứ mà còn góp phần củng cố quan hệ hợp tác về văn hóa, sâu xa hơn là mối quan hệ hợp tác quốc tế trên mọi lĩnh vực giữa hai nước trong tương lai.