Quảng cáo #38

Tiếng hát mang dòng chảy quê hương!

Ngôi nhà nhỏ ở Quỳnh Lưu, Nghệ An, nơi cô bé lớn lên trong tiếng nước vỗ mạn thuyền và tiếng hò ví dặm vương vấn gió. Nơi có gió Lào bỏng rát, nơi mạch nguồn dân ca xứ Nghệ thấm đẫm vào từng hơi thở, nuôi dưỡng tình yêu thương và sự quật cường của những người con xứ sở.

Trong gia đình có đến chín anh em, nhiều người đã theo đuổi con đường âm nhạc, nhưng cô gái út, với đôi mắt to tròn và chất giọng trong veo, lại gắn liền với những công việc làm lụng trong nhà. Lời ru của bà, tiếng hát của mẹ, và những câu chuyện về gánh hát của ông bà nội, tất cả như những mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn cô bé. Thế nhưng, giữa bộn bề của cuộc sống mưu sinh, ai sẽ nhận ra viên ngọc quý ấy? Chính nhạc sĩ An Thuyên tài danh, người chú của cô, là người đã nhìn thấy ngọn lửa bùng cháy trong đôi mắt ấy, thôi thúc cô rời xa lũy tre làng. Ông chính là người đã đưa cô đến với ánh sáng sân khấu, với sự hào quang của nghệ thuật, như một định mệnh đã an bài.

Năm 1994, cô gái xứ Nghệ khăn gói lên đường, mang theo cả gia tài là chiếc vali cũ kỹ và niềm tin sắt đá. Trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, một thế giới hoàn toàn mới mở ra. Cô bé bỡ ngỡ giữa phố xá đông đúc, nhưng khi đứng trước micro, tất cả lo âu tan biến. Tuy nhiên, những ngày đầu ở thành phố không hề dễ dàng. Cuộc sống sinh viên thiếu thốn, những bài học tưởng chừng quá sức, và đặc biệt là những cái nhìn hoài nghi từ một số người khi thấy sự nhút nhát của cô đã nói rằng cô không phù hợp với con đường nghệ thuật, rằng con đường nghệ thuật nhiều chông gai.

sg1-1400x788-1751893793.jpg

Đã có lúc, những lời lẽ ấy như những mũi kim đâm vào tim, khiến cô gần như gục ngã. Cô từng xách ba lô về lại đồng quê, nghĩ rằng ánh sáng sân khấu kia, sự nghiệp học hành này không phải dành cho mình, rằng mình sẽ trở về với những nỗi vất vả cùng cha mẹ, sống một cuộc đời bình dị như bao người con gái làng khác. Nhưng rồi, hình ảnh cha mẹ lam lũ, và lời dặn dò đầy tin tưởng của người chú lại hiện về. Tấm lòng thương cha mẹ, cùng quyết tâm không muốn phụ lòng người đã khai sáng con đường cho mình đã tiếp thêm sức mạnh. Cô gái ấy lại lau khô nước mắt, một lần nữa quay trở lại trường, tiếp tục con đường đã chọn. Sau ba năm miệt mài học tập và rèn luyện không ngừng nghỉ, cô đã tốt nghiệp với kết quả xuất sắc, minh chứng cho tài năng và nghị lực phi thường của mình.

Với hành trang là tài năng được mài giũa và tinh thần thép, cô gái đưa ra một quyết định bất ngờ: tình nguyện về Đoàn Nghệ thuật Quân khu 9. Năm 1997, cô gái 21 tuổi dấn thân vào miền Tây sông nước, nơi những chuyến đi phục vụ bộ đội diễn ra liên miên. Có những đêm, tiếng hát của nàng phải át đi tiếng côn trùng kêu văng vẳng trong rừng tràm, hay tiếng gió lùa qua những căn nhà tạm bợ. Ánh đèn sân khấu là ngọn đuốc pin, khán giả là những người lính sạm nắng sau ngày hành quân. Chính trong những hoàn cảnh ấy, tiếng hát của cô không chỉ là trình diễn, mà là hơi thở, là nguồn động viên, là nhịp cầu nối đất liền với đảo xa. Cô đã ôm trọn những vất vả, thiếu thốn, và đổi lại là những giọt nước mắt xúc động của khán giả, là tiếng vỗ tay giòn giã hơn bất kỳ tràng pháo tay nào ở nhà hát sang trọng.

Những năm tháng khó khăn ở Đoàn Nghệ thuật Quân khu 9 không chỉ là thử thách mà còn là nơi cô gái xứ Nghệ được lớn lên trong tình yêu thương, sự đùm bọc, sẻ chia từ những người nghệ sĩ, đồng đội trong đoàn. Đây chính là động lực mạnh mẽ giúp cô vượt qua những gian nan buổi đầu sự nghiệp, những khó khăn của cuộc sống xa nhà, nơi mà trước đó cô cảm thấy trống trải, thiếu thốn tình yêu và sự sẻ chia. Tấm Huy chương Vàng và Huy chương Bạc tại Liên hoan truyền hình toàn quốc năm 1997 và 1998 và những thành tựu đầu tiên. Kế đến là giải Nhì tại Liên hoan ca múa nhạc toàn quân năm 1998 và Huy chương Bạc tại Hội diễn ca múa nhạc toàn quân năm 2003.

Thế rồi, giữa lúc sự nghiệp đang thăng hoa, một tiếng gọi khác vang vọng trong tâm trí người nghệ sĩ trẻ, tiếng gọi của tri thức. Nàng quyết định trở lại mái trường xưa, tiếp tục con đường học vấn. Những đêm thức trắng bên giáo trình, những buổi thực hành miệt mài đã giúp cô nhìn âm nhạc dưới một lăng kính hoàn toàn mới. Nàng không chỉ học cách hát, mà còn học cách cảm thụ, cách truyền tải tâm hồn vào từng câu chữ, nốt nhạc. Những ngày tháng ấy, cô gần như sống trong phòng tập, trong thư viện. Có những khi, vì quá tập trung vào chuyên môn, nàng quên đi cả việc ăn uống, giấc ngủ, quên đi cả những mối quan hệ cá nhân. Sự nghiệp rực rỡ tỷ lệ nghịch với khoảng trống trong trái tim, khiến cô không ít lần cảm thấy lẻ loi, bơ vơ giữa chính hành trình mình đã chọn.

Bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của cô tại Hội diễn ca múa nhạc toàn quân năm 2008, khi cô đã xuất sắc giành Huy huy chương Vàng qua vai diễn chị Sứ trong vở nhạc kịch “Hai người mẹ” của Nhạc sĩ An Thuyên. Trở về từ giảng đường, cô gái được chào đón về Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội vào cuối năm đó. Giờ đây, tiếng hát của nàng đã không còn là một dòng suối nhỏ mà cuộn chảy thành con sông lớn, mang theo sự tinh tế của học thuật và sự từng trải của đời lính. Chất giọng soprano của cô bay bổng, ngọt ngào trong những bản chính ca hùng tráng, rồi lại đằm thắm, sâu lắng trong những bài dân ca thấm đẫm tình quê. Mỗi màn trình diễn của nàng đều là một câu chuyện, một bức tranh âm nhạc đầy màu sắc.

Chính tại đây, tài năng của người nghệ sĩ đã được khẳng định một cách vang dội trên tầm quốc gia. Năm 2009, nàng giành Huy chương Bạc tại Hội diễn Ca Múa Nhạc chuyên nghiệp toàn quốc. Tiếp đó, vào năm 2012, một lần nữa cô lại đạt Huy chương Vàng tại Liên hoan Ca Múa Nhạc chuyên nghiệp toàn quốc. Hai tấm Huy chương Vàng danh giá này không chỉ là phần thưởng cho tài năng, mà còn là sự công nhận cho vị thế của cô trong giới nghệ thuật chuyên nghiệp cả nước. Hàng loạt giải thưởng khác liên tiếp đến, đỉnh cao là danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú vào năm 2015, như một sự khẳng định cho hành trình cống hiến không ngừng nghỉ.

Sau những thành công vang dội đó, người nghệ sĩ trở thành một gương mặt quen thuộc trên khắp các chương trình truyền hình lớn, các sân khấu nghệ thuật hàng đầu. Tiếng hát của cô vượt mọi ranh giới, từ những vùng biên giới hải đảo xa xôi, những thao trường đầy nắng gió để phục vụ chiến sĩ, đến những cộng đồng kiều bào ở nước ngoài. Cô mang theo lời ca tiếng hát, mang theo hồn quê hương đi khắp nơi, gieo vào lòng người những cảm xúc sâu lắng. Từ tháng 7 năm 2016, người nghệ sĩ ấy chính thức là giảng viên Khoa Thanh nhạc, Trường Đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội. Cô truyền cho họ không chỉ kỹ thuật thanh nhạc mà còn cả ngọn lửa đam mê, tinh thần thép của người lính, và tình yêu sâu nặng với âm nhạc truyền thống.

Thế nhưng, đằng sau ánh đèn sân khấu rực rỡ, đằng sau những tràng pháo tay không ngớt, là một cuộc sống riêng đầy những khoảng lặng. Hôn nhân đầu tiên không tìm được tiếng nói chung, không thể mang lại sự đồng điệu trong tâm hồn, khiến trái tim người nghệ sĩ tài hoa ấy luôn ẩn chứa một nỗi buồn khó gọi tên. Cô cứ thế cống hiến trọn vẹn cho nghệ thuật, xem sân khấu là nhà, khán giả là gia đình, như để khỏa lấp đi những khoảng trống trong cuộc sống cá nhân. Đây chính là một thử thách lớn, một con đường không bằng phẳng đối với một nghệ sĩ tài năng, luôn cháy hết mình vì đam mê nhưng lại thiếu đi một bến đỗ bình yên.

Rồi một ngày, sau 22 năm, định mệnh đã an bài một cuộc gặp gỡ. Người ấy là một nhà báo trẻ, một người đàn ông không hoạt động trực tiếp trong lĩnh vực nghệ thuật nhưng lại có một tâm hồn đồng điệu đến lạ kỳ. Giữa bộn bề cuộc sống và công việc, họ tìm thấy ở nhau sự thấu hiểu, sẻ chia mà bấy lâu người nghệ sĩ vẫn kiếm tìm. Từ ánh nhìn đầu tiên, từ những câu chuyện tâm sự, cô nhận ra đây chính là "tiếng nói chung" mà trái tim cô đã mỏi mòn đợi chờ. Cuộc gặp gỡ ấy như một luồng gió mát lành thổi vào cuộc đời nàng, thắp lên ngọn lửa hạnh phúc đã tưởng chừng lụi tàn. Người bạn đời, người khán giả đặc biệt sau 22 năm, anh là một nhà báo quen biết và có nhiều dịp làm việc với nhạc sĩ An Thuyên.

Cả hai người đã cùng đi với nhau trên một con thuyền cuộc đời, nhưng khi đó, cả cô gái xứ Nghệ và chàng nhà báo đều đã có những người con riêng. Với sự thấu hiểu sâu sắc và tình yêu lớn, họ đã đưa ra một quyết định đặc biệt: không sinh con chung, mà thay vào đó sẽ cùng nhau tạo ra những tác phẩm nghệ thuật, những công trình nghiên cứu và những buổi biểu diễn giá trị, coi đó là những "đứa con tinh thần" làm động lực để phấn đấu trong cuộc sống. Họ cũng dành hết tình yêu thương và sự chăm sóc tốt nhất cho những đứa con riêng của mình. Từ đây, họ đã xây dựng một gia đình chung, một cuộc sống thật hạnh phúc và viên mãn, nơi sự nghiệp, tình yêu gia đình và những "đứa con tinh thần", những tác phẩm nghệ thuật phục vụ công chúng hòa quyện một cách hài hòa.

Và chính từ khoảnh khắc gặp gỡ định mệnh với nhà báo ấy, sự nghiệp của cô không chỉ tiếp tục thăng hoa mà còn tìm thấy một sự cân bằng tuyệt vời. Cuộc sống riêng viên mãn đã tiếp thêm nguồn năng lượng, giúp cô thể hiện âm nhạc với chiều sâu cảm xúc hơn bao giờ hết. Mọi thứ dường như trở nên hài hòa, cân đối hơn giữa đam mê và hạnh phúc gia đình. Sự gặp gỡ giữa sự nghiệp công danh và tình yêu gia đình đã trở thành một sức bật mạnh mẽ, một động lực để cô tiếp tục cống hiến cho cộng đồng trong những giai đoạn mới, những sứ mệnh mới. Cùng với chồng, cô vẫn miệt mài với nhiều dự án âm nhạc và hoạt động cộng đồng thiết thực.

Giờ đây, dù vẫn biểu diễn và cống hiến cho nghệ thuật, trọng tâm cuộc đời cô còn là việc ươm mầm những tài năng mới. Đặc biệt hơn nữa, người nghệ sĩ này không chỉ là một "người truyền lửa" mà còn là một nhà nghiên cứu khoa học, một chuyên gia âm nhạc thực thụ. Cô dành nhiều tâm huyết cho việc nghiên cứu, thực hành biểu diễn, và đặc biệt là gìn giữ, phát huy giá trị của dân ca ba miền, của những ca khúc mang âm hưởng dân gian, kho tàng văn hóa vô giá của dân tộc. Cô thường xuyên xuất hiện trên truyền hình để chia sẻ những kiến thức chuyên sâu, và đã xuất bản hai cuốn sách chuyên khảo có giá trị học thuật cao. Những công trình nghiên cứu khoa học của cô được giới chuyên gia và học thuật công nhận rộng rãi, khẳng định vai trò không thể thiếu của cô trong việc bảo tồn và giới thiệu âm nhạc truyền thống Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

Đáng chú ý, cô gái xứ Nghệ và chồng là nhà báo tâm huyết kia, đã cùng nhau thành lập Viện Kinh tế, Văn hóa và Nghệ thuật. Từ đây, những ước mơ, những khát vọng của cô gái sau bao nhiêu năm trong những hành trình dài, sau những thành công rực rỡ, giờ đây đã được hiện thực hóa. Cả hai người đã cùng nhau xây dựng những ước mơ chung, cùng nhau kết nối và mang lại những giá trị to lớn hơn nữa cho cộng đồng, khẳng định tầm vóc của một nghệ sĩ không chỉ dừng lại ở ánh đèn sân khấu mà còn vươn xa trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc.

Dưới mái ấm chung này, cô gái xứ Nghệ còn tìm thấy một niềm hạnh phúc lớn lao nữa: những đứa con ruột của cô tiếp tục nối gót mẹ theo con đường nghệ thuật, và những đứa con riêng của chồng cũng ngày càng trưởng thành, giỏi giang. Điều đặc biệt là cả con đẻ và con nuôi đều gắn bó với nhau vô cùng thân mật, tạo nên một "gia đình lớn" đầy ắp tình yêu thương và sự sẻ chia.

Tiếng hát của cô gái xứ Nghệ, từ cội nguồn dân ca quê hương, qua những chiến trường gian khó, đến đỉnh cao danh vọng, và giờ đây là bục giảng cùng với viện nghiên cứu, vẫn vang mãi, như dòng chảy của quê hương, âm thầm bồi đắp cho những thế hệ mai sau, và minh chứng cho một hành trình tìm kiếm, giữ gìn hạnh phúc trọn vẹn và cùng nhau vững bước trên con đường thiên lý hôm nay./.

Tuấn Trần