Vì sao công trình nước sạch đầu tư hơn 11 tỷ đồng “đắp chiếu”?

24/04/2024 16:07

Được đầu tư hơn 11 tỷ đồng, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung ở xã Cư M’gar chỉ hoạt động được một thời gian rồi “đắp chiếu” vì hàng loạt vướng mắc, bất cập.

Tạm ngừng hoạt động vì thu không đủ chi

Vào năm 2017, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung cho 3 buôn B'ling, Trắp và Dhung của xã Cư M’gar (huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) được đầu xây dựng với tổng kinh phí hơn 11,5 tỷ đồng do UBND huyện Cư M’gar làm chủ đầu tư.

Công trình được bàn giao đưa vào sử dụng từ tháng 10/2018, có công suất thiết kế cung cấp nước sinh hoạt cho 474 hộ/1.960 nhân khẩu. Tuy nhiên, sau một thời gian ì ạch vận hành, công trình này phải “đắp chiếu”.

Theo báo cáo của UBND xã Cư M’gar, sau khi nhận bàn giao công trình, UBND xã đã thành lập tổ quản lý nước cho 3 buôn (gồm 3 người nằm trong tổ quản lý đại diện là buôn trưởng và buôn phó) nhưng không có cán bộ chuyên môn về công tác vận hành nước sinh hoạt.

Dân sinh - Vì sao công trình nước sạch đầu tư hơn 11 tỷ đồng “đắp chiếu”?

Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung xã Cư M'gar được đầu tư hơn 11,5 tỷ đồng rồi "đắp chiếu" trong thời gian qua. 

Lãnh đạo UBND xã Cư M’gar còn cho hay, do điều kiện kinh tế bà con còn nhiều khó khăn nên việc thu tiền dùng nước cũng rất khó khăn. Đồng thời, việc sử dụng nước của các hộ dân không ổn định nên rất khó cho việc vận hành công trình.

Phần lớn bà con chỉ dùng nước từ công trình cấp nước tập trung vào mùa khô còn mùa mưa có nước từ giếng nên các hộ gia đình không sử dụng nước từ công trình cấp nước sinh hoạt. Từ đó, số hộ sử dụng nước của công trình cấp nước giảm dần, đến ngày 27/10/2019 còn 155 hộ sử dụng.

Không chỉ vậy, trung bình mỗi hộ sử dụng nước khoảng 3m3/hộ/tháng nên việc thu kinh phí tiền nước không đủ cho việc trả tiền điện và trả tiền thù lao cho thành viên trong tổ quản lý công trình nước.

Báo cáo của UBND xã Cư M’gar cũng thể hiện, đường ống thường xuyên bị hư hỏng do bục các điểm đấu nối, một phần do bà con đào hố trồng cây đào phải đường ống nên phải sửa thường xuyên.

Hơn nữa, sau một thời gian sử dụng, đường ống bị rò rỉ gây thất thoát nước nhiều, hao tốn tiền điện bơm nước. Do vậy, kinh phí thu không đủ để kịp thời sửa chữa các hư hỏng phát sinh.

Trước tình hình trên, UBND xã đã trích kinh phí để hỗ trợ tiền điện trong quá trình vận hành công trình cấp nước nói trên nhưng không đảm bảo kinh phí của địa phương nên không thể hỗ trợ lâu dài.

Vào năm 2021, UBND xã Cư M’gar đã tiến hành hợp đồng với một doanh nghiệp để quản lý và vận hành công trình nhưng vẫn mắc phải tình trạng thu không đủ chi, dẫn đến nợ tiền điện của điện lực. Sau đó, điện lực ra thông báo cắt điện tại trạm bơm...

Dân sinh - Vì sao công trình nước sạch đầu tư hơn 11 tỷ đồng “đắp chiếu”? (Hình 2).

Sau một thời gian không hoạt động, trong khuôn viên khu xử lý nước sạch, cỏ, cây dại mọc um tùm, che kín lối đi.

UBND xã đã mời đại diện đơn vị đang quản lý vận hành công trình nước đến làm việc nhằm giải quyết tháo gỡ vướng mắc nhưng doanh nghiệp báo cáo không thể hoạt động được.

Nếu muốn hoạt động thì địa phương phải có nguồn kinh phí hỗ trợ tiền điện thì mới đảm bảo cho việc vận hành công trình cấp nước của 3 buôn tại xã Cư M’gar.

UBND xã Cư M’gar cũng đã làm việc với các phòng, ban liên quan nhằm có hướng hỗ trợ nguồn kinh phí để xã khắc phục các tồn tại, đưa công trình nước vận hành trở lại phục vụ cho bà con có đủ nước sinh hoạt hàng ngày. Thế nhưng, đến nay, công trình cấp nước tập trung nói trên vẫn trong tình trạng “đắp chiếu”.

Loay hoay tìm giải pháp khắc phục

Theo ghi nhận của PV Người Đưa Tin, sau một thời gian không hoạt động, trong khuôn viên khu xử lý nước sạch, cỏ, cây dại mọc um tùm, che kín lối đi; nhiều thiết bị, ống dẫn nước có dấu hiệu hoen rỉ, xuống cấp...

Dân sinh - Vì sao công trình nước sạch đầu tư hơn 11 tỷ đồng “đắp chiếu”? (Hình 3).

Van khóa nước và đường ống tại khu xử lý nước sạch bị cỏ và cây dại bao phủ. 

Chị H’Bích Mlô (trú tại buôn Trắp) cho hay, thời điểm công trình mới đi vào hoạt động, việc cấp nước rất thất thường, lúc có lúc không do liên tục gặp các sự cố như vỡ ống, rò rỉ nước.

Để đảm bảo nước sinh hoạt hàng ngày, người dân đành phải đào, khoan giếng để dùng và dần dần “quay lưng” với công trình nước sạch được đầu tư hơn 11 tỷ đồng. Nhiều hộ dân chỉ sử dụng nước từ công trình nước sạch để tưới sân. Sau đó, công trình tạm ngừng hoạt động đến nay.

Theo người dân nơi đây, thời gian qua, nhiều hộ dân đã đào đường ống, hư hỏng khóa nước, thậm chí đồng hồ nước tại nhiều gia đình cũng bị chôn vùi dưới đất.

Ông Ngô Xuân Biện, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cư M’gar thông tin, thời gian đầu, công trình được đưa vào quản lý, sử dụng rất hiệu quả.

Tuy nhiên, người dân nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số nên bà con sử dụng nước sinh hoạt từ nhiều nguồn như: bến nước, giếng đào, khoan, công trình nước sinh hoạt tập trung. Do đó, số hộ dân sử dụng nước từ công trình cấp nước giảm dần, người dân chỉ sử dụng vào mùa khô.

Dân sinh - Vì sao công trình nước sạch đầu tư hơn 11 tỷ đồng “đắp chiếu”? (Hình 4).

Sau một thời gian không được sử dụng, khóa và đồng hồ nước tại nhà dân bị hư hỏng, xuống cấp. 

Trong khi đó, quá trình vận hành, công trình vẫn phải bơm nước hàng ngày nên tiền thu nước không đủ để trả tiền điện, dẫn đến ngành điện cắt điện. Sau khi huyện can thiệp, điện được đóng lại để tiếp tục vận hành công trình nhưng cũng chỉ được một thời gian rồi tạm ngưng hoạt động.

Cũng theo ông Biện, từ ngày được bàn giao đưa vào sử dụng, công trình chưa được duy tu, bảo dưỡng. Hiện nay, công trình đã xuống cấp, một số đoạn đường ống bị vỡ. Một số hộ dân sử dụng giếng đào và giếng khoan nhưng vào mùa khô thì thiếu nước sinh hoạt, mùa mưa nguồn nước bị ô nhiễm.

Năm 2023, huyện đã giao cho xã đi rà soát, thống kê lại số lượng hộ dân có nhu cầu sử dụng nước từ công trình cấp nước sạch nhằm có hướng sửa chữa, khôi phục lại và tiếp tục vận hành công trình. Kết quả, có hơn 300 hộ dân có nhu cầu sử dụng nước từ công trình này.

Dân sinh - Vì sao công trình nước sạch đầu tư hơn 11 tỷ đồng “đắp chiếu”? (Hình 5).

Đến nay, các tồn tại của công trình vẫn chưa được khắc phục. 

Để các hộ dân trong 3 buôn Bling, Trắp và Dhung được tiếp tục sử dụng nước hợp vệ sinh, vào tháng 3/2023, UBND huyện Cư M’gar đã có tờ trình đề nghị Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk xem xét, tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện sửa chữa công trình cấp nước nói trên, với tổng kinh phí dự toán là 3 tỷ đồng, nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2011-2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025.

Thế nhưng, lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Cư M’gar cho biết, đến nay, công trình cấp nước tập trung ở xã Cư M’gar vẫn chưa được bố trí kinh phí để sửa chữa, khắc phục các tồn tại.

Dân sinh - Vì sao công trình nước sạch đầu tư hơn 11 tỷ đồng “đắp chiếu”? (Hình 6).

Theo báo cáo của UBND huyện Cư M’gar, trên địa bàn huyện có tổng cộng 18 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung. Trong đó, có 11 công trình do cộng đồng quản lý, 1 công trình do UBND xã quản lý, 1 công trình do doanh nghiệp quản lý và 5 công trình do Trung tâm Nước sạch vầ vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Đắk Lắk quản lý.

Đến nay, công trình cấp nước xã Cư M’gar do UBND xã quản lý đã tạm ngưng hoạt động. Đối với 11 công trình do cộng đồng quản lý, hoạt động cầm chừng và 2 công trình ngưng hoạt động do hư hỏng, xuống cấp, số hộ sử dụng thấp.

Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý vận hành và phát triển bền vững các công trình cấp nước tập trung nông thôn, trên địa bàn huyện, UBND huyện Cư M’gar đề nghị UBND tỉnh, các Sở, ngành liên quan tạo điều kiện chuyển đổi mô hình quản lý, bàn giao công trình cấp nước sinh hoạt tập trung xã Cư M’gar cho Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh quản lý và vận hành. Do việc quản lý, vận hành, khai thác công trình cấp nước do địa phương quản lý còn nhiều bất cập, lúng túng.

Khánh Ngọc