Thanh tra toàn diện bảo hiểm nhân thọ, không thanh tra việc kinh doanh của Vietnam Airlines

24/06/2023 20:00

(NLĐO) - Quốc hội yêu cầu thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm nhân thọ, tập trung vào loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư; Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đồng ý thanh tra toàn diện hoạt động kinh doanh của Vietnam Airlines

Chiều 24-6, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Thanh tra toàn diện bảo hiểm nhân thọ, không thanh tra việc kinh doanh của Vietnam Airlines - Ảnh 1.

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường. Ảnh: Phạm Thắng

Nghị quyết nêu rõ Quốc hội yêu cầu Chính phủ bảo đảm ổn định, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế trước tác động tiêu cực từ bên ngoài. Điều hành chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm, nghiên cứu phương án điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế thu nhập cá nhân, linh hoạt trong điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu.

Đại biểu Quốc hội kiến nghị Bộ Công an điều tra dấu hiệu lừa đảo bảo hiểm nhân thọ

Quốc hội yêu cầu thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường quản lý, giám sát các thị trường tiền tệ, chứng khoán, bảo hiểm, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản. Khẩn trương xử lý các bất cập trong tư vấn đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, môi giới, bán chéo bảo hiểm nhân thọ khi xét duyệt hồ sơ vay vốn.

Đáng chú ý, Quốc hội yêu cầu thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm nhân thọ, tập trung vào loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư; kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng sử dụng vốn; bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật.

Trước đó, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo nghị quyết. Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã chất vấn các bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc, Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải.

Đối với lĩnh vực giao thông, có ý kiến đề nghị bổ sung giải pháp để giảm chi phí quản lý, giảm giá vé, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của Vietnam Airlines; tiến hành thanh tra toàn diện hoạt động kinh doanh của Vietnam Airlines, bảo đảm minh bạch kết quả hoạt động kinh doanh, dịch vụ. Có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 73 của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số ôtô.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy các nội dung này không thuộc nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 5. Tại phiên chất vấn, các đại biểu Quốc hội cũng không đặt ra các vấn đề liên quan tới Vietnam Airlines; mặt khác, việc đấu giá biển số ôtô không trực tiếp liên quan đến nội dung bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin không bổ sung nội dung trên trong dự thảo nghị quyết.

Quốc hội cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, nhất là dự án trọng điểm. Đánh giá tổng thể và nghiên cứu đầu tư, nâng cấp các tuyến đường cao tốc đã được đầu tư theo quy mô phân kỳ (2 làn xe hoặc 4 làn xe, không có làn dừng xe khẩn cấp) thành đường ô tô cao tốc phù hợp với tiêu chuẩn thiết kế.

Đặc biệt, trong năm 2023, đề xuất các giải pháp cụ thể, khả thi xử lý dứt điểm vướng mắc, bất cập đối với một số dự án BOT.

Đến năm 2025, phấn đấu cả nước có khoảng 3.000 km đường cao tốc và cơ bản thông tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông; trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Với một số đề xuất liên quan đến điều chỉnh giá dịch vụ đăng kiểm, bảo đảm tính cạnh tranh lành mạnh và phù hợp với quy luật thị trường, do giá dịch vụ đăng kiểm đã được quy định cụ thể trong dự thảo Luật Giá trình Quốc hội thông qua ngày 1-6. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết sẽ tiếp thu, không quy định nội dung về điều chỉnh giá dịch vụ đăng kiểm.

Quốc hội cũng quyết định thực hiện giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) quy định tại nghị quyết số 43/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian từ ngày 1-7-2023 đến hết ngày 31-12-2023.

Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam giai đoạn 2021-2030 tương ứng với số lợi nhuận còn lại thực hiện nộp ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2023 của ngân hàng, tối đa là 17.100 tỉ đồng.