Quảng cáo #38

Theo bài viết “Hiện thực hóa Nghị quyết 57 trong thực tiễn: Đôi điều lạm bàn” được đăng tải trên Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn.

Hiện thực hóa Nghị quyết 57 trong thực tiễn: Chấn hưng “cái nôi” của các phát minh, sáng chế và đổi mới sáng tạo

Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị (ngày 22/12/2024) đã xác định rõ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo (KH&CN, ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS) là động lực then chốt để phát triển đất nước nhanh và bền vững. Trong đó, giáo dục đại học (GDĐH) được đặt ở vị trí trung tâm trong hệ sinh thái ĐMST quốc gia. Bài viết này làm rõ vai trò cốt lõi của GDĐH, những nguyên nhân khiến cần phải chấn hưng mạnh mẽ hệ thống đại học Việt Nam, cũng như những định hướng cải cách toàn diện và cấp bách để đưa GDĐH trở thành trụ cột cho phát triển khoa học - công nghệ và quốc gia tri thức.

17430651285053-1752666692.webp

Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị.

1. Mở đầu: Nghị quyết 57 và vai trò của Giáo dục Đại học

Ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW "Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia". Nghị quyết này nhấn mạnh yêu cầu đặt KH&CN và ĐMST vào vị trí trung tâm của phát triển, đồng thời xác định giáo dục, đặc biệt là GDĐH - nền tảng để hiện thực hóa khát vọng phát triển nhanh và bền vững.

Một trong các "nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu" được Nghị quyết 57 chỉ rõ là: (i) Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nhất là giáo dục đại học nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; (ii) đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Như vậy, GDĐH không chỉ đơn thuần là một cấu phần của hệ thống giáo dục, mà còn là động lực trực tiếp thúc đẩy ĐMST, tạo nền móng cho nền kinh tế tri thức.

2. Chấn hưng "cái nôi" của các phát minh, sáng chế và đổi mới sáng tạo

2.1. Đặt vấn đề

Theo bài viết đăng tải trên Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn, để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 57, cần đặt trọng tâm vào GDĐH, bởi:

(1) Giáo dục là nền tảng của sự hưng thịnh quốc gia. Để có hiền tài, cần một nền giáo dục tiến bộ và nhân bản. Nếu giáo dục phổ thông đào tạo nên công dân tốt thì GDĐH hình thành nên tầng lớp trí thức - lực lượng dẫn dắt sự phát triển xã hội.

(2) Trường đại học là nơi hội tụ đội ngũ trí thức tinh hoa như giáo sư, tiến sĩ - lực lượng rường cột của KH&CN quốc gia.

(3) Ở các nước phát triển, trường đại học là trung tâm phát minh, sáng chế, ĐMST và khởi nghiệp[1]. Đây là nơi khởi nguồn tri thức mới, đóng vai trò then chốt trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.

(4) GDĐH cần đào tạo con người có tư duy phản biện, độc lập, sáng tạo, thấu hiểu truyền thống dân tộc và làm chủ công nghệ hiện đại.

(5) Trong khi nhiều quốc gia đã âm thầm đổi mới thành công giáo dục, Việt Nam vẫn thiếu các đột phá thực chất trong GDĐH.

(6) Giáo dục toàn cầu đang chuyển dịch mạnh từ mô hình công nghiệp sang mô hình tri thức và thông minh hóa (điều GDĐH Việt Nam chưa theo kịp).

(7) Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được đòi hỏi thời đại 4.0, khi Việt Nam vẫn đang phát triển theo mô hình công nghiệp truyền thống.

(8) Tình trạng "tị nạn giáo dục" vẫn chưa được cải thiện, với nhiều học sinh giỏi chọn học tập và làm việc ở nước ngoài.

(9) Những trí thức tiêu biểu thời kỳ trước - như các nhà khoa học được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh đều được đào tạo từ một nền giáo dục nhân bản, nghiêm cẩn mà chúng ta cần kế thừa.

(10) Hệ thống GDĐH đã đạt được một số kết quả sau Đổi mới, nhưng chủ yếu nhờ "sức dân". Tỷ lệ đóng góp tài chính từ người dân vào giáo dục hiện quá cao và không bền vững.

Từ đó, tác giả cho rằng cần nhìn thẳng vào những yếu kém hiện nay của GDĐH, tránh tô hồng, để định hướng lại hệ thống này theo hướng thực học, thực chất và khai phóng.

2.2. Đổi mới thực chất GDĐH

GDĐH là hệ thống phức hợp, đồng thời mang tính học thuật, hành chính và kinh tế. Trên thế giới, đại học hiện đại vừa là trung tâm đào tạo nhân lực trình độ cao, vừa là trung tâm nghiên cứu, ĐMST, khởi nghiệp, phục vụ cộng đồng. Sự khác biệt giữa các quốc gia nằm ở tư duy quản trị đại học, hơn là ở điều kiện vật chất.

Theo như bài viết chính, đổi mới GDĐH là con đường ngắn nhất và hiệu quả nhất để thúc đẩy ĐMST và phát triển quốc gia. Tuy nhiên, đổi mới phải toàn diện, từ triết lý giáo dục, chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, đến mô hình quản trị và cơ chế tài chính.

Việt Nam không thể chỉ nhập khẩu tri thức hay công nghệ, mà phải tự sáng tạo, tự phát minh. Điều đó chỉ đạt được khi GDĐH thực sự được cải cách, trở thành "bệ phóng" cho các nhà khoa học và chuyên gia mang thương hiệu Việt Nam.

Bài học cải cách GDĐH của Trung Quốc đầu thế kỷ 21 với các nguyên tắc 3D (Decentralization - phân quyền, giao quyền hay Tự chủ hóa; Depoliticization - Phi Chính trị hóa; Diversity - Đa dạng hóa), và 3C (Commercialization - Thương mại hóa; Competition - Cạnh tranh; Cooperation - Hợp tác)[2] là ví dụ cho thấy nếu có tư duy đúng và quyết tâm chính trị, GDĐH có thể bứt phá.

Dù đã có nhiều chủ trương và chính sách về đổi mới giáo dục, nhưng việc thực hiện ở Việt Nam còn chưa tương xứng. Do đó, cần quyết liệt thúc đẩy đại học trở thành trung tâm của ĐMST và khởi nghiệp, đào tạo ra thế hệ trí thức mới: những công dân toàn cầu có bản sắc dân tộc.

2.3. Những việc cần làm ngay

Tác giả kiến nghị một số định hướng và giải pháp cụ thể để chấn hưng GDĐH:

  1. Để hiện thực hóa tự chủ đại học thực chất, cần cải cách đồng bộ về pháp lý, tài chính và thiết chế quản trị, đặc biệt là trao thực quyền cho các trường và Hội đồng trường, trong khi Đảng giữ vai trò định hướng chiến lược, đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện.
  2. Để nâng cao chất lượng nguồn tuyển và khôi phục giá trị giáo dục đại học, cần giao kỳ thi tốt nghiệp THPT cho địa phương, đồng thời Bộ GD&ĐT tập trung xây dựng chính sách thi tuyển đại học thống nhất, chất lượng cao - như thi "3 chung" hoặc thi nhiều lần/năm, nhằm chọn đúng học sinh khá giỏi, tránh tình trạng đại trà và dễ dãi trong tuyển sinh hiện nay.
  3. Để thực hiện hiệu quả Kết luận 91-KL/TW (2024) và hội nhập quốc tế về GDĐH và NCKH, Bộ GD&ĐT cần xây dựng lộ trình cùng bộ tiêu chí cụ thể nhằm từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong các cơ sở giáo dục đại học, cả trong chuyên môn lẫn giao tiếp thường nhật.
  4. Cần nâng cao vai trò thực quyền của Hội đồng Khoa học và Đào tạo trong các trường đại học, chuyển từ mô hình tư vấn sang mô hình quyết định học thuật theo nhiệm kỳ như các đại học tiên tiến trên thế giới.
  5. Cần thúc đẩy liên kết các viện nghiên cứu chuyên ngành với các trường đại học để hình thành hệ sinh thái Viện-Trường, nhằm gắn kết nghiên cứu với đào tạo và ứng dụng thực tiễn, tránh tình trạng hoạt động khoa học tách rời giáo dục.
  6. Việc lựa chọn lãnh đạo cơ sở giáo dục đại học cần đặt tiêu chí năng lực chuyên môn, phẩm hạnh và sự tín nhiệm học thuật lên hàng đầu, thay vì áp dụng cơ học quy trình hành chính, nhằm tạo điều kiện cho những cá nhân xuất sắc thực sự dẫn dắt đổi mới và phát triển học thuật.
  7. Cần xác lập rõ mô hình "cận thị trường" cho giáo dục đại học phù hợp với điều kiện Việt Nam để tránh thương mại hóa cực đoan, đồng thời ban hành tiêu chí đánh giá minh bạch, định lượng đối với việc bổ nhiệm lại lãnh đạo nhằm bảo đảm hiệu quả, phẩm hạnh và trách nhiệm giải trình trong quản trị đại học.

tbt-1752667010.jpg

Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ, Nghị quyết 57 không phải là khẩu hiệu chính trị, mà là chương trình hành động thực tế để Việt Nam cất cánh - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng.

3. Kết luận

Để hiện thực hóa Nghị quyết 57, chấn hưng GDĐH là một nhiệm vụ mang tính nền tảng và chiến lược. Đại học phải trở thành "cái nôi" của phát minh, sáng chế và đổi mới sáng tạo - nơi sản sinh ra những nhà khoa học, doanh nhân, công dân toàn cầu có năng lực kiến tạo tương lai.

Như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhận định: "Chỉ có khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo mới là con đường giúp chúng ta bắt kịp, tiến cùng, bứt phá và vượt lên chính chúng ta và thế giới".

Mời quý độc giả đọc bài viết gốc TẠI ĐÂY.