Một số kỹ thuật cho dạy học hát ca khúc mang âm hưởng dân ca

​​​​​​​Học ca khúc mang âm hưởng dân ca, theo nghĩa rộng nhất, được hiểu là quá trình cơ bản của sự phát triển giọng hát của một người nghệ sĩ - ca sĩ hát phong cách dân gian tương lai, là sự lĩnh hội “sức mạnh văn hoá dân tộc” đã được hình tượng hóa trong các tác phẩm thanh nhạc mang âm hưởng dân ca. Đó là hoạt động phản ánh những mặt nhất định của hiện thực khách quan những giá trị văn hoá dân tộc vào cách hát của người học. Tuy nhiên, học ca khúc mang âm hưởng dân ca người học chủ yếu hướng vào việc lĩnh hội những giá trị chân lý trong văn hoá dân tộc đầy tính nhân văn, đã được ông cha ta “đúc rút”, “gửi gắm” qua các làn điệu dân ca.

1-1-17160906648851731732763-1736559650.webp

Kiểm soát và luyện tập hơi thở

Qua nghiên cứu về phương pháp luyện tập hơi thở của tác giả Thomas Hemsley trong cuốn “Singing and imagination” (dịch: “Thanh nhạc và sự trừu tượng”) cùng cuốn “Structure of singing” (dịch: “Cấu trúc của Thanh nhạc”) tác giả Richar Miller, cũng như trong cuốn phương pháp sư phạm thanh nhạc, tác giả Nguyễn Trung Kiên, tất cả đều tổng kết lại được một số kiểu thở chính của thanh nhạc như sau:

- Kiểu thở ngực: Chỉ có phần lồng ngực hoạt động tích cực, kiểu thở này có thể dùng để hát những câu hát nhẹ nhàng, hát sắc thái nhỏ hoặc một câu hát ngắn.

- Kiểu thở bụng: Chỉ có bụng tham gia hoạt động này, với động tác phình ra phía trước do hoành cách mô hạ xuống, các cơ bụng dưới hoạt động tích cực hỗ trợ cho hoành cách mô.

- Kiểu thở ngực kết hợp bụng: Bụng hơi phình ra (do hoành cách mô hạ xuống), các xương sườn giãn ra, trong lúc đó ngực trên nhấc lên. Lấy hơi theo kiểu thở này làn hơi vào sâu tận đáy phổi, vừa lan toả ra đều khắp hai bên trái và phải, lượng hơi sẽ được tối đa.

- Kiểu thở ngực dưới và bụng: Đây là kiểu thở phổ biến nhất trong luyện tập cũng như biểu diễn của các ca sĩ nói chung và nhất là đối với các ca sĩ hát phong cách dân gian.

Trong bốn kiểu thở trên, chúng tôi thấy “Kiểu thở ngực dưới và bụng” có nhiều lợi điểm hơn cho việc luyện tập và kiểm soát hơi thở cho việc dạy học hát ca khúc mang âm hưởng dân ca. Do đó phương pháp đề xuất của chúng tôi là sử dụng kiểu thở ngực dưới và bụng. 

Ở nước ta, các ca sĩ chuyên nghiệp hát phong cách dân gian có một giọng hát khoẻ và đầy đặn đều hát với hơi thở kiểu này. Trong kiểu thở ngực dưới và bụng, cũng tương tự như kiểu thở ngực kết hợp với bụng, chỉ khác một điều là vai trò của cơ hoành ở đây tham gia với vai trò chủ đạo và hoạt động một cách tích cực hơn, tạo điều kiện tốt cho việc nén hơi thở, tạo điểm tựa cho một cột hơi đầy đặn, liên tục. Với kiểu thở này cho phép các ca sĩ phong cách dân gian khi hát những câu luyến láy mang âm hưởng dân ca cũng như hát được những nốt chuyển giọng sẽ mượt mà hơn, âm sắc không bị mờ ở những câu hát có yêu cầu phải “đóng chữ”. Đặc biệt là đối với những ca khúc mà trong đó có những đoạn cần sử dụng lối ngâm - vịnh hay các điệu hò trong dân ca. 

Quan điểm của chúng tôi là “một hơi thở đúng, sẽ cho một âm thanh đẹp”. Vì vậy, nếu hơi thở đúng sẽ giúp cho tiếng hát rền và vang đẹp. Tuy nhiên trong bước đầu, giảng viên cần phải cho người học làm quen với kiểu thở đúng trong thanh nhạc.

Kỹ thuật hát liền giọng (Legato - Cantinela)

Nhắc đến kỹ thuật hát liền giọng, hầu hết mọi người đều nhận định là kiểu kỹ thuật thanh nhạc cơ bản trên thế giới nhưng ở đây chúng tôi muốn nhấn mạnh tới hai tính chất của kỹ thuật này như sau: Một là Legato là cách hát liền giọng với tính chất tĩnh lặng, êm, phù hợp với lối hát trì tục, liên tiếp không ngừng. Hai là Cantilena là cách hát liền giọng với tính chất du dương, duyên dáng, phù hợp với lối hát luyến bay bổng, giai điệu uyển chuyển liên tiếp không ngừng. Do đó, chúng tôi chỉ đề xuất thực hiện kỹ thuật hát liền giọng với tính chất của cách hát Cantinela trong phương pháp dạy học hát ca khúc mang âm hưởng dân ca. 

Muốn đạt được hiệu quả hát Cantinela, giảng viên có thể sử dụng mẫu âm luyện thanh sau đây cho người học rèn luyện kỹ thuật hát liền tiếng này để đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật trong hát ca khúc mang âm hưởng dân ca:

Với hai mẫu âm này đều được xây dựng trên cơ sở nguyên âm “a” hay “ơ” và phụ âm “m”. Dùng phụ âm “m” với mục đích tạo cử động cho môi mềm mại. Âm thanh phát ra cùng một lúc của cả phụ âm và nguyên âm trong quá trình luyện tập, dùng làn hơi bật nhẹ tạo ra một bật âm cho phụ âm "m" mà không ngắt tiếng, nguyên âm "a" tạo điều kiện cho khẩu hình mở và nhấc hàm trên sao cho khẩu hình mở vừa phải.

Dạy học ca khúc mang âm hưởng dân ca có thể sử dụng kỹ thuật hát liền giọng này với các bài hát có tính chất ngâm ngợi hoặc các điệu hò, một thể loại điển hình đòi hỏi việc hát Cantilena.

Chúng tôi xin lấy ví dụ trong ca khúc Tiếng hát sông Lam của nhạc sĩ Đinh Quang Hợp. Bài hát dựa trên làn điệu hò khoan Nghệ Tĩnh, giảng viên có thể áp dụng có thể áp dụng kỹ thuật hát Cantilena vào đoạn mở đầu của ca khúc này trong câu hát: “Ơ… ơi… Ai biết nước sông Lam răng là trong là đục/ Thì biết sống trên đời răng là nhục là vinh/ Thuyền em lên thác xuống ghềnh/ Nước non là nghĩa là tình ai ơi…”

Nói tóm lại, kỹ thuật Cantinela (hát liền tiếng) là một trong những kỹ thuật được dùng phổ biến nhất. Việc áp dụng kỹ thuật này vào hoạt động dạy học hát ca khúc mang âm hưởng dân ca sẽ cho được kết quả tối ưu. Để hát tốt kỹ thuật này, yêu cầu khi dạy hát ca khúc mang âm hưởng dân ca, ngoài đòi hỏi luyện tập kỹ thuật còn cần phải rèn luyện việc hát liền các âm với nhau tạo thành một dải âm thanh êm dịu, nhưng vẫn vang và sáng.

Kỹ thuật hát nhanh (Passage)

Hát nhanh là một kỹ thuật khó của thanh nhạc, nhưng có nhiều tác dụng tốt cho việc làm nổi bật giọng hát, nhất là đối với việc hát các ca khúc mang âm hưởng dân ca. Vì sử dụng kỹ thuật hát nhanh (passage) với đặc điểm là hát gọn âm, nhanh như lướt qua các âm, rất thuận lợi để hát lên những nốt (note) ở quãng giọng cao. Tập kỹ thuật hát nhanh (passage) sẽ tạo ra thói quen giữ vị trí âm thanh luôn cao và đúng, hoạt động kiểm soát sẽ được nâng lên.

Cũng như việc sử dụng nguyên âm luyện thanh các bài luyện của kỹ thuật hát liền giọng, ở kỹ thuật này giảng viên có thể sử dụng thêm nguyên âm “i”.

Yêu cầu khi hát phải buông lỏng hàm dƣới, môi và hàm trên nhấc lên để tạo khoảng vang cho âm thanh bay lên, càng lên cao khẩu hình càng mở rộng hơn. Vị trí âm thanh phải sáng (mỏng) như phát ra từ chân răng hàm trên. Hơi thở phải liên tục, nhẹ nhàng, không đẩy hơi theo kiểu tống hơi từng đợt vào thanh đới theo từng nốt nhạc, phải giữ cho bụng tƣơng đối ổn định, mềm mại, mà vẫn phải nén hơi.

Với yêu cầu phải linh hoạt, trong sáng, âm thanh bắt buộc phải có vị trí đặt nhẹ và cao, giúp khắc phục dần những sai lệch nói trên của giọng hát về âm sắc của giọng cũng như hát sâu, tối, gằn cổ.

Áp dụng kỹ thuật này vào ca khúc mang âm hưởng dân ca, có thể thấy một số ca khúc áp dụng được kỹ thuật này, ví dụ như ca khúc Tiếng đàn Ta Lư, sáng tác của nhạc sĩ Huy Thục. Ca khúc lấy chất liệu từ dân ca với âm thanh của cây đàn Talư của dân tộc Pako - Vân Kiều, tác giả muốn diễn tả khí thế tiến công và niềm tin chiến thắng trong cuộc kháng chiến. Những thứ tưởng như vô tri, vô giác cũng biết “thể hiện tình cảm” với anh giải phóng quân thì đó là sự diệu kì của tinh thần lạc quan. Với việc áp dụng kỹ thuật hát nhanh (Passage) vào trong các ca khúc này sẽ có nhiều lợi thế cho giọng hát rèn luyện kỹ thuật.

Trong phần hai của ca khúc là phần mà Giảng viên có thể hướng dẫn sinh viên sử dụng kỹ thuật sẽ rất phù hợp và sinh viên có thể cảm nhận rõ nhất: “Tính tính tính tính tính tính tính tính tang tang tình/ Con chim Đ’rao xinh hót trên cành vui mừng công anh…”

Kỹ thuật hát luyến

Đây là các kỹ thuật khó của thanh nhạc nhưng lại phổ biến trong hát ca khúc mang âm hưởng dân ca. Hát luyến là để nói đến cách hát nối giai điệu (thông thường là từ 2 nốt đến 3, 4 thậm chí là 5 nốt) trong một hơi. Mục đích dùng để nhấn mạnh note, tăng tính sinh động, uyển chuyển cho câu hát mà không làm gián đoạn mạch cảm xúc khi chuyển cao độ.

Với kỹ thuật này Giảng viên có thể hướng dẫn sinh viên theo 2 mẫu âm sau:

Với cách hát kỹ thuật này, giảng viên hướng dẫn người học khi hát càng lên cao thì hàm ếch nâng nhẹ và hàm dưới buông lỏng, nhưng phải giữ căng lồng ngực. giảng viên có thể sử dụng nguyên "a" và phụ âm "i" và hát nhấn mạnh vào các nốt thứ hai. Yêu cầu của kỹ thuật này, SV phải kiểm soát âm lượng và vị trí âm thanh, nếu thực hiện trong tình trạng chưa vững chắc dễ bị lạc phô (faul) hoặc đuối hơi.

Áp dụng kỹ thuật này vào dạy hát ca khúc mang âm hưởng dân ca, chúng tôi lấy ví dụ như trong ca khúc Từ trên đỉnh núi, sáng tác của nhạc sĩ Nguyên Nhung với câu hát: “Gió vờn cánh hoa đào giữa rừng chim ca/ Lúa bạt ngàn ôm đỉnh núi, hết cuộc đời xưa tăm tối…”

Những giai điệu tha thiết, dặt dìu ấy không chỉ là tiếng lòng của người mẹ H’mông dành cho con, mà còn là tiếng lòng của triệu triệu con tim Việt Nam khi hướng về Đảng, về công lao của bác Hồ dẫn đường cho cách mạng Việt Nam. Trong ca khúc này, việc áp dụng kỹ thuật luyến - lướt (Glissando) sẽ đạt hiệu quả khá cao cho giọng hát cũng như ca khúc.

Kỹ thuật hát rung láy (Trillo)

Kỹ thuật này là một trong những kỹ thuật đặc biệt khó của Thanh nhạc, đòi hỏi sự tinh tế trong cách hát và kiểm soát hơi thở một cách thuần thục. Hát rung láy (Trillo) có nghĩa là hát láy đi láy lại nốt (note) liên tiếp với tốc độ cực nhanh. Hát rung láy (Trillo) đôi khi được kết hợp với 1 note cao ngân dài sử dụng rung giọng. Kỹ thuật này giảng viên chỉ nên cho người học của những năm cuối luyện tập, sau khi đã kiểm soát hơi thở và những kỹ thuật khác vững vàng. Để luyện tập kỹ thuật này, chúng tôi xin đưa ra 2 mẫu âm để giảng viên có thể luyện tập cho người học như sau:

 

 

Bài tập sử dụng các nốt kép nhằm giúp việc luyện tập kỹ thuật cho giọng hát. Giảng viên yêu cầu người học mở khẩu hình mềm, kiểm soát cuống lưỡi và hàm mềm phối hợp nhịp nhàng, làn hơi luôn ổn định và không căng cứng cơ bụng. Bài tập này có thể sử dụng nguyên âm "ô" hoặc "a", phụ âm nên dùng phụ âm kép "ng" sẽ hiệu quả hơn.

Kỹ thuật rung láy (Trillo) tuy khó nhƣng khi thực hiện áp dụng vào các ca khúc mang âm hƣởng dân ca lại cho hiệu quả rất cao, bởi nó thể hiện được sự tinh tế của những làn điệu dân ca trong giọng hát. Như trong ca khúc Mái đình làng biển, sáng tác của Nguyễn Cường. Với câu hát mở đầu trong ca khúc, được tác giả viết mang âm hưởng của hát Ca trù, thì việc áp dụng kỹ thuật rung láy (Trillo) sẽ đáp ứng tốt và cho hiệu quả cao, làm nổi bật lối hát nảy hạt của hát Ca trù: “Thi gan cùng tuế nguyệt, bao lâu bao lâu rồi/ Mái đình xưa làng Biển, thênh thênh một góc trời…”

 

 

 

 

 

 

ThS Nguyễn Thị Hương Giang - Giảng viên Thanh nhạc, Trường ĐH VHNT Quân đội