Làm sao để xác định người mất đã gửi tiết kiệm, rút tiền thế nào?

19/09/2023 16:00

Theo quy định của hầu hết các ngân hàng hiện nay để rút được tiền tiết kiệm của người đã mất, thì phải tiến hành chi trả sổ tiết kiệm cho tất cả các đồng thừa kế.

Trong trường hợp người chết để lại di chúc thì đương nhiên sẽ chia tài sản thừa kế theo di chúc, nhưng nếu người chết đột ngột và người thân không biết đến sổ tiết kiệm của người chết thì sẽ mất số tiền của người chết để lại?

Gửi tiết kiệm ngân hàng là một hình thức đầu tư phổ biến và được đánh giá là an toàn và ít rủi ro nhất. Mục đích chính của khách hàng gửi tiền vào ngân hàng là tiết kiệm khi chưa muốn đầu tư vào công việc gì, thế nhưng lại được ngân hàng ưu đãi với với lãi suất cao và có sinh lời.

Trong trường hợp người có sổ tiết kiệm gửi Ngân hàng nhưng đột ngột qua đời và người thân không biết đến sổ tiết kiệm đó thì số tiền này cũng sẽ không đương nhiên bị mất. Trong trường hợp này các đồng thừa kế của người chết có thể trực tiếp đến các Ngân hàng nhờ xác minh xem người đó có mở sổ tiết kiệm tại các Ngân hàng đó không. Việc xác minh thực hiện bằng cách người được hưởng thừa kế gửi giấy chứng tử của người chết, giấy tờ tùy thân (để chứng minh quan hệ thừa kế) và kèm theo đơn yêu cầu nhờ phối hợp kiểm tra, xác minh đến từng ngân hàng nơi mà người chết có thể đã mở sổ tiết kiệm. Sau khi xác minh nếu người chết có sổ tiết kiệm gửi tại Ngân hàng thì các đồng thừa kế của người chết làm thủ khai nhận, phân chia di sản thừa kế theo quy định của pháp luật.

Về quyền thừa kế, di sản thừa kế và thủ tục nhận thừa kế, Bộ Luật dân sự năm 2015 quy định như sau: Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản (Điều 105).

Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác (Điều 612).

Người thừa kế theo pháp luật (Điều 651): “Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây: Hàng thừa kế thứ nhất gồm Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau…” .

Để được nhận thừa kế sổ tiết kiệm thì những người thừa kế phải thực hiện các bước khai nhận di sản (nếu là thừa kế theo di chúc) hoặc phân chia di sản thừa kế (nếu là thừa kế theo pháp luật) tại Văn phòng công chứng. Người thừa kế chuẩn bị các giấy tờ, tài liệu sau: Phiếu yêu cầu công chứng; Giấy chứng tử của người chết để lại sổ tiết kiệm; Sổ tiết kiệm; Di chúc (nếu có di chúc); Bản tường trình về quan hệ nhân thân; Giấy tờ tùy thân để chứng minh quan hệ thừa kế (như Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân; Hộ chiếu; Sổ hộ khẩu; Giấy khai sinh; Đăng ký kết hôn…).

Sau khi nộp hồ sơ, trình bày nội dung sự việc, công chứng viên sẽ giải thích quyền, nghĩa vụ của những người thừa kế và niêm yết thông báo khai nhận/thỏa thuận phân chia thừa kế tại UBND xã/phường/thị trấn trong thời gian 15 ngày. Sau thời gian trên nếu không có ý kiến khiếu nại, tố cáo gì thì Văn phòng công chứng sẽ tiến hành công chứng văn bản về thừa kế.

Sau khi đã làm xong văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế/văn bản khai nhận di sản thừa kế (đã được công chứng) những người thừa kế mang theo sổ tiết kiệm, giấy tờ tùy thân cùng văn bản về thừa kế đến ngân hàng nơi người chết gửi sổ tiết kiệm để được rút tiền và nhận tiền. Các đồng thừa kế có thể cùng nhau đến ngân hàng nhận tiền hoặc ủy quyền cho một người trong số những đồng thừa kế để đại diện đến Ngân hàng nhận tiền. Việc ủy quyền được lập và xác thực tại các cơ quan có thẩm quyền.

Đối với tiền trong tài khoản ngân hàng, người thừa kế có thể liên hệ với ngân hàng nơi mở tài khoản, đề nghị họ kiểm tra xem người nhà của mình có mở tài khoản ở đây không. Nếu có, xin cung cấp thông tin về số tài khoản, chi nhánh mở tài khoản.

Sau khi có thông tin từ ngân hàng, có thể liên hệ văn phòng công chứng để làm thủ tục khai nhận di sản đối với toàn bộ số tiền đang có trong tài khoản.

Theo Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19/8/2014 hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định chủ tài khoản thanh toán được ủy quyền cho người khác sử dụng tài khoản thanh toán của mình. Việc ủy quyền trong sử dụng tài khoản thanh toán phải bằng văn bản và được thực hiện theo quy định của pháp luật về ủy quyền.

Để ủy quyền trong sử dụng tài khoản thanh toán, chủ tài khoản phải gửi tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán nơi mở tài khoản văn bản ủy quyền kèm bản đăng ký mẫu chữ ký và bản sao giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn của người được ủy quyền (trường hợp bản sao không có chứng thực thì phải xuất trình bản chính để đối chiếu).

Chủ tài khoản thanh toán có các quyền:… Ủy quyền cho người khác sử dụng tài khoản thanh toán theo quy định tại Điều 4 Thông tư này; các quyền khác theo quy định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận trước bằng văn bản giữa chủ tài khoản với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán không trái với quy định của pháp luật hiện hành (Khoản 1 Điều 5).

Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định về việc đóng tài khoản thanh toán và việc xử lý số dư khi đóng tài khoản thanh toán.

Việc đóng tài khoản thanh toán được thực hiện khi chủ tài khoản là cá nhân bị chết, mất tích hoặc mất năng lực hành vi dân sự;…

Xử lý số dư khi đóng tài khoản thanh toán: Chi trả theo yêu cầu của chủ tài khoản hoặc người được thừa kế, đại diện thừa kế hợp pháp trong trường hợp chủ tài khoản là cá nhân chết,… (Điều 13).

Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19/8/2014 hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định như sau:

Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thực hiện đóng tài khoản thanh toán của khách hàng trong các trường hợp sau: Chủ tài khoản thanh toán của cá nhân bị chết, bị tuyên bố là đã chết, bị mất tích hoặc mất năng lực hành vi dân sự;…

Số dư còn lại sau khi đóng tài khoản thanh toán được xử lý như sau: Chi trả theo yêu cầu của chủ tài khoản; người giám hộ, người đại diện theo pháp luật của chủ tài khoản trong trường hợp chủ tài khoản là người chưa đủ 15 tuổi, người hạn chế năng lực hành vi dân sự, người mất năng lực hành vi dân sự, người khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc người được thừa kế, đại diện thừa kế trong trường hợp chủ tài khoản thanh toán của cá nhân bị chết, bị tuyên bố là đã chết, mất tích;… (Điều 18).

Căn cứ các quy định trên, người được thừa kế hợp pháp được quyền thừa kế di sản của người đã chết. Thủ tục nhận thừa kế di sản của người đã chết được thực hiện theo quy định tại Bộ luật Dân sự, Luật Công chứng và các quy định khác của pháp luật về việc nhận thừa kế.

Trong trường hợp sổ tiết kiệm là tài sản chung của hai hoặc nhiều người thì khi người đứng tên trong sổ tiết kiệm chết, người còn lại phải chứng minh được số tiền trong sổ tiết kiệm là tài sản chung và cùng các đồng thừa kế của người chết đến ngân hàng để kê khai nhận tiền trong sổ tiết kiệm. Nếu sổ tiết kiệm là tài sản chung của vợ/chồng trong thời kỳ hôn nhân thì sổ đó sẽ được chia làm 2 phần bằng nhau. Các đồng thừa kế của người chết sẽ được nhận đối với phần của người chết để lại.

T.M