Ukraine có thể làm gì với khoản viện trợ lớn mới từ Mỹ?

24/04/2024 12:10

Người Ukraine nhận thức rõ ràng rằng gói viện trợ lớn mới của Mỹ không phải “viên đạn bạc”, không đủ để lật ngược tình thế cuộc chiến.

Trong vài tháng qua, khi các nhà lập pháp Mỹ vẫn chưa thể “chốt” viện trợ cho Kiev, các lực lượng Nga đã tấn công vào một số “điểm nóng” dọc theo chiến tuyến dài gần 1.000 km chạy qua miền Đông và miền Nam Ukraine, tận dụng triệt để tình trạng cạn kiệt dự trữ vũ khí và đạn dược của đối phương.

Triển khai các loạt pháo binh và bom dẫn đường áp đảo, các lực lượng của Moscow đã giành được thị trấn tiền tuyến Avdiivka (phía Nga gọi là Avdeevka) vào tháng 2, đánh dấu chiến thắng lớn đầu tiên của họ kể từ tháng 5 năm ngoái. Giờ đây, có vẻ như họ đang tiến gần đến Chasiv Yar, một “cao điểm” có thể đóng vai trò là cửa ngõ dẫn đến các mục tiêu quan trọng hơn trong các khu vực do Kiev kiểm soát ở vùng Donbass.

Thượng viện Mỹ hôm 23/4 đã thông qua dự luật viện trợ trị giá 95 tỷ USD được chờ đợi từ lâu, bao gồm 61 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine, với tỉ lệ áp đảo 79 phiếu thuận - 18 phiếu chống, sau khi Hạ viện Mỹ thông qua gói này hôm 20/4.

Việc dự luật được thông qua sẽ dẫn đến việc nối lại nhanh chóng các chuyến hàng đạn dược và vũ khí tới Ukraine, khiến Kiev và các đồng minh thở phào nhẹ nhõm. Đây cũng là lúc quốc gia Đông Âu phải chuẩn bị đương đầu với cuộc tấn công mùa hè của Nga.

Dự kiến, các khu vực Donetsk, Kharkiv và Zaporizhzhia sẽ là mục tiêu chính của cuộc tấn công. Moscow đã tăng cường ném bom Kharkiv – thành phố lớn thứ hai của Ukraine, nằm gần biên giới với Nga, và đây được coi là những động thái tiền tấn công.

Thế giới - Ukraine có thể làm gì với khoản viện trợ lớn mới từ Mỹ?

Một binh sĩ Ukraine đang hoạt động ở tiền tuyến thuộc khu vực Donetsk, tháng 4/2024. Ảnh: The Guardian

“Gói viện trợ của Mỹ sẽ giúp Ukraine ổn định mặt trận”, ông Mark Cancian, nhà phân tích quân sự tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nói với RFE/RL hôm 22/4.

“Các lực lượng Ukraine, dù không ngăn chặn được các cuộc tấn công này của Nga, ít nhất vẫn có thể phản kháng mạnh mẽ hơn nhiều và tự mình tiến hành các cuộc tấn công hạn chế… Những lo ngại về sự sụp đổ của Ukraine hay sự đột phá của Nga sẽ được xoa dịu”, ông Cancian nhận định.

Vị chuyên gia tại CSIS cho biết, việc ổn định mặt trận sẽ tạo cơ hội cho Ukraine xây dựng lại lực lượng để chuẩn bị cho một cuộc tấn công quy mô lớn vào năm tới. Ukraine hồi đầu tháng này đã ban hành luật huy động quân mới để tăng cường nhân lực cho tiền tuyến và cho phép luân chuyển những binh sĩ đã chiến đấu từ 2 năm trở lên.

“Tôi nghĩ điều quan trọng bây giờ là huấn luyện và trang bị cho các lực lượng Ukraine”, ông Cancian nói.

Ông Phillips O'Brien, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học St. Andrews (Vương quốc Anh), cho biết, viện trợ của Mỹ sẽ cho phép Ukraine quay trở lại hình thức “phòng thủ tích cực” hoặc giữ phòng tuyến trong khi gây tổn thất đáng kể cho các lực lượng vũ trang Nga.

Nhưng bản thân người Ukraine nhận thức rõ ràng rằng gói viện trợ lớn mới của Mỹ không phải “viên đạn bạc”.

“Tôi không chắc chúng ta có đủ nguồn lực để ngăn chặn cuộc tấn công”, ông Mykhaylo Zhirokhov, nhà phân tích quân sự Ukraine, nói với RFE/RL. Vị chuyên gia lo lắng rằng nhiều binh sĩ Ukraine đang “suy kiệt” và sẽ mất thời gian để viện trợ quân sự của Mỹ đến được mặt trận.

Ông Volodymyr Fesenko, một chuyên gia chính trị Ukraine, cho biết việc dự luật được Hạ viện Mỹ thông qua đã nâng cao tinh thần của người dân và quân đội nước ông. “Tuy nhiên, đó không phải là viên đạn bạc… Nó sẽ không đủ để lật ngược tình thế cuộc chiến”, ông Fesenko nói. Vị chuyên gia cũng chỉ ra rằng điều quan trọng nhất là “viện trợ quân sự của Mỹ đang được nối lại”.

Ông Fesenko cũng cho biết Ukraine cần một “lợi thế công nghệ” nếu muốn tái chiếm lãnh thổ từ tay quân Nga.

Minh Đức (Theo RFE/RL, iNews)