Chủ tịch Hội đồng Thủ công thế giới thăm Làng nghề Thủ công điêu khắc, sơn mỹ nghệ Sơn Đồng

Sáng ngày 16/02/2025, Chủ tịch Hội đồng thủ công thế giới cùng các Tỉnh trưởng, nghệ nhân Uzbekistan đã thăm thực tế hoạt động sản xuất của Làng nghề Thủ công điêu khắc, sơn mỹ nghệ Sơn Đồng. Đón đoàn có ông Nguyễn Trung Thuận - Phó chủ tịch UBND huyện Hoài Đức, lãnh đạo các phòng ban huyện Hoài Đức, lãnh đạo xã và Hội nghệ nhân xã Sơn Đồng.

Làng nghề Điêu khắc, tạc tượng, sơn mỹ nghệ Sơn Đồng có lịch sử hình thành và phát triển hàng nghìn năm. Các dấu ấn vật thể 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đều có đôi bàn tay tài hoa của những nghệ nhân Sơn Đồng như Văn miếu Quốc Tử giám, Khuê Văn Các, Đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, chùa Một Cột,…

hd4-1740319625.jpg

Chủ tịch Hội đồng Thủ công Thế giới được giới thiệu những sản phẩm đặc trưng và thế mạnh của Sơn Đồng là đồ gỗ, mỹ nghệ, tranh, tượng dân gian và đồ thờ phụng tâm linh...

Trải qua thời gian, nhiều biến cố lịch sử, làng ngề Sơn Đồng vẫn được gìn giữ và phát huy, đặc biệt là luôn được thành phố Hà Nội, huyện Hoài Đức quan tâm, hỗ trợ phát triển. Nhờ đó, Làng nghề Điêu khắc, sơn mỹ nghệ Sơn Đồng ngày càng phát huy được thế mạnh, khẳng định vị trí làng nghề tiêu biểu của Thủ đô. Năm 2001, Sơn Đồng được UBND tỉnh Hà Tây cũ cấp Bằng công nhận làng nghề. Năm 2007, sách Kỷ lục Việt Nam đã ghi danh Sơn Đồng là “Làng nghề tạc tượng và đồ thờ phụng Phật giáo lớn nhất Việt Nam”. Năm 2010, nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội làng nghề Sơn Đồng vinh dự là một trong 04 làng nghề được thành phố Hà Nội chọn tham dự Lễ rước Tổ nghề trong Lễ hội làng nghề, phố nghề Thăng Long - Hà Nội. Năm 2015, Hội làng nghề mỹ nghệ xã Sơn Đồng được Cục sở hữu trí tuệ - Bộ KH&CN cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Ngoài ra, Sơn Đồng còn được Hiệp hội làng nghề Việt Nam phong tặng Danh hiệu Làng nghề tiêu biểu Việt Nam,…

hd2-1740319489.jpg

hd7-1740319438.jpg

Các đại biểu Quốc tế được giới thiệu về vai trò không gian sinh hoạt tâm linh trong đời sống của người Việt. 

Quy trình chế tác sản phẩm làng nghề chất chứa tinh hoa, ngoài công thức chung kế thừa của cha ông, mỗi nghệ nhân ở Sơn Đồng cũng có những thủ pháp, những bí truyền với cách phân, quân, tỷ lệ không hoàn toàn giống nhau. Ví dụ như, một nghệ nhân khi đục pho tượng Phật bà Quan âm ngồi thường đục 04 diện (khuôn mặt tính từ chân tóc tới cằm gọi là “mặt diện” trong giải phẫu tạo hình hiện đại gọi là “một đầu”). Nhưng cũng có khi phật ngồi chỉ có 3 diện rưỡi hoặc 4 diện rưỡi; cũng có khi làm môt pho tượng đứng phải “dựng” tới 07 diện. Điểm chung giữa các nghệ nhân khi làm tượng là đều lấy diện bằng “một đầu” làm chuẩn để tính tỷ lệ. Việc đục tượng, bao giờ cũng bắt đầu từ việc chọn gỗ, nguyên liệu để làm tượng phật phổ biến là gỗ mít, làm đồ thờ có thêm gỗ dổi, gỗ vàng tâm.

Kỹ thuật sơn son thếp vàng tượng cũng kỳ công như nghệ thuật làm vóc sơn mài. Đầu tiên, “hom” tượng bằng sơn trộn đất phù sa (tỷ lệ không được non sơn cũng không được quá già) rồi “bó” bằng sơn sống, sơn “thí”. Sau mỗi công đoạn đều phải mài tượng bằng đá và nước sơn lên rồi lại mài đi, rồi lại sơn lên,…Cứ thế, bao giờ thấy mặt tượng phẳng, nhẵn và mọng lên thì dùng một lớp sơn (gọi là sơn cầm thếp).

Thành quả mà những người thợ Sơn Đồng thu được sau nhiều ngày đêm miệt mài bên xưởng gỗ là những sản phẩm tinh hoa vang danh khắp cả nước mà còn vang xa đến nhiều quốc gia trên thế giới. Vì thế, nhắc tới tượng phật là người ta nghĩ ngay đến làng nghề Sơn Đồng. Với đôi bàn tay tài hoa, những người thợ làng Sơn Đồng đã cho ra đời nhiều tác phẩm có độ tinh xảo cao, chất chứa hàm lượng văn hóa, nghệ thuật cao cũng như tiềm ẩn sự mầu nhiệm của Phật giáo.

sd1-1740319873.jpg
hd6-1740319303.jpg
Các đại biểu được trực tiếp trải nghiệm quy trình thiếp vàng trên đồ gỗ mỹ nghệ Sơn Đồng.

Ông Nguyễn Viết Huân – Hội nghệ nhân làng nghề xã Sơn Đồng vui mừng cho biết: Tất cả các nghệ nhân làng nghề Sơn Đồng đều từ cha truyền, con nối; các nghệ nhân đi trước truyền lại cho thế hệ đi sau. Thời gian qua, nhà nước đã có những chương trình đào tạo, tập huấn, hỗ trợ nâng cao tay nghề cho các thợ trẻ. Nếu Sơn Đồng được trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố Thủ công sáng tạo toàn cầu, trước hết, chúng tôi  sẽ đẩy mạnh tuyên truyền để các nghệ nhân, thợ gỏi ý thức được trọng trách cao quý khi thành phố quan tâm, trao cơ hội. Chúng tôi sẽ phải chú trọng đào tạo, nâng cao tay nghề, lên chương trình, kế hoạch sản xuất, mở rộng quy mô, bảo vệ môi trường,… đáp ứng được các tiêu chú Hội đồng Thủ đông thế giới đưa ra.

Ông Nguyễn Viết Hùng – Chủ tịch UBND xã Sơn Đồng chia sẻ: Sơn Đồng là làng nghề truyền thống lâu đời. Hội Thủ công thế giới về thăm làng nghề là một vinh dự lớn. Đây cũng là sự quan tâm của các cấp lãnh đạo đối với sự phát triển của làng nghề. Thông qua đợt khảo sát này, chúng tôi kỳ vọng Sơn Đồng sẽ tiếp bước hai làng nghề Bát Tràng và Vạn Phúc trở thành thành thành viên của Mạng lưới các thành phố Thủ công sáng tạo toàn cầu. Để trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố Thủ công sáng tạo toàn cầu, Sơn Đồng cần có sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn của lãnh đạo các cấp. Về phía địa phương, chúng tôi cũng có những chỉ đạo, kế hoạch cụ thể đối với Hội làng nghề, Hội nghệ nhân thợ giỏi nhằm thúc đẩy hơn nữa trong hoạt động sáng tạo, chế tác nhằm đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn, đưa Sơn Đồng trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố Thủ công sáng tạo toàn cầu.

hd11-1740320113.jpg

Phát biểu sau chuyến thăm làng nghề Điều khắc sơn mỹ nghệ Sơn Đồng, Chủ tịch Hội đồng thủ công thế giới, cùng các thành viên trong đoàn đánh giá cao sự độc đáo của làng nghề và cho biết "Hội đồng Thủ công Thế giới" sẽ có những bước đi tiếp theo trong tiến trình kết nối làng nghề này vào Mạng lưới các thành phố Thủ công sáng tạo Thế giới. 

Đoàn đã đến thăm Chùa Diên Phúc, Đền Thượng xã Sơn Đồng, nơi ghi dấu sự khéo léo, tài hoa của các thế hệ nghệ nhân Sơn Đồng trong nghề sơn, tạc và tạo ra những bức tượng thờ, hoành phi, câu đối, ô sa, cửa võng...Tiếp đó đoàn đã đến thăm khu sản xuất, khu trưng bày sản phẩm của gia đình nghệ nhân Nguyễn Danh Sơn và nghệ nhân Nguyễn Viết Lợi. Thông qua đó đoàn đã có được cái nhìn toàn cảnh về làng nghề điêu khắc sơn mỹ nghệ Sơn Đồng và bày tỏ sự ấn tượng với lịch sử, truyền thống và những giá trị của làng nghề, thấy được tâm huyết của các nghệ nhân đối với việc bảo tồn và phát triển làng nghề tại Sơn Đồng.

Với sự tài hoa và khéo léo của những nghệ nhân, sự tinh xảo của các sản phẩm làng nghề, Sơn Đồng được kỳ vọng sẽ trở thành thành viên Mạng lưới Thành phố Thủ công sáng tạo toàn cầu trong năm 2025./.

Trần Quyết