Quảng cáo #38

Kỳ Liên hoan Thơ Ca Ba Miền lần II tại Huế: Gắn kết thi ca – Lan tỏa đam mê

Diễn ra tại thành phố Huế vào tháng 7/2025, Liên hoan Thơ ca Ba miền lần thứ II không chỉ là ngày hội của thi ca mà còn là minh chứng cho tinh thần đoàn kết, sự chuẩn bị công phu và lòng yêu thơ sâu sắc từ hàng trăm đại biểu trên khắp cả nước. Một sự kiện không chỉ lấp lánh những vần thơ mà còn ấm áp nghĩa tình.

Liên hoan Thơ ca Ba miền lần thứ II tại Huế năm 2025 do Hội Thơ Xứ Huế đăng cai tổ chức, phối hợp cùng Câu lạc bộ Thơ Ban Mê tỉnh Đắk Lắk và Câu lạc bộ Văn thơ Di sản trên Facebook. Tính từ kỳ Liên hoan đầu tiên do CLB Thơ Việt Nam trên Facebook tổ chức tại Đà Nẵng năm 2018, và sau đó tại Đà Lạt, Buôn Ma Thuột, Huế, Quy Nhơn cùng một số tỉnh thành khác, đây là lần thứ 8 sự kiện được tổ chức, và là lần thứ hai trở lại với đất cố đô Huế.

gen-h-z6790931928639-a753b2272798fc2a8f69bbaade80c287-1752144906.jpg
Cờ lưu niệm chính thức của Liên hoan Thơ ca ba miền lần II tại Huế năm 2025

Ngay từ giữa tháng 3/2025, Thường trực ba đơn vị tổ chức đã tiến hành nhiều cuộc họp trực tuyến và trực tiếp để lên kế hoạch chuẩn bị. Ban Tổ chức được thành lập với sự chỉ đạo của nhà thơ Nguyễn Ngọc – Chủ tịch Hội Thơ Xứ Huế – giữ vai trò Trưởng ban và Tổng chỉ huy toàn bộ chương trình. Đồng hành cùng ông là nhà giáo Nguyễn Đức – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn thơ Di sản – giữ chức Phó Trưởng ban, phụ trách các đoàn phía Bắc và nơi ăn ở cho đại biểu. Nhà thơ Lưu Tấn Văn – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thơ Ban Mê – đảm nhận vai trò Phó Trưởng ban phụ trách các đoàn khu vực phía Nam, đồng thời chịu trách nhiệm xây dựng kịch bản, biên tập chương trình và dẫn chương trình cùng nhà thơ Ngân Hà.

Các ban chuyên trách cũng được thành lập đồng bộ, gồm: Ban Tham quan do nhà thơ Văn Chung – Phó Chủ tịch Hội Thơ Xứ Huế làm Trưởng ban, phối hợp với các nhà thơ Ân Hồ và Sỹ Quang; Ban Hậu cần và Tài chính do nhà thơ Mính Ái và Thiên Bình phụ trách, đảm nhận việc ăn nghỉ, vận chuyển, tiếp đón đại biểu; Ban Thiết kế do nhà giáo Đoàn Văn Toản – Chánh Văn phòng Hội – đứng đầu, chịu trách nhiệm thiết kế băng rôn, phù hiệu, thư mời, ấn phẩm. Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả của các tiểu ban, công tác tổ chức được triển khai đồng bộ, bài bản và linh hoạt.

gen-h-z6790931916273-287ffa50a765b2d541ee88a57c8cc1f9-1752144989.jpg
 
gen-h-z6790931923353-9b52a41c1d8fdeeda748283fe13c41df-1752144989.jpg
Một số buổi họp trực tiếp của Ban Tổ chức Liên hoan Thơ ca ba miền 2025.

Sau khi nhận được chủ trương tổ chức từ UBND thành phố Huế và Sở Văn hóa – Thể thao, các tiểu ban đã bắt tay vào triển khai các phần việc cụ thể. Từ thiết kế giấy mời, kịch bản chương trình, kịch bản truyền thông, đến khảo sát địa điểm tham quan và tổ chức đêm giao lưu nghệ thuật, tất cả đều được thảo luận kỹ lưỡng trên các nhóm điều hành trực tuyến. Một phương án đặc biệt lần đầu tiên được đề xuất trong lịch sử các kỳ liên hoan: tổ chức đêm thơ – nhạc trên thuyền rồng dọc sông Hương và trên thuyền Cung đình Long Quang tại bến Phu Văn Lâu. Tuy nhiên, do thời tiết mưa nhiều và số lượng đại biểu tham gia đông, sau khi được Phòng CSGT thành phố Huế tư vấn, Ban Tổ chức đã quyết định chuyển chương trình về không gian khép kín tại nhà hàng Sông Hương – một địa điểm thuận tiện và an toàn.

Những ngày cận kề sự kiện, diễn biến đăng ký tham gia thay đổi liên tục, khiến danh sách đoàn biến động từng giờ. Ban điều phối – với sự điều hành trực tiếp của nhà giáo Nguyễn Đức và nhà thơ Lưu Tấn Văn – phải liên tục cập nhật danh sách, điều chỉnh sơ đồ đón tiếp, đặt khách sạn giữa mùa cao điểm du lịch. Việc chọn thực đơn, điều phối suất ăn, phương tiện đi lại cũng gặp áp lực lớn, buộc Ban Hậu cần phải liên hệ với nhiều đối tác địa phương để đảm bảo không thiếu sót. Về nghệ thuật, các tiết mục tham gia tăng nhanh cả về số lượng và quy mô, nhiều đoàn đầu tư công phu, tập luyện kỹ lưỡng, làm vượt quá dự tính của Ban Tổ chức. Đội ngũ kịch bản – trong đó có nhà thơ Tấn Văn, Ngân Hà và nhà thơ Ngọc Nguyễn – phải làm việc xuyên đêm, có hôm tới 2 giờ sáng mới hoàn thành bản tổng hợp chính thức để gửi cơ quan thẩm định và lên lịch tổng duyệt.

Không chỉ dừng lại ở công tác nội bộ, Ban Tổ chức cũng đặc biệt chú trọng bảo đảm an toàn cho toàn sự kiện. Hợp đồng phối hợp với Trung tâm Y tế 115 và Phòng CSGT Công an thành phố Huế được ký kết để bố trí y tế thường trực, đảm bảo giao thông, hỗ trợ kịp thời trong trường hợp khẩn cấp. Hội đồng Giám khảo nghệ thuật cũng được thành lập bài bản, gồm các gương mặt có uy tín chuyên môn: Nhạc sĩ Lê Chí Quốc Anh – Tổng Biên tập Tạp chí Âm nhạc Việt Nam, Chủ tịch Hội Âm nhạc TP Huế – giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng; NSND, đạo diễn Nguyễn Ngọc Bình – nguyên Giám đốc Nhà hát Ca kịch Huế; NSƯT Phong Thủy – Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế; cùng nhà giáo Đoàn Văn Toản – Chủ nhiệm Trang thơ Facebook Hội Thơ Xứ Huế – làm thư ký hội đồng.

Sáng ngày 5/7, các thành viên Ban Tổ chức đã có mặt từ rất sớm tại khách sạn – nhà hàng Sông Hương để chuẩn bị đón các đoàn đại biểu. Trong số đó, đoàn tỉnh Cao Bằng – gồm 29 đại biểu, đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số đến từ các huyện vùng cao giáp biên giới Trung Quốc – là một trong những đoàn đầu tiên có mặt. Họ mang theo trang phục truyền thống, đạo cụ biểu diễn tự tay chuẩn bị, với ánh mắt lấp lánh niềm háo hức, thể hiện rõ sự trân trọng dành cho sân chơi thơ ca đặc biệt này.

Kỳ Liên hoan Thơ ca Ba miền lần II tại Huế không chỉ là dịp hội ngộ của những tâm hồn yêu thơ mà còn là minh chứng cho sự lan tỏa bền bỉ của thi ca trong đời sống cộng đồng. Giữa nhịp sống hiện đại hối hả, việc duy trì một sân chơi nghệ thuật đậm chất nhân văn như thế này cho thấy vai trò quan trọng của các câu lạc bộ, hội nhóm và cá nhân đầy nhiệt huyết trong việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc. Huế, với vẻ đẹp thơ mộng và chiều sâu lịch sử, một lần nữa đã chứng minh mình là điểm hẹn xứng đáng cho những trái tim thi sĩ trên khắp ba miền hội tụ và lan tỏa cảm hứng.

8730cabb9e9428ca7185-1752145720.jpg
 
156c0fad5b82eddcb493-1752145720.jpg
Một số hình ảnh ấn tượng tại sự kiện Liên hoan Thơ ca ba miền 2025.

 

Lưu Tấn Văn