Khai bút đầu xuân Ất Tỵ 2025 tại sự kiện làng nghề Quốc tế

Tối ngày 14/02/2025, Nhà thư pháp Lê Thiên Lý - Chuyên gia của Viện Kinh tế, Văn hóa và Nghệ thuật có màn trình diễn Quyền thư và thực hiện nghi thức khai bút đầu xuân trong Lễ đón nhận làng nghề gốm sứ Bát Tràng và dệt lụa Vạn Phúc là thành viên của Mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo thế giới.

Theo trong tiết mục mở đầu của Chương trình nghệ thuật "Tinh Hoa Làng Nghề Việt" chào mừng Lễ đón nhận làng nghề gốm sứ Bát Tràng và dệt lụa Vạn Phúc là thành viên của Mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo thế giới, Nhà thư pháp Lê Thiên Lý - Chuyên gia của Viện Kinh tế, Văn hóa và Nghệ thuật có màn trình diễn Quyền thư và thực hiện nghi thức khai bút đầu xuân Ất Tỵ 2025. Màn trình diễn của Nhà thư pháp Lê Thiên Lý đã để lại ấn tượng tốt đẹp đối với đại biểu trong và ngoài nước. Kết thúc màn trình diễn, Nhà thư pháp Lê Thiên Lý đã vẽ xong những bức thư pháp chữ Long theo phong cách "Nhân diện thư" ra hình ảnh của Đức vua Lý Thái Tổ và dành tặng những vị khách quý tham dự sự kiện. Đây là một hoạt động vô cùng ý nghĩa nhân dịp đầu xuân năm mới. 

dsc-1439-copy-2-1740236449.jpg

Nhà thư pháp Lê Thiên Lý hoàn thành bức Nhân diện thư Lý Thái Tổ trong chương trình.  

Theo quan niệm của dân gian, khai bút đầu xuân năm mới là một trong những phong tục quan trọng trong dịp Tết Nguyên đán, thể hiện lòng chúc phúc, bình an và hạnh phúc từ người viết dành cho người thân yêu và bạn bè. Thông qua việc viết những dòng chữ đầu tiên, người viết cầu mong một năm mới tràn đầy niềm vui, thành công và sự thịnh vượng cho mọi người. Ngoài việc chúc phúc cho người khác, khai bút đầu năm cũng có thể là một cách để người viết thể hiện mong muốn và khát khao cá nhân. Đó có thể là mong muốn có một năm suôn sẻ và thành công trong việc học tập, sự nghiệp hoặc những mục tiêu cá nhân khác. Việc khai bút đầu năm giúp người viết tập trung vào những ước mơ và kỳ vọng của mình, mang lại động lực để vươn lên và đạt được những thành tựu trong năm mới.

Theo sử sách ghi lại, tục khai bút và đi xin chữ đầu xuân bắt đầu xuất hiện vào khoảng thế kỷ XIII, được gắn liền với hình ảnh người thầy giáo Chu Văn An về Chí Linh (Hải Dương) để mở lớp dạy học. Tương truyền, khi học trò đến thăm thầy Chu Văn An, lúc ra về thường được thầy tự tay viết tặng một chữ mang ý nghĩa nhắn gửi về lẽ sống cho người đó. Ai nhận được chữ cũng đều cảm thấy hết sức may mắn và trân trọng. Từ đó về sau, tục khai bút được lưu truyền trong dân gian, mang ý nghĩa không những biểu trưng cho sự hiếu học mà còn thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo, sự thành kính của học trò đối với người thầy.

dsc-1451-copy-2-1740236625.jpg
dsc-1470-copy-2-1740236695.jpg
dsc-1472-copy-2-1740236771.jpg
dsc-1476-copy-2-1740236822.jpg
Nhà thư pháp Lê Thiên Lý tặng bức "Nhân diện thư" Lý Thái Tổ tặng đại biểu dự sự kiện. 

Từ xưa, tục khai bút đầu năm chỉ thường được các bậc học sỹ, học giả thực hiện. Sau khi Giao thừa, tức vào thời khắc đầu tiên của năm mới họ sẽ đốt lư trầm bên bàn viết và cầm bút thành tâm thảo những câu đối hay, những nét chữ có ý nghĩa gửi gắm ước nguyện tốt đẹp lên giấy hồng điều hoặc giấy hoa tiên. Người Việt xưa quan niệm cây bút chính là công cụ gắn bó giữa đời sống trí tuệ và tâm hồn. Tục khai bút tượng trưng cho may mắn, thành công trong học tập và sự nghiệp. Trong mỗi dịp Tết đến Xuân về, giới văn sĩ trí thức, học sinh, những người theo nghề viết lách,… thường rất coi trọng phong tục này.

Nhiều ông đồ cho chữ thường chọn những từ, câu tục ngữ, danh ngôn, câu đối có ý nghĩa hay, gửi gắm những thông điệp tốt đẹp, niềm tin và ước vọng vào cuộc sống. Những câu chữ đó sẽ đem lại sự lạc quan, tinh thần phấn khởi, niềm vui cho người xin chữ trong dịp năm mới. Ngoài ra, đó còn có thể là dòng chữ ghi họ tên, tuổi, quê quán của người cầm bút hoặc một vài câu thơ được sáng tác ngẫu hứng. Mỹ tục khai bút đầu xuân năm mới là một phong tục truyền thống tốt đẹp vào dịp Tết nguyên đán. Khai bút chính là khai chữ, khai tâm, khai trí,… cho bản thân có một năm mới tấn tới, thành công trong đường học vấn, sự nghiệp. Không những thế, đây còn thể hiện truyền thống hiếu học, lòng tôn sư trọng đạo của dân tộc ta từ bao đời nay.

Hương Giang