Bước chuyển mình trong canh tác lúa
Ông Mai Quốc Biên, Giám đốc HTX Nông sản xã Mỹ Hương, tỉnh Sóc Trăng
Từ khi tham gia dự án GIC, nông dân thuộc HTX Nông sản xã Mỹ Hương đã có những chuyển biến rõ rệt trong quá trình canh tác. Theo ông Mai Quốc Biên, Giám đốc HTX Nông sản xã Mỹ Hương, các lớp tập huấn như "1 phải 5 giảm", "1 phải 3 giảm" đã giúp nông dân cải thiện quy trình trồng trọt, giảm lượng phân bón, giảm giống, và hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không cần thiết. "Trước đây, nông dân xịt thuốc bừa bãi, không có định kỳ, bây giờ chỉ phun khi có dịch bệnh," ông Biên chia sẻ.
Nông dân thay đổi quy trình phun thuốc bảo vệ thực vật sau khi tham gia dự án GIC
Ngoài việc cải thiện kỹ thuật canh tác, nông dân đã biết lập kế hoạch và ghi chép cụ thể về quy trình sản xuất: chọn giống gì, ngày gieo sả, thu hoạch khi nào, lịch trình bón phân, xịt thuốc ra sao... Nhờ vậy, lợi nhuận của nông dân đã tăng rõ rệt so với trước khi tham gia dự án.
Lợi nhuận tăng cao nhờ giảm chi phí sản xuất
Theo ông Biên, nhờ áp dụng quy trình mới, nông dân đã giảm được lượng giống gieo từ 20kg/công xuống chỉ còn 10kg/công. Tài nguyên phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trước đây phải dùng đến 10 lần/vụ, nay chỉ còn 5-6 lần/vụ, giúp giảm đáng kể chi phí.
Ông Nguyễn Văn Trung - nông dân của HTX Nông sản Mỹ Hương
Cứ thể, theo ông Nguyễn Văn Trung, một nông dân trong HTX, trước đây lợi nhuận trung bình chỉ đạt 500.000 - 600.000 đồng/công, nhưng sau khi tham gia dự án GIC, con số này đã tăng lên 1.300.000 - 1.400.000 đồng/công. "Chúng tôi điều chỉnh cách dùng phân bón, quản lý sâu bệnh tốt hơn và tuân thủ quy trình canh tác của dự án, nhờ vậy mà chi phí giảm đi rất nhiều, lợi nhuận tăng cao," ông Trung chia sẻ.
Với những kết quả tích cực đó, dự án GIC đã giúp nâng cao nhận thức và tay nghề cho nông dân, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững tại Sóc Trăng.
Dự án GIC (Green Innovation Center) nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân bằng cách cải thiện phương thức canh tác và mở rộng cơ hội thị trường. Thông qua áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến, tiết kiệm chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng lúa gạo, dự án giúp tăng lợi nhuận cho người trồng lúa. Đồng thời, GIC hỗ trợ kết nối nông dân với doanh nghiệp, thúc đẩy chuỗi giá trị bền vững và mở rộng thị trường xuất khẩu, giúp ngành lúa gạo Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại và bền vững.