Quảng cáo #38

“NHÂN DIỆN THƯ”, “VẬT ĐIỂU THƯ” CỦA NGHỆ NHÂN THƯ PHÁP LÊ THIÊN LÝ TRONG DÒNG CHẢY THƯ PHÁP VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI

Bài phát biểu của Đại tá, Th.sĩ, Nghệ nhân thư pháp Trần Quốc Huy, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Làng nghề TP. Hải Phòng, Phó Giám đốc Trung tâm Thư pháp, Câu đối và Hán - Nôm học Hải Phòng tại buổi tọa đàm trao đổi với chủ đề: “Nhân diện thư, Vật điểu thư của Nghệ nhân thư pháp Lê Thiên Lý trong dòng chảy thư pháp Việt Nam đương đại”.

Ngược dòng lịch sử về quá khứ, chúng ta thấy đã từ rất xa xưa, trong nền văn minh sông Nin gồm các quốc gia Hy Lạp cổ đại, La Mã cổ đại, Ai Cập cổ đại, trên nhiều vách đá, hang động, nhiều nơi thờ tự, nhất là trong các hầm mộ lưu giữ các vị vua Ai Cập (Pha-ra-on), người ta đã sử dụng những hình người, hình tượng như cái cung, mũi tên, mũi giáo, những con vật thân thiết với con người để làm ký tự thông tin cho mọi người, truyền lại cho hậu thế. Nhưng những hình ảnh này chỉ là những nét vẽ hết sức đơn giải, thể hiện ý là chính, đòi hỏi người xem phải phán đoán, suy xét, tư duy logic mới có thể hiểu được người xưa muốn nói gì.

Trở lại nền văn minh Châu Á, chúng ta biết được những nét chữ bằng hình đầu tiên. Chữ Giáp cốt văn là chữ khắc trên xương trâu hoặc mai rùa xuất hiện ở thời Án Thương (khoảng 2.100 - 1700 trước công nguyên), được tìm thấy ở các di chỉ vùng Hà Nam - Trung Quốc, có 15.000 chữ nhưng mới đọc được 5.000 chữ, còn 10.000 chữ Giáp cốt không thể đọc được. Chữ Khoa đẩu được khắc trên mai rùa quy lịch mà người Việt Thường tặng vua Nghiêu (khoảng 2357- 2257 trước công nguyên) là chữ Khoa đẩu. Chữ Khoa đẩu tự dạng khác hẳn chữ Giáp cốt...Chữ Khoa đẩu là chữ triện trên các đồ đồng kim văn thời nhà Chu. Bia đá Chu Vũ Vương có 77 chữ, Hứa Thận đã dịch.

Nền văn minh lúa nước sông Hồng chúng ta, đã từ lâu đời, người xưa cũng đã biết dùng hình ảnh thể hiện trên các vận dụng quen thuộc thuộc hàng ngày để truyền tải thông tin. Trống đồng Ngọc Lũ tìm thấy ở huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam có niên đại cách đây khoảng 2.000 đến 2.500 năm là một điển hình của dùng hình ảnh để truyền lại cho thế hệ mai sau. Đó là, trên mặt trống đồng với nhiều nét hoa văn tinh tế, cha ông ta dùng hình ảnh con chim Hồng Hạc bay ngược chiều kim đồng hồ ý chỉ muốn nói, dân tộc Lạc Việt như con chim Hồng Hạc bay về phương Nam; trên mặt trống còn in hình những con nai, xen kẽ là những con chim xuôi thuận theo kim đồng hồ, ý chỉ cầu mong cho có nhiều của cải vật chất, ấm no, hạnh phúc; phía bên trong là hình ảnh những người mặc áo lông chim đang nhảy múa, người giã gạo chày đôi, người đánh trống, nhà sàn mái cong nhiều hình tượng khác...thể hiện ước nguyện phồn thực.

Như vậy, chúng ta thấy rằng, dùng hình ảnh con người, những hiện tượng thiên nhiên, đồ vật, con vật v.v...gầy gũi với cuộc sống để truyền tải thông tin mà con người muốn gửi đến thế hệ mai sau đã có từ lâu đời, nhưng đây cũng mới chỉ là những nét khái quát, đơn giản chỉ ý là chính, chưa thể hiện đầy đủ hình chữ với vai trò là cấu hình bên ngoài của vỏ tư duy ngôn ngữ, do đó rất nhiều hình tượng, ký tự được coi là chữ, nhưng đến nay cũng chỉ đọc được một phần, hiểu được một phần, nhiều hình tượng, nhiều ký tự chưa đọc được, chưa hiểu được người xưa muốn truyền tải thông tin gì.

Thành phố Hải Phòng - thành phố Cảng bên bờ biển phía Đông Bắc của Tổ quốc - mảnh đất có bề dày lịch sử truyền thống, gắn với sự kiện Nữ tướng Lê Chân chống lại Thái thú Tô Định của nhà Đông Hán, tìm về nơi đầu sóng ngọn gió để lập nên làng “An Biên” xưa và thành phố Hải Phòng ngày nay. Trong tiến trình xây dựng và phát triển, biết bao thế hệ con dân đất Việt đã về đây sinh cơ lập nghiệp, đấu tranh chống giặc ngoại xâm, chống áp bức và cường quyền, xây dựng nên nền văn hóa lâu đời, trong đó tiếp nối, gìn giữ và phát huy, phát triển thư pháp Hán - Nôm và thư pháp Việt - nét đẹp truyền thống lâu đời của cha ông ta trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Cũng trong tiến trình phát triển lịch sử, văn hóa của đất nước và thành phố Hải Phòng, thì trong dòng chảy nền thư pháp đương đại, Nghệ nhân thư pháp Lê Thiên Lý, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Làng nghề thành phố Hải Phòng, Giám đốc Trung tâm Thư pháp, Câu đối và Hán - Nôm học Hải Phòng, 3 lần lập Kỷ lục thư pháp Việt Nam và 1 lần lập Kỷ lục Guinness thế giới đã tiếp thu truyền thống, nét văn hóa  lâu đời của tiền nhân, nghiên cứu và thể hiện hết sức sáng tạo hai hình thức thư pháp “Nhân diện thư” và “Vật điểu thư”.

Nghệ nhân thư pháp Lê Thiên Lý sinh ra và lớn lên trên quê hương Hợp Đức, Kiến Thụy, Hải Phòng (nay là phường Hợp Đức, quận Đồ Sơn) - mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, yêu nước, cách mạng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, năm 1969, đang học Đại học Thể dục thể thao, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Đảng và Tổ quốc, ông Lê Thiên Lý đã đường tòng quân đi giết giặc. Hòa bình lập lại, rời quân ngũ, ông tích cực tham gia xây dựng cuộc sống mới trong lĩnh vực văn hóa của địa phương Kiến Thụy.

Vào tuổi 50 của cuộc đời, một cơ duyên đã đưa Nhà thư pháp Lê Thiên Lý đến với Thư pháp Hán - Nôm từ năm 1998, sau khi lên Văn Miếu Quốc tử Giám, Hà Nội xem triển lãm Thư pháp của cụ Lê Xuân Hòe. Nhận thấy, đây là một truyền thống, một nét văn hóa đẹp từ rất lâu đời của cha ông ta, từ đó, ông bắt đầu nghiên cứu, miệt mài học và viết thư pháp Hán - Nôm.

Quá trình học tập, nghiên cứu, ông nhận thấy rằng, hàng ngàn năm nay, chữ Hán du nhập vào Việt Nam ta vẫn là 5 thể chữ: Triện, Lệ, Khải, Thảo, Hành; viết thư pháp chữ Hán cũng xoay quanh 5 thể chữ này. Chữ Hán - Nôm học viết đúng một thể loại đã khó, viết đẹp, viết có hồn trong chữ càng khó hơn rất nhiều. Bằng sự say mê, Nhà thư pháp Lê Thiên Lý thể hiện thành công ở cả 5 thể Triện, Lệ, Khải, Thảo, Hành. Đây là điều rất trân quý đối với một người học và viết thư pháp Hán - Nôm mà ít ai có thể làm được.

Từ tiếp thu và thể hiện rất thành công thư pháp Hán - Nôm, thư pháp Việt, Nhà thư pháp Lê Thiên Lý trăn trở suy nghĩ, những thể thư pháp trên cơ bản là du nhập từ nước ngoài vào; vậy thì, Việt Nam chúng ta có thể loại thư pháp riêng của chính mình được không? Nhận thức từ các bậc tiền nhân đã truyền lại: Bản chất chữ Hán, chữ Nôm là chữ tượng hình, cũng tạo bởi những sự vật, hiện tượng cuộc sống hàng ngày của con người tạo nên như mặt trời, ánh trăng, ông sao, những con vật, đồ vật rất gần gũi với cuộc sống của con người..., do đó, trong mỗi chữ đều chứa đựng những cốt cách, nội dung phản ánh một hình ảnh con người, sự vật, hiện tượng, con vật nào đấy. Từ những suy nghĩ trên, để tiếp thu nền thư pháp đương đại một cách không thụ động, Nghệ nhân thư pháp Lê Thiên Lý thể hiện thành công và hết sức sáng tạo hai hình thức thể hiện thư pháp là: “Nhân diện thư” và “Vật điểu thư”.

Như chúng ta đã biết, “Nhân” là người, “diện” tức là mặt và “thư” là bút pháp thể hiện. “Nhân diện thư” là những con chữ cả chữ Hán và chữ Việt dưới con mắt quan sát tinh tế và bàn tay tài hoa, sáng tạo của Nghệ nhân thư pháp Lê Thiên Lý được thể hiện thành khuôn hình mặt người, mang hình thái, cốt cách của con người. Bằng phương pháp “Nhân diện thư”, Nhà thư pháp Lê Thiên Lý thể hiện thành công nhiều nhân vật kiệt xuất trong lịch sử dân tộc ta như: Vua Hùng dựng nước, Vua Lý Thái tổ viết Chiếu dời đô, các vua Đinh Tiên Hoàng, Lê Lợi, Quang Trung, Thầy Chu Văn An - “Vạn thế sư biểu”, Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm - cây đại thụ của nền văn hóa dân tộc...Cũng bằng hình thức thư pháp “Nhân diện thư”, ông đã thể hiện và tặng hàng trăm bức thư pháp bằng chính tên người được nhận, trong đó có nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban ngành Trung ương, thành phố Hải Phòng và nhiều địa phương khác, công chúng Việt Nam chúng ta và bạn bè quốc tế nhiều nước trên thế giới…

Cùng với “Nhân diện thư”, Nhà thư pháp Lê Thiên Lý cũng đã thể hiện thành công hình thức thư pháp “Vật điểu thư”. “Vật” là những đồ vật thân thuộc với con người, “điểu” là chim các loại, “thư” là chữ nghĩa bút pháp thể hiện. “Vật điểu thư” là những chữ Hán, chữ Việt được thể hiện thông qua những con vật, đồ vật như: chim, cá, rồng, phượng, bình hoa, ấm pha trà, ngọn bút, cây súng...Những con chữ dưới nét bút tài hoa, kết hợp chặt chẽ giữa hình thức và nội dung biểu đạt của Nhà thư pháp Lê Thiên Lý đã chuyển thành những đồ vật, con vật rất gần gũi với đời sống của con người như: long, ly, quy, phượng, con chim, con cá, con tôm, lọ hoa, ấm pha trà, bình rượu...thành những bức thư pháp giàu chất nghệ thuật biểu đạt. Trong nhiều năm qua, mỗi độ Tết đến Xuân về, Nghệ nhân thư pháp Lê Thiên Lý sáng tạo hình tượng các con vật thuộc 12 con giáp thể hiện thành những bức thư pháp như: Bính Thân (2016), Đinh Dậu (2017), Mậu Tuất (2018), Kỷ Hợi (2019), Canh Tý (2020); tên một con giáp lại viết thành một con vật rất sống động như: Tân Sửu (2021), Nhâm Dần (2022), Quý Mão (2023) và Giáp Thìn (2024)...Hàng nghìn con chữ thể “Vật điểu thư” đã đến mọi nhà để đón một mùa xuân mới với những điều tốt đẹp nhất…

Cùng với thể hiện thành công và sáng tạo Nhân diện thư và Vật điểu thư, Nhà thư pháp Lê Thiên Lý còn thể hiện thành công thể đỉnh thư tiếng Việt. Như chúng ta đã biết, tiếng Việt do Aléc-xan Đ-rốt sáng tạo ra, dùng nguyên bản là 24 chữ cái hệ chữ La Tinh và 6 loại dấu. Đến những năm 30 của Thế kỷ thứ 20, chữ Quốc ngữ trở thành chữ viết phổ thông trong toàn xã hội. Thư pháp chữ Việt cũng hình thành cách đây khoảng 100 năm. Tiếp thu không thụ động, Nghệ nhân thư pháp Lê Thiên Lý đã thể hiện thành công và rất sáng tạo thể thư pháp đỉnh thư bằng chữ Việt đẹp về nội dung và hình thức biểu đạt.

Trước nhu cầu sửa chữa, nâng cấp, xây mới nơi thờ tự như đình, đền, miếu, nghè, từ đường dòng họ, tư gia, lăng mộ, muốn con cháu và mọi người đọc và hiểu được ngay, không dùng chữ Hán - Nôm, nhu cầu viết đại tự, câu đối tiếng Việt xuất hiện ngày càng nhiều...Nhu cầu của người sử dụng là không bay lượn, nhưng phải nghiêm cẩn, chân phương, hoành tráng, dễ đọc, dễ nhận biết. Đỉnh là vật thờ cúng thiêng liêng, có nắp đỉnh, thân đỉnh, tai đỉnh; hình thức thể hiện đỉnh cũng rất đa dạng: đỉnh hai tai, đỉnh 4 tai, loại nắp bằng, loại nắp cong, loại chân đơn, loại chân kép, loại thân tròn, loại thân bẹt...Chính vì vậy đòi hỏi nhà thư pháp thể hiện phải hết sức sáng tạo, đúng cái đỉnh, nhưng thân hình tạo bởi chữ Việt. Bằng sự sáng tạo, bàn tay tài hoa, Nghệ nhân thư pháp Lê Thiên Lý đã thể hiện uyên thâm nhiều đại tự, câu đối theo thể đỉnh thư bằng chữ Việt, dùng cho nhiều nơi thờ tự ở thành phố Hải Phòng và các tỉnh Hải Dương, Bắc Ninh, Thanh Hóa...với những nội dung như: “Uống nước nhớ nguồn”, “Tổ quốc ghi công”, “Dân kính phụng”...

Thời gian cứ dần trôi, những tâm huyết, trí tuệ, công sức và sự sáng tạo của Nghệ nhân thư pháp Lê Thiên Lý ở hai thể thư pháp “Nhân diện thư”, “Vật điểu thư” đã kết tinh thành những mảnh vàng óng ánh, dần tỏa sáng không những ở thành phố Hải Phòng mà còn lan tỏa ra khắp nhiều địa phương trong cả nước và bạn bè quốc tế.

Sự sáng tạo nào thuở ban đầu cũng là rất khó khăn, trở ngại. Đối với hai thể “Nhân diện thư” và “Vật điểu thư” cũng không nằm ngoài quy luật đó. Thủa ban đầu thể hiện “Nhân diện thư” và “Vật điểu thư”, Nghệ nhân thư pháp Lê Thiên Lý gặp rất nhiều sự chỉ trích, dè bỉu, chê bai, cho rằng, làm hỏng chữ Thánh hiền, làm mất vẻ đẹp của thư pháp Việt...Thậm chí, còn bị công kích trên mạng xã hội.

Đối với nghệ thuật, sự sáng tạo chân chính sẽ trở về với đúng giá trị đích thực của nó và nghệ thuật là con đường gần nhất đến với trái tim. Đối với hai thể thư pháp “Nhân diện thư” và “Vật điểu thư” cũng như vậy, ngày 14 tháng 11 năm 2022, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV3) trong chương trình “Cà phê sáng” chính thức công nhận sự sáng tạo trong hai thể thư pháp “Nhân diện thư” và “Vật điểu thư” của Nhà thư pháp Lê Thiên Lý và mời ông giao lưu cùng khán giả, phát sóng trong toàn quốc, giới thiệu hai thể thư pháp “Nhân diện thư” và “Vật điểu thư” đến với mọi người Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Cũng bằng hai thể thư pháp “Nhân diện thư” và “Vật điểu thư”, Nghệ nhân thư pháp Lê Thiên Lý đã sáng tạo viết 1.000 chữ “Long”, không chữ nào giống chữ nào, mỗi chữ một kiểu khác nhau để chào mừng Đại Lễ 1.000 năm Thăng Long -  Đông Đô - Hà Nội năm 2010. Bộ Thư pháp 1.000 chữ “Long” đã được đưa và sách “Kỷ lục Việt Nam”, được triển lãm kín 3 phòng tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Tiệp (thành phố Hải Phòng). 1.000 chữ “Long” này được viết thu nhỏ lại trên một đĩa gốm Chu Đậu (Nam Sách, Hải Dương) đường kính 1,2 mét. Chiếc đĩa gốm Chu Đậu với 1.000 chữ “Long” là một sản phẩm đặc biệt, thể hiện sự sáng tạo, nét độc đáo và tài hoa kết hợp giữa chữ và gốm, mang đậm bản sắc và linh khí dân tộc Việt, được Nghệ nhân thư pháp Lê Thiên Lý viết trực tiếp, qua nhiều công đoạn thủ công trong hơn 200 ngày, với đủ các thể thư pháp truyền thống Triện, Lê, Khải, Thảo Hành và hai thể thư pháp mới do Nghệ nhân thư pháp Lê Thiên Lý thể hiện sáng tạo “Nhân diện thư” và “Vật điểu thư”. Năm 2013, chiếc đĩa gốm này cũng được ghi vào sách “Kỷ lục Việt Nam”. Tác phẩm chiếc đĩa gốm Chu Đậu sau đó đã được Liên minh Kỷ lục Thế giới xác lập và trao tặng đến Công ty Gốm Chu Đậu vào năm 2019. Chiếc đĩa gốm Chu Đậu với 1.000 chữ “Long” thể hiện bằng “Nhân diện thư” và “Vật điểu thư” đã đưa gốm sứ và thư pháp Việt Nam ra tầm thế giới.

Với nhiều công lao đóng góp truyền thụ văn hóa dân tộc, trong đó thể hiện sáng tạo và thành công hai thể thư pháp “Nhân diện thư”, “Vật điểu thư”, năm 2014, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam tôn vinh ông Lê Thiên Lý tại Nhà Hát lớn Hà Nội danh hiệu: “Nghệ nhân thư pháp”; ông là một trong 4 Nghệ nhân thư pháp của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam. Diễn đàn Văn hóa Doanh nhân Việt Nam đã tôn vinh thầy Lê Thiên Lý là Nghệ nhân tiêu biểu toàn quốc năm 2022.

Tại buổi tọa đàm, chúng tôi, những hội viên của Trung tâm Thư pháp, Câu đối và Hán - Nôm học, đại diện cho những ông đồ tại thành phố Hải Phòng có đôi điều khuyến nghị, đề xuất như sau:

Một là, từ những luận cứ lý luận và thực tiễn rất sống động, thiết thực như đã trình bày ở trên, chúng ta ghi nhận công lao to lớn của Nghệ nhân thư pháp Lê Thiên Lý đã thể hiện thành công và hết sức sáng tạo hai thể thư pháp “Nhân diện thư” và “Vật điểu thư” trong nền thư pháp Việt Nam đương đại.

Hai là, kính đề nghị các viện, nhà nghiên cứu, nhà thư pháp tiếp tục tổ chức những cuộc hội thảo về “Nhân diện thư” và “Vật điểu” thư để làm sáng tỏ về lý luận và thực tiễn, để trên cơ sở đó đề xuất giải pháp bảo tồn, phát huy nghệ thuật thư pháp “Nhân diện thư”, “Vật điểu thư”, đưa hai thể thư pháp này đến với đông đảo nhân dân trong cả nước và quốc tế.

Ba là, sau buổi tọa đàm trao đổi hôm nay, chúng ta tiếp tục chia sẻ để lan tỏa, học tập, rèn luyện kỹ năng về nghệ thuật thư pháp “Nhân diện thư”, “Vật điểu thư”, góp phần ngày càng phát triển thư pháp Việt Nam đương đại!

 

Chữ Long (Hán tự) được Nghệ nhân thư pháp Lê Thiên Lý thể hiện vua Lý Thái Tổ viết Chiếu dời đô theo thể “Nhân diện thư”.

Bài viết đăng trong cuốn “Nhân diện thư và Vật điểu thư trong dòng chảy thư pháp Việt” do Viện Kinh tế, Văn hóa và Nghệ thuật xuất bản năm 2025.

Đại tá, Th.sĩ, Nghệ nhân thư pháp Trần Quốc Huy