Quảng cáo #38

HƯỚNG TỚI MỘT TRIỆU HA: TẦM NHÌN LÚA CÁC-BON THẤP CỦA VIỆT NAM

Việt Nam – một đất nước với nền văn minh lúa nước lâu đời, đang bước vào một giai đoạn phát triển nông nghiệp bền vững với những đổi mới mang tính chiến lược. Một triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp – đây không chỉ là một đề án nông nghiệp mà còn là cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc giảm thiểu tác động đến môi trường, hướng tới tăng trưởng xanh. Mời quý vị, cùng tìm hiểu về đề án "Phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030". Đề án này có ý nghĩa như thế nào? Các chính sách hỗ trợ ra sao? Và quan trọng nhất, nó tác động như thế nào đến nông dân – những người trực tiếp tham gia sản xuất? Hãy cùng theo dõi phóng sự ngay sau đây.

Phóng sự do Nhà báo Vương Xuân Nguyên phối hợp với VTV thực hiện.

Đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa lớn nhất của Việt Nam - đang từng bước chuyển mình mạnh mẽ trước những thách thức của biến đổi khí hậu và yêu cầu sản xuất bền vững. Việc canh tác lúa theo phương thức truyền thống, phụ thuộc nhiều vào phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật và lượng giống gieo sạ dày đặc, không chỉ làm giảm hiệu quả kinh tế mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Trong bối cảnh đó, dự án GIC đã trở thành một cú hích quan trọng, giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất theo hướng hiện đại hơn: tối ưu hóa chi phí đầu vào, cải thiện kỹ thuật canh tác và nâng cao giá trị sản phẩm. Đặc biệt, hợp tác xã nông nghiệp đóng vai trò trung tâm, không chỉ hỗ trợ bà con tiếp cận kiến thức mới mà còn giúp họ tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất một cách bài bản và bền vững hơn. Tại tỉnh Sóc Trăng, HTX nông sản Mỹ Hương là một trong những đơn vị đi đầu trong việc áp dụng mô hình canh tác tiên tiến từ dự án GIC. 

Ông MAI QUỐC BIÊN - Giám đốc HTX nông sản Mỹ Hương, tỉnh Sóc Trăng: Từ khi mà tham gia dự án GIC, thì nông dân có đổi mới. Thì chương trình đó nông dân bắt được những gì hồi so với trước kia là đội khác hơn. Giảm phân, giảm giống, giảm thuốc bảo vệ thực vật. Không còn xịt bừa bãi như hồi trước nữa. Thì hồi trước thì cứ xịt, rồi không có mà định kỳ, bây giờ thì có dịch bệnh mới xịt. Rồi giảm cái thu nhập cái đầu vào. Rồi nông dân có bản kế hoạch, có sổ ghi chép định hướng là làm giống gì. Rồi ngày nào xuống giống thu hoạch, rồi công bắp bờ, công dịch thuốc. Rồi ghi chép cất kỹ để cuối vụ rồi tổng kết lại. Thì cái lợi nhuận nó sẽ cao hơn cái mấy hồi làm mà không có tham gia cái dự án.

Không chỉ giúp giảm chi phí đầu vào, dự án GIC còn mang lại hiệu quả rõ rệt về năng suất và lợi nhuận cho nông dân. Trước đây, nhiều hộ canh tác lúa ở đồng bằng sông Cửu Long thường gặp khó khăn trong việc quản lý chi phí sản xuất, phụ thuộc nhiều vào phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật và gieo sạ dày đặc. Điều này không chỉ làm gia tăng chi phí mà còn ảnh hưởng đến chất lượng đất và môi trường sinh thái.Dự án GIC đã tạo ra một bước chuyển quan trọng, giúp người dân thay đổi tư duy sản xuất theo hướng khoa học hơn. Việc áp dụng các biện pháp canh tác tiên tiến giúp nông dân quản lý sâu bệnh tốt hơn, sử dụng phân bón hợp lý, giảm thất thoát tài nguyên mà vẫn đảm bảo năng suất. Quan trọng hơn, cách tiếp cận này giúp tối ưu hóa lợi nhuận trên từng diện tích đất canh tác, tạo ra sự bền vững lâu dài trong sản xuất nông nghiệp. Tại xã Mỹ Hương, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng, nhiều hộ dân đã thấy rõ sự thay đổi khi tham gia dự án GIC. Ông Nguyễn Văn Trung là một trong những nông dân đã trực tiếp áp dụng mô hình này và nhận thấy hiệu quả rõ rệt.

Hình ảnh bà con nông dân thu hoạch lúa thuộc dự án GIC.

Ông NGUYỄN VĂN TRUNG - Xã Mỹ Hương, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng: Khi tham gia dự án GIC thì cũng được những kỹ thuật canh tác như là mình xạ lúa. Thứ nhất là giảm phân bón, rồi được quản lý về vấn đề sâu hại trên cây lúa. Khi sử dụng phân cuối vụ thì cũng xạ đúng theo quy định của chương trình, theo dự án. Khi mà cái lợi nhận của tôi trước khi chưa có tham gia dự án thì lợi nhận thì nó 1 công như vậy có khoảng 500-600 ngàn 1 công. Sau khi tham gia dự án GIC thì cái lợi nhận của tôi tăng lên thì tính ra chi phí gọi hết 1 công khoảng 1.3-1.4 triệu.

Để mở rộng và nhân rộng mô hình canh tác bền vững, vai trò của các hợp tác xã nông nghiệp và chính sách hỗ trợ từ Nhà nước là vô cùng quan trọng. Đây không chỉ là vấn đề cải tiến kỹ thuật mà còn là sự thay đổi mang tính hệ thống trong tổ chức sản xuất. Hợp tác xã sẽ trở thành cầu nối quan trọng giữa nông dân và thị trường, giúp tối ưu hóa sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng và đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp. Nhằm thúc đẩy sự chuyển đổi này, Chính phủ đã triển khai Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại đồng bằng sông Cửu Long. Đây được xem là một bước đi chiến lược trong việc tái cơ cấu ngành lúa gạo theo hướng hiện đại, bền vững và thân thiện với môi trường. Không chỉ giúp nâng cao thu nhập cho người dân, đề án còn hướng đến mục tiêu giảm phát thải, bảo vệ tài nguyên đất và nguồn nước, phù hợp với xu thế phát triển nông nghiệp xanh của thế giới.

Lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Ông LÊ ĐỨC THỊNH - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ NN&MT: Trong đề án 1 triệu hecta lúa, chất lượng cao, phát thải thấp gắn với đại chuyển đổi xanh ở đồng bằng sông Cửu Long thì Hợp tác xã đóng 1 cái vai trò chủ đạo, chủ chốt trong việc phát triển. Hay nói 1 cách rộng hơn là đề án 1 triệu hecta lúa không chỉ nhằm vào về việc đổi mới kỹ thuật mà quan trọng nhất là đổi mới cái phương thức sản xuất, cái tổ chức lại sản xuất trong ngành hàng lúa gạo để khắc phục mấy cái điểm. Thứ nhất là chúng ta khắc phục tình trạng sản xuất chạy theo sản lượng và chúng ta quên mất chất lượng hay là trong đó có cả môi trường.

Không chỉ dừng lại ở Sóc Trăng, đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp đã nhanh chóng lan tỏa đến nhiều tỉnh thành khác ở Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, An Giang nổi lên như một trong những địa phương tiên phong với diện tích đăng ký tham gia thuộc nhóm lớn nhất khu vực. Đây không chỉ là một con số, mà còn thể hiện rõ quyết tâm của tỉnh trong việc chuyển đổi mô hình sản xuất, hướng đến nền nông nghiệp bền vững và thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu. Là một trong những vùng trọng điểm về lúa gạo của cả nước, An Giang xác định việc tham gia đề án không chỉ giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, mà còn giúp nông dân tiếp cận các phương pháp canh tác hiện đại, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Từ giảm phát thải khí nhà kính đến tối ưu hóa quy trình sản xuất, tất cả đều nhằm hướng tới một nền nông nghiệp xanh, sạch và hiệu quả hơn.

Ông TRƯƠNG KIẾN THỌ - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường An Giang: An Giang là một trong những tỉnh mà có diện tích trồng lúa nhiều cùng với Kiên Giang, Đồng Tháp và Long An, xem là những tỉnh có số lượng đất trồng lúa tham gia vào cái đề án là khá lớn. Riêng với An Giang là đăng ký là 150.000 ha trên tổng số là 200.000 ha đất trồng lúa của An Giang. Điều này cho thấy là cái quyết tâm của An Giang rất là lớn và An Giang cũng nhận thấy là đây là một cái đề án mà rất là thiết thực và phù hợp để giúp cho bà con nông dân trồng lúa của tỉnh An Giang đáp ứng được cái yêu cầu ngày càng cao hơn cũng như là thích ứng với cái sự thay đổi khí hậu đặc biệt là trong vấn đề là canh tác lúa và giảm phát thải carbon.

Không chỉ đơn thuần là một bước tiến về kỹ thuật canh tác, đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp còn mang ý nghĩa sâu rộng hơn về mặt xã hội và kinh tế. Đây là một sự chuyển đổi toàn diện, không chỉ giúp người nông dân nâng cao thu nhập mà còn tạo điều kiện để họ có tiếng nói và vị thế vững chắc hơn trong chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo. Việc triển khai đề án không chỉ giúp cải thiện phương thức canh tác, giảm chi phí đầu vào và tăng hiệu quả sản xuất, mà còn thúc đẩy sự liên kết chặt chẽ giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp. Điều này mở ra cơ hội lớn để ngành lúa gạo Việt Nam phát triển bền vững hơn, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường trong nước và quốc tế.

Ông LÊ THANH TÙNG - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngành lúa gạo Việt Nam: Chúng tôi nói là đề án thì không chỉ là sự cải tiến bằng kỹ thuật, cũng như không phải là đề án sắp xếp những quy hoạch về sản xuất lúa, mà chúng ta đang cải thiện một cái lớn hơn đó là về xã hội, về kinh tế của người nông dân trồng lúa và của khu vực trồng lúa nó riêng. Và vì thế là khi đề án được kiển thai, thì tất cả những yếu tố tác động đến không chỉ là thu nhập của người nông dân, mà môi trường về quy trình sản xuất, về những tiến bộ trong sản xuất lúa gạo cũng phải được áp dụng cách đồng bộ.

Những kết quả bước đầu của Đề án 1 triệu hecta lúa không chỉ đến từ nỗ lực của nông dân, hợp tác xã hay chính quyền địa phương, mà còn nhờ vào sự đồng hành của các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp. Những đơn vị này đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn lực, chuyển giao công nghệ và hỗ trợ kỹ thuật, giúp đề án đạt được những bước tiến vượt bậc. Dự án GIC là một minh chứng rõ nét cho sự hợp tác đa phương này. Với sự tham gia của nhiều bên liên quan, từ trung ương đến địa phương, từ đơn vị nghiên cứu đến khu vực tư nhân, GIC đã mang đến những đổi mới quan trọng trong canh tác lúa, giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất và thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu.

Bà SONJA ESCHE - Giám đốc Dự án GIC: Kết quả của dự án thực sự vượt xa mong đợi của chúng tôi về số lượng đổi mới cũng như phạm vi tiếp cận đã đạt được. Do đó, tất cả các bên tham gia vào dự án đều có thể tự hào. Đây cũng là một trong những yếu tố thành công của Dự án Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Xanh khi mà rất nhiều bên liên quan khác nhau đã tham gia vào Dự án, từ trung ương đến địa phương và các đơn vị nghiên cứu cùng khu vực tư nhân.

Đề án một triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp không chỉ là một bước chuyển mình của ngành nông nghiệp Việt Nam mà còn là lời cam kết mạnh mẽ hướng tới một nền sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường. Từ Sóc Trăng đến An Giang, từ những cánh đồng lúa xanh mướt đến từng người nông dân đang dần thay đổi phương thức canh tác – tất cả đều chung một mục tiêu: nâng cao giá trị hạt gạo Việt, bảo vệ tài nguyên đất, nước và đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế. Hành trình chuyển đổi này không chỉ đòi hỏi sự quyết tâm của người nông dân, mà còn cần sự đồng hành của các hợp tác xã, doanh nghiệp và chính sách hỗ trợ từ Nhà nước. Một nền nông nghiệp xanh – một nền sản xuất hiệu quả và bền vững hơn – đang dần hiện thực hóa, không chỉ vì lợi ích trước mắt mà còn vì tương lai của cả một nền kinh tế lúa gạo Việt Nam.

Hà Anh