Lo ngại tăng chi ngân sách khi lập lực lượng an ninh cơ sở

24/06/2023 16:00

Nhiều ĐBQH nhận định, ngân sách đảm bảo cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở tương đối lớn, có thể lên mức 1.000 tỷ đồng mỗi tháng.

Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được các đại biểu Quốc hội thảo luận trên hội trường sáng 24/6.

Theo tờ trình của Chính phủ, toàn quốc hiện có khoảng 300.000 người hoạt động trong lực lượng an ninh ở cơ sở, trong đó có 66.700 bảo vệ dân phố, 70.800 công an xã bán chuyên trách và hơn 161.000 đội trưởng, đội phó đội dân phòng.

Khi dự luật được thông qua, các chức danh đang hoạt động sẽ được giữ nguyên trạng và kiện toàn thống nhất thành tổ bảo vệ an ninh, trật tự. Để bảo đảm hoạt động của lực lượng này, mỗi địa phương cần 2-2,5 tỷ đồng/tháng, tương đương 20-30 tỷ đồng/năm, không làm tăng chi ngân sách Nhà nước.

Đối thoại - Lo ngại tăng chi ngân sách khi lập lực lượng an ninh cơ sở

Đại biểu Đỗ Thị Lan (Ảnh: Quochoi.vn).

Tham gia góp ý, đại biểu Đỗ Thị Lan (đoàn Quảng Ninh) đồng tình cần kiện toàn lực lượng an ninh ở cơ sở, đáp ứng nhu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Tuy nhiên, đại biểu chỉ rõ dự thảo còn bất cập khi chưa quy định nguyên tắc, tiêu chí xác định số lượng tổ bảo vệ an ninh trật tự và số tổ viên.

Bên cạnh đó, quy trình thủ tục quyết định số lượng ở cấp thôn, xã còn rườm rà, cần bổ sung khoản về nguyên tắc, tiêu chí số tổ, số tổ viên, trên cơ sở số hộ dân, thôn tổ dân phố và tính chất phức tạp về an ninh trật tự.

Về điều kiện hoạt động, bà Lan cho rằng dự luật quy định rất nhiều chế độ, chính sách cụ thể, cần rà soát, đánh giá đảm bảo hài hòa, phù hợp, thống nhất với các lực lượng khác ở cơ sở.

“Để thực hiện các điều khoản như dự thảo cần nguồn lực tương đối lớn, và cơ chế tài chính cụ thể hơn mới đảm bảo tính khả thi. Do đó cần đánh giá tác động về nguồn lực thực hiện chính sách một cách đầy đủ và chính xác hơn”, bà Lan nói.

Đại biểu Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang) bày tỏ băn khoăn, theo Điều 16 dự thảo thì kinh phí hoạt động và trang thiết bị cơ sở vật chất cho lực lượng này chủ yếu do ngân sách địa phương bảo đảm.

“Điều này không khả thi với những địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, trong khi nhu cầu về số lượng tổ, thành viên lực lượng tại các thôn, tổ dân phố ngày càng tăng do yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng”, ông Tuấn nhận xét.

Đối thoại - Lo ngại tăng chi ngân sách khi lập lực lượng an ninh cơ sở (Hình 2).

Đại biểu Trần Văn Tuấn (Ảnh: Quochoi.vn).

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) phân tích cả nước có gần 103.600 thôn, bản, ấp, khóm, tổ dân phố, tương ứng hơn 103.600 tổ an ninh cơ sở.

Dự luật không quy định mỗi tổ có bao nhiêu thành viên và giao UBND cấp xã quyết, giao HĐND cấp tỉnh quyết định mức chi phù hợp với điều kiện của địa phương. Việc này sẽ rất khó tính tổng biên chế và kinh phí hoạt động.

Ông lấy ví dụ mỗi tổ có 5 thành viên, tổng số sẽ là 518.000 người tham gia bảo vệ an ninh cơ sở. Mức bồi dưỡng cho mỗi thành viên bằng hệ số một mức lương cơ sở, cùng khoản hỗ trợ khác thì mỗi người hưởng khoảng 2 triệu đồng/tháng. Vậy tổng mức chi cho lực lượng này ở cả nước là 1.000 tỷ đồng/tháng.

Bên cạnh đó, ông Hòa cũng chỉ ra bất cập khi chỉ công an xã bán chuyên được phụ cấp theo hệ số một và phụ cấp khác với tổng khoảng 3 triệu đồng/tháng, còn tổ phó và tổ viên không nhận được mức như vậy, ở một số địa phương khó khăn có thể chỉ được vài trăm nghìn đồng.

"Từ những thông tin trên, tôi đề nghị cấp thẩm quyền, Quốc hội cân nhắc có nên thông qua Luật này hay không, nếu tăng chi ngân sách, tăng biên chế và tổ chức bộ máy, tạo ra không công bằng với các đối tượng khác cùng tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc", ông Hòa nói.