Với bề dày lịch sử cùng câu chuyện ý nghĩa ẩn giấu trong từng sản phẩm, những làng nghề bền bỉ phát triển theo thời gian đã khắc sâu trong tâm hồn của mỗi người con đất Việt. Và ngày nay các làng nghề ngày càng khẳng định được vị thế khi đã, đang góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế nông thôn, tạo tiền đề thực hiện thành công chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố. Các sản phẩm của làng nghề Hà Nội đa dạng nhiều chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, một số có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, đã có trên 1.000 sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề đã được bày bán trong đại siêu thị và trung tâm thương mại trên địa bàn Thành phố. Các sản phẩm làng nghề Hà Nội đã được xuất khẩu đến trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, như: Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, đặc biệt là các nước trong khối liên minh Châu Âu EU như Italia, Đức, Thụy Điển..., gồm các sản phẩm như: may mặc, gốm sứ, dệt lụa, thêu ren, mây tre đan, Sơn mài, khảm trai và đồ gỗ mỹ nghệ...
Hình ảnh Gốm sứ Bát Tràng xưa.
Hình ảnh Dệt lụa Vạn Phúc xưa.
Tiêu biểu nhất là làng nghề gốm sứ Bát Tràng, nằm bên cạnh dòng sông Hồng, Bát Tràng không chỉ là cái nôi của nghề gốm sứ Việt Nam mà còn là biểu tượng của sự sáng tạo không ngừng nghỉ. Bát Tràng nổi tiếng với nghề làm gốm cách đây hơn 500 năm, các nghệ nhân gốm với bề dày kinh nghiệm, sự sáng tạo đã khôi phục được các mẫu gốm từ thời xa xưa như thời nhà Lý, Trần, Lê, Mạc,… Gốm Bát Tràng được làm từ kỹ thuật tạo men và nung lò vô cùng tỉ mỉ, chuẩn xác đã mang đến sự hài hòa cả về hình thể lẫn màu sắc của gốm, là nơi giao thoa nghề gốm truyền thống và hiện đại của Việt Nam. Những sản phẩm gốm sứ không chỉ tinh tế về hình thức mà còn đa dạng về mẫu mã, từ đó ngày càng thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Bên cạnh sản phẩm gốm xứ bát tràng là kết tinh của trời đất, thì sự mềm mại của những tấm lụa Vạn Phúc lâu nay vẫn là niềm tự hào của người dân Hà Nội, bởi đây chính là biểu tượng của sự thanh lịch và tinh tế. Với bề dày lịch sử hàng nghìn năm, từ bao đời nay, trân truyền qua các thế hệ nghệ nhân làng nghề dệt lụa Vạn Phúc đã gìn giữ và phát triển nghệ thuật dệt lụa, với những tấm lụa không chỉ đẹp về màu sắc mà còn tinh xảo trong từng đường nét hoa văn. Làng nghề dệt Lụa Vạn Phúc đã và đang trở thành điểm du lịch, tham quan nổi tiếng của Thủ đô để du khách khám phá, tìm hiểu về nét đẹp truyền thống của cha ông ta.
Với lịch sử truyền thống, tinh hoa vốn có và sự hội tụ đầy đủ các thế mạnh của làng nghề thủ công đặc trưng, 02 làng nghề gốm sứ Bát Tràng và dệt lụa Vạn Phúc đã vinh dự chính thức gia nhập mạng lưới các Thành phố Thủ công Sáng tạo Thế giới, đây chính là cơ hội để các làng nghề quảng bá hình ảnh và sản phẩm ra thế giới, đồng thời là tiền đề để giao lưu, học hỏi, để tạo tác ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đương đại của thế giới nhưng vẫn giữ được hồn cốt và văn hóa bản địa.
Nghệ nhân dệt lụa Lê Thị Kim Thư (Vạn Phúc, quận Hà Đông, TP. Hà Nội) chia sẻ: “Trách nhiệm và mong muốn làng nghề Dệt lụa Vạn Phúc được tồn tại, được phát triển, thì trong mỗi việc làm của mình, trong từng công đoạn làm nghề của mình, chúng tôi phải luôn cố gắng gìn giữ những nét đẹp đặc trưng của ông cha đã trao truyền qua bao thế hệ. Đồng thời, chúng tôi cũng phải không ngừng sáng tạo để có được những mẫu mã, sản phẩm phù hợp với yêu cầu, thị hiếu của thời đại”.
Còn Nghệ nhân ưu tú Trần Đức Tân (Bát Tràng, Gia Lâm, TP. Hà Nội) thì cho biết: “Chúng tôi mong rằng, trong thời kỳ đổi mới hiện nay, làng nghề Gốm sứ Bát Tràng phải trở thành làng nghề kiểu mẫu, đúng với danh xưng di sản nghề gốm thì phải được nhà nước quan tâm hỗ trợ cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, xây dựng các bảo tàng gốm tại làng nghề. Nơi đó để tôn vinh nghề gồm, tôn vinh văn hóa lịch sử và tôn vinh giá trị cốt lõi và bảo vật trong thời kỳ đổi mới. Đó là công nghiệp văn hóa lấy di sản văn hóa phi vật thể để tôn vinh nó với góc nhìn thế giới”.

Năm 2024, Đoàn công tác của Hội đồng Thủ công Thế giới tiến hành thẩm định và đánh giá khả năng gia nhập Mạng lưới các thành phố Thủ công sáng tạo Thế giới của làng nghề Gốm sứ Bát Tràng và Dệt lụa Vạn Phúc.
Tháng 11 năm 2023, Sở Nông nghiệp và PTNT được UBND Thành phố giao ký kết Biên bản ghi nhớ với Hội đồng thủ công Thế giới. Ngay từ đầu năm 2024, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chủ động tham mưu cho Thành phố triển khai việc phối hợp với Hội đồng Thủ công Thế giới hoàn thiện hồ sơ để công nhận 02 làng nghề gốm sứ Bát Tràng, huyện Gia Lâm và làng lụa Vạn Phúc, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội trở thành thành viên của mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo trên toàn Thế giới.
Với sự phối hợp của Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam và sự vào cuộc của các địa phương và hưởng ứng nhiệt tình của các nghệ nhân của 2 làng nghề; cả 2 làng nghề đã đáp ứng được các tiêu chí lựa chọn của Hội đồng Thủ công Thế giới dựa trên 4 trụ cột: kinh tế, văn hóa, xã hội, và môi trường. Bộ tiêu chí này nhấn mạnh sự công nhận toàn cầu, đổi mới địa phương, cơ hội hợp tác và các yếu tố bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất. Các làng nghề cũng đã và đang thể hiện khả năng kết nối và hợp tác quốc tế, sẵn sàng học hỏi từ bạn bè năm châu để từ đó làm giàu thêm vốn kiến thức và kỹ thuật của mình. Làng nghề còn có nhiều nghệ nhân làm việc với lòng đam mê, truyền lửa từ thế hệ này sang thế hệ khác, để không chỉ giữ gìn mà còn phát triển văn hóa truyền thống của mình Cuối cùng, yếu tố cộng đồng là không thể thiếu.. Đáp ứng và vượt qua được những tiêu chí này đã mở đường cho các làng nghề của Việt Nam, trong đó có Bát Tràng và Vạn Phúc, gia nhập Mạng lưới các Thành phố Thủ công Sáng tạo Toàn cầu.
Ông Nguyễn Văn Dư – Chủ tịch UBND phường Vạn Phúc (Gia Lâm, TP. Hà Nội) cho biết: “Chúng tôi cũng đã xác định được những công việc trong thời gian tới cần phải đẩy manh. Cần đẩy mạnh công tác truyền thông, khai thác trang Website của làng nghề, đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tham gia các sự kiện thương mại du lịch trong nước và quốc tế, hoàn thiện nhà truyền thống của làng nghề, minh bạch nguồn gốc xuất sứ, giá cả hang hóa…Qua đó, kể với khách trong nước và quốc tế về câu chuyện sản phẩm làng nghề hơn 1000 năm tuổi. Qua đó cũng để mỗi người dân làng nghề Dệt lụa Vạn Phúc them ý thức trong công tác bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống”.
Đoàn giám khảo quốc tế đã có chuyến khảo sát và thẩm định tại các làng nghề Bát Tràng và Vạn Phúc vào tháng 10/2024 và đánh giá cao những kết quả đạt được của làng nghề và các nghệ nhân. Nhiều nghệ nhân của 2 làng nghề đã gây được nghiều cảm xúc và lưu ấn đối với đoàn khảo sát của Hội đồng Thủ công Thế giới. Sau quá trình thẩm định và đánh giá, 2 làng nghề gốm sứ Bát Tràng và làng nghề dệt lụa Vạn Phúc của Hà Nội đã chính thức được công nhận là thành viên của mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo trên toàn Thế giới. Đây là 2 làng nghề truyền thống đầu tiên của Việt Nam được phê duyệt trở thành thành viên của mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo trên toàn Thế giới. Kết quả này đã giúp Hà Nội khẳng định vị thế trên bản đồ văn hóa thế giới, đồng thời là cơ hội để các làng nghề nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo tồn giá trị truyền thống, mở rộng thị trường, đẩy mạnh giao lưu văn hóa quốc tế và thúc đẩy phát triển bền vững.
Năm 2024 Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu UBND Thành phố ban hành Đề án tổng thể phát triển làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2024-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đề án đưa ra 06 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và 11 nhóm giải pháp. Để làng nghề thực sự là điểm nhấn trong phát triển kinh tế, gắn với chuỗi du lịch văn hóa, làng nghề với nông nghiệp nông thôn, trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội cho biết, song song với việc triển khai đề án, cần tập trung tham mưu Thành phố và triển khai một số nội dung sau: (1) Rà soát Quy hoạch các làng nghề, trong đó tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng; Rà soát những nghề cần gắn với làng để phát triển làng nghề gắn với du lịch nông thôn, kết nôi các tua tuyến du lịch, giáo dục trải nghiệm, tạo ra đa giá cho làng nghề; (2) Xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ, bảo tồn phát triển làng nghề và ngành nghề nông thôn phù hợp với Luật thủ đô (Luật số 39/2024/QH15) để từng bước tháo gỡ, khó khăn, điểm nghẽn trong phát triển làng nghề từ đó tạo điều kiện thuận lợi nâng cao giá trị sản phẩm làng nghề và phát triển bền vững; (3) Đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, tiến bộ khoa học công nghệ, đưa công nghệ số, hạ tầng số vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Phối hợp với các chuyên gia trong nước và quốc tế để thiết kế sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng đương đại những vẫn giữ được bản sắc vốn có của địa phương. Hỗ trợ đầu tư cải tiến vật liệu mới vào sản xuất để tiết kiệm nguyên liệu, lao động; ưu tiên các công nghệ sản xuất xanh, sạch, thân thiện với môi trường theo xu hướng phát triển kinh tế tuần hoàn; (4) Tăng cường hợp tác quốc tế trong việc trao đổi kinh nghiệm về bảo tồn và phát triển làng nghề, cải tiến mẫu mã sản phẩm và Tổ chức và tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế.
Hội đồng Thủ công Thế giới (WCC-International) có văn phòng đặt tại thủ đô Cô-oét, là một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế được thành lập từ năm 1964, với mục tiêu thúc đẩy việc bảo tồn, phát huy và phát triển nghề thủ công toàn cầu và các nghề thủ công truyền thống. Hội đồng thủ công thế giới quản lý năm (05) Hội đồng thủ công thành viên gồm Hội đồng Thủ công khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Hội đồng thủ công Châu Âu, Hội đồng thủ công Châu Phi, Hội đồng thủ công Bắc Mỹ và Hội đồng thủ công Nam Mỹ. Tính đến nay Hội đồng Thủ công Thế giới có hơn 100 quốc gia thành viên (Ai Cập, Ghana, Nam Phi, Nigeria, Tunisia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Pakistan, Indonesia, Iran, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Đức, Vương quốc Anh, Brazil, Mexico, Argentina, Canada…) và Chủ tịch Hội đồng Thủ công Thế giới là ông Saad Al-Qaddumi. Đến nay, Hội đồng Thủ công Thế giới đã công nhận được 66 làng nghề thủ công thế giới của 27 quốc gia trên thế giới. 02 làng nghề Bát Tràng và Vạn Phúc của Thành phố Hà Nội là làng nghề thứ 67 và 68 được công nhận và Việt Nam là quốc gia thứ 28 có làng nghề được công nhận là làng nghề thủ công thế giới.
Hội đồng Thủ công Thế giới hoạt động theo tôn chỉ trao quyền cho các nghệ nhân, tôn vinh sự đa dạng văn hóa, góp phần phát triển bền vững và bảo tồn các nghề thủ công đang suy yếu thông qua nỗ lực hợp tác với các nghệ nhân và các bên liên quan trên toàn thế giới. Hội đồng Thủ công Thế giới nố lực tạo ra một cộng đồng toàn cầu sôi động và hòa nhập, tôn trọng và duy trì sự đa dạng của các nghề thủ công truyền thống.
Bà Hà Thị Vinh: Chủ tịch Hiệp hội thủ công mỹ nghệ và làng nghề thành phố Hà Nội cho biết: “Trong những năm tới, Hiệp hội thủ công mỹ nghệ và làng nghề thành phố Hà Nội sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn để các làng nghề tiêu biểu của Hà Nội sẽ sắp xếp lại, hoàn thiện các tiêu chí với hy vọng sẽ có nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ của Hà Nội được tham gia vào Mạng lưới các thành phố Thủ công sáng tạo Thế giới”.
Ngoài 2 làng nghề gốm sứ Bát Tràng và dệt lụa Vạn Phúc, Hà Nội còn có nhiều làng nghề là nét đẹp tinh hoa văn hóa truyền thống, đã đi vào thi ca như câu “Lĩnh hoa Yên Thái, thợ gốm Bát Tràng, thợ vàng Định Công, thợ đồng Ngũ Xã” hay câu “muốn ăn cơm trắng cá trê, muốn đội nón tốt thì về làng Chuông”. Với 345 nghệ nhân đã được công nhận, trong đó: 13 Nghệ nhân Nhân dân; 42 Nghệ nhân Ưu tú; 290 Nghệ nhân Hà Nội, các nghệ nhân được Nhà nước phong tặng, đây là những “đầu tàu” trong việc gìn giữ những bản sắc, nét văn hóa truyền thống của các làng nghề và thức đẩy làng nghề hội nhập và phát triển.
Có thể thấy rằng việc bảo tồn và phát triển làng nghề đóng một vai trò quan trọng trong sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn; tổng doanh thu của 337 làng nghề, làng nghề truyền thống đạt trên 24.000 tỷ đồng/năm. Các làng nghề đã có sự tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu qua các năm.
Những năm gần đây, các làng nghề truyền thống của thành phố Hà Nội có sức hấp dẫn du khách trong và ngoài nước bởi những giá trị văn hóa lâu đời và sự sáng tạo của những người thợ làm nghề qua từng sản phẩm đặc trưng đang rất giàu tiềm năng đề cử gia nhập mạng lưới sáng tạo toàn cầu thế giới, như: sản phẩm mây tre đan Phú Vinh, nón Chuông, sơn mài Hạ Thái, thêu Quất Động, lụa Vạn Phúc, gốm sứ Bát Tràng, tò he Xuân La, Khảm trai Chuôn Mỹ, nhạc cụ Đông Lỗ, dệt Phùng Xá, Dày da Phú Yên…
Để bảo tồn và phát triển các làng nghề Hà Nội, ngày 15/01/2025 UBND Thành phố đã phê duyệt Đề án tổng thể phát triển làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Với kỳ vọng sau khi Đề án được phê duyệt và triển khai, sẽ giải quyết được một số khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong bảo tồn, phát triển làng nghề hiện nay. Là tiền đề để đưa các làng nghề Hà Nội tham gia mạng lưới làng nghề thủ công sáng tạo Thế giới bền vững, hiệu quả và hội nhập phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội.
Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cho biết: «Chúng tôi rất vui mừng, có lẽ nhân dân và các địa phương cũng rất vui mừng. Làng nghề Gốm sứ Bát Tràng và Dệt lụa Vạn Phúc là hai làng nghề đầu tiên của Việt Nam được Hội đồng Thủ công Thế giới công nhận tham gia vào Mạng lưới các thành phố Thủ công sáng tạo Thế giới. Việc này đã mở ra trang đầu tiên để chúng ta hội nhập cùng với thế giới trong việc bảo tồn và phát triển làng nghề ở quy mô toàn cầu, từ vấn đề nhu cầu, thiết kế mẫu mã, cho đến thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm làng nghề của chúng ta. Đây là hai làng nghề tiên phong. Trên cơ sở nền tảng các hồ sơ, thời gian vừa qua, chúng ta đã hoàn thiện báo cáo với Hội đồng Thủ công mỹ nghệ Thế giới, chúng ta sẽ tiếp tục củng cố và phát triển các làng nghề. Để làm sao, chúng ta có nhiều các làng nghề được Hội đồng Thủ công Thế giới công nhận. Từ đó, thúc đẩy các làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội phát huy những giá trị tương xứng tiềm năng lợi thế và tầm vóc của nó mà bây lâu nay chưa phát huy hết được».
Việc các làng nghề truyền thống của Thành phố Hà Nội gia nhập mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo trên toàn thế giới mang lại nhiều giá trị, lợi ích quan trọng. Tăng cường quảng bá hình ảnh, thương hiệu và sản phẩm giúp các làng nghề thủ công của Hà Nội được quảng bá chính thống rộng rãi sâu rộng đến với công chúng tiêu dùng trong nước và quốc tế.
Với khát vọng của Thủ đô trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; Hà Nội xác định làng nghề là điểm nhấn trong thập kỷ công nghiệp văn hóa; đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Năm 2025 thành phố Hà Nội phấn đấu để Hội đồng thủ công Thế giới xem xét công nhận ít nhất 02 làng nghề của Hà Nội ra nhập mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo trên toàn Thế giới, mời Hội đồng thủ công thế giới và các làng nghề trong mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo trên toàn Thế giới tham dự Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề quốc tế năm 2025 tại Hà Nội; Tổ chức Hội nghị thường niên của Hội đồng thủ công thế giới tại Thủ đô Hà Nội – Hy vọng đây sẽ là cơ hội hợp tác quốc tế mở ra những cơ hội mới, vận hội mới cho ngành thủ công mỹ nghệ Thủ đô để bảo tồn phát triển và hội nhập sâu rộng với Quốc tế./.