Sau hơn bốn năm triển khai, Dự án GIC đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển chuỗi giá trị lúa gạo, xoài tại Đồng bằng sông Cửu Long. Hội nghị Tổng kết diễn ra tại Khách sạn Mường Thanh Luxury, Cần Thơ là sự kiện trọng điểm để đánh giá hiệu quả của dự án và định hướng các bước tiếp theo trong phát triển nông nghiệp bền vững.
Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ nhấn mạnh rằng dự án GIC không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế mà còn góp phần quan trọng trong việc giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường và nâng cao năng lực sản xuất của nông dân. Đại diện phía nhà tài trợ, ông Jens Schmid-Kreye - Bí thư thứ nhất về Hợp tác Phát triển Đức tại Việt Nam, khẳng định rằng sự hợp tác giữa Chính phủ Đức và Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ tiếp tục được mở rộng, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang tác động mạnh mẽ đến khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Jens Schmid-Kreye - Bí thư thứ nhất về Hợp tác Phát triển Đức tại Việt Nam.
Tại hội nghị, các báo cáo từ Ban Quản lý Dự án Trung ương và đại diện các tỉnh tham gia đã cung cấp cái nhìn tổng quan về những kết quả đạt được. Tính đến năm 2024, hơn 20.000 nông dân đã được đào tạo về canh tác bền vững, lượng nước tưới giảm 28%, lượng phân bón hóa học giảm 25%, trong khi năng suất xoài tăng 29% và thời gian bảo quản sau thu hoạch kéo dài từ 7 ngày lên 35 ngày. Dự án cũng đã hỗ trợ 294 hợp tác xã và doanh nghiệp nhỏ, giúp nâng cao năng lực kinh doanh và tạo ra 307 việc làm mới, trong đó 57% là lao động nữ.
Không chỉ dừng lại ở việc tổng kết kết quả, hội nghị còn mở ra các cuộc thảo luận về chiến lược nhân rộng mô hình đổi mới sáng tạo. Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển Nông thôn, nhấn mạnh rằng những bài học từ GIC sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai Đề án “Một triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp” của Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Các diễn giả cũng đề xuất tăng cường hợp tác công - tư để mở rộng ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.
Một trong những điểm nhấn của hội nghị là phiên tọa đàm về Hợp tác Nam - Nam trong lĩnh vực nông nghiệp. Các chuyên gia từ Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) và các tổ chức phi chính phủ đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc ứng dụng các mô hình canh tác bền vững tại các nước có điều kiện tương đồng với Việt Nam. Đây được xem là cơ hội để Việt Nam mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế và nâng cao vị thế của mình trong chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Võ Văn Hưng đánh giá cao những thành tựu mà dự án GIC mang lại, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc tiếp tục duy trì và phát triển các sáng kiến đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp. Ông đề nghị các địa phương tận dụng tối đa các kết quả đạt được từ dự án để tiếp tục nâng cao năng lực sản xuất, cải thiện chuỗi giá trị và mở rộng thị trường cho nông sản Việt Nam.
Hội nghị Tổng kết Dự án GIC không chỉ đánh dấu sự kết thúc của một giai đoạn hợp tác quan trọng mà còn đặt nền móng cho những bước phát triển tiếp theo của nông nghiệp bền vững tại Việt Nam. Với sự cam kết mạnh mẽ từ các bên liên quan, những sáng kiến từ GIC hứa hẹn sẽ tiếp tục lan tỏa, góp phần thúc đẩy một nền nông nghiệp xanh, sạch và phát triển bền vững trong tương lai.


Một số hình ảnh tại buổi hội nghị tổng kết.
Đang cập nhật