Quảng cáo #38

Khơi nguồn dân gian biểu diễn phong cách hát trong nhạc nhẹ: Một hướng tiếp cận mới từ Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội

Chiều ngày 4/7/2025, tại hội trường tầng 5, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội đã diễn ra buổi nghiệm thu đề tài khoa học cấp cơ sở mang tên "Phát huy giá trị văn hóa dân gian trong biểu diễn phong cách hát nhạc nhẹ". Đề tài do Trung tá, Thạc sĩ Bùi Thị Thu Huyền làm chủ nhiệm, cùng sự tham gia của Thượng tá, Tiến sĩ Phạm Văn Giáp.
nhac-nhe-2-1751615756.jpg
Hội nghị nghiệm thu đề tài "Phát huy giá trị văn hoá dân gian trong biểu diễn phong cách hát nhạc nhẹ" do Trung tá, ThS Bùi Thị Thu Huyền làm Chủ nhiệm.

Âm nhạc từ lâu đã là dòng chảy văn hóa phản ánh tâm hồn và bản sắc dân tộc. Tại Việt Nam, dòng nhạc nhẹ đã chứng minh sức sống bền bỉ khi biết dung hòa âm hưởng truyền thống với hơi thở của cuộc sống hiện đại. Ngay từ những ngày đầu hình thành, nhiều nhạc sĩ đã chủ động khai thác chất liệu dân tộc như dân ca, điệu múa cổ truyền, trang phục mang đậm nét văn hóa vùng miền... để đưa vào sáng tác, tạo nên màu sắc riêng biệt cho nhạc nhẹ Việt. Các tác phẩm mang âm hưởng dân gian không chỉ tạo được sự đồng cảm với khán giả trong nước mà còn góp phần giới thiệu tinh thần văn hóa Việt đến bạn bè quốc tế. Trước làn sóng hội nhập sâu rộng, việc giữ gìn và phát huy các yếu tố truyền thống thông qua âm nhạc đương đại đã trở thành vấn đề được nhiều nghệ sĩ và người trẻ đặc biệt quan tâm. Chính họ đang góp phần hồi sinh những giá trị văn hóa lâu đời bằng cách thể hiện chúng theo một tinh thần mới, hiện đại, sáng tạo và gần gũi.

Xuất phát từ nhu cầu đó, việc nghiên cứu và triển khai các chương trình giảng dạy, biểu diễn nhạc nhẹ có tích hợp yếu tố dân gian được nhìn nhận là một hướng đi đúng đắn trong giáo dục nghệ thuật đương đại. Với sinh viên Khoa Thanh nhạc, đặc biệt là những người theo đuổi nhạc nhẹ thì đây chính là cơ hội để không chỉ nâng cao kỹ năng biểu diễn, mà còn bồi đắp vốn hiểu biết về mỹ cảm dân tộc, tăng cường nhận thức về việc gìn giữ di sản văn hóa. Trong tinh thần ấy, nhóm nghiên cứu tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội đã lựa chọn thực hiện đề tài “Phát huy giá trị văn hóa dân gian trong biểu diễn phong cách hát nhạc nhẹ”, như một hướng tiếp cận vừa mang tính học thuật, vừa có tính thực tiễn cao, góp phần gắn kết chiều sâu truyền thống với nhịp sống âm nhạc hiện đại.

Đây không chỉ là một công trình nghiên cứu về lý thuyết, mà còn được thể hiện sinh động qua chương trình biểu diễn nghệ thuật với nhiều tác phẩm sáng tạo mới mẻ, kết hợp tinh tế giữa chất liệu dân gian và phong cách nhạc nhẹ đương đại.

Tại Hội nghị, các thành viên trong Hội đồng nghiệm thu đều đánh giá cao tính thực tiễn và khả năng ứng dụng của đề tài trong công tác đào tạo, giảng dạy và thực hành biểu diễn tại Nhà trường. Việc kết hợp, lồng ghép với những đặc trưng, sắc màu của văn hoá dân gian dân tộc vào trong mỗi ca khúc theo lối hoà âm, biểu diễn hiện đại là một trong những giải pháp chủ chốt để gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa dân gian trong biểu diễn phong cách hát nhạc nhẹ. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu của đề tài còn làm phong phú, đa dạng thêm cho phần thực hành biểu diễn của giảng viên, học viên Khoa Thanh nhạc.

Đề tài đã được Hội đồng thống nhất đánh giá đạt loại Xuất sắc, với số điểm trung bình 9,5. Phát biểu kết luận hội nghị, Đại tá, TS, NSND Nguyễn Xuân Bắc ghi nhận sự đầu tư công phu, nghiêm túc của Ban đề tài và nhấn mạnh: Kết quả nghiên cứu của đề tài không chỉ góp phần làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn trong việc phát huy giá trị văn hóa dân gian trong biểu diễn hát nhạc nhẹ mà còn mở ra hướng tiếp cận mới trong công tác giáo dục, đào tạo của Nhà trường. Đồng chí yêu cầu Ban đề tài tiếp tục tập trung chỉnh sửa, hoàn thiện các nội dung theo kết luận của Hội đồng nghiệm thu, đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng./.

Một số tiết mục tiêu biểu của sự kiện:

img-4170-1751617214.jpeg
 
516248516-1139633858210489-5365236844508213653-n-1751623386.jpg
 
515278471-1139633644877177-2581764070018562291-n-1751623385.jpg
 

Chương trình nghệ thuật trong khuôn khổ nghiệm thu gồm 10 tiết mục nổi bật như Nơi hoàng hôn hẹn giữa chân trời, Cò lả, Ra ngó vào trông, Ăn trông nồi ngồi trông hướng,Son, Mong manh em, Họa Cầm Phong Nguyệt, Đàn tỳ bà, Hà Nội đến để yêu, Lý cây bông. Đây đều là những sáng tác và dàn dựng có chủ đích nhằm minh chứng cho tính khả thi và giá trị ứng dụng của đề tài. Đáng chú ý là sự tham gia của nhiều giảng viên, sinh viên, nghệ sĩ trẻ với các vai trò biểu diễn và sáng tác, như GV Nhật Huyền, HV Minh Ngọc, Rapper Freshlyrc, Ban nhạc dân tộc T&T, Nhóm bè T&T, MC Chiến Thắng,... cùng sự tham gia hòa âm - phối khí của Nhạc sĩ Tạ Duy Tuấn, T&T Team, BKV Team, Biên đạo Thuỳ Linh, Đức Tuấn, Tùng Lâm, Vũ đoàn Hà Nội trẻ... đã mang lại không khí tươi mới và tính thời sự cho những chất liệu dân gian tưởng chừng xa rời đời sống đương đại.

Thông qua buổi nghiệm thu, nhóm nghiên cứu không chỉ trình bày kết quả học thuật, mà còn góp phần mở rộng góc nhìn về khả năng tương tác giữa truyền thống và đương đại trong âm nhạc. Đây cũng là hướng đi cần thiết trong việc giáo dục, định hướng thẩm mỹ âm nhạc cho thế hệ trẻ, đồng thời góp phần gìn giữ và lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Một số hình ảnh nổi bật tại sự kiện:

img-1815-1751626179.jpg
 
img-1887-1751626179.jpg
 
img-1869-1751626179.jpg
 
img-1844-1751626179.jpg
 
img-1980-1751626179.jpg
 
img-2001-1751626179.jpg
 
img-2123-1751626179.jpg
 
img-2027-1751626179.jpg
 
img-2149-1751626180.jpg
 
img-2183-1751626181.jpg
 

 

Lê Hoàng Anh