Theo đó, Chương trình nghệ thuật "Bài ca Hồ Chí Minh" được chỉ đạo nội dung bởi Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tích. Kịch bản: Nhà báo Vương Xuân Nguyên - Tổng Đạo diễn: NSƯT Hương Giang. Với sự tham gia của tập thể nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên của Viện Kinh tế - văn hóa và Nghệ thuật: NSƯT Hương Giang, Quán quân Sao Mai 2022 Trịnh Núi, Ca sĩ Mai Nguyễn Anh, Ca sĩ Thái Sơn, MC Thùy Dương cùng Tốp ca Nam nữ, cùng đoàn thanh niên Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.
Chương trình gồm các ca khúc: Dấu chân phía trước, Nhạc: Phạm Minh Tuấn - Thơ: Hồ Thi Ca; Đôi dép Bác Hồ, Nhạc: Văn An - Thơ: Tạ Hữu Yên; Lời Bác dặn trước lúc đi xa, sáng tác: Trần Hoàn; Trông cây lại nhớ tới Người, sáng tác: Đỗ Nhuận; Bác Hồ một tình yêu bao la, sáng tác Thuận Yến; Bài ca Hồ Chí Minh, nhạc: Ewan Maccoll - Lời Việt: Phú Ân.
Việt Nam vời bề dày lịch sử hào hùng đã hun đúc nên người con ưu tú của dân tộc, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành. Ở tuổi 21, với lòng yêu nước thương dân cháy bỏng đã rời bến cảng Nhà Rồng, vượt năm châu bốn biển tìm con đường giải phóng dân tộc, mở ra thời đại Hồ Chí Minh, một thời đại huy hoàng nhất trong dòng chảy lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Hình tượng đôi dép Bác Hồ vượt suốt cuộc trường chinh chống Pháp và chống Mỹ cho đến ngày Người trở về đất mẹ đã trở thành biểu tượng cho vẻ đẹp giản dị, thanh cao, minh chứng hùng hồn cho sự tận hiến một lòng vì Nước, vì Dân, vì lý tưởng cách mạng:
Bàn chân qua vạn dặm trường
Dấu dép của Bác dẫn đường con đi
Vượt qua gian khó hiểm nguy
Dựng xây đất nước quản chi thác gềnh.
Bên căn nhà sàn đơn sơ, trước lúc đi xa Người đã để lại muôn vàn tình yêu thương cho toàn Đảng, toàn Dân và toàn Quân ta qua bản Di chúc thiêng liêng đã kết tinh những giá trị văn hóa, tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp mãi mãi soi đường cho chúng ta đi. Để hôm nay, tại nơi ở và làm việc của Người năm xưa giữa Ba Đình lịch sử, chúng con thành kính tưởng nhớ 55 năm ngày Bác đi xa, 55 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người, 55 năm bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch:
Trông cây lại nhớ tới Người
Dựng xây đất nước như lời Bác răn
Bác Hồ, Người là tình yêu thiết tha nhất trong lòng dân và trong trái tim nhân loại…Lời ca ấy thay cho tiếng lòng cất lên từ triệu triệu con tim đối với vị cha già muôn vàn kính yêu của dân tộc. Người đã đi xa nhưng hình bóng của người luôn gần gũi và khắc sâu trong tâm khảm mỗi của người con đất Việt.
Thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách và lời căn dặn của Người trong Di chúc thiêng liêng, 55 năm qua, tập thể cán bộ công nhân viên Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch tự hào cùng toàn Đảng, toàn Dân, toàn Quân ta và nhân loại yêu chuộng hòa bình khắp năm châu bốn bể mãi mãi ngân vang “Bài ca Hồ Chí Minh”.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 55 năm ngày Bác đi xa, 55 năm bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (1969-2024) diễn ra sau Chương trình Nghệ thuật "Bài ca Hồ Chí Minh", bà Lê Thị Phượng, Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch chia sẻ: Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc nhiều nơi, nhưng Khu Phủ Chủ tịch vinh dự là nơi gắn bó với Người lâu nhất - 15 năm cuối đời (1954-1969). Nơi đây lưu giữ vĩnh viễn hình bóng, ký ức về tư tưởng, đạo đức, phong cách vị lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất, chiến sĩ cộng sản quốc tế, người bạn thủy chung của nhân loại tiến bộ và yêu chuộng hòa bình.
Với vị thế là một trong 10 di tích đầu tiên trong cả nước được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt, là di tích đầu hệ trong hệ thống các di tích lưu niệm về Bác Hồ, Khu Di tích hiện đang thực hiện hiệu quả song song hai nhiệm vụ chính trị: Bảo tồn, gìn giữ nguyên trạng nơi ở và làm việc của Người tại Phủ Chủ tịch như sinh thời Người sống và làm việc; phát huy hiệu quả di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Phủ Chủ tịch. Trong đó, bảo tồn, gìn giữ nguyên trạng di tích là nhiệm vụ chính trị cốt lõi; phát huy giá trị di tích là nhiệm vụ chính trị quan trọng.
Khu Di tích không có những công trình đồ sộ, hoành tráng gây choáng ngợp mà là những khuôn viên bình dị, thân quen, tuy quy mô, kiến trúc không lớn nhưng lại ẩn chứa những phẩm chất trí tuệ, tư tưởng, phong cách cao đẹp của một bậc vĩ nhân. Trải dài suốt 15 năm đặc biệt quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tất cả di sản vật chất từ ngôi nhà, vật dụng đến cảnh quan hàng cây, con đường, ao cá…, cùng những di sản tinh thần sâu sắc, phong phú Người để lại đã hội tụ thành “cõi Bác xưa” với một “trường ký ức lịch sử - văn hóa” đầy đủ, nguyên gốc, có thể khẳng định là hiếm có trong hệ thống các di tích, lưu niệm về Người.
"Sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa, những cán bộ từng phục vụ Bác đã tình nguyện ở lại, dốc lòng, dốc sức trông nom, gìn giữ tốt nhất những di tích của Bác, từ ngôi nhà, vườn cây, ao cá đến đồ dùng hàng ngày. 55 năm đã trôi qua, Khu Di tích về Bác tại Phủ Chủ tịch vẫn được bảo vệ, bảo quản cẩn trọng, chu đáo. Tất cả di tích, tài liệu hiện vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đang được bảo tồn nguyên vẹn như sinh thời Người sống, làm việc. Nối tiếp truyền thống vẻ vang, tập thể viên chức, người lao động Khu Di tích luôn ý thức sâu sắc về niềm vinh dự, tự hào được phụng sự sự nghiệp vinh quang. Đây không chỉ là công việc, là trách nhiệm, nghĩa vụ mà trên hết, trước hết đó là tình cảm kính yêu dâng lên Bác, là khát vọng nung nấu, là mong mỏi tha thiết được bảo tồn, giữ gìn tốt nhất di sản của Người và lan tỏa sâu rộng hơn muôn vàn tình thân yêu Người để lại nơi này đến với đông đảo đồng bào trong nước và bạn bè quốc tế"- bà Lê Thị Phượng khẳng định./.