Những người được BHYT chi trả 100% chi phí KCB năm 2024,biết kẻo thiệt

17/02/2024 12:05

Căn cứ Khoản 1 Điều 14 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, Khoản 1 Điều 183 Nghị định 131/2021/NĐ-CP, có 5 trường hợp được BHYT thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh.

Cụ thể, nhóm 1 gồm: Người có công với cách mạng theo quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; Cựu chiến binh; Người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng;

Người thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo và một số đối tượng khác theo khoản 9 Điều 3 Nghị định 146/2018/NĐ-CP.

Thân nhân của liệt sĩ bao gồm: cha đẻ; mẹ đẻ; vợ hoặc chồng, con của liệt sĩ; người có công nuôi liệt sĩ; Người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp hằng tháng.

Nhóm 2 quy định các nhóm đối tượng được thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh và không áp dụng giới hạn tỉ lệ thanh toán thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật, gồm:

Người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945;

Người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến khởi nghĩa tháng Tám năm 1945;

Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; Thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31/12/1993, người hưởng chính sách như thương binh có tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên;

Bệnh binh có tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên;

Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên;

Thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31/12/1993, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh khi điều trị vết thương, bệnh tật tái phát;

Trẻ em dưới 6 tuổi.

Nhóm 3: Người tham gia BHYT đi khám chữa bệnh tại tuyến xã.

Nhóm 4: Người khám chữa bệnh có chi phí cho một lần khám chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở.

Nhóm 5: Người có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở.

Mất thẻ BHYT có thể xin cấp lại qua hình thức nào?

Theo quy định tại Điểm 3.3 Khoản 3 Điều 3 Văn bản hợp nhất số 2525/VBHN-BHXH ngày 15/8/2023 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế thì:

Bảo hiểm xã hội huyện, tỉnh: Cấp lại, đổi thẻ bảo hiểm y tế không thay đổi thông tin theo mẫu thẻ bảo hiểm y tế ban hành kèm theo Quyết định số 1666/QĐ-BHXH ngày 3/12/2020 của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho người tham gia bảo hiểm y tế ở huyện, tỉnh khác.

Trường hợp thẻ bảo hiểm y tế bị mất, người dân có thể đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội nơi đang tạm trú cấp lại thẻ bảo hiểm y tế (không thay đổi thông tin) hoặc có thể đề nghị cấp lại thẻ bảo hiểm y tế bằng hình thức online thông qua: Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng thông tin điện tử dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn, ứng dụng bảo hiểm xã hội số (VssID).

Minh Hoa (t/h)