Từ tầm nhìn và cách nhìn đặc biệt
Trong Yêu sách của nhân dân An Nam năm 1919, tại điều thứ ba, nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã đề cập “mở mang kỹ nghệ, lập thành công thương”. Trong Bản án chế độ thực dân Pháp, Người gửi cho thanh niên Việt Nam thông điệp: “Ở Đông Dương, chúng ta có đủ tất cả những cái mà một dân tộc có thể mong muốn như: Hải cảng, hầm mỏ, đồng ruộng mênh mông, rừng rú bao la; chúng ta có những người lao động khéo léo và cần cù. Nhưng chúng ta thiếu tổ chức và thiếu người tổ chức! Bởi thế công nghiệp và thương nghiệp của chúng ta là một con số không”. Bằng thước đo đồng đại, Hồ Chí Minh so sánh nước ta với các nước trong khu vực như Nhật Bản, Trung Quốc để xem xét mức độ “kiến thiết nước nhà phải theo kịp các nước trên hoàn cầu và sánh vai với các cường quốc năm châu”.
Với tư duy biện chứng dân tộc và giai cấp; kinh tế và chính trị; độc lập dân tộc và hạnh phúc của nhân dân, Hồ Chí Minh chỉ ra động lực phát triển đất nước là nắm vững tư tưởng của giai cấp công nhân, khơi dậy lòng yêu nước, đề cao tinh thần dân tộc, thu góp năng lực trí tuệ, lực lượng, lòng tốt của người Việt Nam, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc để đạt mục đích chung là giành tự do, độc lập. Phải chống bệnh hẹp hòi, hợp tác với những người ngoài Đảng, trọng dụng nhân tài, chú trọng cả kinh tế quốc doanh, kinh tế cá nhân, kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế tư bản quốc gia, công tư đều lợi, chủ thợ đều lợi, công nông giúp nhau, lưu thông trong ngoài. Khẳng định kinh tế quốc doanh là kinh tế lãnh đạo, Người chỉ rõ “những nhà tư bản dân tộc là lực lượng cần thiết cho cuộc xây dựng nước nhà. Chính phủ cần giúp họ phát triển”.
Một ngày sau Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh tiếp chuyện thương giới cùng đại biểu các đoàn thể. Chính phủ lâm thời do Người đứng đầu đã chủ trương thành lập Quỹ độc lập và tổ chức Tuần lễ Vàng. Tại sự kiện, Người tiếp chuyện khoảng 30 nhà tư sản có tiếng ở Hà Nội, động viên họ hăng hái đóng góp cho Tuần lễ Vàng. Trong tư duy của Hồ Chí Minh, sự quyên giúp của các nhà giàu, các nhà tư sản không chỉ là câu chuyện giải quyết nạn đói, mà điều quan trọng nhất là việc chính trị, quốc phòng, củng cố, giữ vững nền tự do, độc lập và xa hơn nữa là để cho thế giới biết được tinh thần, ý chí tự lực, tự cường, quyết bảo vệ nền tự do, độc lập của người Việt Nam.
Trong Thư gửi các giới công thương Việt Nam, Hồ Chí Minh ca ngợi tinh thần đoàn kết của giới công thương và gắn nhiệm vụ của giới công thương với các giới khác; gắn sự phát triển của nền kinh tế quốc dân với sự giàu có, thịnh vượng của các nhà công thương; khẳng định vai trò của công thương vào việc làm ích quốc lợi dân. Thư gửi các giới công thương Việt Nam được coi như Tuyên ngôn về vai trò, sứ mệnh của doanh nhân Việt Nam.
Chú trọng xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam
Hồ Chí Minh đề cao giáo dục ý thức chính trị, tư tưởng mà quan trọng nhất là đặt lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc lên trên hết, trước hết. Người viết về lòng yêu nước, một thứ của quý, một truyền thống quý báu giúp người Việt Nam quét sạch lũ xâm lăng cướp nước, bán nước, vượt qua mọi khó khăn, nguy hiểm. Người nêu quan điểm tất cả người Việt Nam, con Lạc cháu Hồng cần phải biết quý trọng, nâng niu, giữ gìn, phát huy, phát triển tinh thần yêu nước ấy, thực hành vào công việc yêu nước, kháng chiến kiến quốc, xây dựng đất nước. Trước nguy cơ và đòi hỏi của dân tộc, cùng với các giới khác, doanh nhân Việt Nam “phải hy sinh hết cả ý riêng, tâm tính riêng, lợi ích riêng cho đến cả tính mạng cũng không tiếc”.
Theo Hồ Chí Minh, doanh nhân phải nâng cao trình độ văn hóa, khoa học kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện tác phong làm việc khoa học. Người chỉ rõ làm nghề gì cũng phải học; làm nghề gì phải thạo nghề đó. Không giỏi về chuyên môn nghiệp vụ thì làm việc rất khó, thậm chí không mang lại lợi ích gì cho đất nước. Người đánh giá cao những doanh nghiệp có những lao động “dám nghĩ, dám làm”, thực hiện cải tiến kỹ thuật và phát minh sáng kiến.
Nhận thức rõ chỗ bắt đầu của chúng ta quá thấp, từ một nước nông nghiệp lạc hậu, khoa học kỹ thuật kém phát triển, Hồ Chí Minh suy nghĩ nhiều về “con đường phía trước”, con đường phải đi của đất nước là dùng máy móc trong cả công nghiệp và nông nghiệp, là công nghiệp hóa nước nhà. Phải “tranh thủ học tập kinh nghiệm các nước anh em và các đồng chí chuyên gia. Phải chăm lo học tập văn hóa, học tập kỹ thuật, nghiệp vụ, trau dồi nghề nghiệp cho thành thạo. Phải phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Những sáng kiến, kinh nghiệm của từng người, từng đơn vị cần được đúc kết và phổ biến kịp thời để không ngừng nâng cao năng suất lao động và hạ giá thành, đẩy mạnh sản xuất và xây dựng cơ bản”.
Hồ Chí Minh nhấn mạnh nâng cao đạo đức cách mạng, tiêu diệt những thói hư tật xấu. Doanh nhân phải nhận thức rõ vai trò, sứ mệnh, ý thức người làm chủ Nhà nước, làm chủ xí nghiệp, thấm nhuần tinh thần làm chủ tập thể, thực hành dân chủ, tôn trọng kỷ luật, trách nhiệm, tinh thần đồng đội, đoàn kết, hỗ trợ nhau. Chú ý “quản lý tốt các xí nghiệp, phải bảo đảm kinh doanh có lãi cho nước nhà”.
Doanh nghiệp, doanh nhân phải đặc biệt chú ý “3 xây, 3 chống”: Nâng cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, cải tiến kỹ thuật; chống tham ô, lãng phí, quan liêu, vì nó liên quan tới năng suất cao, chất lượng tốt, tiết kiệm nhiều.
Giá trị căn cốt trong di sản Hồ Chí Minh về doanh nhân
Các văn kiện, nghị quyết của Đảng về xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế cơ bản đều trở về với những giá trị căn cốt trong di sản Hồ Chí Minh về doanh nhân.
Đạo đức, văn hóa, tài năng phải hòa quyện, gắn liền nhau. Cần phải nhận thức doanh nghiệp phát triển, xét đến cùng là sự thăng hoa của văn hóa. Muốn vậy, mỗi doanh nhân phải vừa là người hưởng thụ, người kiến tạo, vừa là người mang chở những giá trị văn hóa để nhân lên sức mạnh của doanh nghiệp. Phải có đạo đức với ý nghĩa là gốc, là nguồn, là sức mạnh của con người gánh nặng đường xa, là thước đo “chất người”, “trình độ người”. Đạo đức quan trọng nhất của doanh nhân là trên cơ sở không ngừng đổi mới, sáng tạo, phải phấn đấu năng suất cao, chất lượng tốt, hiệu quả lớn, giữ vững uy tín và phát triển thương hiệu quốc gia, chấp hành nghĩa vụ đối với Nhà nước, không làm ăn chụp giật. Doanh nhân Việt Nam phải biết đau xót, tìm cách xóa nỗi nhục nghèo nàn, lạc hậu, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc, luật pháp quốc tế, hợp tác, cùng có lợi.
Cần phải nhận thức đúng đắn, đầy đủ, có chất lượng khoa học rằng trong bối cảnh mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, khái niệm của chúng ta về kinh doanh, doanh nghiệp, doanh nhân; về con đường và phương pháp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc cũng như các vấn đề khác có nhiều thay đổi. Nhưng trong mọi biến đổi cũng có nhiều điều quan trọng không hề thay đổi. Đó là lòng yêu nước và tinh thần dân tộc; bổn phận và trách nhiệm công dân; mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; các tư tưởng nhân văn, nhân đạo chủ nghĩa, tự do, dân chủ, dân giàu, nước mạnh, công bằng, văn minh; hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; phồn vinh, hạnh phúc, hùng cường; đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, nhân, nghĩa, trí, dũng, chí công vô tư.
Doanh nhân Việt Nam trong khi tận dụng, khai thác tối đa công nghệ và quản trị thế giới, vẫn phải mang bản sắc Việt Nam, cốt cách Việt Nam. Càng hội nhập toàn diện, sâu rộng càng phải giữ hồn cốt Việt, gốc rễ Việt, những giá trị vĩnh cửu của Việt Nam như ý thức cộng đồng, sống có tình có nghĩa, trọng nghĩa khinh tài, cần cù, sáng tạo, hết lòng vì bạn bè trong khó khăn, hoạn nạn.
Khác với “Cải cách” (Trung Quốc), “Cải tổ” (Liên Xô), hai từ “Đổi mới” là tiếng Việt, tỏ rõ tinh thần sáng tạo, mang bản sắc Việt, là Make in Việt Nam. Đó cũng chính là định hình, định hướng của doanh nhân Việt Nam hôm nay.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về doanh nhân Việt Nam đang soi đường cho sự nghiệp xây dựng, kiến tạo và phát triển đất nước vì một nước Việt Nam hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc, cùng tiến bước, sánh vai với các cường quốc năm châu./.