Tình cảm đặc biệt của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với thương binh liệt sĩ

Nhân kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024), xin giới thiệu bài viết "Tình cảm đặc biệt của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với thương binh liệt sĩ" của Nhà báo Vương Xuân Nguyên.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là thiên tài quân sự lỗi lạc, bách chiến bách thắng, nhưng với chiến sĩ giữa ông và họ là tình đồng chí anh em, tình cha con ruột thịt gần gũi yêu thương. Nhân ngày Thương binh liệt sĩ, chúng ta bồi hồi nhớ lại những câu chuyện cảm động về tình cảm của Đại tướng với thương binh, liệt sĩ và thân nhân của họ.

Cho đến tận bây giờ, người viết bài này vẫn ấn tượng và nhớ như in câu chuyện cảm động Đại tướng từ chối làm sách riêng về mình. Vào một ngày cuối tháng 4 năm 2004, tôi theo nhà báo Đỗ Phượng đến thăm Đại tướng và trao đổi ý tưởng làm một cuốn sách ảnh về Đại tướng nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2004).

Hôm ấy, nhà báo Đỗ Phượng cầm một bản thảo cuốn sách ảnh về Đại tướng do một số phóng viên, nhiếp ảnh gần gũi ông nhiều năm thực hiện đến để xin ý kiến Đại tướng trước khi xuất bản. Cầm cuốn sách trên tay, Đại tướng trân trọng lật mở từng trang. Khi đọc đến những trang cuối, ánh mắt Đại tướng buồn và những giọt lệ rơi trên má gầy gò. Đại tướng cảm ơn ý tưởng tốt đẹp của những phóng viên, nhà báo và những người đồng chí thân thiết đã dành cho ông. Nhưng Đại tướng đã từ chối việc làm sách ảnh riêng về ông bởi một lý do vô cùng xúc động: "Đừng làm sách ảnh riêng về tôi khi còn hàng vạn đồng bào chiến sĩ hy sinh ngoài mặt trận chưa tìm thấy hài cốt, không có một tấm ảnh nhỏ để thờ".

Nghe Đại tướng nói vậy, không ai dám trình bày thêm dù việc chuẩn bị xuất bản đã hoàn thành. Phải đến năm 2010, những bức ảnh trong cuốn sách dự định xuất bản trên mới được nhà báo Trần Tuấn (TTXVN) triển lãm tại Hà Nội để giới thiệu 100 khoảnh khắc đời thường về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cuốn sách ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lòng dân phải đến năm 2019 mới được hoàn chỉnh xuất bản.

Tương tự, Nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng từng ngỏ ý muốn được đọc một cuốn hồi ký do chính Đại tướng viết về mình và những năm tháng cống hiến cho quân đội, cho Đất nước, Đại tướng cũng đã từ chối: "Đời mình có gì đâu mà viết. So với Bác, với đồng bào, chiến sĩ, mình chỉ là một giọt nước rất nhỏ giữa đại dương mênh mông...",

dt22-1626435299.jpg

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm hỏi thương binh.

Cả một quãng thời gian dài sau đó, tôi vinh dự được gần gũi giúp việc nhiều vị lão thành cách mạng, nhân sĩ trí thức, phóng viên gần gũi, từng đồng hành với Đại tướng nhiều năm nên được nghe, được đọc nhiều câu chuyện cảm động về tình cảm và sự quan tâm của Đại tướng với đồng bào chiến sĩ cũng như thân nhân những gia đình thương binh liệt sĩ. Đại tướng luôn sẵn lòng tiếp đón thăm hỏi ân cần những cựu chiến binh mỗi khi có điều kiện.

Năm 2003, tôi đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Đại tá Nguyễn Ngọc Châu vốn là lớp học sinh đầu tiên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại trường Thăng Long (Hà Nội). Hôm đó, ông và Đại tướng ôn lại những kỷ niệm của thầy trò ở trường Thăng Long những năm 30 của thế kỷ trước. Ông kể lại những kỷ niệm tham gia phát hành tờ báo Hồn Trẻ do thầy Võ Nguyên Giáp làm chủ bút.

Ngưng những câu chuyện về quá khứ, Đại tá Nguyễn Ngọc Châu và Đại tướng lại nói về mối quan hệ hài hòa giữa con người với thiên nhiên và Sinh Vật Cảnh. Đại tướng căn dặn Đại tá Nguyễn Ngọc Châu và những người làm Sinh Vật Cảnh cả nước cần phải hướng đến là một ngành kinh tế làm giàu cho đất nước chứ không phải là phát triển thú chơi cho nhà giàu, phải phát huy tư tưởng của Bác Hồ thể hiện qua phong trào Tết Trồng cây. Đó là một cuộc cách mạng cảnh quan thiên nhiên và môi trường sinh thái, "làm cho phong cảnh nước ta ngày càng tươi đẹp", "làm cho đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ta ngày càng được cải thiện". Khi ra về, Đại tướng cũng không quên nhắc nhở, Hội và các đồng chí phải tạo điều kiện hướng dẫn giúp đỡ các cựu chiến binh làm giàu từ Sinh Vật Cảnh để cải thiện đời sống.

vo-nguyen-giap-3-1627186011.jpg

Đại tướng không cầm được nước mắt trong một lần nghe báo cáo về tình hình tìm kiếm hài cốt liệt sĩ

Còn thiếu tướng Nguyễn Chu Phác kể lại chuyện Đại tướng rơi nước mắt khi nói với các cán bộ chỉ huy khi đánh đồi A1 gặp khó khăn trong chiến dịch Điện Biên Phủ: "Nhân dân giao con em cho chúng ta mà các đồng chí để họ hy sinh như thế thì thử nghĩ xem trách nhiệm của các đồng chí như thế nào".

Sau khi nghỉ hưu, Thiếu tướng Chu Phác cùng nhiều đồng đội tích cực tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ và thường xuyên báo cáo kết quả với Đại tướng. Cho đến tận bây giờ, những người làm công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ mãi ghi nhớ trong lòng lời dặn của Đại tướng lúc sinh thời: "Chúng ta được sống như ngày nay là nhờ cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống nên phải cố gắng đưa anh em về với gia đình".

Là những trợ lý giúp việc gần gũi Đại tướng nhiều năm, Đại tá Nguyễn Huyên, Đại tá Trịnh Nguyên Huân, Thượng tá Lê Văn Hải đã nhiều lần chia sẻ về những ấn tượng không thể nào quên trong mỗi dịp Người đi công tác ở địa phương. Đó là Đại tướng hầu như bao giờ cũng tới thắp hương tại các nghĩa trang liệt sĩ và những lần như vậy, Đại tướng không bao giờ cầm được nước mắt.

Trong cuộc gặp đầu tiên với đối thủ người Mỹ, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara năm 1995, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: Vị tướng dù có công lao lớn đến đâu cũng chỉ là giọt nước trong biển cả. Chỉ có nhân dân Việt Nam là người đánh thắng Mỹ...Các ngài gọi tôi là vị tướng Thần thoại, nhưng tôi nghĩ tôi bình đẳng với người lính của mình. Tôi hoàn thành nhiệm vụ cũng như những người lính hoàn thành nhiệm vụ. Trên bình diện nhiệm vụ, thì tôi cũng như người lính là bình đẳng, cho nên tôi rất tôn trọng người lính.

Trước khi trút hơi thở cuối cùng về với cõi Bác Hồ, nhà báo Đỗ Phượng vẫn trong dòng cảm xúc về hai con người vĩ đại mà ông và nhiều đồng chí thân thiết của mình vẫn quen gọi trìu mến trân trọng là "Ông Cụ" và "Anh Văn". Trong những cảm xúc về Đại tướng, ông Phượng đã nhiều lần kể về những câu chuyện cảm động của Đại tướng với chiến sĩ trong mỗi trận đánh, mỗi chiến dịch dù lớn dù nhỏ.

"Trên cương vị Tổng Tư lệnh, Đại tướng có nhiều đêm mất ngủ, nhiều lần không cầm được nước mắt khi nghe báo cáo số lượng cán bộ, chiến sĩ thương vong trong các trận đánh. Trong những tình huống như vậy, Đại tướng đã suy nghĩ đến phát ốm như trong chiến dịch Điện Biên Phủ để tìm ra những phương án tốt nhất nhằm giảm thương vong cho bộ đội ta. Đại tướng luôn đau với mỗi vết thương của mỗi người lính, biết tiếc từng giọt máu của đồng bào...", nhà báo Đỗ Phượng một lần kể lại.

vo-nguyen-giap-4-1627185952.jpg

Nhà báo Vương Xuân Nguyên (bên trái) trao đổi tư liệu với đại tá Trịnh Nguyên Huân, Thư ký riêng của Đại tướng

Nhà báo Đỗ Phượng cho biết thêm, trong những giai đoạn ác liệt của bốn cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại trong thế kỷ XX của dân tộc Việt Nam là: Chống Pháp, Chống Mỹ, Chiến tranh biên giới Tây Nam, Chiến tranh biên giới phía Bắc, Đại tướng đã bao đêm mất ăn mất ngủ trước khi tổ chức các trận đánh lớn. Đại tướng đã thấu hiểu vất vả, hiểm nguy mà người nơi tiền tuyến phải đối mặt. Sự thấu hiểu, cảm thông ấy đã thể hiện rõ ở nhiều văn bản, thư động viên, cảm ơn nhân dân đã giúp đỡ bộ đội. Trong kháng chiến chống Pháp, Đại tướng nhiều lần trực tiếp đến chiến hào nói chuyện với cán bộ chiến sĩ. Tết Nguyên đán năm 1954, Đại tướng đã đến chiến hào nói chuyện với bộ đội pháo binh, bộ đội pháo cao xạ.Tại đây, một lần nữa ông yêu cầu cán bộ chỉ huy, cán bộ chính trị phải quan tâm hơn nữa vấn đề ăn uống, nghỉ ngơi của anh em. Phải cải thiện cấp dưỡng, bố trí giờ giấc sinh hoạt và làm việc cho gọn, bảo đảm anh em được ngủ. Phải tổ chức lại lán, tránh ẩm ướt, gió lạnh.

Không chỉ quan tâm đến bộ đội, dân công từng miếng ăn, giấc ngủ, mà khi họ lập được chiến công, trên cương vị người đứng đầu Quân đội, Đại tướng luôn kịp thời khen thưởng, động viên. Và sau những lời biểu dương khen ngợi, hầu như cuối thư nào Đại tướng cũng nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ “đề phòng chủ quan khinh địch” để giữ vững tính chất người lính cách mạng thắng không kiêu, bại không nản.

Sau những trận thắng lớn, Đại tướng cũng không quên cảm ơn các tầng lớp nhân dân đã chia ngọt sẻ bùi với quân đội. Một tuần sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại tướng có thư gửi đồng bào khu Tây Bắc. Trong thư Đại tướng viết: “Cảm ơn toàn thể đồng bào đã hết sức giúp đỡ cung cấp lương thực cho bộ đội, hăng hái đi dân công, đã gửi thư, quà ủy lạo bộ đội, hết lòng chăm sóc giúp đỡ thương binh”. Đế quốc Pháp và bọn can thiệp Mỹ từng nghĩ Quân đội ta không có khả năng đánh vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, bởi chúng chủ quan rằng ta không có khả năng tiếp viện. Thế mà 21 tiểu đoàn chủ lực của chúng đã bị tiêu diệt, tên Tướng Đờ Cát-xtơ-ri bị bắt sống. Dưới khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, hàng chục vạn người đã tham gia các đội dân công đi hàng ngàn cây số, bảo đảm vận chuyển lương thực, đạn dược, sửa đường, săn sóc thương binh…Bà con tự nguyện góp hàng vạn tấn lúa gạo, hàng ngàn tấn thực phẩm cho bộ đội, huy động xe cộ, thuyền bè để phục vụ tiền tuyến..."

Trong ký ức của các cựu chiến binh, các tầng lớp nhân dân, cũng như bạn bè yêu chuộng hòa bình trên thế giới, tình cảm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp dành cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và trong các giai đoạn khác nhau của chiến tranh và hòa bình thật khó diễn đạt hết, nhưng dễ dàng cảm nhận được. Sự chia sẻ, đồng cảm, lời tuyên dương, khích lệ và trân quý cống hiến, hy sinh của vị Tổng Tư lệnh Quân đội đã thúc đẩy tạo nên nguồn sức mạnh to lớn, ý chí quyết chiến quyết thắng vô song trong bộ đội và quần chúng.

daituong1-1jpg-1627223768.crdownload

Nhà báo Vương Xuân Nguyên dâng cuốn sách ảnh về Đại tướng theo tâm nguyện của Nhà báo Đỗ Phượng trước hương án Đại tướng tại nhà riêng năm 2019

Là người nhiều lần theo Đại tướng thăm lại chiến trường xưa, anh Võ Điện Biên, con trai cả của Đại tướng nhận thấy sự day dứt khôn nguôi của Đại tướng khi đứng trước những ngôi mộ không tên. Bình thường mọi người vẫn ghi mộ đó là liệt sĩ vô danh, nhưng Đại tướng khuyên nên thay là "chưa tìm được tên". Bởi theo Đại tướng, họ đều là những người có danh đã anh dũng hy sinh cho Tổ Quốc trường tồn.

Khắc cốt ghi tâm tâm nguyện của cha với việc tri ân những người đã khuất, năm 2014, anh Võ Điện Biên bày tỏ mong muốn được sư đoàn 356 mang nắm đất Vị Xuyên (Hà Giang) về đặt bên bàn thờ Đại tướng, cạnh đất lấy từ Trường Sa, những nơi máu xương nhiều chiến sĩ đổ xuống để giữ vững chủ quyền biên giới, hải đảo Việt Nam. Ở mảnh đất Vị Xuyên, năm 1984 đã diễn ra trận đánh khốc liệt giữa quân đội ta và quân xâm lược Trung Quốc. Để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, hơn 1.700 cán bộ chiến sĩ quân Việt Nam đã anh dũng hi sinh.

Là một học trò xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là vị tướng của nhân dân, danh tướng vì hòa bình, một nhân cách lớn luôn thấu cảm nghĩa tình với đồng bào chiến sĩ, cuộc đời và sự nghiệp lẫy lừng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp sử sách mãi lưu truyền, nhân tâm còn ghi mãi. Chỉ riêng trong quan hệ với người lính và tình yêu thương với thương binh, liệt sĩ và thân nhân của họ đã khắc họa nên chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một con người bình dị mà vĩ đại, một huyền thoại khi tại thế, một thánh nhân còn sống mãi trong ngôi đền linh thiêng của lòng dân Đất Việt:

"Võ công truyền Quốc sử
Văn đức quán nhân tâm".

Minh Phương