Viện Kinh tế - Văn hóa và Nghệ thuật đề xuất một số giải pháp phát triển làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội

Sau một tuần khảo sát cùng đoàn Hội đồng Thủ công thế giới tại một số làng nghề của thành phố Hà Nội, các chuyên gia của Viện Kinh tế - Văn hóa và Nghệ thuật đã đưa ra các giải pháp bảo tồn và phát triển làng nghề.

Hà Nội, hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó 334 làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống đã được công nhận danh hiệu thuộc địa bàn 25 quận, huyện, thị trong đó có 60 làng nghề truyền thống.

img-4145-1730104849.jpeg

Đoàn công tác  của Hội đồng Thủ công Thế giới khảo sát một số làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội

Trong những năm gần đây, hàng truyền thống Hà Nội đã từng bước thâm nhập vào thị trường quốc tế và được đông đảo khách hàng quốc tế đón nhận. Điều này đã giúp tăng thu nhập cho người dân địa phương, cải thiện mức sống và kích thích phát triển kinh tế. Đồng thời, việc quảng bá văn hóa Việt Nam qua các sản phẩm truyền thống cũng đã thu hút sự tò mò của khách hàng quốc tế, tạo điều kiện để mở rộng quan hệ hợp tác và hội nhập quốc tế. 

Những chuyển biến tích cực 

Chương trình số 04-CTr/TU ngày 17/3/2021 về đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có một số chỉ tiêu nhằm thúc đẩy phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống. Kết quả cụ thể từ năm 2021 đến nay: (1) Thành phố đã công nhận 35 làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống trong đó có 17 làng nghề được Thành phố công nhận làng nghề truyền thống; (2) Về xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu: Đã hỗ trợ 64 làng nghề xây dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, trong đó có 22 làng nghề truyền thống; (3) Về mặt bằng sản xuất: Thành phố hiện có 70 cụm công nghiệp (CCN) đã đi vào hoạt động, trong đó có 25 cụm công nghiệp làng nghề, các CCN đã thu hút được 4.169 hộ, doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất kinh doanh và gần 80.000 lao động trong đó có nhiều doanh nghiệp thuộc các làng nghề truyền thống, bên cạnh đó Thành phố đang tiếp tục triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật 43 CCN, trong đó, có 31 cụm công nghiệp làng nghề; (4) Về sản phẩm OCOP: Tính đến nay, đã đánh giá phân hạng 771/2924 sản phẩm OCOP trên địa bàn Thành phố là sản phẩm thuộc 90 làng nghề, làng có nghề (chiếm 26,4 % tổng sản phẩm OCOP toàn Thành phố), trong đó có 28 làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP, nhiều sản phẩm làng nghề truyền thống đạt tiêu chuẩn 4 sao, từ đó giúp sản phẩm làng nghề khẳng định được thương hiệu, gia tăng giá trị; (5) Về bảo vệ môi trường: Tính đến hết năm 2023, có 230/327 làng nghề, làng nghề truyền thống (chiếm tỷ lệ 70,33%) đã có phương án bảo vệ môi trường làng nghề được phê duyệt. (6) Về Khoa học và Công nghệ: Phê duyệt thực hiện 28 nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ bắt đầu thực hiện từ năm 2023. Trong đó, có 11 sản phẩm làng nghề, làng nghề truyền thống; (7) Xây dựng mô hình Trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại các huyện, thị xã. Đến nay, đã công nhận 10 mô hình Trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch cấp xã (4 đơn vị đạt 4 sao, 6 đơn vị đạt 3 sao).

Hiện nay, Thành phố đã công nhận 18 khu, điểm du lịch gắn với làng nghề, trong đó có 08 làng nghề truyền thống tạo tiền đề cho các làng nghề phát triển gắn với du lịch.

Thành phố thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, xúc tiến thương mại cho làng nghề, làng nghề truyền thống như tổ chức hội chợ trong nước và quốc tế, festival sản phẩm OCOP và làng nghề, thực hiện các chương trình phóng sự, bài tuyên truyền về làng nghề, nghệ nhân làng nghề; hàng năm tổ chức hội thi sản phẩm làng nghề tạo sân chơi để các nghệ nhân, thợ giỏi tại các làng nghề, làng nghề truyền thống thoả sức sáng tạo, phát huy tay nghề, làm cơ sở vinh danh, công nhận nghệ nhân các cấp.

Bên cạnh đó, Thành phố cũng tăng cường hợp tác quốc tế nhằm hỗ trợ làng nghề đặc biệt là làng nghề truyền thống trong thiết kế mẫu mã sản phẩm đáp ứng thị hiếu tiêu dùng đương đại, nâng cao vai trò, vị thế làng nghề. Năm 2024, Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức chương trình phối hợp với Hội đồng thủ công Thế giới thực hiện công nhận được ít nhất 02 làng nghề của Thành phố Hà Nội trở thành thành viên của mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo trên toàn Thế giới, hiện đã được Hội đồng thủ công thế giới về thẩm định thực tế tại các làng nghề làm cơ sở xem xét, công nhận; Phối hợp với Trường thiết kế Đại Học Lund - Thụy Điển tổ chức Đoàn tham gia Hội chợ thủ công mỹ nghệ Formex tại Thụy Điển tạo tiền đề hợp tác, hỗ trợ các làng nghề, làng nghề truyền thống trong thiết kế mẫu mã sản phẩm.

Để hỗ trợ các làng nghề phát triển bền vững, kịp thời giải quyết các khó khăn trong bảo tồn, phát triển làng nghề, Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp với các Sở, ngành, UBND cấp huyện đã và đang tham mưu xây dựng "Đề án tổng thể phát triển làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2024-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, trong đó tập trung nhiều giải pháp nhằm bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống, hiện đã trình UBND Thành phố xem xét, phê duyệt.

Bằng những sản phẩm độc đáo, các làng nghề Hà Nội đã đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô và đất nước. Phần lớn, các sản phẩm đều có mẫu mã đẹp và chất lượng rất tốt, một số sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước như: sản phẩm may mặc; gốm sứ; dệt và thêu, ren truyền thống; đồ gỗ phục vụ tiêu dùng và xây dựng, sản phẩm cơ khí, chế biến nông sản, thực phẩm… Đáng chú ý, các sản phẩm làng nghề tại Hà Nội đã xuất khẩu tới hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Theo tổng hợp báo cáo từ 24 quận, huyện, thị xã, tổng doanh thu của làng nghề, làng nghề truyền thống và các làng có nghề đạt trên 22.000 tỷ đồng/năm”. Những năm qua, các làng nghề đã có sự tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu. Xuất hiện ngày càng nhiều những làng nghề nghìn tỷ như làng nghề điêu khắc mỹ nghệ thôn Sơn Đồng đạt 2.850 tỷ đồng; làng nghề chế biến nông sản thực phẩm Dương Liễu đạt 1.600 tỷ đồng; làng nghề cơ khí nông cụ Phùng Xá doanh thu đạt 1.209 tỷ đồng…Thu nhập bình quân của người lao động ở các làng nghề cao hơn nhiều so với lao động thuần nông, bình quân phổ biến ở mức 4 - 5,5 triệu đồng/người/tháng. Tại một số quận, huyện, lao động làng nghề có thu nhập bình quân đạt từ 50 triệu đồng/người/năm trở lên như: Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Hà Đông, Hoài Đức, Thạch Thất…

Còn đó những thách thức không nhỏ

Từ những chuyển biến tích cực như trên, chúng ta có thể nhận thấy, các làng nghề truyền thống của Hà Nội có nhiều điểm mạnh và cơ hội để phát triển, nhưng cũng đang phải đối mặt những thách thức lớn cần được quản lý và khai thác hiệu quả để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Điểm mạnh: (1) Sản phẩm độc đáo và chất lượng: Các sản phẩm làng nghề mang tính nghệ thuật cao, được làm thủ công với những kỹ thuật truyền thống độc đáo. Điều này giúp tạo ra sự khác biệt và giá trị cho sản phẩm; (2) Giá trị văn hóa: Làng nghề không chỉ sản xuất hàng hóa mà còn bảo tồn và quảng bá bản sắc văn hóa Việt Nam, thu hút sự chú ý của thị trường quốc tế; (3) Nguồn nhân lực dồi dào: Nhiều nghệ nhân có tay nghề cao, với kinh nghiệm và truyền thống qua nhiều thế hệ, giúp bảo đảm chất lượng sản phẩm; (4) Tiềm năng phát triển du lịch: Nhiều làng nghề được tích hợp với du lịch, góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân và quảng bá văn hóa.

Điểm yếu: (1) Khó khăn trong tiếp cận thị trường lớn: Nhiều làng nghề còn thiếu kinh nghiệm trong marketing và phân phối, dẫn đến khó khăn trong việc tiếp cận thị trường rộng lớn hơn; (2) Sản xuất quy mô nhỏ: Năng lực sản xuất còn hạn chế, không đủ sức để đáp ứng nhu cầu thị trường lớn, đặc biệt là thị trường quốc tế; (3) Thiếu nguồn vốn đầu tư: Nguồn vốn hạn chế làm giảm khả năng nâng cấp công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất và phát triển thương hiệu; (4) Chất lượng không đồng đều: Một số sản phẩm có chất lượng không ổn định, khiến khách hàng không yên tâm khi lựa chọn.

 Cơ hội: (1) Tăng trưởng nhu cầu hàng thủ công mỹ nghệ: Xu hướng tiêu dùng hiện tại ưa chuộng sản phẩm tự nhiên, thủ công và thân thiện với môi trường, tạo cơ hội cho sản phẩm làng nghề; (2) Thúc đẩy hợp tác quốc tế: Các hiệp định thương mại tự do tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam dễ dàng thâm nhập vào thị trường quốc tế; (3) Cải cách trong phát triển du lịch: Việc phát triển du lịch văn hóa có thể tạo ra cơ hội tiêu thụ sản phẩm làng nghề và gia tăng thu nhập cho người dân; (4) Khuyến khích từ chính phủ: Các chính sách hỗ trợ từ chính phủ nhằm bảo tồn và phát triển làng nghề sẽ tạo thêm động lực cho sự phát triển.

Thách thức: (1) Cạnh tranh từ hàng hóa nước ngoài: Hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia khác với giá thành rẻ và mẫu mã đa dạng tạo ra áp lực cạnh tranh lớn cho các sản phẩm Việt Nam; (2) Biến đổi khí hậu và ô nhiễm: Các vấn đề môi trường có thể ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu sản xuất, làm giảm chất lượng và số lượng sản phẩm; (3) Khó khăn trong bảo tồn kỹ thuật truyền thống: Sự chuyển dịch trong thói quen tiêu dùng và nhu cầu hiện đại có thể khiến cho nhiều kỹ thuật truyền thống bị lãng quên; (4) Thiếu hỗ trợ từ các tổ chức chuyên môn: Nhiều làng nghề vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ đầy đủ từ các tổ chức phi chính phủ và chính phủ trong việc cải tạo và duy trì sản xuất.

Thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững 

Để phát triển bền vững các làng nghề truyền thống Việt Nam và tận dụng tối đa các cơ hội cũng như vượt qua thách thức, chúng ta cần thực hiện một số giải pháp cụ thể sau:

Thứ nhất, Đầu tư nâng cấp công nghệ sản xuất: Khuyến khích áp dụng công nghệ mới để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm; Tổ chức các khóa đào tạo kỹ thuật để nâng cao tay nghề cho các nghệ nhân, giúp họ làm quen với công nghệ hiện đại.

Thứ hai, Tăng cường hỗ trợ tài chính: Thiết lập quỹ hỗ trợ tài chính cho các làng nghề để họ có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn đầu tư; Các chính sách tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các làng nghề để khuyến khích phát triển sản xuất.

Thứ ba, Quảng bá và xây dựng thương hiệu: Tạo lập một thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm làng nghề để nâng cao giá trị và uy tín sản phẩm trên thị trường quốc tế; Sử dụng các nền tảng mạng xã hội và thương mại điện tử để quảng bá sản phẩm, giúp tiếp cận khách hàng rộng rãi hơn.

Thứ tư, Phát triển mối liên kết thị trường: Tạo các liên kết giữa nghệ nhân với các nhà phân phối, cửa hàng bán lẻ và nền tảng thương mại điện tử. Khuyến khích các làng nghề tham gia vào các triển lãm, hội chợ để thúc đẩy quảng bá sản phẩm và mở rộng mạng lưới khách hàng.

Thứ năm, Kết hợp giữa làng nghề và du lịch: Tổ chức các tour du lịch tại làng nghề, giúp du khách không chỉ tiêu thụ sản phẩm mà còn trải nghiệm quá trình sản xuất; Tổ chức lễ hội giới thiệu về các sản phẩm và nghệ thuật làng nghề, tạo cơ hội giao lưu và tăng cường sự quan tâm từ du khách.

Thứ sáu, Bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống: Hỗ trợ công tác nghiên cứu và khôi phục các kỹ thuật truyền thống đang có nguy cơ bị lãng quên. Khuyến khích thanh niên tham gia vào việc sản xuất và quảng bá sản phẩm truyền thống, giúp họ hiểu và tiếp nối truyền thống làng nghề.

Thứ bảy, Tăng cường hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp: Khuyến khích sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp và các nhà nghiên cứu để phát triển và quảng bá các sản phẩm làng nghề. Tìm kiếm cơ hội hợp tác với các tổ chức quốc tế để học hỏi kinh nghiệm và phát triển.

Những giải pháp trên không chỉ giúp phát triển các làng nghề truyền thống một cách bền vững mà còn tạo ra cơ hội cho người dân địa phương cải thiện đời sống và gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc./.

Viện IACE