Công trình nghiên cứu đến từ Đại học Y khoa Nara (Nhật Bản), do Giáo sư Hiromi Sakai dẫn đầu, đã thành công trong việc tạo ra loại máu nhân tạo “vạn năng”. Loại máu này không mang dấu hiệu xác định nhóm máu như A, B, AB hay O nên có thể truyền cho bất kỳ bệnh nhân nào mà không cần qua các bước xét nghiệm tương thích vốn là thủ tục tốn thời gian trong cấp cứu y tế.

Điểm đặc biệt của máu nhân tạo này nằm ở công nghệ sản xuất: hemoglobin từ máu hiến đã quá hạn được tách lọc, sau đó bao bọc trong các bong bóng nano cấu tạo từ chất béo để mô phỏng lớp màng hồng cầu tự nhiên. Nhờ đó, sản phẩm không chỉ giảm nguy cơ bị cơ thể đào thải mà còn loại trừ khả năng lây nhiễm virus, vi khuẩn – một vấn đề lớn trong truyền máu hiện nay.
Không cần bảo quản lạnh liên tục như máu thông thường (chỉ dùng được trong 42 ngày), máu nhân tạo có thể được lưu trữ ở nhiệt độ phòng trong 2 năm, hoặc tới 5 năm nếu để trong tủ lạnh.
Từ năm 2022, sản phẩm này đã bắt đầu được thử nghiệm lâm sàng trên người và cho kết quả khả quan. Các thử nghiệm tiếp theo với liều lượng lớn hơn đang được tiến hành nhằm đánh giá toàn diện tính an toàn và hiệu quả trong thực tế.
Nếu mọi bước thử nghiệm diễn ra suôn sẻ, máu nhân tạo có thể được chính thức đưa vào sử dụng tại Nhật Bản từ năm 2030, mở ra hy vọng cứu sống hàng triệu người, đặc biệt trong tình huống khẩn cấp, thảm họa thiên tai hay chiến tranh, nơi việc tiếp cận nguồn máu an toàn luôn là thách thức lớn.
Nguồn tham khảo:
1. MedPath (Trial.Medpath): "Japan Launches World's First Clinical Trials for Artificial Blood in 2025"
2. Newsweek: "Artificial Blood That Could Work for All Blood Types in Trials"
3. MedBoundTimes: "Purple Lifeline: Japan's Universal Artificial Blood Breakthrough"