3 cách đi khám bệnh không cần mang thẻ BHYT, ai cũng nên biết

15/09/2023 12:01

Hiện nay, có 3 cách thay thế thẻ BHYT giấy trong khám, chữa bệnh, người dân cần nắm rõ.

Thẻ bảo hiểm y tế là gì?

Khoản 1 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung 2014 quy định, bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm bắt buộc do Nhà nước tổ chức thực hiện, được áp dụng đối với các đối tượng do luật định để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận.

Bảo hiểm y tế (BHYT) được quản lý theo 02 hình thức: BHYT bắt buộc (áp dụng với người lao động trong các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị; cán bộ, công chức, viên chức; học sinh, sinh viên…) và BHYT tự nguyện (áp dụng với người không thuộc đối tượng tham gia BHYT bắt buộc).

Theo quy định tại Điều 16, Luật Bảo hiểm y tế 2008, thẻ bảo hiểm y tế được cấp cho người tham gia bảo hiểm y tế và làm căn cứ để được hưởng các quyền lợi về bảo hiểm y tế theo quy định của Luật này.

Mỗi người dân khi tham gia BHYT sẽ được cấp 01 thẻ bảo hiểm y tế dùng làm căn cứ để xác định các quyền lợi hưởng BHYT của người tham gia khi đi khám, chữa bệnh BHYT theo quy định.

Hiện nay thẻ BHYT được cấp theo mẫu mới áp dụng trên toàn quốc và có dấu xác nhận của Cơ quan Bảo hiểm xã hội nơi cấp thẻ.

Theo quy định, khi đi khám bệnh, chữa bệnh phải xuất trình thẻ BHYT còn giá trị sử dụng và giấy tờ tùy thân có ảnh hợp lệ. Đối với trẻ em dưới 6 tuổi chỉ xuất trình thẻ BHYT còn giá trị sử dụng.

Từ ngày 01/6/2021, người dân trên toàn quốc đã được sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID bảo hiểm xã hội khi đi khám chữa bệnh thay thế cho việc sử dụng thẻ bảo hiểm bằng giấy. Đồng thời, các cơ sở khám chữa bệnh BHYT sử dụng đầu đọc để quét mã QR-code hoặc ghi trực tiếp số thẻ BHYT trên ứng dụng VssID đối với trường hợp cơ sở không có đầu đọc.

Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định 1911/QĐ-TTg năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 08/3/2022, Bộ Công an đã phối hợp với Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam triển khai đồng bộ dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tích hợp thông tin tích hợp thẻ bảo hiểm y tế vào căn cước công dân, phục vụ người dân và cơ quan y tế xác thực thông tin công dân khi đi khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế.

3 cách đi khám bệnh không cần mang theo thẻ BHYT

Hiện nay, có 3 cách thay thế thẻ BHYT giấy trong khám, chữa bệnh, gồm: Dùng Căn cước công dân gắn chíp; sử dụng tài khoản VNeID mức 2 và dùng ứng dụng VssID.

Cách 1: Người dân xuất trình thẻ Căn cước công dân gắn chip tại cơ sở khám, chữa bệnh, khi quét mã QR đã có thông tin hợp lệ về tham gia BHYT, cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện kiểm tra, đối chiếu thông tin về BHYT và tiếp đón người bệnh theo quy trình khám, chữa bệnh BHYT hiện hành.

Cách 2: Người dân có thể sử dụng thẻ BHYT đã được xác thực trên ứng dụng VNeID (ứng dụng định danh điện tử mức 2) bằng cách mở cài đặt VNeID trên điện thoại di động sau đó đăng nhập tài khoản VneID.

Tiếp đó chọn mục "Ví giấy tờ" sau đó chọn "Thẻ BHYT"; nhập mã để xác minh người dùng và xuất trình hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VNeID cho nhân viên y tế.

Cách 3: Người dân cũng có thể sử dụng ứng dụng VssID trên điện thoại để thay thế thẻ BHYT giấy khi đi khám chữa bệnh.

Theo đó, sau khi đăng nhập thành công, trên giao diện chính của ứng dụng VssID, người dân cần chọn mục "Quản lý cá nhân", tiếp đó chọn mục " Thẻ BHYT" và sau đó chọn " Sử dụng thẻ" hoặc "Hình ảnh thẻ".

Minh Hoa (t/h)